Sự điều chỉnh mục tiêu, đường lối đối ngoại của Ấn Độ sau 1991.

Một phần của tài liệu Sự điều chỉnh chính sách đối ngoại của ấn độ từ 1991 đến 2008 (Trang 31 - 37)

Sau khi giành được quyền tự trị năm 1947, mục tiêu chiến lược cao nhất của Ấn Độ là hoà bình, độc lập, xây dựng đất nước giàu mạnh, bảo vệ sự thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, vươn lên khẳng định vai trò quốc tế ở khu vực và thế giới. Trong thời kỳ chiến tranh lạnh, Ấn Độ đã theo đuổi chính sách không liên kết, giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc, chống chủ nghĩa thực dân, chống chủ nghĩa Apacthai, chủ trương làm bạn với tất cả các nước chứ không nghiêng về bất cứ phe nào trong trật tự hai cực và thi hành một nền “kinh tế hỗn hợp” để có thể nhận viện trợ từ các nước tư bản cũng như các nước XHCN.

Sau khi chế độ XHCN ở Liên Xô và Đông Âu tan rã, Ấn Độ điều chỉnh chiến lược đối ngoại dần dần theo chủ nghĩa thực dụng, lấy lợi ích quốc gia làm cơ sở phát triển mối quan hệ với tất cả nước lớn. Từ 1991 đến 1997, do nội bộ mất ổn định, lập trường không liên kết bị chao đảo nên vai trò của Ấn Độ trên trường quốc tế bị giảm sút nghiêm trọng. Để phục vụ cho chương trình cải cách kinh tế, phát huy vai trò của Ấn Độ trong khu vực và trên toàn thế giới, trả lời phỏng vấn báo “Hinđu” ngày 19/4/1996, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao P.Mukherjee đã nói: “Mục tiêu hàng đầu trong chính sách đối ngoại của

chúng ta là điều chỉnh chính sách trong bối cảnh mới của thế giới từ sau chiến tranh lạnh. Trong bối cảnh đó, cần thiết phải xác định lại vai trò của Phong trào Không liên kết và hợp tác Nam - Nam. Động lực cơ bản của chính sách của chúng ta là thúc đẩy lợi thế quốc gia, đóng góp cho hoà bình, an ninh và hợp tác với tất cả các nước và đặc biệt là với thế giới đang phát triển” [15; 113].

Lên cầm quyền tháng 3/1998, Chính phủ của Đảng Nhân dân (BJP) do Thủ tướng Vajpayee cầm quyền nhận thức rõ: Ấn Độ muốn bảo vệ một lý

tưởng, cần phải có sức mạnh, năng động, đưa ra những chính sách cứng rắn để xây dựng sức mạnh trên mọi lĩnh vực, lấy lại vị thế mới. Do vậy, Ấn Độ đã điều chỉnh chính sách đối ngoại vượt ngoài truyền thống, bỏ nhân nhượng một chiều, nhấn mạnh có đi có lại. Những mục tiêu cụ thể của chính sách đối ngoại Ấn Độ trong thời kỳ này là:

- Bảo vệ độc lập chủ quyền, an ninh quốc gia.

- Tạo môi trường hoà bình, ổn định cho phát triển kinh tế.

- Tăng cường và mở rộng quan hệ với các nước lớn, các trung tâm kinh tế thế giới nhằm tranh thủ vốn đầu tư và kỹ thuật cao.

- Đẩy mạnh quá trình hội nhập khu vực và hội nhập toàn cầu.

- Nâng cao vai trò và vị thế của Ấn Độ trong khu vực và thế giới, đưa Ấn Độ trở thành một cường quốc ở châu Á và thế giới vào những thập kỉ đầu thế kỷ 21, giành vị trí xứng đáng trong trật tự thế giới mới [15; 114].

Ngoài mục tiêu đầu tiên là bảo vệ độc lâp, chủ quyền, an ninh và toàn vẹn lãnh thổ vẫn được giữ nguyên như thời kỳ chiến tranh lạnh, các mục tiêu khác đã được chuyển đổi hoặc cụ thể hoá hơn. Có thể nói rằng so với thời kỳ trước, những mục đích của chính sách đối ngoại của Ấn Độ thời kỳ này vẫn thiên về nội dung kinh tế hơn, mang tính thực tiễn hơn.

Đối với chính sách ngoại giao kinh tế, ngay từ sau khi chiến tranh lạnh kết thúc, đặc biệt từ giữa thập kỉ 90, thuật ngữ “ngoại giao kinh tế” đã được sử dụng khá rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng cũng như trong giới ngoại giao của Ấn Độ . Tuy việc thực hiện chính sách này không phải lúc nào và ở đâu cũng đạt được đúng với dự định và mong muốn của Ấn Độ nhưng việc đưa ra và triển khai chính sách này đã chứng tỏ một sự nhận thức mới trong các nhà hoạch định chính sách ngoại giao ở Ấn Độ. Nó đã chứng tỏ rằng việc phục vụ cho công cuộc cải cách kinh tế mà Thủ tướng N.Rao đã khởi xướng từ tháng 7/1991 đã trở thành một trong những nhiệm vụ quan trọng đầu tiên của chính sách đối ngoại Ấn Độ trong thời kỳ này. Ngay trong năm 1991, Bộ Ngoại giao Ấn Độ đã thành lập Vụ phối hợp kinh tế để nghiên

cứu tình hình kinh tế quốc tế, nhất là hướng lưu động vốn, lập uỷ ban xúc tiến đầu tư ở nước ngoài. Bộ Ngoại giao Ấn Độ cũng chỉ thị cho các sứ quán và phái đoàn bộ ngoại giao ở nước ngoài tăng cường thêm các hoạt động kinh tế. Ấn Độ còn chủ động mở các chiến dịch tuyên truyền với thế giới về những cơ hội mới xuất hiện từ khi Ấn Độ tiến hành cải cách cho các nhà đầu tư nước ngoài.

Trong chính sách ngoại giao thực tế, mặc dù đã có những chuyển hướng tích cực, nhưng theo đánh giá của một số nhà nghiên cứu và ngay cả các nhà bình luận trên phương tiện thông tin đại chúng ở Ấn Độ thì cho tới nửa đầu thập kỉ 90, chính sách đối ngoại Ấn Độ vẫn chưa theo kịp những chuyển biến mau lẹ của tình hình thế giới.Ví dụ điển hình nhất là sự thất bại của Ấn Độ trong cuộc bầu cử một đại diện châu Á vào chiếc ghế uỷ viên không thường trực tại Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc vào năm 1996. Để giành chiếc ghế này, trước đó Ấn Độ đã có một chiến dịch ngoại giao nhằm vận động những nước mà Ấn Độ hy vọng có thể nhận được sự ủng hộ, trong đó có nhiều nước thuộc Phong trào Không liên kết. Trên thực tế, Ấn Độ được sự ủng hộ bằng miệng và bằng cả văn bản của một số nước. Tuy nhiên kết quả cuộc bầu đã làm cho Ấn Độ bị bất ngờ. Ấn Độ chỉ giành được 40 phiếu, trong khi Nhật Bản được 142 phiếu. Một số nước trước đó đã hứa ủng hộ Ấn Độ bằng miệng và bằng văn bản nhưng vào phút chót lại quay sang ủng hộ Nhật Bản. Thất bại này của Ấn Độ về hiện tượng nó chỉ chứng minh rằng việc vận động ngoài hành lang của Nhật và Mỹ là rất quan trọng và đã gặt hái được những kết quả đáng ghi nhận nhưng về mặt bản chất thì nó đã chứng minh vai trò nổi bật của yếu tố kinh tế trong các mối quan hệ quốc tế ngày nay. Việc nước thuộc Phong trào Không liên kết đã ủng hộ Nhật Bản với hy vọng nhận được sự giúp đỡ về mặtt kinh tế của Nhật và đồng minh của Nhật là Mỹ và không ủng hộ Ấn Độ, một nước trụ cột và là lãnh tụ của Phong trào Không liên kết đã chứng tỏ mối quan tâm về mặt kinh tế đã bao trùm toàn bộ phong trào.

Điều này đã giáng một hồi chuông cảnh tỉnh đối với các nhà hoạch định chính sách đối ngoại của Ấn Độ. Đó là, cần phải thực tế hơn nữa trong khi hoạch định chính sách cho đất nước mình. Và Ấn Độ đã buộc phải thừa nhận một sự thật là, trong quan hệ quốc tế ngày nay, một quốc gia chỉ có tiếng nói có trọng lượng các vấn đề quốc tế khi nó có một sức mạnh tổng hợp của hai yếu tố kinh tế và quân sự, nếu không thì cũng phải có được một trong hai yếu tố. Ấn Độ đã không có cả sức mạnh kinh tế lẫn quân sự. Vì vậy, dù có thái độ đối xử sự đúng mực trong quan hệ quốc tế, Ấn Độ cũng không thể gặt hái được những thành công như sự mong đợi. Từ nửa sau thế kỷ 90 việc hoạch định chiến lược ngoại giao của Ấn Độ phải xuất phát từ thực tế này.

Chính vì vậy, tháng 5/1998, Ấn Độ đã thử hạt nhân để chứng tỏ Ấn Độ có khả năng tự vệ, góp phần bảo vệ an ninh quốc gia, tạo thế chiến luợc của một nước lớn, phá thế độc quyền hạt nhân của 5 cường quốc, tạo thế cân bằng và mặc cả với các nước lớn khác. Với đường lối độc lập tự chủ, khôn khéo, linh hoạt, theo đuổi chính sách ngoại giao thực dụng, năm 1999 Chính phủ Ấn Độ đã phá thế bế tắc trong đối thoại hạt nhân với Mỹ và các nước chủ chốt, phá vỡ được thế bị cô lập và từng bước nâng cao vị thế bị bao vây cô lập và từng bước nâng cao vị thế Ấn Độ trên trường quốc tế.

Mặc dù có những điều chỉnh trong chính sách đối ngoại trước những thay đổi của tình hình thế giới, song Ấn Độ vẫn không từ bỏ những quy tắc, mục đích mà Ấn Độ đã đề ra trước đó. Điều này xuất phát từ thực tế Ấn Độ là một nước lớn trên thế giới và là một nước đã từng có một quá khứ lịch sử huy hoàng, một quá khứ không phải bất kì dân tộc nào trên thế giới cũng có thể có được. Trong thời kì chiến tranh lạnh, để tránh khỏi bị lôi cuốn vào quỹ đạo của Mỹ hoặc Liên Xô, Ấn Độ đã chọn con đường đi giữa cho chính sách đối ngoại của mình và xuất hiện trên vũ đài quốc tế như một nước lãnh đạo của các nước thuộc thế hệ thứ ba, đứng giữa hai hệ thống đế quốc chủ nghĩa và XHCN. Sau khi chiến tranh lạnh kết thúc, để phục vụ công cuộc cải cách kinh tế ở trong nước và để thích ứng với sự thay đổi của tình hình quốc tế, Ấn Độ đã thực hiện chính sách đa dạng hoá, đa phương hoá quan hệ ngoại giao.

Tuy nhiên, với ý thức độc lập tự cường mạnh mẽ như đã nói ở trên, tuy điều chỉnh nhưng Ấn Độ sẽ không từ bỏ những điều mà Ấn Độ coi là đúng và có tính chất nguyên tắc của mình. Điều này đã thể hiện rõ trong những lời phát biểu của Thủ tướng N.Rao trong cuộc họp quốc hội ngày 3/9/1992: “Thế giới đã thay đổi, các nước đều đã thay đổi và không có gì có thể biện minh nếu Ấn Độ không thay đổi. Chúng ta phải điều chỉnh và có cách đề cập thực tế, nhưng chúng ta không bao giờ thay đổi nguyên tắc và mục tiêu” [15; 121].

Trong thực tế, Ấn Độ đã tỏ ra kiên quyết trong một số vấn đề như thử nghiệm vũ khí hạt nhân, vấn đề Casơmia, đặc biệt là vấn đề thử nghiệm vũ khí hạt nhân- một vấn đề trái với chiến lược toàn cầu của Mỹ. Nếu như Ấn Độ nhượng bộ vấn đề này, Ấn Độ có thể nhận được sự trợ giúp nhiều hơn về mặt kinh tế từ phía Mỹ và những nước đồng minh của Mỹ để phục vụ cho công cuộc cải cách kinh tế của mình, nhưng dù điều chỉnh chính sách, Ấn Độ vẫn không thay đổi điều này.

Bước sang thế kỉ XXI, Ấn Độ đang đẩy mạnh chiến lược ngoại giao đa dạng, đa hướng ở cường độ cao, tạo những bước đột phá trong quan hệ quốc tế, thông qua việc tiến hành một loạt các cuộc gặp thượng đỉnh trải rộng từ Châu Âu sang châu Á, đặc biệt là theo đuổi chính sách ngoại giao thực dụng, xích lại gần hơn với Mỹ, Nhật Bản và các nước lớn chủ chốt còn lại như Nga, Trung Quốc, tiếp tục đẩy mạnh ”chính sách hướng Đông”, tăng cường quan hệ với các nước láng giềng ở khu vực Nam Á và Đông Nam Á.

Ấn Độ chủ trương tiếp tục củng cố và phát huy vai trò nước lớn ở khu vực Nam Á, hạn chế thấp nhất ảnh hưởng của các nước lớn tại đây, tăng cường hợp tác kinh tế thông qua các chương trình viện trợ, đầu tư và buôn bán song phương với các nước trong khu vực Nam Á. Chủ động giải quyết các bất đồng , tranh chấp giữa các nước trong khu vực, Ấn Độ cũng khẳng định không có tham vọng về bành trướng lãnh thổ, sẵn sàng chia sẻ, giúp đỡ về khoa học- công nghệ với các nước láng giềng thân thiện.

Ấn Độ coi trọng quan hệ với khu vực Đông Nam Á nhằm mở rộng phạm vi ảnh hưởng của Ấn Độ và hạn chế vai trò ảnh hưởng của các nước lớn

khác tại đây như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản. Ấn Độ đánh giá khu vực Đông Nam Á là một thị trường rộng lớn, quan trọng đối với “Chính sách hướng Đông” của Ấn Độ. Quan hệ Ấn Độ- ASEAN đã có truyền thống lâu đời, năm 1992 Ấn Độ trở thành đối tác đối thoại khu vực. Năm 1996 trở thành thành viên của Tổ chức diễn đàn khu vực ASEAN (ARF). Trong điều kiện khi Hiệp hội hợp tác khu vực Nam Á (SAARC) chưa có hiệu quả ở khu vực thì sự hợp tác Ấn Độ với các nước Đông Nam Á là rất quan trọng.

Ấn Độ là một cường quốc có vũ khí hạt nhân, có nhiều thế mạnh về phát triển kinh tế, có thế mạnh trong lĩnh vực công nghệ thông tin, khoa học kỹ thuật và quân sự. Hơn một thập niên qua, Ấn Độ đã vươn lên khẳng định vị thế của mình trên bàn cờ chiến lược thế giới và đang có những bước đi phù hợp với những xu thế mới. Ấn Độ có đầy đủ điều kiện thực hiện tham vọng đóng vai trò là một cường quốc ở khu vực và trên thế giới trong thế kỉ XXI. Ấn Độ ngày càng chú trọng và có chính sách đối ngoại ở khu vực châu Á- Thái Bình Dương có vị trí quan trọng trong chiến lược phát triển và vươn lên khẳng định vai trò cường quốc thế giới của Ấn Độ.

Tóm lại, mục tiêu chiến lược xuyên suốt của Ấn Độ là phấn đấu trở thành cường quốc khu vực và thế giới, có nền kinh tế và tiềm lực quân sự mạnh, lãnh thổ thống nhất. Trong hai thập niên tới, Ấn Độ tiếp tục xúc tiến cải cách kinh tế, mở cửa mạnh mẽ cho đầu tư nước ngoài, thực hiện chính sách ngoại giao cân bằng với tất cả các nước lớn. Nỗ lực phát triển quan hệ với tất cả các trung tâm quyền lực, không để bị lôi kéo vào các liên minh chống đối nhau. Tách khỏi xu hướng thân Liên Xô trước đây nhưng vẫn coi trọng Nga, coi đây là nguồn cung cấp kỹ thuật quân sự chủ yếu và là chỗ dựa làm đối trọng trong quan hệ với Mỹ, Trung Quốc. Coi Mỹ là đối tượng số một cần tranh thủ về vốn và kỹ thuật cao nhưng vẫn đề cao cảnh giác. Coi Trung Quốc là thách thức số một về an ninh và toàn vẹn lãnh thổ, là địch thủ cạnh tranh lớn trên thương trường, nhưng để có môi trường hoà bình và phát triển, Ấn Độ xác định cần chung sống hoà bình, tăng cường hợp tác kinh tế- thương

mại với nhau. Ấn Độ nhấn mạnh tăng cường quan hệ với EU, Nhật Bản, ASEAN là những đối tác có những lợi ích chiến lược đối với Ấn Độ.

Trong hai thập kỉ đầu thế kỉ XXI, chính sách đối ngoại của Ấn Độ vẫn là không liên kết, nhưng ngày càng mang tính thực dụng hơn. Ấn Độ tiếp tục xích lại gần Mỹ, thắt chặt qua hệ với Nga, tranh giành ảnh hưởng với Trung Quốc quyết liệt hơn, đặc biệt là ở khu vực Đông Nam Á. Tuy nhiên, vì mục tiêu duy trì hoà bình, ổn định, tập trung phát triển kinh tế, trước mắt Trung Quốc chưa là mối đe doạ đối với Ấn Độ nên Ấn Độ vẫn duy trì chính sách hoà bình, cân bằng với tất cả các nước lớn.

Một phần của tài liệu Sự điều chỉnh chính sách đối ngoại của ấn độ từ 1991 đến 2008 (Trang 31 - 37)

w