ĐIỀU KIỆN ĐỂ PHÁT TRIỂN GIAO DỊCH QUYỀN CHỌN CHỨNG KHOÁN: THỰC TRẠNG TẠI VIỆT NAM
2.2.1 Quyền chọn ngoại tệ
Ngày 10/01/1998, trên cơ sở nhận thức sự cần thiết thúc đẩy giao dịch ngoại hối phát triển, thống đốc NHNN đã ký quyết định 17/1998/QĐ_NHNN ban hành quy chế giao dịch hối đoái (quyết định 17). Quy chế này đã tạo cơ sở pháp lý cho hoạt động kinh doanh ngoại tệ của các NHTM, tạo công cụ phòng ngừa rủi ro tỷ giá và lãi suất, đồng thời tăng cường sự quản lý và giám sát của NHNN về lĩnh vực ngoại hối. Tuy nhiên, với quyết định này thì giao dịch ngoại hối chỉ mới được thực hiện thông qua các công cụ giao ngay kỳ hạn và hoán đổi.
Ngày 12/02/2003, công văn số 135/NHNN-QLNH về giao dịch quyền chọn ngoại tệ, trước tiên là quyền chọn giữa ngoại tệ với ngoại tệ chính thức ra đời. Eximbank là NHTM đầu tiên thực hiện thí điểm nghiệp vụ này. Trong đó, công văn này đã quy định cụ thể nhằm triển khai thực hiện giao dịch quyền chọn ngoại tệ ở các ngân hàng như về đối tượng tham gia, đồng tiền giao dịch, thời hạn giao dịch, giới hạn số dư… Sau Eximbank, NHNN cũng cho phép 7 ngân hàng khác thực hiện thí điểm nghiệp vụ này, gồm có hai ngân hàng nước ngoài hoạt động tại Viet Nam là Citibank, HSBC chi nhánh TPHCM và 5 ngân hàng trong nước là BIDV, ACB, Vietcombank, ICB, và Argribank.
Sau 7 năm đi vào hoạt động, đến cuối năm 2004, quyết định 17/1998/QĐ- NHNN đã phát sinh những hạn chế. Vì vậy, ngày 10/11/2004, thống đốc NHNN đã ký quyết định số 1452/2004/QĐ-NHNN về giao dịch hối đoái của các tổ chức tín dụng để thay thế quyết định 17 và khắc phục những hạn chế này. Quyết định này có những điểm mới như chính thức cho phép tất cả các tổ chức tín dụng được phép thực hiện các giao dịch hối đoái đều được quyền thực hiện giao dịch quyền chọn ngoại tệ mà không cần phải xin phép NHNN. Qua đó, thời điểm này NHNN đã chấm dứt thời gian thí điểm nghiệp vụ này. Đồng thời, quy định kỳ hạn của giao dịch quyền chọn giữa các ngoại tệ với nhau do tổ chức tín dụng được phép và khách hàng tự thỏa thuận. Quy định này là một sự chuyển biến lớn trong cung cách quản lý các hoạt động giao dịch ngoại hối giúp thị trường quyền chọn nước ta ngày càng đa dạng hơn.
Bên cạnh đó, quyết định này cho phép các cá nhân được phép tham gia ngoài các tổ chức tín dụng, tổ chức kinh tế, tổ chức khác. Đây thực sự là một cơ hội cho các NĐT cá nhân có thêm một sân chơi mới trên thị trường tiền tệ.
Quyền chọn ngoại tệ là một công cụ bảo hiểm rủi ro tỷ giá, đứng trên giác độ là người bảo hiểm, các ngân hàng khi phát hành quyển chọn rất cần có số đông khách hàng để có thể làm trung gian cân đối hay điều hòa rủi ro giữa những người ký kết hợp đồng quyền chọn với ngân hàng. Tuy nhiên hiện nay lượng khách hàng sử dụng nghiệp vụ quyền chọn là rất ít và trên thực tế các ngân hàng Việt Nam buộc phải ký lại hợp đồng quyền chọn nhận được với các ngân hàng nước ngoài giống như dạng tái bảo hiểm. Sở dĩ phải làm như vậy vì ngân hàng có số lượng khách hàng tham gia nghiệp vụ quyền chọn quá ít và không đủ điều hòa rủi ro tỷ giá. Thêm vào đó, số lượng ngân hàng nội địa có khả năng tham gia nghiệp vụ quyền chọn còn ít nên việc tham gia quyền chọn với các ngân hàng nước ngoài là giải pháp tốt nhất. Tuy nhiên, làm như vậy thì các ngân hàng Việt Nam sẽ không có lãi vì phí quyền chọn thu được từ khách hàng lại phải đóng ở mức tương đương cho các đối tác nước ngoài.
Để có quyền chọn ngoại tệ DN phải trả một mức phí cho các NHTM. Mức phí này tùy thuộc vào từng thời điểm mà xu hướng ngoại tệ có biến động mạnh hay không, thời gian thực hiện hợp đồng dài hay ngắn. Trong thời gian đó nếu tỉ giá biến động có lợi cho DN thì DN thực hiện hợp đồng, còn nếu tỉ giá gây bất lợi thì DN được quyền hủy bỏ cam kết và họ đi mua, bán ngoại tệ bên ngoài cho hiệu quả hơn. Đương nhiên, tiền phí đã đóng DN phải chịu mất. Do chính sách tài chính quy định chưa đầy đủ nên khoản phí mất này DN rất khó hạch toán. Vì vậy, nhiều DN hiện nay còn lúng túng không biết phải hạch toán phí quyền chọn vào đâu thì coi là hợp lệ. Bản thân các ngân hàng là người phát hành quyền chọn cũng gặp vướng mắc: Khi thu phí quyền chọn ngân hàng phải chịu khoản VAT là 10%, nhưng sau đó nếu ngân hàng tham gia tái bảo hiểm với ngân hàng nước ngoài thì không được khấu trừ khoản VAT 10% và vô hình chung đã làm cho ngân hàng bị lỗ ngay khoản VAT 10%.
Về phần mình, các ngân hàng cũng thừa nhận, việc DN không sử dụng các công cụ phòng ngừa rủi ro cũng có lỗi của mình, vì đã không tư vấn đầy đủ cho
khách hàng. Đa số các ngân hàng chỉ mới dừng ở khâu đáp ứng các nhu cầu mua bán ngoại tệ của khách hàng chứ chưa đồng hành với DN bên bàn đàm phán ký kết hợp đồng xuất khẩu. Hơn nữa hiện nay tỷ giá USD đã khá ổn định nên đa số các DN đều chọn USD làm đồng tiền thanh toán quốc tế. Được biết, tỉ trọng thanh toán bằng USD chiếm khoảng 80% kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước, còn lại 20% là các ngoại tệ khác. Khi tỉ giá ổn định sẽ giúp DN chủ động hạch toán kinh doanh xuất nhập khẩu, vì vậy hiếm có đơn vị tìm giải pháp quyền chọn ngoại tệ. khi DN nhập khẩu thiết bị, vật tư trả chậm, việc thanh toán thường kéo dài, nhưng mua quyền chọn ngoại tệ thời gian giới hạn rất ngắn nên DN rất khó thực hiện. Cho nên công cụ quyền chọn ngoại tệ hiện tại rất hiếm DN lựa chọn. Vì vậy hiện nay các hoạt động giao dịch quyền chọn tại các ngân hàng chưa thật sự sôi động.