Vai trò, vị trí quốc tế của Ấn Độ sau chiến tranh lạnh.

Một phần của tài liệu Sự điều chỉnh chính sách đối ngoại của ấn độ từ 1991 đến 2008 (Trang 82 - 89)

Trong chiến tranh lạnh, Ấn Độ tập trung các cố gắng của mình vào việc củng cố độc lập, phát triển kinh tế và thực hiện chính sách cân bằng giữa hai khối. Một thách thức với Ấn Độ trong thời kì này, đó là Ấn Độ phải xây dựng một chính sách đối ngoại phù hợp trong bối cảnh trên thế giới hình thành hai hệ thống kinh tế - xã hội đối lập nhau. Vì vậy, để củng cố độc lập và phát triển kinh tế, vươn lên giành vị trí xứng đáng trong cộng đồng quốc tế, Chính phủ Quốc Đại đã chọn “con đường đi giữa”, thi hành chính sách đối ngoại hoà bình, trung lập, không liên kết, không tham gia bất cứ liên minh quân sự nào, đứng giữa hai phe và phát triển quan hệ hữu nghị với tất cả các nước. Nêru coi đây là chính sách tốt nhất để Ấn Độ vừa duy trì được độc lập của mình trong các vấn đề quốc tế phù hợp với lợi ích dân tộc, vừa tranh thủ lợi dụng hai phe giúp Ấn Độ xây dựng và phát triển đất nước.

Vì vậy, tuy mới giành được độc lập, từ một xuất phát điểm là một nước nghèo nàn lạc hậu, trong bối cảnh quốc tế phức tạp, song Ấn Độ thực hiện một đường lối đối ngoại khôn ngoan, vừa phục vụ cho sự nghiệp phát triển kinh tế của mình vừa tạo dựng cho mình một vai trò quốc tế tương xứng với tầm vóc của mình trong các nước Thế giới thứ ba. Ấn Độ đã thực sự thành công trong việc xây dựng một chính sách đối ngoại độc lập, trung lập, không liên kết và coi trọng châu Á, không bị chi phối bởi các cường quốc trên thế giới, trở thành một nhân tố quan trọng trên trường quốc tế. Ấn Độ cũng tiếp tục nâng cao vai trò của mình trong khối đoàn kết Á- Phi, trong Phong trào Không liên kết đóng góp quan trọng vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc trên thế giới.

Sau khi chiến tranh lạnh kết thúc, sự tan rã của trật tự hai cực Ianta, sự sụp đổ của Liên Xô, Mỹ nổi lên với vị thế siêu cường duy nhất và hàng loạt

những trung tâm mới như EU, Nhật Bản và Trung Quốc có vai trò ngày càng quan trọng trong trật tự quan hệ quốc tế. Xu thế vừa hợp tác vừa đấu tranh trong cùng tồn tại hoà bình đã thay thế cho thái độ thù địch giữa các nước thuộc hai hệ thống chính trị khác nhau trước kia. Về kinh tế, sự phát triển nhanh chóng của công nghệ khoa học kĩ thuật, nền kinh tế thế giới đang bước vào một thời kì hậu công nghiệp với thị trường khu vực hoá, toàn cầu hoá, hợp tác đi đôi với cạnh tranh gay gắt đang ngày một phát triển rộng khắp. Những đặc điểm này của quan hệ quốc tế đã tạo ra cơ hội cho Ấn Độ tận dụng cơ hội vươn lên đóng một vai trò mới hơn trên thế giới.

Những thay đổi mới tại khu vực châu Á cũng đã ảnh hưởng đến quá trình điều chỉnh chính sách đối ngoại của Ấn Độ. Đó là châu Á đang trở thành một trung tâm kinh tế thế giới. Những dự đoán lạc quan còn cho rằng, trong thế kỉ 21 chứng kiến sự “trỗi dậy” của Trung Quốc thời kì hậu chiến tranh lạnh. Sau hơn hai thập kỉ thực hiện chính sách mở cửa, Trung Quốc đã đạt được những thành tựu đáng kể, vươn lên trở thành cường quốc kinh tế lớn thứ ba trên thế giới, có nguồn dự trữ ngoại tệ lớn thứ hai trên thế giới. Sự phát triển mạnh mẽ của Trung Quốc ở châu Á buộc Ấn Độ phải có những thay đổi về chính sách đối ngoại phù hợp với tình hình mới để có thể vừa đảm bảo an ninh của mình vừa phát triển nền kinh tế lớn mạnh.

Trong bối cảnh thế giới và khu vực có nhiều thay đổi, kinh tế Ấn Độ lại lâm vào cuộc khủng hoảng trầm trọng nhất từ trước tới nay và nền chính trị Ấn Độ thì trải qua những biến động lớn dẫn đến sự phân hoá và tập hợp lực lượng diễn ra gay gắt trong nội bộ.

Sau cuộc khủng hoảng kinh tế 1990 - 1991, Ấn Độ đã tiến hành cải cách lại nền kinh tế và chuyển dần từ nền kinh tế tự lực cánh sinh và hướng nội sang nền kinh tế thị trường tự do, mở cửa, hoà nhập với nền kinh tế thế giới. Với cuộc cải cách do Thủ tướng N.Rao tiến hành năm 1991 đã đưa Ấn Độ thoát khỏi khủng hoảng kinh tế, đi vào phát triển ổn định và có chiều hướng tăng lên, từng bước hoà nhập với nền kinh tế giới. Tuy nhiên khi hoà nhập với nền kinh tế thế giới, Ấn Độ lại phải đối mặt với một loạt những khó

khăn như thiếu vốn, trình độ công nghệ thấp,…Để thoát khỏi những khó khăn này cũng như đảm bảo thắng lợi cho cuộc cải cách kinh tế, Ấn Độ đã có những điều chỉnh về chính sách đối ngoại để tiến tới giành vai trò xứng đáng trong tiến trình hình thành trật tự thế giới mới.

Ấn Độ đặt ưu tiên hàng đầu trong quan hệ với các nước láng giềng, khẳng định vị trí cường quốc khu vực của mình. Do những tranh chấp về biên giới, lãnh thổ, mâu thuẫn dân tộc và tôn giáo… do lịch sử để lại, các nước Nam Á đặc biệt là Pakixtan luôn có quan hệ căng thẳng và nghi ngờ lẫn nhau. Vì vậy đối với khu vực Nam Á, chính sách của Ấn Độ là rõ ràng. Ấn Độ vẫn muốn duy trì vị trí ảnh hưởng của mình ở đây, hạn chế tối đa ảnh hưởng của các nước lớn khác trong khu vực. Tuy nhiên, biện pháp thực hiện chính sách đối với khu vực của Ấn Độ đã thay đổi theo hướng linh hoạt và thực dụng hơn, sử dụng triệt để và hiệu quả các công cụ kinh tế, khoa học kĩ thuật, giáo dục và đào tạo. Chính sách ngoại giao với khu vực bên ngoài hoặc các nước lớn khác có lợi ở khu vực Nam Á, Ấn Độ cũng linh hoạt xây dựng hình ảnh mình là đại diện cho quyền lợi của khu vực. Ấn Độ muốn đi vào lòng các nước Nam Á bằng một hình ảnh thân thiện và xây dựng chứ không phải là hình ảnh của một nước theo “Chủ nghĩa sôvanh Đại Ấn”.

- Với Sri Lanka, Ấn Độ cam kết không giúp đỡ lực lượng Hổ Tamil LTTE, đồng thời đẩy mạnh giúp đỡ kinh tế, buôn bán với nước này. Tổng thống Sri Lanka Premadasa cho rằng chính sách đối ngoại của Ấn Độ thời kì này đã rũ bỏ được thái độ kẻ cả nước lớn một cách đáng kinh ngạc và thừa nhận vai trò quan trọng của Ấn Độ trong khu vực cũng như tình cảm láng giềng yên ổn và bền vững giữa hai nước.

- Với Bănglađet, Ấn Độ cũng đi trước một bước, cải thiện lại quan hệ hai nước bằng nỗ lực đầu tiên trong việc xúc tiến giải quyết vấn đề chia lại sông Hằng, cho thuê rẻo đất Tin Ghira mà dân Bănglađet có truyền thống làm ăn ở đó, đẩy mạnh viện trợ kinh tế cho Bănglađet ( hơn 30 triệu USD/năm)

- Với Nêpan và Butan, Ấn Độ đã tỏ rõ thái độ hào hiệp, sẵn sàng giúp đỡ hai nước này mà không đòi hỏi những điều kiện có đi có lại.

- Với Pakixtan, một đối thủ khu vực, Ấn Độ thực hiện chính sách vừa tranh thủ hợp tác, vừa kiềm chế. Hai bên bắt đầu có dấu hiệu ngồi vào bàn thảo luận trên tinh thần xây dựng. Vấn đề Casơmia tiếp tục là một trong những thử thách đối ngoại lớn nhất đối với Ấn Độ trong thời kì sau chiến tranh lạnh cũng như trong thời gian tới.

Trong chính sách cân bằng quan hệ với các nước lớn, Ấn Độ tập trung

vào các cặp quan hệ với các nước lớn trên thế giới như Mỹ, Nga, Trung Quốc. Đây là những nước có nền kinh tế phát triển mạnh, có vai trò to lớn trong môi trường quốc tế và có ảnh hưởng mạnh mẽ tới các mối quan hệ quốc tế. Do đó, Ấn Độ cần phải có những chính sách phù hợp đối với các nước này để vừa tranh thủ được sự ủng hộ của các nước này về kinh tế, khoa học kĩ thuật vừa tận dụng được cơ hội tạo điều kiện cho đất nước phát triển.

- Với Mỹ, trong nửa đầu thập kỉ 90, hai nước đã trao đổi nhiều đoàn cấp cao, hợp tác giữa hai nước cùng phát triển, mở rộng ra nhiều lĩnh vực mới, kể cả những lĩnh vực nhạy cảm như quốc phòng. Đặc biệt, chuyến thăm Ấn Độ của Tổng thống B.Clintơn tháng 3/2000 đánh dấu một mốc mới trong quan hệ hai nước. Trong chuyến thăm, lãnh đạo hai nước đã kí kết Tuyên bố tầm nhìn, trong đó hai bên coi nhau là “đối tác chiến lược”, thoả thuận cùng hợp tác chặt chẽ với nhau trong thế kỉ 21.

- Với Trung Quốc, Ấn Độ ra sức cải thiện quan hệ với Trung Quốc vì mục tiêu trước hết là bảo vệ an ninh của mình. Ấn Độ ý thức được rằng một nước Trung Quốc đang thành công trong cải cách kinh tế, ráo riết tăng cường tiềm lực quốc phòng, được tăng thêm sức mạnh sau khi Hồng Kông, Ma Cao trở về với Trung Quốc sẽ trở thành một cực mới trên thế giới. Thủ tướng Ấn Độ N.Rao đã thăm chính thức Trung Quốc năm 1991, tại chuyến thăm hai Thủ tướng đã “cam kết tôn trọng và giữ nguyên đường kiểm soát thực tế” giữa hai nước, “không sử dụng vũ lực cũng như giảm quân số dọc theo đường kiểm soát thực tế trên cơ sở đảm bảo an ninh cho cả hai bên”. Ấn Độ ủng hộ Trung Quốc trong tiến trình gia nhập WTO, trong khi Trung Quốc lại ủng hộ Ấn Độ gia nhập APEC.

- Với Nga, Ấn Độ đẩy mạnh quan hệ nhằm duy trì những thị trường truyền thống. Chuyến thăm Ấn Độ tháng 1/1993 của Tổng thống B.Yeltsin đánh dấu cho sự điều chỉnh mạnh mẽ quan hệ giữa hai nước trong tình hình mới. Trong chuyến thăm này, hai bên đã kí Hiệp ước Hữu nghị và hợp tác thay thế cho Hiệp ước Hoà bình, Hữu nghị và Hợp tác kí giữa hai bên năm 1971.

Điều đặc biệt trong quan hệ đối ngoại mới của Ấn Độ là tích cực vận động để tham gia vào cơ chế hợp tác khu vực châu Á - Thái Bình Dương, chú trọng vào khu vực Đông nam Á. Chính phủ N.Rao đã mở một chiến dịch

ngoại giao “Hướng Đông” tiến vào khu vực, mở đầu cho hàng loạt các hoạt động đối ngoại dồn dập tới khu vực trong thời gian này. Chỉ trong vòng ba năm đầu sau chiến tranh lạnh, Thủ tướng N.Rao đã thăm Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Xingapo; đón các Thủ tướng Thái Lan, Malaixia, Xingapo, Tổng thống Inđônêxia để tăng cường hợp tác kinh tế, thương mại, tranh thủ vốn, thu hút đầu tư của các nước này vào Ấn Độ. Từ năm 1993, những dự án liên doanh của các nước APEC, trừ Mỹ được Chính phủ Ấn Độ thông qua chiếm khoảng hơn 20% tổng đầu tư nước ngoài vào Ấn Độ, trong khi đầu tư trực tiếp của APEC vào Ấn Độ chiếm khoảng 54% toàn bộ đầu tư nước ngoài. Ấn Độ cũng có 148 dự án liên doanh với các nước APEC, trong đó có khoảng 65 dự án với ASEAN. Đặc biệt trong chuyến thăm Xingapo và Việt Nam, Thủ tướng N.Rao vận động mạnh mẽ chưa từng có để Ấn Độ được tham gia tích cực và sâu rộng vào các tiến trình kinh tế, chính trị và an ninh ở châu Á- Thái Bình Dương như APEC, ASEAN, ARF, AFTA, ASEM… Năm 1992 Ấn Độ trở thành nước đối thoại bộ phận của ASEAN về “hợp tác nhằm thúc đẩy quan hệ giữa các bên đối thoại trong các lĩnh vực buôn bán, đầu tư, du lịch và môi trường” tổ chức tại Niu Đêli. Cuộc họp cấp cao lần thứ V ASEAN tháng 12/1995 đã chính thức công nhận Ấn Độ là bên đối thoại đầy đủ và cấp cao ASEAN lần thứ VII tháng 11/2001 đã thoả thuận tổ chức cuộc họp cấp cao ASEAN + Ấn Độ vào năm 2002. Như vậy, từ sau chiến tranh lạnh đến nay, Ấn Độ đã chủ động mở một chiến dịch tiến công ngoại giao nhằm tăng cường

mối quan hệ chặ chẽ về mọi mặt với các quốc gia Đông Nam Á và thực hiện thành công chiến dịch này.

Trong Phong trào Không liên kết, Ấn Độ coi đây là một diễn đàn quan

trọng mà Ấn Độ có thể có tiếng nói cũng như phát huy vai trò và vị trí của mình trên trường quốc tế. Trong những năm 70 và đầu thập kỉ 80, diễn đàn đã thực sự đóng một vai trò quan trọng trên thế giới và nhờ đó vị thế quốc tế của Ấn Độ thông qua phong trào cũng được nâng cao đáng kể. Các nước châu Á và Châu Phi trong phong trào đánh giá cao những nỗ lực của Ấn Độ với phong trào này. Gần đây do bối cảnh quốc tế có nhiều biến động nên hoạt động của phong trào trong thời gian gần đây có phần ít năng động hơn trước, vai trò của phong trào trong bối cảnh mới cũng có nhiều hạn chế. Tuy nhiên, Ấn Độ vẫn tiếp tục khẳng định chính sách không liên kết của mình, cho rằng Phong trào Không liên kết vẫn còn thích hợp trong bối cảnh mới và chủ trương đổi mới phong trào chuyển từ chính trị là nội dung chính sách mục tiêu phát triển kinh tế, đẩy mạnh hợp tác Nam- Nam, tích cực hoạt động trong WTO để bảo vệ lợi ích của các nước đang phát triển, chống bất bình đẳng trong thương mại.

Trong Liên Hợp Quốc và các tổ chức quốc tế khác, Ấn Độ tiếp tục

đánh giá cao vai trò của Liên Hợp Quốc cũng như mục tiêu cơ bản của tổ chức này, đó là: đóng một vai trò quan trọng trong việc hình thành quan hệ quốc tế trong thế kỉ 21, phát triển một hệ thống quốc tế nhân đạo, không sử dụng bạo lực và thúc đẩy để tiến tới một mô hình phát triển quốc tế bền vững, công bằng. Ấn Độ là một trong những thành viên hoạt động tích cực của Liên Hợp Quốc, tham gia vào các nhóm nước có cùng lợi ích chung của mình. Tại kì họp lần thứ 50 Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, Ấn Độ chính thức trở thành Uỷ viên không thường trực.

Nhìn chung, sau chiến tranh lạnh trước những biến đổi to lớn của tình hình thế giới, Ấn Độ phải điều chỉnh mạnh chính sách đối ngoại của mình, thực hiện một chính sách cân bằng hơn với các nước lớn, cải thiện mạnh quan hệ với các nước láng giềng, nhằm tạo ra môi trường quốc tế hoà bình để tập

trung phát triển kinh tế, bảo vệ chủ quyền, an ninh quốc gia, nâng cao vai trò quốc tế để tham gia quá trình hình thành trật tự thế giới mới, tương xứng với tầm vóc và tiềm năng vốn có của Ấn Độ. Ấn Độ đã thực sự lớn mạnh, tiến tới trở thành một cường quốc ở châu Á và trở thành một điểm sáng trên bàn cờ chính trị thế giới, được sự chú ý của các cường quốc trên thế giới. Tuy nhiên con đường để trở thành một cường quốc còn nhiều khó khăn với Ấn Độ với các vấn đề như: nội bộ không ổn định, nền kinh tế chưa thực sự mạnh, mâu thuẫn Ấn Độ- Pakixtan, quan hệ phức tạp giữa Ấn - Trung, các vấn đề mang tính toàn cầu như môi trường, dân số… Ấn Độ sẽ phải tiếp tục điều chỉnh và đổi mới chính sách đối ngoại cho phù hợp với tình hình mới.

Có thể nói, Ấn Độ đã tự vươn mình trở thành một quốc gia quan trọng trong đời sống quốc tế, có tiếng nói ngày càng to lớn trong các vấn đề khu vực và toàn cầu, có nền kinh tế ngày càng phát triển và giành được những thành tựu quan trọng về khoa học công nghệ. Mặc dù có những giai đoạn phải tập trung vào các vấn đề đối nội phức tạp, Ấn Độ đã dần giành được vị trí ngày càng to lớn trong cộng đồng các nước phát triển ở Á – Phi - Mỹ Latinh và đến nay đã thu hút được sự chú ý cũng như tranh thủ của tất cả các nước

Một phần của tài liệu Sự điều chỉnh chính sách đối ngoại của ấn độ từ 1991 đến 2008 (Trang 82 - 89)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(108 trang)
w