Nguyên nhân của những hạn chế

Một phần của tài liệu Quản lý và phát triển vùng nguyên liệu mía của công ty TNHH đường mía Việt Nam-Đài Loan (Trang 60 - 63)

2.5.3.1. Nguyên nhân khách quan

- Nền kinh tế toàn cầu đang giảm sút, suy thoái dẫn đến nhu cầu tiêu thụ đường trên thế giới và trong nước sụt giảm. Do vậy ảnh hưởng đến lượng đường và giá đường tiêu thụ của công ty. Vấn đề quản lý và phát triển vùng nguyên liệu của công ty không thể tách rời với hiệu quả sản xuất kinh doanh của công ty. Khi công ty làm ăn có lãi khi đó có nhiều thuận lợi để phát triển vùng nguyên liệu, tuy nhiên khi công ty gặp khó khăn thì phát triển vùng nguyên liệu mía của công ty cũng gặp khó khăn.

- Hiện nay giá cả các đầu vào để sản xuất nông nghiệp cũng như sản xuất mía như: Phân bón, thuốc phòng trừ sâu bệnh, giá nhân công lao động, giá nhiên liệu tăng cao, gây khó khăn cho người trồng mía.

- Tỉnh Thanh Hóa đã có quy hoạch cho công ty nhưng diện tích thực tế trông mía lại thấp rất nhiều so với quy hoạch. Quỹ đất không có đủ 18.000 ha như yêu cầu, tỉnh Thanh Hóa quy hoạch lại chỉ có 13.210 ha,

tỉnh lại giảm diện tích quy hoạch trồng mía cho công ty bằng việc them 4 nông trường chuyển sang trực thuộc Công ty cao su. Quỹ đất manh mún, chia nhỏ lẻ, khó áp dụng cơ giới hóa, hiệu quả của người trồng mía trên diện tích nhỏ thu lợi không đáng kể.

- Thời tiết khí hậu rất khắc nghiệt, mùa khô kéo dài từ tháng 11 đến hết tháng 6 năm sau ( 7 tháng lượng mưa không đảm bảo đủ cho cây mía phát triển). Khi vào mùa mưa thì thường hay ngập úng, đặc biệt lũ sông Bưởi thường xuyên gây thiệt hại cho diện tích 2.500 ha mía ở hai bên bờ sông, kết hợp với dịch bọ hung, rệp mía phá hoại.

- Người trồng mía đa số là đồng bào dân tộc, dân trí thấp, đời sống còn nghèo, ít vốn đầu tư và chưa có ý thức tư duy sản xuất hàng hóa, trình độ thâm canh cây mía còn rất thấp làm cho năng suất mía khu vực thấp, hiệu quả người trồng mía chưa cao, còn nhiều nông hộ muốn trồng mía nhưng không có vốn để trồng mía.

2.5.3.2. Nguyên nhân chủ quan

- Hình thức đầu tư gián tiếp thông qua ngân hàng cho vay vốn và các đơn vị đầu tư (Công ty phân bón, dịch vụ máy cày) đã hạn chế rất nhiều đến khả năng thâm canh tăng năng suất và mở rộng diện tích trồng mía trong toàn vùng vì người trồng mía không có đủ vốn và không kịp thời. Các Công ty phân bón phải đầu tư trả chậm nên bán ra lượng phân rất ít, vốn vay ngân hàng thì khó khăn, do đó mía không có đủ phân bón dẫn đến năng suất thấp. Ngoài ra hình thức đầu tư gián tiếp cũng dẫn đến mối ràng buộc giữa Công ty và người trồng mía là lỏng lẽo, người trồng mía có thể bán mía cho nhà máy đường khác có giá cao hơn, Công ty không thể đưa ra pháp luật để xử lý được.

- Chính sách giá thu mua của Công ty luôn luôn thấp hơn giá thu mua của 2 Công ty Lam Sơn và Nông Cống, do đó cũng hạn chế việc mở rộng diện tích liên tục ở các năm.

- Hệ thống giống mía thay đổi chậm chạp, riêng giống MY5514 là giống có chữ đường thấp lại có chiều hướng tăng từ 35% đến 55%, đây là biểu hiện không có lợi cho cả người trồng mía và nhà máy. Các loại giống mía mới có được du nhập nhưng số lượng ít, nên hệ số nhân trồng chậm.

- Công tác tuyên truyền khuyến nông kỹ thuật trồng mía cho nông dân làm được rất ít, Công ty không muốn bỏ tiền làm việc này, hàng năm không mở lớp tập huấn cho nông dân. Có xây dựng các mô hình thâm canh nhưng không tuyên truyền mở rộng được, việc thăm quan học tập kinh nghiệm từ các nhà máy đường khác được tiến hành rất hạn chế.

- Cán bộ nông vụ trình độ kỹ thuật chuyên môn còn có những hạn chế, chưa làm tốt được công tác khuyến nông và chỉ đạo kỹ thuật cho dân, không đủ thời gian theo dõi chỉ đạo kiểm tra đồng ruộng. Hệ thống Nông vụ quản lý vùng nguyên liệu thiếu không có đủ người làm, chỉ có 54 người ( bao gồm cả bộ phận kinh tế, theo dõi đầu tư và thanh toán tiền mía cho dân), số cán bộ nông vụ thực tế ở 9 trạm chỉ có 48 người, quản lý 10.500 ha mía nằm ở 3 tỉnh, nơi xa nhà máy nhất là khoảng 75 km.

- Tổng giám đốc Công ty thường xuyên thay đổi, từ năm 2003 đến 2006 thay 4 tổng giám đốc, mỗi Tổng giám đốc lại có phương pháp điều hành khác nhau, quan điểm khác nhau, làm cho công tác nông vụ bị xáo trộn thường xuyên và rất khó thực hiện được các phương án tốt, gặp khó khăn trong công tác điều hành.

CHƯƠNG III: MỘT SỐ GIẢI PHÁP NHẰM HOÀN THIỆN VIỆC QUẢN LÝ VÀ PHÁT TRIỂN VÙNG NGUYÊN LIỆU MÍA CỦA CÔNG TY TNHH ĐƯỜNG MÍA VIỆT NAM- ĐÀI

LOAN

Một phần của tài liệu Quản lý và phát triển vùng nguyên liệu mía của công ty TNHH đường mía Việt Nam-Đài Loan (Trang 60 - 63)