* Thứ nhất là: Khâu nghiên cứu nhu cầu khách hàng và quảng cáo về chi nhánh Hà Nội
Cạnh tranh trong cơ chế thị trường khiến cho mọi doanh nghiệp đều phải tìm mọi cách để thu hút khách hàng đến với doanh nghiệp mình, lượng khách hàng càng lớn thì doanh nghiệp đó càng lớn mạnh. Và ngược lại không có khách hàng sẽ đồng nghĩa với sự phá sản của doanh nghiệp. Nắm chắc quy luật đó, chi nhánh Hà Nội nhất thiết cần trang bị cho mình một chiến lược thu hút khách hàng trong nước, đảm bảo cho mình một chỗ đứng vững chắc trên thị trường. Nội dung của chiến lược có thể linh hoạt tuỳ theo từng thời điểm, tuy nhiên về cơ bản là:
- Khuyếch trương hình ảnh và uy tín của chi nhánh thông qua các hình thức quảng cáo, tham gia các hội thảo, mở các hội nghị khách hàng nhằm thu thập những ý kiến phản hồi từ phía khách hàng để có sự điều chỉnh lại hoạt động của chi nhánh cho phù hợp.
- Cạnh tranh với các đối thủ khác bằng cách giảm mức phí ủy thác nhập khẩu. Để làm được điều này chi nhánh phải không ngừng hoàn thiện và nâng cao hiệu quả trong hoạt động kinh doanh của chi nhánh mình.
- Đẩy mạnh tiếp thị trực tiếp, chăm sóc khách hàng nhằm củng cố lực lượng khách hàng quen thuộc và thu hút những khách hàng mới đến với chi nhánh.
- Luôn luôn lấy chữ tín làm đầu: chất lượng sản phẩm, thời gian và hoạt động cung cấp hàng hóa…chi nhánh luôn phải đảm bảo giữ chữ tín với khách hàng.
*Thứ hai là: Hoạt động nghiên cứu thị trường
Nghiên cứu thị trường trong nước để tìm đối tác là một hoạt động không thể thiếu trong quá trình kinh doanh xuất khẩu của chi nhánh Hà Nội. Và đây chính là một khâu quan trọng quyết định sự thành công của chi nhánh. Nghiên cứu thị trường thực chất là nghiên cứu về xu hướng tiêu dùng của một loại hàng hóa nào đó. Quá trình thu thập thông tin đầy đủ chính xác, từ đó đánh giá các xu hướng thị trường trong tương lai sẽ giúp chi nhánh có những quyết định đúng đắn trong kinh doanh. Tuy nhiên, như đã phân tích ở trên chi nhánh vẫn còn nhiều vướng mắc tồn lại ở khâu này. Để giải quyết những vướng mắc đó, chi nhánh nên tổ chức một qui trình nghiên cứu thị trường một cách đồng bộ hơn. Cụ thể đối với thị trường trong nước như sau:
- Chủ động thâm nhập vào thực tế sản xuất của các đơn vị sản xuất có nhu cầu nhập khẩu hệ thống thiết bị thông qua những mối quan hệ mà chi nhánh đã có trước đây nhờ nhập khẩu những dây chuyền thiết bị cho họ để tìm hiểu kế hoạch sản xuất kinh doanh (mặt hàng, tiêu chuẩn chất lượng) từ đó xác định nhu cầu cụ thể của các đối tượng khách hàng này
- Và điều quan trọng là phải nghiên cứu được chu kỳ sống của sản phẩm để giúp chi nhánh định hướng nhập khẩu những linh kiện, máy móc, thiết bị phù hợp.
- Nghiên cứu số lớn các doanh nghiệp sản xuất tiêu biểu để rút ra xu hướng phát triển nhu cầu về linh kiện, hệ thống máy móc, cụ thể mục tiêu nghiên cứu là các giai đoạn phát triển sản xuất, các nhu cầu đòi hỏi đổi mới hệ thống thiết bị, qui mô của nhu cầu đó, những bộ phận nào ưu tiên đổi mới, khả năng về vốn để đảm bảo thanh toán...
- Luôn tìm hiểu và nắm bắt thông tin về các đối thủ cạnh tranh, điểm mạnh, điểm yếu của họ để có thể rút ra cho mình cách thức hoạt động phù hợp.
- Nghiên cứu tình hình nhập khẩu hệ thống thiết bị ở những khu vực địa lý khác nhau trên toàn miền Bắc.
- Nghiên cứu xu hướng đầu tư của Nhà nước đang chú trọng vào lĩnh vực nào hay khu vực nào để kịp thời đưa ra các phương án nhằm nắm bắt cơ hội kinh doanh.
Trên đây mới chỉ bàn đến khía cạnh thị trường trong nước, còn một mảng nữa rất quan trọng không thể bỏ qua, đặc biệt trong lĩnh vực máy móc, thiết bị, đó là thị trường cung cấp các loại linh kiện, máy móc, thiết bị thế giới. Trong kinh doanh thương mại, tìm được nguồn hàng có ưu thế về giá cả, chất lượng, dịch vụ kèm theo... là đã thắng lợi một nửa. Đối với việc nghiên cứu thị trường nước ngoài, chi nhánh cần phải duy trì và củng cố hoạt động của các văn phòng đại diện tại nước ngoài trong việc nghiên cứu xu hướng thị trường máy móc, thiết bị trên thế giới. Để thực hiện tốt việc hỗ trợ hoạt động nghiên cứu thị trường, các văn phòng đại diện cần:
- Thu thập thông tin về máy móc, hệ thống thiết bị - công nghệ tạo điều kiện cho đồng nghiệp trong nước hiểu rõ hơn về nguồn máy móc, thiết bị, linh kiện trên thế giới hiện nay.
- Tiếp tục nghiên cứu tình hình kinh tế, chính trị, xã hội, các chính sách thương mại, chuyển giao công nghệ, điều kiện vận chuyển, bảo hiểm,... trong lĩnh vực xuất khẩu máy móc thiết bị của nước bạn.
- Tích cực tìm kiếm thị trường xuất khẩu từ khắp các nước trên thế giới nhằm phục vụ mục tiêu đa dạng hóa kinh doanh của công ty nói chung và chi nhánh Hà Nội nói riêng.
Hoạt động nghiên cứu thị trường trong và ngoài nước phải đảm bảo đưa đến cho chi nhánh một kết luận chắc chắn có nên nhận hợp đồng ủy thác hay không hoặc có nên đầu tư kinh doanh vào một loại linh kiện, máy móc, thiết bị nào hay không.