Sự khủng hoảng toàn diện ở Ấn Độ.

Một phần của tài liệu Sự điều chỉnh chính sách đối ngoại của ấn độ từ 1991 đến 2008 (Trang 26 - 28)

Từ khi giành độc lập, Ấn Độ đã xây dựng một nền kinh tế tự lập, tự cường với hai thành phần chính: khu vực kinh tế nhà nước và tư nhân phát triển trên cơ sở kế hoạch hoá với mục tiêu xây dựng nền kinh tế hoàn chỉnh, vững chắc.

Từ những kế hoạch 5 năm đầu tiên, Ấn Độ tập trung phát triển công nghiệp, chú trọng công nghiệp nặng, coi nông nghiệp là lĩnh vực quan trọng, là nguồn tích luỹ để phát triển công nghiệp; công nghiệp và nông nghiệp là hai lĩnh vực then chốt của nền kinh tế và phát triển theo hướng tự lực cánh sinh; các ngành công nghiệp trong nước được bảo hộ cao để chống cạnh tranh từ bên ngoài, khu vực nhà nước nắm vai trò chủ đạo trong nền kinh tế, có trách nhiệm kiểm soát hoạt động kinh tế xã hội, đi đầu về khoa học kỹ thuật, tạo ra vốn để đầu tư và phát triển, tạo công ăn việc làm cho nhân dân. Nhưng đến những năm 80 của thế kỉ XX, tình hình kinh tế của Ấn Độ đi vào khủng hoảng do mô hình kinh tế cũ đã mất đi vai trò là động lực để phát triển kinh tế. Đến cuối thập kỉ 80, Ấn Độ đã cố gắng thực hiện một số biện pháp điều chỉnh quan trọng để vực dậy nền kinh tế nhưng do nhiều nguyên nhân những cố gắng trên chưa mang lại những kết quả mong muốn. Mục tiêu đưa tốc độ tăng GDP lên mức bình quân 7%/năm không những không đạt được mà nền kinh tế còn suy giảm chưa từng thấy.

Về thương mại, Liên Xô là thị trường lớn thứ hai trong số các bạn hàng của Ấn Độ. Hàng năm, Liên Xô đều dành một khoản tín dụng lớn thậm chí bán chịu hàng cho Ấn Độ, tính tới khi Liên Xô tan rã, Ấn Độ còn nợ Liên Xô

11 tỷ USD. Do đó, khi Liên Xô tan rã, nền kinh tế trì trệ của Ấn Độ đã rơi vào cuộc khủng hoảng nghiêm trọng. Mức tăng GDP sụt xuống còn 0,8% vào năm tài chính 1991 - 1992, lạm phát dâng cao trên 13%, dự trữ ngoại tệ đến tháng 5/1991 chỉ còn khoảng 1 tỷ USD. Đầu tư nước ngoài chỉ đạt trung bình khoảng 100 triệu USD mỗi năm. Cán cân thanh toán bị thiếu hụt lớn, Ấn Độ không còn khả năng để trả lãi cho các khoản nợ nước ngoài là 70 tỷ đôla và các ngân hàng nước ngoài không chịu cho vay thêm nữa” [15; 24].

Khủng hoảng kinh tế đã dẫn tới những biến động sâu sắc trong đời sống chính trị, xã hội ở Ấn Độ. Đảng Quốc Đại bị mất quyền lãnh đạo trong cuộc bầu cử năm 1989 và sau đó Thủ tướng R.Gandhi bị ám sát trong khi đang vận động tranh cử ở Sriperumbudurr vào ngày 21/5/1991. Sự khủng hoảng chính trị khiến cho các chính phủ cầm quyền ở Ấn Độ trong hai năm 1989- 1991 như chính phủ của Đảng Janata Dal, Chính phủ của Thủ tướng P.V.Singh, Chính phủ của Thủ tướng C.Shekhar không có được những chính sách phù hợp, kịp thời về mặt đối ngoại để hỗ trợ cho công cuộc khôi phục đất nước.

Về đối ngoại, như nhận xét của R.Gandhi trước khi bị ám sát một ngày: “Trong 15 tháng qua, Ấn Độ đã bị lu mờ như không thể còn tồn tại.

Chúng ta phải đảm bảo làm sao Ấn Độ xuất hiện trở lại như một nước tiền tuyến” [15; 27].

Sự suy thoái của nền kinh tế và đấu tranh chính trị đã dẫn đến những rối loạn nghiêm trọng về xã hội. Những mâu thuẫn giữa các đẳng cấp, sắc tộc, cộng đồng, tôn giáo trong một đất nước Ấn Độ rộng lớn, đa dạng phức tạp đến lúc này càng có điều kiện phát triển như: bạo động đòi ly khai ở bang Assam (Đông Bắc), bang Casơmia, Punjap (phía Bắc); có hơn 60.000 người gốc Ấn Độ sống ở Tamin (Sri Lanka) đã tràn về tị nạn ở Ấn Độ và tiếp tục tăng do đòi quyền tự trị ở Sri Lanka chưa được giải quyết… vụ tự thiêu của các thanh niên thuộc đẳng cấp trên của xã hội để phản đối đạo luật Mandal giành 27% công ăn việc làm cho tầng lớp cùng khổ (Paria) của Chính phủ của Thủ tướng V.P. Singh (1989- 1990).

Tóm lại, cùng với những nhân tố khách quan, chính yêu cầu phát triển nội tại mà đang “đứng trước bờ vực” của đất nước Ấn Độ đã buộc Chính phủ

N.Rao phải có những quyết sách, chuyển hướng kịp thời, mạnh mẽ về tất cả các mặt để thích ứng với tình hình mới và đáp ứng nhu cầu phát triển của đất nước.

Một phần của tài liệu Sự điều chỉnh chính sách đối ngoại của ấn độ từ 1991 đến 2008 (Trang 26 - 28)