(1991- 2008)
Sự thay đổi chính sách đối ngoại của Ấn Độ với Trung Quốc thời kỳ hậu chiến tranh lạnh còn xuất phát từ các nhân tố sau:
- Về phía Ấn Độ: Cuộc khủng hoảng toàn diện vào cuối thập kỉ 80 đầu thập kỉ 90 do sự sụp đổ của Liên Xô và cuộc chiến tranh vùng Vịnh, cùng với những yếu kém về mặt cơ cấu của một nền kinh tế kế hoạch tập trung, đóng cửa quá lâu đã khiến cho Ấn Độ phải tiến hành một cuộc cải cách kinh tế toàn diện vào tháng 7/1991. Tuy nhiên, để cuộc cải cách này được tiến hành thuận lợi, Ấn Độ phải xây dựng được một môi trường hoà bình và sự ổn định với các nước láng giềng cũng như trong khu vực. Và việc cải thiện mối quan hệ với Trung Quốc là một vấn đề hết sức quan trọng. Sự căng thẳng và mâu thuẫn giữa hai nước trong thời kỳ trước đây đã gây ra những khó khăn không nhỏ cho Ấn Độ. Cải thiện và bình thường hoá quan hệ với Trung Quốc, Ấn Độ hy vọng sẽ tạo ra những điều kiện để giải quyết vấn đề tranh chấp biên giới, tạo điều kiện cho sự hoà dịu ở Nam Á. Ngoài lí do an ninh, về mặt kinh tế Ấn Độ cũng muốn thúc đẩy hơn nữa quan hệ buôn bán và sự hợp tác giữa hai nước.
- Về phía Trung Quốc: Mặc dù tiến hành “cải cách mở cửa” từ năm 1978, nhưng sau chiến tranh lạnh Trung Quốc cũng đứng trước rất nhiều vấn đề khó khăn về mặt kinh tế cũng như về mặt chính trị. Bên ngoài, Trung Quốc đang đứng trước sức ép mạnh của Mỹ và phương Tây về nhiều vấn đề, nhất là vấn đề nhân quyền và thể chế chính trị nhằm tiến tới xoá bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng cộng sản Trung Quốc. Bên trong, Trung Quốc cũng đứng trước những vấn đề cần giải quyết thoả đáng như: Tây Tạng, Tân Cương và những
vấn đề đấu tranh nội bộ. Trước tình hình trên, Trung Quốc đã hết sức tranh thủ bầu không khí hoà dịu của quốc tế trong thời kỳ hậu chiến tranh lạnh để mau chóng phát triển kinh tế, đưa Trung Quốc trở thành một cường quốc vào đầu thiên niên kỷ mới. Vì vậy, Trung Quốc đã rất coi trọng việc tăng cường mối quan hệ hữu nghị láng giềng, các nước trong khu vực châu Á- Thái Bình Dương. Thủ tướng Lý Bằng đã khẳng định: “Tích cực phát triển quan hệ hữu
nghị láng giềng thân thiện với các nước xung quanh là trọng điểm công tác đối ngoại của Trung Quốc” [15; 172].
Ngoài nhu cầu của mỗi nước nói riêng, sự tan rã của Liên Xô, sự sụp đổ của Đông Âu đã khiến Mỹ trở thành siêu cường duy nhất trên thế giới. Cùng với phương Tây, Mỹ muốn dẫn dắt thế giới đi theo một trật tự thế giới mới do Mỹ khống chế. Điều này đã khiến cả Ấn Độ và Trung Quốc đều nhận thức được rằng nếu cứ giữ mối quan hệ thù địch như trước thì hai nước sẽ mất nhiều hơn là được. Vì vậy cả hai đều có một nhu cầu cấp bách là cải thiện mối quan hệ song phương nhằm ngăn chặn những tác động xấu của tình hình thế giới đối với từng nước, nhằm tìm tiếng nói chung để đối phó với sức ép của Mỹ và phương Tây, đề cao vai trò ảnh hưởng của mình trong công việc quốc tế, tạo môi trường hoà bình, ổn định ở khu vực để tập trung phát triển kinh tế. Vì vậy, cả Ấn Độ và Trung Quốc đã có những động thái để cải thiện mối quan hệ.
Sau chuyến thăm lịch sử của cố Thủ tướng Rajiv Gandhi sang Bắc Kinh tháng 12/1986. Quan hệ Trung- Ấn đã tan băng và đang càng ngày ấm lên. Ngay sau khi lên cầm quyền, Thủ tướng N.Rao đã mời Thủ tướng Trung Quốc Lý Bằng thăm Ấn Độ. Bộ Ngoại giao Ấn Độ trong báo cáo năm 1990- 1991 đã tuyên bố rằng, do quan hệ Ấn - Trung đã có sự cải thiện hơn nên cả hai bên đã có khả năng giải quyết vấn đề tranh chấp biên giới thông qua thương lượng.
Trong bối cảnh thế giới đang chứng kiến những ngày cuối cùng của Liên Xô, từ ngày 11- 16/12/1991, Thủ tướng Trung Quốc Lý Bằng sang thăm Ấn Độ. Thủ tướng Ấn Độ N.Rao đánh giá đây là chuyến đi thăm “bổ ích
nhất” và hai nước “đã có những bước đi dài đúng hướng”. Trong các buổi toạ
đàm, Ấn Độ và Trung Quốc đã có những quan điểm gần nhau về việc đánh giá tình hình thế giới sau sự sụp đổ của Liên Xô, nhất trí một trật tự thế giới mới phải dựa trên năm nguyên tắc cùng tồn tại hoà bình, bác bỏ mưu toan khống chế thế giới của Mỹ. Ấn Độ ủng hộ Trung Quốc gia nhập GATT (nay là WTO), làm quan sát viên của Phong trào Không liên kết và nhóm G15. Về vấn đề biên giới, hai bên tỏ ra thông cảm hơn về lập trường của nhau, nhất trí giữ yên tĩnh vùng biên giới, không để vấn đề này cản trở việc tăng cường quan hệ hai nước. Trung Quốc lần đầu tiên ủng hộ quan điểm của Ấn Độ là Ấn Độ và Pakixtan cần giải quyết bằng thương lượng tay đôi. Trung Quốc cũng tranh thủ được Ấn Độ khẳng định lại sự ủng hộ chủ quyền Trung Quốc ở Tây Tạng, không để người Tây Tạng ở Ấn Độ hoạt động chống lại Trung Quốc.
Trong hai năm 1992 - 1993 nhiều quan chức cao cấp của Ấn Độ từ cựu Tổng thống R.Venkatraman, phó Tổng thống R.Narayanan, Thủ tướng N.Rao đến Bộ trưởng Quốc phòng Pawar, Bộ trưởng cao cấp trong nộ bộ các cấp Ấn Độ Adin Singh, Tham mưu trưởng quân đội Ấn Độ tướng B.Joshi… đã lần lượt sang thăm hữu nghị Trung Quốc nhằm bày tỏ quyết tâm của chính phủ Ấn Độ muốn xây dựng và phát triển quan hệ hữu nghị và hợp tác lâu dài với Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa. Đáp lại, Chủ tịch hội chính hiệp nhân dân Trung Quốc Lý Thụy Hoàn, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Tiền Kỳ Tham, Bộ trưởng Ngoại thương bà Ngô Nghi cùng một số quan chức cấp cao khác đã dẫn đầu các đoàn đại biểu Trung Quốc sang thăm Ấn Độ. Điều đáng chú ý là lần đầu tiên một tàu hải quân của Trung Quốc đã ghé thăm cảng Bombay của Ấn Độ năm 1993 sau gần 40 năm hải quân hai nước xa lánh nhau.
Bình thường hoá và phát triển quan hệ hữu nghị giữa Trung Quốc và Ấn Độ, hai nước khổng lồ châu Á chiếm hơn 40% dân số thế giới, chắc chắn không những có lợi cho mỗi nước mà còn có ý nghĩa to lớn đối với hoà bình và ổn định ở khu vực cũng như trên thế giới.
Trước hết, nó đáp ứng những lợi ích của nhân dân hai nước và phù hợp với nguyện vọng chung của nhân dân các nước trong khu vực và trên thế giới. Nó xuất phát từ thực tế khách quan là Trung Quốc và Ấn Độ là hai nước lớn, láng giềng của nhau, có nền văn minh lâu đời, tài nguyên phong phú, nhân công dồi dào và hiện đang được liệt kê vào trong số 10 thị trường lớn đang trỗi dậy của thế giới. Hiện hai nước đang cải cách và mở cửa, đang thực hiện chính sách thu hút vốn đầu tư của nước ngoài và đều lấy phát triển kinh tế làm nhiệm vụ trung tâm trong chiến lược quốc gia của mỗi nước. Lãnh đạo hai nước đều có nhận thức chung là trong thời đại hậu chiến tranh lạnh, một quốc gia muốn tồn tại và phát triển, muốn có địa vị và vai trò quốc tế xứng đáng thì điều quyết định chủ yếu trước tiên là “thực lực”, tức là phải có sức mạnh tổng hợp quốc gia, mà trong đó sức mạnh kinh tế được coi là nhân tố chủ yếu nhất. Bởi vậy, hai bên đều có chung nguyện vọng là tạo ra môi trường quốc tế xung quanh hoà bình và ổn định, trước hết là biên giới Trung - Ấn thành biên giới yên tĩnh và hữu nghị lâu dài để hai nước có điều kiện tập trung sức người, sức của vào việc thực hiện nhiệm vụ trung tâm chiến lược nói trên.
Từ ngày 6- 9/9/1993, Thủ tướng Ấn Độ N.Rao đã có chuyến sang thăm Trung Quốc. Trong chuyến đi này, Ấn Độ mong muốn đẩy mạnh hơn nữa việc cải thiện mối quan hệ giữa hai nước thông qua việc củng cố hoà bình và yên tĩnh dọc biên giới. Đồng thời tăng cường và mở rộng hơn nữa các quan hệ kinh tế, thương mại và ngoại giao đã đạt được ở các cuộc gặp trước. Thủ tướng N.Rao đã được Trung Quốc đón tiếp rất trọng thị và đã có cuộc hội đàm với Tổng bí thư Giang Trạch Dân, Thủ tướng Lý Bằng và nhiều vị lãnh đạo cấp cao khác của Trung Quốc. Kết quả lớn nhất mà Thủ tướng N.Rao đạt được là hai nước đã kí được Hiệp định duy trì hoà bình và yên tĩnh dọc đường kiểm soát thực tế LAC (Lines in Actual Control) vào ngày 7/9/1993. Ngoài ra, hai bên còn nhất trí phải mở rộng hợp tác toàn diện, tương xứng với tiềm năng to lớn của hai nước.
Chuyến thăm của Thủ tướng N.Rao đã đánh dấu một sự xích lại gần nhau hơn nữa trong mối quan hệ giữa Ấn Độ và Trung Quốc, khẳng định trên
văn bản sự nhất trí giữ yên tĩnh vùng biên giới trong khi chưa giải quyết được những tranh chấp và không để vấn đề này cản trở sự hợp tác giữa hai nước. Chuyến thăm này còn có tác động tích cực tới môi trường an ninh, hợp tác ở khu vực, đặc biệt là ở Nam Á, tạo lợi thế cho Ấn Độ và Trung Quốc trong mối quan hệ với các nước lớn khác nhất là với Mỹ.
Sau khi kì họp thứ năm của Uỷ ban hợp tác Ấn - Trung kết thúc ngày 15/6/1994, một hiệp định thương mại được kí kết. Từ chỗ kim ngạch buôn bán hai bên chỉ có 264 triệu USD (1991) đã tăng lên 675 triệu USD (1993). Hiệp định này là cơ sở tốt cho việc mở rộng quan hệ kinh tế giữa hai nước lớn nhất châu Á. Về phía Ấn Độ, khi chính sách Ấn Độ chuyển sang “hướng Đông” thì tăng cường hợp tác quan hệ Ấn - Trung là rất cần thiết. Trung Quốc sẵn sàng ủng hộ Ấn Độ tham gia tổ chức hợp tác kinh tế châu Á- Thái Bình Dương (APEC), còn Ấn Độ tiếp tục khẳng định việc ủng hộ Trung Quốc tham gia trở lại GATT.
Từ ngày 28 đến 31/11/1996, Chủ tịch Trung Quốc Giang Trạch Dân đã sang thăn Ấn Độ. Cùng đi có nhiều nhân vật quan trọng khác: Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao, Bộ trưởng ngoại thương và hợp tác kinh tế, Bộ trưởng nội chính, Chủ tịch khu tự trị Tây Tạng… Đây là phái đoàn cấp cao đông nhất của Trung Quốc từ trước đến nay. Phía Ấn Độ đã đón tiếp rất trọng thị: Thủ tướng Ấn Độ Gowda đã phá thông lệ, ra tận sân bay đón đoàn. Hai bên đã kí 4 Hiệp định: Hiệp định xây dựng lòng tin (CBMs), duy trì tổng lãnh sự Ấn Độ ở Hồng Kông sau năm 1997, vận tải biển và hợp tác chống buôn lậu ma tuý và các tội ác khác. Trong các Hiệp định trên, Hiệp định CBMs là bước tiến bộ chủ yếu đảm bảo sự ổn định ở vùng biên giới, duy trì hoà bình. Chuyến thăm của người đứng đầu Trung Quốc mở đầu cho các cuộc trao đổi thường xuyên các đoàn đại biểu cấp cao hai nước.
Nhờ quan hệ đối ngoại được cải thiện, kim ngạch buôn bán hai nước có chiều hướng tăng lên: Năm 1994 đạt 895 triệu USD, năm 1995 đạt 1,6 tỷ USD, tăng 30% so với năm trước. Chỉ tính trong 8 tháng đầu năm 1996, kim ngạch song phương đã đạt gần 1 tỷ USD.
Từ đầu năm 1998, Thủ tướng Vajpayee, lãnh tụ của Đảng BJP lên nắm chính quyền. Từ ngày 11- 13/5/1998 Ấn Độ đã cho tiến hành liên tiếp 5 vụ thử hạt nhân ở vùng sa mạc Pokhran. Việc Ấn Độ tiến hành thử vũ khí hạt nhân đã đi ngược lại hoàn toàn với ý muốn của Trung Quốc. Quan hệ Ấn- Trung trở nên lạnh nhạt. Cho đến năm 1999, quan hệ Ấn - Trung đã được hâm nóng lên và bình thường hoá trở lại. Cả hai nước đã tiến hành nhiều cuộc trao đổi và thăm chính thức của đoàn đại biểu các ngành, các cấp khác nhau. Hai bên thực hiện một số cố gắng nhằm hạn chế thiệt hại chính trị trong quan hệ song phương, bắt đầu tiếp tục lập trường của nhau và nối lại đối thoại chính trị. Ngược lại với động thái sau vụ thử hạt nhân hồi tháng 5/1998, Ấn Độ đã chứng tỏ sự khéo léo ngoại giao của mình qua vụ thử tên lửa Agni (4/1999). Ấn Độ đã thông báo trước cho Trung Quốc cũng như các cường quốc khác về vụ thử, đồng thời Thủ tướng A.B.Vajpayee cố gắng đảm bảo với Trung Quốc rằng việc này không nhằm chống lại Trung Quốc. Điều này cũng được người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc tái khẳng định: “Chúng tôi ghi nhận quan điểm của Thủ tướng Ấn Độ rằng vụ thử hạt nhân không nhằm chống bất kì một quốc gia nào” [15; 181].
Trong cuộc khủng hoảng Kargil do Pakixtan gây ra nhằm quốc tế hoá vấn đề Casơmia, Trung Quốc đã đề nghị Pakixtan rút quân ra khỏi núi Kargil lãnh thổ của Ấn Độ mà không ủng hộ Pakixtan yêu cầu sự can thiệp của bên thứ ba và quốc tế như trường hợp NATO can thiệp vào Nam Tư. Đồng thời các chính khách Ấn Độ cũng nhận thức được hoà bình và ổn định lâu dài ở châu Á sẽ luôn luôn dựa trên quan hệ thực tế giữa Ấn Độ và Trung Quốc. Mối quan hệ như vậy chỉ có thể có được nếu Ấn Độ đạt được sự cân bằng nhất định trong quan hệ với Trung Quốc về khả năng quân sự, kỹ thuật và các lĩnh vực khác trên cơ sở cùng tôn trọng lẫn nhau. Vì vậy, Ấn Độ cần phải có một chiến lược quốc gia kết hợp được sự phát triển nhanh về kinh tế, khoa học kỹ thuật với việc hiện đại hoá quốc phòng.
Bước sang thế kỉ XXI, quan hệ Ấn - Trung đã có những thay đổi lớn, hai bên nỗ lực cùng nhau xây dựng mối quan hệ đối tác chiến lược. Sự hợp
tác của hai nước ngày càng được mở rộng trong nhiều lĩnh vực như: kinh tế thương mại, khoa học kỹ thuật, năng lượng, giáo dục, văn hoá…
Quan hệ về mặt chính trị ngoại giao giữa hai nước chuyển động theo hướng tích cực. Cả hai nước đã cởi mở hơn trong cách nhìn nhận về vai trò vị trí của mỗi nước và mối quan hệ song phương trên trường quốc tế. Các mối quan hệ song phương giữa hai nước đã có bước nhảy vọt. Tháng 4/2002, vòng đối thoại chung giữa hai nước về vấn đề an ninh được tổ chức tại Niu Đêli. Ngày 23/4/2002, mở cuộc hội đàm chống khủng bố, tổ chức tại Niu Đêli gữa Bộ trưởng Ngoại giao hai nước. Ngày 4/6/2002, Chủ tịch Trung Quốc Giang Trạch Dân đã gặp Thủ tướng Ấn Độ Vajpayee trong Hội nghị về hợp tác giữa các nước châu Á tại Alma- Ata. Ngày 31/7/2002, Bộ trưởng Ngoại giao hai nước cũng có cuộc hội đàm nhân dịp cuộc họp giữa các Bộ trưởng Ngoại giao lần thứ 9 ARF. Ngày 29/9/2002, cuộc đối thoại lần thứ ba về an ninh giữa hai nước được tổ chức tại Bắc Kinh.
Tháng 6/2003, Thủ tướng Ấn Độ Vajpayee đã sang thăm Trung Quốc nhằm xây dựng lòng tin và thúc đẩy quan hệ thương mại. Gần như cùng vào thời điểm đó, Ấn Độ tuyên bố mở lại cửa biên giới sang Trung Quốc tại bang Sikkim sau 41 năm đóng kín. Trung Quốc và Ấn Độ xích lại gần nhau rất nhiều trong vấn đề Ấn Độ công nhận chủ quyền của Trung Quốc ở Tây Tạng và Trung Quốc công nhận chủ quyền cuả Ấn Độ ở bang Sikkim; hay có thể nói quan hệ giữa Ấn Độ và Trung Quốc nhờ kết quả chuyến thăm này của Thủ tướng Vajpayee mà được cải thiện rất cơ bản, đặc biệt là trong bối cảnh Trung Quốc vẫn có mối quan hệ rất thân thiện với Pakixtan, thậm chí còn