Đối với các DNNVV, quá trình đi tìm mặt bằng sản xuất đang là phức tạp nhất, kéo dài nhất và tốn kém không ít trong các thủ tục hành chính để thành lập DN. Theo khảo sát của Tổ chức Hợp tác kỹ thuật phi Chính phủ của CHLB Đức (GTZ), để được Nhà nước giao đất, DN phải trải qua 7 thủ tục với thời gian trung bình khoảng 230 ngày và qua rất nhiều cơ quan liên quan. Theo một khảo sát khác, để có được đất trên thị trường thứ cấp chỉ mất chưa đến 07 ngày, nhưng sau đó, thủ tục
đăng ký giao dịch và xin giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lại rất phức tạp và tốn nhiều thời gian. Vì vậy, DNNVV vẫn phải sử dụng đất của gia đình hoặc đất đi thuê lại của bà con nông dân trong xã, nhưng nhà xưởng để lẫn trong khu dân cư thường ảnh hưởng đến môi trường sống của dân cư, nhất là các làng nghề lại gây ô nhiễm môi trường. Nhiều DN phải thuê lại mặt bằng của DN Nhà nước với giá cao, thời hạn ngắn, nhưng cũng không thuận lợi cho việc mở rộng quy mô sản xuất.
Việc thành lập các Cụm công nghiệp (CCN), Khu công nghiệp (KCN) nhỏ và vừa là một trong những giải pháp về mặt bằng sản xuất cho các DNNVV. Tuy vậy, mỗi KCN nhỏ và vừa chỉ có thể giải quyết cho trên dưới 20 DN là đã quá tải. Để vào được các CCN, KCN nhỏ và vừa cũng rất khó khăn, DN phải được xét với rất nhiều tiêu chí. Trong khi đó, hầu hết các dự án đầu tư KCN, Khu chế xuất tập trung với hạ tầng hiện đại thì giá thuê thường cao, phải trả tiền một lần cho thời gian dài với số tiền nhiều khi vượt cả số vốn của DNNVV. Các DNNVV còn phải vượt qua những trở ngại như: Quy hoạch đất đai chưa ổn định; thời gian chờ đợi nhận đất trong các khu công nghiệp quá lâu; đối xử không công bằng trong việc chuyển quyền sử dụng đất do chính sách ưu đãi tiền thuê đất được áp dụng chủ yếu cho các DN nhà nước và DN có vốn đầu tư nước ngoài.