Đối với việc tiếp nhận nguồn vốn ODA gồm 4 giải pháp cụ thể, các giải pháp này nhằm rút ngắn thời gian tiếp nhận, quy trình dự án phù hợp, có kế
hoạch về vốn đối ứng, lịch trình trả nợ vay và đảm bảo có đầy đủ nhân sự có năng lực để thực hiện dự án.
a.Cần có thời gian và quy hoạch hợp lý cho quá trình tiếp nhận nguồn vốn ODA:
Để việc tiếp nhận nguồn vốn ODA nhanh chóng, thuận lợi, Thành phố nên có quy hoạch, lập báo cáo nghiên cứu, xem xét và phân loại theo tính ưu tiên của từng ngành, từng dự án xuất phát từ các quy hoạch ngành, liên ngành (quy hoạch chung) trên cơ sở đó bố trí sử dụng nguồn vốn ODA, xác định tỷ lệ, thời điểm thực hiện, khả năng cũng như kế hoạch trả nợ... cần phải được cân đối chung và tính toán kỹ lưỡng trong một quy hoạch tổng thể có tầm nhìn chiến lược để hướng việc sử dụng nguồn vốn ODA vào những mục tiêu kinh tế-xã hội quan trọng.
Cần thống nhất thủ tục chuẩn bị đầu tư giữa Việt Nam và Nhà tài trợ tránh kéo dài thời gian cho Chính phủ Việt Nam nói chung và cho Thành phố (đơn vị tiếp nhận dự án) nói riêng trong quá trình tiếp nhận dự án.
Chuyên gia quốc tế chuẩn bị dự án cần trực tiếp thảo luận với đơn vị thực hiện dự án, nêu rõ trách nhiệm phía Việt Nam phải thực hiện.
Cho phép có độ linh hoạt nhất định để có thể điều chỉnh một số nội dung dự án trong quá trình thực hiện cho phù hợp với yêu cầu thực tế (thường xa với thời điểm dự án được hình thành).
b.Quy trình của các chương trình, dự án ODA cần được chuẩn bị một cách kỹ lưỡng, cụ thể:
Quy trình chuẩn bị dự án cần rõ ràng hơn với sự hướng dẫn cụ thể trên cơ sở thống nhất của cả phía Việt Nam và nhà tài trợ.
Mục tiêu dự án cần phù hợp với quy mô tài chính và thời gian thực hiện, văn kiện dự án cần rõ ràng và chi tiết hơn giúp cho việc thực hiện hiệu quả dự án.
Cần có hướng dẫn rõ về thời gian thẩm định và phê duyệt, nếu quá hạn quy định, chủ đầu tư có quyền thực hiện theo dự án đề xuất.
Tinh giản thủ tục, tăng cường phân cấp mạnh mẽ cho các cơ quan quản lý ở địa phương và Ban quản lý dự án.
c.Phải có kế hoạch cho nguồn vốn đối ứng và lịch trình trả vốn vay một cách rõ ràng:
Phê duyệt kế hoạch vốn đối ứng dự án (kể cả cho chuẩn bị dự án) đủ và kịp thời và có quy trình cụ thể, tạo các điều kiện thuận lợi cho Ban quản lý dự án khi triển khai thực hiện dự án.
Phương án và lịch trình trả vốn vay cần được đưa vào quyết dịnh phê duyệt để có cơ sở ghi vốn hàng năm.
Tính toán kỹ hiệu quả của dự án và lập kế hoạch trả nợ đối với các khoản vay của nguồn vốn ODA (tùy vào đặc điểm của từng dự án, cơ chế tài chính thực hiện) vì cho dù như thế nào ODA cũng tạo ra gánh nặng về nợ phải trả nước ngoài.
d.Thành lập Ban QLDA có đủ năng lực, trình độ để thực hiện các chương trình, dự án ODA:
Lập Ban QLDA từ khi hình thành dự án, với nhân sự được đào tạo chuẩn bị kỹ nhất là về kiến thức và kinh nghiệm quản lý dự án.
Cần bố trí và đào tạo động ngũ cán bộ có năng lực thực sự để tham gia vào quá trình thực hiện dự án. Bên cạnh đó, cần hạn chế sử dụng nguồn lực của nước ngoài (chỉ áp dụng đối với những vị trí mà nguồn lực Việt Nam không đảm trách được).
Các Ban quản lý dự án phải xây dựng các quy chế họat động, các qui trình nghiệp vụ của từng bộ phận, từng cán bộ quản lý, xây dựng các tiêu chí tuyển dụng cán bộ.
Thực hiện tốt được các vấn đề trên sẽ giúp Thành phố có được những chương trình, dự án một cách nhanh chóng hơn, đảm bảo được thời gian từ tiếp nhận sẽ phù hợp với quy hoạch. Chuẩn bị tốt nguồn vốn đối ứng sẽ giúp việc tránh lãng phí do không có nguồn vốn hỗ trợ cho quá trình thực hiện dự án, kéo dài thời gian dự án dẫn đến việc lãng phí nguồn vốn ODA cũng như việc chuẩn bị và thực hiện tốt lịch trình trả nợ sẽ tạo niềm tin cho Nhà tài trợ không chỉ trong dự án đang tài trợ mà còn cho các dự án trong tương lai. Bên cạnh đó, việc chuẩn bị Ban QLDA với độ ngũ cán bộ có đủ năng lực sẽ đảm bảo cho dự án tiếp nhận được thực hiện một cách có hiệu quả hơn và đúng tiến độ đã cam kết.