Đối với việc vận động nguồn vốn ODA bao gồm 4 giải pháp cụ thể với mục tiêu thu hút nguồn vốn từ các Nhà tài trợ lớn và đối với việc thu hút ODA song phương với các Nhà tài trợ khác trên thế giới (đã, đang tài trợ cho Việt Nam nói chung và thành phồ Hồ Chí Minh nói riêng và những Nhà tài trợ khác có dự định muốn tài trợ).
Các dự án ưu tiên vận động theo nguồn vốn cần được bố trí sắp xếp theo nguyên tắc: (1) Trên cơ sở chính sách của các nhà tài trợ và khả năng từng nhà tài trợ; (2) Chủ trương vận động tài trợ của Chính phủ và khả năng tiếp nhận của Thành phố. Cụ thể như sau:
a.Vận động vốn ODA từ Nhật Bản: Nhật Bản là quốc gia tài trợ song phương lớn nhất trong số các nhà tài trợ cho Việt Nam nói chung và cho thành phố Hồ Chí Minh nói riêng với loại hình tài trợ đa dạng và có mối liên hệ chặt chẽ với nhau, mức tài trợ cho từng dự án cao và lâu dài, các điều kiện tài chính ưu đãi. Vì vậy, hướng bố trí các chương trình, dự án từ nguồn vốn này là các dự án nghiên cứu phát triển-dùng vốn viện trợ (các dự án nghiên cứu quy hoạch các ngành và lĩnh vực) sau đó xác định các dự án trọng điểm-sử dụng vốn vay ưu đãi. Các dự án lẻ, nhỏ có nhu cầu cấp bách sử dụng hình thức hỗ trợ kỹ thuật trực tiếp (phía Nhật giúp nghiên cứu lập dự án và sau đó sẽ tài trợ đầu tư)...
b.Vận động vốn ODA từ WB: WB là tổ chức tài chính đa phương lớn nhất thế giới, có khả năng tài trợ các dự án có quy mô lớn về các lĩnh vực từ nghiên cứu chính sách đến các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật và xã hội ở nhiều cấp độ khác nhau mang tính chiến lược, một khi các tổ chức của WB tham gia nghiên cứu hoặc đầu tư ở một lĩnh vực nào đó sẽ là điểm khởi đầu thu hút các nhà tài trợ khác cùng quan tâm và sẽ đồng tài trợ cho các dự án có liên quan. Trong tình hình tăng trưởng nền kinh tế của cả nước trong những năm qua, mức thu nhập bình quân đầu người của cả nước vẫn ở mức thấp của các quốc gia được hưởng chính sách ưu đãi về tài chính, tuy nhiên mức thu nhập bình quân của Thành phố có tăng hơn so với cả nước. Vì vậy, WB tập trung nghiên cứu và thử nghiệm các loại hình tài trợ khác nhau ở Thành phố, thể hiện ở mức vay của IDA đang có xu hướng khoanh lại và sẽ đi đến giảm dần, thêm vào đó IFC bắt đầu quan tâm đến các dự án đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng có sự tham gia của các đơn vị tư nhân và IDA cũng kêu gọi các nhà tài trợ khác cùng tham gia đồng tài trợ các dự án cơ sở hạ tầng kỹ thuật và bảo vệ môi trường. Vì vậy, xu hướng bố trí kêu gọi vốn và bố trí các dự án ưu tiên là tranh thủ tối đa nguồn vốn vay ưu đãi mà WB đã có tham gia nghiên cứu và cam kết trước đây, đồng thời cần tập trung xác định và giới thiệu các WB những dự án mới từ những chủ trương
c.Vận động nguồn vốn vay từ ADB: Đây là một tổ chức tài chính quốc tế mang tính khu vực, khả năng đầu tư cho các nước nghèo đang phát triển thuộc thành viên là rất cao, chính sách ưu đãi và lĩnh vực quan tâm mang tính chuyên sâu và tập trung. Đối với Việt Nam nói chung và Thành phố nói riêng, lĩnh vực được quan tâm nhiều là xây dựng hệ thống đường bộ và cung cấp nước sạch. Chính sách gần đây của ADB trong khuôn khổ tài trợ có tính đến việc giảm ưu đãi trong hỗ trợ nguồn tài chính, đầu tư tập trung vào việc tăng cường hiệu quả khai thác và quản lý hiệu quả các dự án đã đầu tư. Vì vậy, cần bố trí các dự án thu hút vốn từ nguồn tài chính này để hoàn thiện hệ thống cấp nước của Thành phố và tăng cường năng lực quản lý mạng cấp nước.
d.Đối với các nguồn vốn ODA song phương khác: Các nguồn ODA song phương từ các quốc gia khác đều có ODA dành cho Việt Nam nhưng ở mức thấp, hạn chế về số lượng vốn tham gia trong các dự án lớn và khung chính sách tài trợ cũng không rõ ràng, thường là theo các nhà tài trợ lớn như WB, ADB, Nhật Bản... hoặc theo từng giai đoạn, mức độ quan hệ ngoại giao giữa hai chính phủ. Do vậy cần bố trí các dự án ở khu vực này cho các dự án nhỏ-lẻ, các trợ giúp nghiên cứu lập dự án, thông qua các nhà tài trợ lớn kêu gọi đồng tài trợ trong cả đầu tư lẫn hợp tác kỹ thuật nghiên cứu quy hoạch...
Thực hiện tốt những vấn đề trên sẽ giúp Thành phố thu hút được những nguồn vốn tài trợ theo đúng quy hoạch chung của giai đoạn phát triển, đồng thời tìm đúng Nhà tài trợ cũng như đúng lĩnh vực mà Thành phố mong muốn được nhận tài trợ.