Đầu tư xây dựng hạ tầng sân bay

Một phần của tài liệu Nghiên cứu về sức cạnh tranh của ngành hàng không giá rẻ tại Việt Nam so với ngành hàng không giá rẻ trên thế giới (Trang 42 - 43)

2. Đề xuất chiến lược

2.1.1Đầu tư xây dựng hạ tầng sân bay

Đầu tư xây dựng hạ tầng sân bay là một vấn đề bức thiết đặt ra nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hàng không Việt Nam nói chung và hàng không giá rẻ nói riêng phát triển.

Quyết định phê duyệt Qui hoạch phát triển cảng hàng không, sân bay dân dụng có từ năm 1997. Mới đây, Bộ Giao thông vận tải đã trình chính phủ điều chỉnh quy hoạch đến năm 2020 và định hướng đến 2030. Theo đó, đến 2020, Việt Nam sẽ đưa vào khai thác, sử dụng 26 cảng hàng không, với 10 cảng quốc tế, 16 cảng nội địa.

Luật hàng không 2006 cho phép đa dạng hoá sở hữu sân bay, kể cả sở hữu tư nhân. Thời gian tới, các tổng công ty khai thác cảng sẽ ra đời thay thế cho mô hình cụm cảng hàng không hiện nay. Đây là một bước tiến quan trọng để phát triển hạ tầng sân bay. Tuy nhiên nhà nước cần mạnh dạn hơn nữa trong việc thu hút đa dạng nguồn vốn đầu tư vào sân bay để việc kinh doanh sân bay ngày càng trở nên năng động và chú trọng hiệu quả đầu tư. Một trong những hướng đi đó là chấp nhận sở hữu tư nhân về sân bay. Ta có thể thấy điều này qua kinh nghiệm của Thái Lan. Hãng hàng không tư nhân Bangkok Airways là chủ sỡ hữu của 3 sân bay Koh Samui, Trat và Sukho Thai. Việt Nam hoàn toàn có thể nghiên cứu và áp dụng kinh nghiệm đó.

Song song với giải pháp đó, có 1 mô hình và giải pháp hết sức táo bạo được đưa ra đó là thành lập các nhà ga, sân bay giá rẻ. Theo các chuyên gia hàng không giá rẻ khu vực Đông Nam Á, với việc các hãng hàng không giá rẻ đang là động lực chính thúc đẩy phát triển vận tải hàng không khu vực, việc thành lập các sân bay, nhà ga giá rẻ được coi là thức thời và cần thiết. Chúng ta có thể học hỏi kinh nghiệm thông qua sự tiên phong của chính phủ Malaysia. Chính phủ Malaysia đã đi đầu trong chiến dịch này tại châu á với việc xây dựng một nhà ga giá rẻ ngay tại sân bay quốc tế Kuala Lumpur với tổng vốn đầu tư hơn 29 triệu đô la Mỹ. Nhà ga này mở cửa tháng 3 năm 2006 với tổng công suất 10 triệu hành khách/năm và hiện nay đã phục vụ ở mức 6 triệu hành khách/năm. Malaysia dự tính sẽ còn tiếp tục mở rộng khu vực này với việc hãng hàng không giá rẻ AirAsia sắp mở các tuyến bay giá rẻ đường dài đi châu Âu. Các nhà ga, sân bay giá rẻ với thiết bị và tiện nghi đơn giản, hệ thống làm thủ tục nhanh trên Internet giúp họ tiết kiệm rất nhiều chi phí điều hành và duy trì được mô hình giá rẻ. Chính vì thế các hãng hàng không giá rẻ đều hoan nghênh những ý tưởng

xây dựng sân bay giá rẻ trong khu vực. Tuy nhiên việc đầu tư vào sân bay chỉ có thể phát huy tác dụng khi chính phủ cam kết tự do hoá thị trường.

Một phần của tài liệu Nghiên cứu về sức cạnh tranh của ngành hàng không giá rẻ tại Việt Nam so với ngành hàng không giá rẻ trên thế giới (Trang 42 - 43)