KẾ TOÁN AAC
I. Nhận xét về công tác kiểm toán các ước tính kế toán được áp dụng tại công ty kiểm toán và kế toán AAC kiểm toán và kế toán AAC
1. Ưu điểm
Công ty kiểm toán và kế toán AAC là một trong những công ty kiểm toán hàng đầu tại khu vực miền Trung và Tây Nguyên. Có được thành công như vậy là nhờ công ty có được những chính sách đúng đắn khi tiến hành kiểm toán cho khách hàng:
♦ Về công tác kiểm toán báo cáo tài chính, công ty đã xây dựng được một hệ thống các thủ tục kiểm toán đối với từng khoản mục cụ thể. Khi tiến hành kiểm toán một khách hàng nào đó, kiểm toán viên sẽ chỉ cần nhìn vào bảng các thủ tục rút gọn này để thực hiện. Điều này là một thuận lợi cho các kiểm toán viên khi làm việc sẽ tiết kiệm được thời gian thiết kế các thủ tục. Các thủ tục công ty thiết kế để kiểm toán các khoản mục là tương đối đầy đủ. Cụ thể đối với các ước tính kế toán, các thủ tục được thiết kế là phù hợp với chuẩn mực kiểm toán số 540- “Kiểm toán các ước tính kế toán”.
♦ Công ty luôn có sự phân công nhân sự một cách khoa học, hợp lý khi kiểm toán báo cáo tài chính của khách hàng. Trong mỗi cuộc kiểm toán luôn có ít nhất là một kiểm toán viên chính đi cùng với các trợ lý kiểm toán viên. Trưởng đoàn kiểm toán sẽ căn cứ vào tính trọng yếu của từng khoản mục và trình độ cũng như kinh nghiệm của các thành viên trong đoàn để phân công nhiệm vụ một cách hợp lý. Riêng đối với các khoản mục là ước tính kế toán, do nhận thức được những rủi ro đối với các khoản mục này nên thông thường sẽ được kiểm toán viên chính kiểm tra. Sự phân công hợp lý như vậy sẽ hạn chế được các rủi ro không lường trước được khi kiểm toán các khoản mục ước tính kế toán.
♦ Một mặt nữa, đó là khi tiến hành kiểm toán, các khoản mục ước tính kế toán thường được kiểm toán cùng với các khoản mục liên quan. Chẳng hạn như, kiểm toán dự phòng nợ phải thu khó đòi thì sẽ tiến hành với kiểm toán nợ phải thu, kiểm toán dự phòng giảm giá hàng tồn kho sẽ kết hợp kiểm toán hàng tồn kho, kiểm toán dự phòng tổn thất đầu tư tài chính sẽ kết hợp với kiểm toán các khoản đầu tư tài chính, kiểm toán chi phí khấu hao tài sản cố định sẽ kết hợp với kiểm toán tài sản cố định... Và do đó, việc kiểm toán các khoản mục liên quan này thông thường sẽ do một người phụ trách hoặc nếu không phải là một người thì những người này sẽ phối hợp chặt chẽ với nhau khi thực hiện. Phân công như vậy sẽ giúp không bỏ sót các mục tiêu kiểm toán và tiết kiệm thời gian, chi phí cho cuộc kiểm toán.
♦ Đối với các ước tính kế toán, kiểm toán viên thường kiểm tra hết toàn bộ chứ không chọn mẫu. Điều này giúp hạn chế rủi ro cho công ty vì bản thân các khoản mục ước tính đã tiềm ẩn rất nhiều rủi ro.
2. Hạn chế
Công tác kiểm toán báo cáo tài chính nói chung và kiểm toán các ước tính kế toán nói riêng của công ty tuy có nhiều ưu điểm, góp phần làm nên thành công của công ty như ngày hôm nay nhưng cũng còn một vài hạn chế còn tồn tại:
♦ Các thủ tục công ty thiết kế để kiểm toán các khoản mục ước tính kế toán là tương đối đầy đủ nhưng thường không được thực hiện hết. Thông thường trong một cuộc kiểm toán, kiểm toán viên sẽ lựa chọn các thủ tục kiểm toán để thực hiện và phân công chi tiết cho các thành viên trong đoàn. Việc lựa chọn thủ tục nào được thực hiện
hoàn toàn phụ thuộc vào sự xét đoán của kiểm toán viên. Điều này đôi khi không thể đánh giá hết được về công tác lập, ghi sổ và trình bày các ước tính kế toán của đơn vị.
♦ Do sức ép về thời gian và chi phí kiểm toán, nhất là khoảng thời gian các đơn vị phải gấp rút hoàn thành báo cáo tài chính để phát hành ra công chúng mà có thể gây áp lực không nhỏ đến công việc của đoàn kiểm toán.Trong khi các ước tính kế toán đa phần dựa trên các giả định, cơ sở và phương pháp tính toán phức tạp. Vì thế, việc thu thập các thông tin cho việc lập các ước tính kế toán còn chưa được đẩy đủ. Do đó, các rủi ro không mong muốn có thể xảy đến đối với công ty.
♦ Ngoài ra, công việc kiểm toán thường diễn ra cao điểm vào thời điểm cuối năm và vào đầu của năm sau nên Đoàn kiểm toán thường không tham gia chứng kiến kiểm kê với đơn vị. Điều này có thể ảnh hưởng đến mục tiêu kiểm toán sự tồn tại đối với các ước tính kế toán như dự phòng giảm giá hàng tồn kho, khấu hao tài sản cố định. Mặt khác, cũng do nhu cầu cao của khách hàng mà số lượng nhân viên kiểm toán thì có hạn nên số thành viên tham gia kiểm toán ở các đơn vị thường ít, do đó công tác kiểm toán các khoản mục là tài khoản điều chỉnh của các khoản mục chính thường không được chú trọng. Điều này dễ dẫn đến tồn tại một số rủi ro mà đoàn kiểm toán không thể kiểm soát hết được.
♦ Theo chuẩn mực kiểm toán số 540-“Kiểm toán các ước tính kế toán”: “Kiểm toán viên có thể tự lập hoặc thu thập một ước tính kế toán độc lập và so sánh kết quả ước tính độc lập đó với ước tính kế toán do đơn vị lập. Tuy nhiên, trong thực tế thủ tục này chưa được thực hiện phổ biến. Và do vậy việc kiểm tra mục tiêu sự đánh giá hợp lý còn chưa được đảm bảo do các ước tính kế toán đa phần là có phương pháp tính toán phức tạp..
♦ Đối với kiểm toán dự phòng nợ phải thu khó đòi, đa phần vì sức ép về thời gian và chi phí kiểm toán nên kiểm toán viên hầu như chỉ kiểm tra những khoản nợ của các đối tượng tồn tại từ đầu kỳ đến cuối kỳ, trong kỳ không có nghiệp vụ phát sinh. Còn các khoản nợ của các đối tượng có phát sinh nghiệp vụ trong kỳ và còn số dư cuối kỳ thì hầu như chỉ đối chiếu xác nhận công nợ cuối kỳ, không kiểm tra lại chi tiết thời gian đáo hạn của các khoản nợ. Thêm vào đó, nếu trong kỳ dự phòng nợ phải thu khó đòi của đơn vị không phát sinh thì kiểm toán viên lại không tiến hành kiểm tra khoản mục này. Điều này là không hợp lý vì việc lập dự phòng nợ phải thu khó đòi là tùy thuộc vào các khoản nợ phải thu của đơn vị vào thời điểm cuối kỳ kế toán. Do đó, mục tiêu về sự đầy đủ trong kiểm toán dự phòng nợ phải thu khó đòi chưa được đảm bảo.
♦ Khi lập Bảng trích khấu hao trong kỳ để so sánh với số liệu của đơn vị, kiểm toán viên lấy số liệu tên tài sản và ngày tăng, giảm ngay trên file excel trích khấu hao trong kỳ đơn vị cung cấp mà không tiến hành kiểm tra lại liệu các tài sản đó có thực sự tồn tại hay không. Điều này là chưa hợp lý vì mục tiêu về sự tồn tại của tài sản cố định được khấu hao chưa được đảm bảo.
♦ Các sự kiện phát sinh sau ngày kết thúc niên độ cũng là một nhân tố ảnh hưởng không nhỏ đến báo cáo tài chính nói chung và các ước tính kế toán nói riêng. Các nghiệp vụ và sự kiện phát sinh sau ngày kết thúc năm tài chính nhưng trước ngày lập báo cáo kiểm toán có thể cung cấp các bằng chứng kiểm toán có liên quan đến việc lập các ước tính kế toán của đơn vị được kiểm toán. Việc kiểm toán viên soát xét các nghiệp vụ và sự kiện trên có thể giúp giảm bớt hoặc có thể không phải thực hiện việc soát xét và kiểm tra quá trình lập ước tính kế toán của đơn vị hoặc sử dụng một ước tính độc lập để đánh giá tính hợp lý của các ước tính kế toán. Tuy nhiên, vì các sự kiện
này ít khi xảy ra nên việc xem xét, đánh giá ảnh hưởng của chúng đến ước tính kế toán và báo cáo tài chính ít được quan tâm và trình bày trong hồ sơ kiểm toán.