8. Cấu trúc của luận văn
2.1.2. Nguyên tắc hình thành kỹ năng
Phù hợp với quan điểm của lý luận dạy học hiện đại và tâm lý học hoạt động của học sinh, thì hình thành kỹ năng làm thí nghiệm vật lý cho học sinh tất yếu phải tuân theo các nguyên tắc sau [30]:
*Nguyên tắc 1: Bảo đảm tính mục đích trong quá trình hình thành kỹ năng.
Có mục đích mới có hướng triển khai hành động. Đích rõ thì hành động không lệch hướng. Giáo viên phải làm cho học sinh ý thức rõ ràng về mục đích của thí nghiệm, phải tổ chức tốt hoạt động định hướng để học sinh luôn hướng đích mà tìm cách thực hiện thí nghiệm. Giáo viên phải xác định rõ cấu trúc của hành động làm
thí nghiệm vật lý dự định hình thành cho học sinh, tìm kiểu định hướng thích hợp, xây dựng tiến trình tổ chức cho học sinh hoạt động nhận thức và triển khai thực hiện hành động.
*Nguyên tắc 2: Phải gắn hữu cơ với việc hình thành kiến thức vật lý.
Thí nghiệm vật lý là một bộ phận của phương pháp nhận thức vật lý. “Phương pháp là ý thức về sự tự vận động bên trong của nội dung”. Phương pháp chịu sự chi phối của nội dung. Khi hoạt động chiếm lĩnh các kiến thức vật lý khác nhau, học sinh vận dụng các thao tác, phương tiện thí nghiệm có khác nhau, thứ tự sắp xếp, phối hợp các thao tác cũng phải điều chỉnh cho phù hợp. Mỗi kiến thức vật lý sẽ có ưu điểm cho việc hình thành một số thao tác thí nghiệm vật lý nhất định. Hình thành kỹ năng làm thí nghiệm vật lý phải gắn hữu cơ với nội dung kiến thức vật lý mà học sinh sẽ thu nhận được.
*Nguyên tắc 3: Phải biến học sinh thành chủ thể của quá trình hình thành kỹ năng. Người ta chỉ có thể nắm vững cách thức hành động khi có chủ ý tìm hiểu cách thức hành động và thực sự muốn hành động. Phải tạo tình huống để học sinh có nhu cầu, duy trì được hứng thú làm thí nghiệm vật lý. Giáo viên phải tạo điều kiện để học sinh chủ động tham gia chuẩn bị và thực hiện thí nghiệm vật lý trong tâm trạng hưng phấn nhất.
*Nguyên tắc 4: Phải dựa vào và phát huy vốn kiến thức, kỹ năng học sinh đã có. Hình thành một kỹ năng mới phải dựa trên cơ sở kiến thức và kỹ năng đã có. Hình thành kỹ năng làm thí nghiệm cho học sinh ta phải tìm hiểu, sử dụng các kỹ năng, kiến thức có liên quan mà học sinh đã có từ cấp học, lớp học trước đó, các kinh nghiệm mà học sinh thu nhận được từ thực tế cuộc sống.
*Nguyên tắc 5: Hình thành dần từ các thao tác đơn lẻ đến hệ thống thao tác, từ
hành động đơn giản đến hành động phức tạp, nhiều thao tác.
Hình thành kiến thức hành động cũng phải đi từ đơn giản đến phức tạp. Học sinh bắt đầu từ việc tập thực hiện các thao tác thí nghiệm, hình thành các hành động thành phần đơn giản. Sau đó, tổ chức cho học sinh làm một số thí nghiệm vật lý
khác, khi thực hiện có sử dụng các hành động, thao tác đó, để chúng được sống lại, liên kết với nhau theo các trật tự khác nhau, đáp ứng các tình huống khác nhau của thí nghiệm vật lý, hình thành nên các hành động mới.
*Nguyên tắc 6: Phải tổ chức luyện tập đủ số lần, đủ mức độ cần thiết.
Kỹ năng được hình thành thông qua luyện tập. Khi luyện tập, nhận thức sẽ trở thành hành động thực tế. Mỗi lần tập là một lần kiến thức và kỹ năng được vận dụng để thực hiện hành động. Có luyện tập, các thao tác mới kết lại với nhau thành hệ thống. Hành động càng phức tạp thì càng cần phải luyện tập nhiều lần. Cần tổ chức luyện tập từ tình huống quen biết, đến tình huống có biến đổi để khả năng thực hiện hành động dược thử thách, phát triển, hành động được mềm dẻo hóa. *Nguyên tắc 7: Phải kiểm tra, đánh giá thường xuyên quá trình hình thành.
Kiểm tra để nắm mức độ hình thành, bổ sung kịp thời những thiếu sót trong quá trình nhận thức về hệ thống thao tác, điều chỉnh những sai lệch trong việc triển khai thực hiện quy trình trong thực tế.