Nguyên nhân khách quan:
Diễn biến nền kinh tế toàn cầu có những tác động xấu đến nguồn vốn ODA mà các Nhà tài trợ dành cho các nước nghèo. Các nước giàu có xu hướng cắt giảm viện trợ cho các nước nghèo, mặt khác, các nước công nghiệp phát triển cũng thay đổi chiến lược viện trợ quốc tế là giảm viện trợ ODA;
Sử dụng ODA như một hình thức ràng buộc ngày càng chặt sự phụ thuộc kinh tế và chính trị của các nước nghèo vào các nước giàu.
Cạnh tranh với các nước trên thế giới và trong khu vực diễn ra ngày càng mạnh mẽ trong khi Việt Nam chưa có nhiều kinh nghiệm, thiếu cơ chế chính sách phù hợp trong việc tiếp nhận, sử dụng và quản lý nguồn vốn ODA. Các dự án triển khai có tốc độ giải ngân chậm, ảnh hưởng đến các khoản cam kết cho vay tiếp theo và hiệu quả đồng vốn đầu tư cho Dự án.
Nguyên nhân chủ quan:
Quá trình lập kế hoạch để tìm nguồn vốn ODA của Việt Nam còn thiếu chi tiết, thiếu tính thuyết phục, chưa phối hợp đa ngành nên mức độ huy động vốn chưa phù hợp với yêu cầu hiện nay trong nước. Khâu hình thành và lựa chọn dự án còn mang tính tự phát, xuất phát từ nhu cầu riêng của Bộ, Ngành, Địa phương và theo sự gợi ý của Nhà tài trợ, thiếu sự phối hợp và gắn với chủ trương của Nhà nước, thiếu các mảng quy hoạch Ngành, Địa phương, quy hoạch vùng kế hoạch chưa đồng bộ... Những việc này đã khiến cho nguồn vốn hỗ trợ trở nên manh mún, cục bộ, không kết nối được các dự án với nhau một cách đồng bộ, chất lượng huy động của nhiều dự án không cao, dẫn đến việc lãng phí vốn ODA;
Chưa phát huy đầy đủ vai trò làm chủ trong huy động ODA, đặc biệt trong khâu chuẩn bị và thiết kế chương trình cho dự án.