Ngày 20/11/2007, Quốc hội khoá XII đã thông qua Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hoá. Bên cạnh đó Bộ Khoa học và Công nghệ đang xây dựng “Chương trình hỗ trợ DNNVV nâng cao năng suất chất lượng”; và tiếp tục thực hiện “Chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ của DN” theo Quyết định số 68/2005/QĐ-TTg ngày 4/4/2005 của Thủ tướng Chính phủ với mục tiêu nâng cao nhận thức và khả năng cạnh tranh của DN Việt Nam thông qua việc hỗ trợ xác lập, khai thác bảo vệ và phát triển tài sản trí tuệ.
Hiện tại, 3 Trung tâm Hỗ trợ kỹ thuật DNNVV thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang triển khai xây dựng chương trình hỗ trợ cụ thể từng lĩnh vực đáp ứng yêu cầu DN. Ngoài ra, một số Bộ, ngành đang xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích các cơ quan nghiên cứu khoa học, công nghệ liên kết, chuyển giao cho DNNVV trong ngành ứng dụng khoa học công nghệ trong hoạt động sản xuất kinh doanh.
Hiện nay, tại một số thành phố lớn như Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đã tổ chức các sàn giao dịch (giới thiệu chào mời, mua bán) trên mạng, góp phần hình thành các chợ ảo về công nghệ và thiết bị. Bộ Khoa học và Công nghệ đã tổ chức chuỗi các chợ thiết bị và công nghệ và chợ công nghệ thiết bị trên mạng (Techmart ảo) để xúc tiến thị trường khoa học công nghệ, nhằm phổ biến và làm cho các DN, các nhà sản xuất và các địa phương nhận thức đúng hơn về năng lực thật sự của các nhà khoa học và công nghệ Việt Nam.
Ngoài ra, Bộ Khoa học và Công nghệ còn triển khai mô hình “cung cấp thông tin phục vụ vùng sâu, vùng xa” ở một số tỉnh để giúp DN nắm bắt đầy đủ các thông tin mới nhất về kỹ thuật trong trồng trọt, chăn nuôi, chế biến nông sản; danh sách các chuyên gia trong lĩnh vực này. Nhiều hoạt động khác đang được thực hiện như: xúc tiến việc thiết lập thị trường công nghệ, giúp các DN tiếp cận, theo đó là ứng dụng công nghệ mới, xây dựng quy định về thể chế để đưa Quỹ Phát triển Khoa học công nghệ quốc gia vào hoạt động.
Công nghệ và con người giữ vai trò quyết định trong phát triển kinh tế - xã hội, là động lực tăng trưởng kinh tế, nâng cao khả năng cạnh tranh của hàng hoá trên thị trường. Thế nhưng, thực tế nước ta hiện nay cho thấy, phần lớn các DN Việt Nam đặc biệt là các DNNVV đang sử dụng công nghệ lạc hậu tới 3-4 thế hệ so với các trình độ công nghệ trung bình thế giới. Trong khu vực các DNNVV ngoài quốc doanh, nhiều DN sử dụng các trang thiết bị thải loại của các DN nhà nước.
Một số tổ chức của Liên Hiệp Quốc, tổ chức phi chính phủ các nước và tổ chức quốc tế cũng có những dự án, chương trình hỗ trợ cho phát triển các DNNVV.
Mặc dù vậy, trong chính sách hỗ trợ công nghệ cho các DNNVV còn có những hạn chế sau:
- Chưa tìm cách gắn kết các trường đại học với các DN, buộc các nhà nghiên cứu, giảng dạy phải gắn với thực tế, có nhiều sáng kiến, giải pháp tốt giúp đỡ cho các DN.
- Sự hoạt động của các trung tâm và các dự án hỗ trợ rời rạc, lẻ tẻ, thiếu sự phối hợp với nhau. Do vậy, toàn bộ chương trình, kế hoạch hoạt động của các tổ chức đó có nhiều hạn chế và thiếu một chiến lược bền vững.