IV. LÝ LUẬN VÀ PHẢN BÁC 1 Ý kiến của giới chuyên môn
4. Vì sao cá basa Việt Nam rẻ hơn của Mỹ?
Các bè nuôi cá ở Châu Đốc, An Giang, cho dù phải đầu tư 500-700 triệu cho đến hàng tỷ đồng, vẫn rẻ hơn số vốn ít nhất cần thiết cho diện tích hồ tương đương để nuôi cá nheo ở Mỹ. Tiền công phải trả cho một nhân công nuôi cá ở Việt Nam là 500.000đ/tháng. Tuy nhiên, các nhà nuôi cá Mỹ lại không công nhận thực tế ấy. Trong đơn kiện Việt Nam bán phá giá cá da trơn filê đông lạnh, CFA cho rằng Việt Nam chưa có nền kinh tế thị trường và giá thành sản xuất cá basa, cá tra rẻ một phần vì được Nhà nước hỗ trợ.
Trước nhận định này của CFA, ngư dân Lê Văn Cư ở An Giang nói: "Thật ngạc nhiên khi nghe nói đơn kiện của phía Mỹ cho rằng những người sản xuất cá tra và cá basa được Nhà nước hỗ trợ. Tôi nuôi cá nhiều năm nay và đang có 6 bè cá, nhưng Chính phủ có phải trợ giá lần nào đâu. Hỗ trợ cho tôi chỉ có Agifish (Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Thuỷ sản An Giang) vì tôi là cổ đông của công ty và nuôi cá cung cấp cho nhà máy chế
biến". Ông Cư cũng cho rằng, việc Mỹ kiện Việt Nam bán phá giá cá filê là rất vô lý. Bởi theo ông, những nhà sản xuất Việt Nam đâu có giàu như những nhà sản xuất Mỹ mà chấp nhận lỗ để bán phá giá thị trường. Cá Việt Nam rẻ chỉ vì chi phí sản xuất thấp. Con giống thì đã cho đẻ nhân tạo nên rất rẻ, cá nuôi ở bè trên sông có dòng chảy liên tục nên chính môi trường tốt khiến cá lớn nhanh, ít nhiễm bệnh. Ông Cư chi li: "Ví dụ như tôi, nuôi 6 bè nhưng chỉ mướn 6 lao động với tiền công là 500.000đ/tháng/người, còn lại là người nhà lấy công làm lời. Phải canh lúc nào có giá cám rẻ để mua dự trữ… Tôi nói thật, những người nuôi cá Mỹ không thể làm được như chúng tôi để có cá rẻ…". Mặt khác, thức ăn nuôi cá chủ yếu đều do nông dân tự tìm chế biến như: tấm, cám, bắp, rau muống, bí đỏ, khoai lang, cá tươi hoặc cá khô. Đáng chú ý là vào mùa lũ, nguồn cá tạp rất nhiều nông dân vớt chúng cho cá ăn. Nhờ những yếu tố trên nên giá thành bình quân 1 kg thức ăn tự chế chỉ 1.800-2.000đồng. Việc nuôi cá ở bè cũng giúp giảm đáng kể chi phi đầu vào. Ông Trần Thanh Xuân, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản II-Bộ Thủy sản cho biết: "Sông Tiền và sông Hậu là hai con sông có lưu lượng nước khá lớn (nhất là mùa lũ) nên cũng có khả năng tự điều chỉnh nhằm cân bằng hệ sinh thái. Điều này giúp nông dân có thể nuôi được cá với mật độ dày, cho năng suất cao, trên 1m3 nước có thể đạt năng suất 150-170 kg cá basa hoặc cá tra thương phẩm. Đồng thời, do nước chảy xiết nên có đủ lượng oxy cho cá, không cần phải chi phí thêm hoặc chỉ phải chi phí ít cho công nghệ quậy nước để tạo thành dòng chảy trong bè, giảm được chi phí đầu vào". Trong khi đó, tại Mỹ thường nuôi cá trong hồ, không thể nuôi với mật độ dày lại phải đầu tư cho công nghệ quậy nước khiến giá cá bị đẩy lên cao. Cũng theo ông Xuân, do khu vực đồng bằng sông Cửu Long không có mùa đông nên cá có lớn quanh năm trong khi cá ở Mỹ chỉ lớn trong khoảng thời gian 7-8 tháng,
thời gian còn lại chỉ ngủ đông, không lớn hoặc lớn chậm. Điều này cũng khiến chi phí nuôi cá của các chủ trại Mỹ tăng lên.
Theo luật sư Frederichk Burke, Công ty Baker & McKenzie của Mỹ, vấn đề gây tranh cãi chính là ở chỗ Việt Nam đã bán được quá nhiều cá với một mức giá quá rẻ cho người dân Mỹ. Tuy Uỷ ban Hiệp thương Quốc tế Mỹ cho rằng, việc này thật không bình thường, nhưng luật sư Burke phải thừa nhận thực chất Việt Nam có ưu thế hơn trong quá trình sản xuất. Với thời gian làm việc lâu năm ở Việt Nam và những thông tin nhận được, ông không tin rằng có một sự hỗ trợ, trợ giá hay bảo hộ gì của Nhà nước trong việc nuôi cũng như xuất khẩu cá basa. Cũng thật khó để khẳng định phía Việt Nam thẳng hay không, nhưng với tư cách một luật sư, ông tin rằng Việt Nam hoàn toàn có thể thắng.
Trước khi hiệp định Thương mại Việt - Mỹ (BTA) được phê chuẩn, hai chủ trại của CFA là công dân bang Lusiana đã đích thân tới Châu Đốc (An Giang) thăm quan các bè cá basa, cá tra để tìm hiểu tại sao cá của Việt Nam lại có giá rẻ đến như vậy. Sau khi tìm hiểu toàn bộ quy định canh tác từ thả nuôi, chăm sóc đến thu hoạch cá, họ hiểu rằng, toàn bộ chi phí đầu vào cho việc nuôi trồng ở Việt Nam rẻ hơn nhiều so với nước mình. ở Châu Đốc, các bè nuôi cá, cho dù phải đầu tư 500-700 triệu cho đến hàng tỷ đồng Việt Nam, vẫn rẻ hơn số vốn đầu tư cần thiết cho một diện tích hồ tương đương để nuôi cá nheo Mỹ. Mặt khác, tỷ lệ cá giống thả nuôi cho thu hoạch ở Mỹ là 30% vì chim ăn (Chính phủ Mỹ có luật bảo vệ chim muông nên không ai dám bắn) nên hao hụt tới 70%. Trong khi tỷ lệ hao hụt trung bình tại Châu Đốc chỉ tối đa là 10%. Hoàn toàn hài lòng, nên lúc chia tay, các chủ trại cá nheo Mỹ còn hứa hẹn một ngày sẽ quay lại Việt Nam cùng ngư dân nuôi cá khi BTA có hiệu lực.