ĐIỀU KIỆN ĐỂ PHÁT TRIỂN GIAO DỊCH QUYỀN CHỌN CHỨNG KHOÁN: THỰC TRẠNG TẠI VIỆT NAM
2.3.2 Điều kiện về cơ sở pháp lý.
Để có thể áp dụng quyền chọn vào TTCK Việt Nam thì cần có một cơ sở pháp lý chặt chẽ và hợp lý. Từ khi TTCK ra đời ngày 20-7-2000, các văn bản pháp lý để tạo lập, vận hành và quản lý thị trường được các cơ quan nhà nước ban hành khá nhiều. Nhưng nhìn chung, những thiếu sót, bất cập vẩn còn rất lớn, TTCK Việt Nam vẫn còn rất non trẻ, đang trên con đường phát triển và trưởng thành. Ngày 29-6-2006, luật chứng khoán chính thức được Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam thông qua và có hiệu lực thi hành từ 1-1-2007, đánh dấu bước chuyển mình của TTCK Việt Nam, tạo một đường băng cất cánh cho thị trường. Qua hơn ba năm thực hiện, Luật Chứng khoán đã tạo ra khuôn khổ pháp lý cao nhất, từ đó loại bỏ nhiều mâu thuẫn, khác biệt với các văn bản pháp lý hiện hành, từng bước tạo ra hành lang pháp lý tương đối đồng bộ. Tuy nhiên, sau một thời gian phát triển, hoạt động về chứng khoán và TTCK có những bước phát triển mới, đòi hỏi phải bổ sung các quy định pháp luật cho phù hợp. Hiện nay thì dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi đang được UBCKNN hoàn thiện trước khi trình Bộ Tư pháp thẩm định và trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8 (diễn ra vào tháng 10/2010) và kỳ vọng Luật Chứng khoán sửa đổi hoàn thiện hơn các bất cập đang tồn tại về mặt pháp lý.
Hiện nay hệ thống văn bản pháp luật vẫn chưa quy định chi tiết cụ thể đối với chứng khoán phái sinh nói chung và quyền chọn chứng khoán nói riêng. Tại mục 7
điều 6 của Luát chứng khoán mới chỉ nêu định nghĩa về quyền chọn mà chưa có bất kỳ hướng dẫn cũng như quy định nào về quyền chọn cũng như giao dịch quyền chọn chứng khoán. Tại quyết định số 128/2007/QĐ-TTg ngày 02/08/2007 của thủ tướng chính phủ ”Về việc phê duyệt Đề án phát triển thị trường vốn Việt Nam đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020” củng chỉ nêu ” Phát triển các loại chứng khoán phái sinh như: quyền chọn mua, quyền chọn bán chứng khoán; hợp đồng tương lai; hợp đồng kỳ hạn; các sản phẩm liên kết (chứng khoán - bảo hiểm, chứng khoán - tín dụng, tiết kiệm - chứng khoán...); các sản phẩm từ chứng khoán hoá tài sản và các khoản nợ...” một cách chung chung mà chưa có kế hoạch cũng như hướng dẫn cụ thể.
Để đáp ứng được các yêu cầu pháp lý khi triển khai ứng dụng giao dịch quyền chọn chứng khoán thì Việt Nam cần phải xây dựng được luật chứng khoán phái sinh trong đó quy định chi tiết nguyên tắc và tổ chức hoạt động của thị trường này, đảm bảo được tính hiệu quả, công bằng, lành mạnh, bảo vệ được quyền lợi chính đáng của NĐT, dung hòa lợi ích của tất cả những chủ thể tham gia thị trường
Có thể thấy cơ sở pháp lý cho sự hình thành và phát triển các giao dịch quyền chứng khoán có một lỗ hổng lớn so với nhu cầu thực tế, mà không thể một sớm một chiều có thể khỏa lấp được. Hiện nay Các cơ quan chức năng đã và đang tập trung nghiên cứu, tham khảo nhằm ban hành các văn bản pháp luật liên quan để dần xóa bỏ lỗ hổng pháp lý lớn này, đưa thị trường quyền chọn vào đường băng của sự phát triển.