III. Đánh giá công tác đấu thầu các dự án sử dụng vốn trong nước
2. Hiệu quả về chất lượng và tiến độ thực hiện dự án:
Trong nền kinh tế thị trường, muốn cho doanh nghiệp tồn tại và hoạt động hiệu quả, mang lại lợi nhuận thì phải cạnh tranh. Trong một kỳ thi, thí sinh muốn đạt điểm cao nhất, giành phần thưởng thì cũng phải cạnh tranh; như kỳ thi đại học, để vào được cánh cổng của trường đại học thì mỗi thí sinh phải vượt qua hàng chục thí sinh khác. Vì vậy, các doanh nghiệp cũng như các thí sinh tham dự cuộc thi, để chiến thắng họ phải chứng minh năng lực của mình. Các doanh nghiệp thì đưa ra những phương pháp kinh doanh tối ưu, các thí sinh thì vận dụng những kiến thức mà mình có được để làm bài thật xuất sắc. Kết quả là sau những cuộc cạnh tranh như vậy, sẽ thu được những doanh nghiệp vững mạnh, những thí sinh ưu tú.
Cũng như vậy, trong hoạt động đấu thầu, để có thể nhận thầu công trình, các nhà thầu phải cạnh tranh nhau rất quyết liệt. Các nhà thầu phải thể hiện sức cạnh tranh và năng lực của mình thông qua các biện pháp thi công tối ưu với thời gian thực hiện ngắn nhất và cũng với chi phí hợp lý nhất. Nếu không thực hiện đấu thầu, sẽ không có sự cạnh tranh, từ đó sẽ không có sự cố gắng, nỗ lực của các nhà thầu. Vì vậy, thông qua hình thức đấu thầu, Ban lựa chọn được những giải pháp kỹ thuật cho công trình một cách tối ưu.
Hơn nữa, sau khi được lựa chọn, nhà thầu phải ký hợp đồng với Ban đảm bảo thực hiện đúng yêu cầu về chất lượng và tiến độ như nhà thầu đã đưa ra. Sự ràng buộc trong hợp đồng buộc các nhà thầu phải thực hiện đầy đủ các cam kết. Đồng thời, Ban cũng thuê các tư vấn giám sát chặt chẽ trong quá trình nhà thầu thi công công trình. Do đó các công trình thi công được đảm bảo về chất lượng và tiến độ. Tuy nhiên cũng có những gói thầu mà chất lượng thi công không được đảm bảo, nhưng khi phát hiện ra, Ban đã kịp thời xử lý và thay thế bằng một nhà thầu khác. Điều đó cũng ảnh hưởng tới tiến độ thi công công trình. Nhưng tựu chung lại, thông qua công tác đấu thầu, Ban
đã chọn được những nhà thầu xứng đáng nhất, có năng lực nhất thực hiện gói thầu. Và nhà thầu được Ban chọn ra thông qua hoạt động đấu thầu là người trực tiếp tạo ra chất lượng công trình và tiến độ thực hiện.
Về chất lượng, tất cả các công trình được xây dựng đều đảm bảo yêu cầu kỹ thuật. Nhiều công trình đã được đánh giá cao như công trình đường nối quốc lộ 32 qua Trung tâm thể dục thể thao quốc gia đã được UBND thành phố Hà Nội đánh giá cao, được Bộ GTVT khen ngợi; công trình dự án cải tạo nút Nam Chương Dương được Nhà nước công nhận là “Công trình chất lượng cao”…
Về tiến độ thực hiện, do đặc thù của ngành xây dựng công trình giao thông, nên nhiều khi tiến độ thực hiện dự án chậm hơn so với tiến độ đã ký kết.
Tiến độ thực hiện các gói thầu
Đơn vị: gói thầu
Năm 2004 2005
Tổng số gói thầu đã hoàn thành trong năm 21 24 Số gói thầu hoàn thành đúng thời hạn 14 20 Số gói thầu hoàn thành không đúng thời hạn 7 4 Tỷ lệ gói thầu hoàn thành đúng thời hạn 66.67% 83.33%
(Nguồn: Ban QLDA 5)
Trong đó có nhiều nguyên nhân khách quan và một phần cũng do năng lực của các nhà thầu. Nguyên nhân khách quan ở đây là do công việc bàn giao mặt bằng của các địa phương rất chậm, không đáp ứng được các yêu cầu, do các địa phương chưa xử lý đồng bộ các phương án tái định cư; hội đồng giải phóng mặt bằng thành lập chậm, hoạt động kém hiệu quả. Do đó ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ thi công các gói thầu.
Tuy nhiên, tỷ lệ gói thầu hoàn thành không đúng thời hạn cũng đã giảm đi. Năm 2004 tỷ lệ gói thầu hoàn thành chậm tiến độ là hơn 33% thì đến năm 2005 tỷ lệ đó giảm xuống chỉ còn gần 17%. Điều đó cho thấy công tác quản lý dự án nói chung và công tác giám sát nhà thầu thi công của Ban đã được cải thiện.