Lâm sàng và cận lâm sàng

Một phần của tài liệu Phân tích việc lựa chọn và sử dụng thuốc trên bệnh nhân đau thắt ngực không ổn định điều trị tại khoa tim mạch bệnh viện quân y quân khu IV (Trang 54 - 56)

Phần lớn bệnh nhân trong mẫu nghiên cứu vào viện do cơn đau điển hình (chiếm 95%), các triệu chứng khác kèm theo như khó thở, đau đầu, chóng mặt. Các triệu chứng khác ít gặp hơn, phản ánh triệu chứng điển hình là đau ngực.

Bên cạnh khai thác triệu chứng lâm sàng và tiền sử của bệnh nhân để chẩn đoán đau thắt ngực không ổn định, các xét nghiệm cận lâm sàng là công cụ quan trọng để hỗ trợ chẩn đoán cũng như tiên lượng tình trạng bệnh nhân.

Các xét nghiệm cận lâm sàng được thực hiện bao gồm: điện tâm đồ, siêu âm tim, chụp MSCT 128 lớp và xét nghiệm các dấu ấn sinh học.

Kết quả siêu âm tim cho thấy có 18,7% bệnh nhân giảm khả năng tống máu thất trái đáng kể. Nghiên cứu của Trần Tiến Tài (2011) chỉ ra rằng nhóm bệnh nhân có EF < 40% có nguy cơ mắc biến chứng gấp 4,1 lần nhóm bệnh nhân có EF bình thường (p = 0,0006) [10].

Điện tâm đồ 12 chuyển đạo là công cụ cận lâm sàng giúp bác sĩ điều trị chẩn đoán, phân biệt cũng như tiên lượng tình trạng của bệnh nhân. Hầu hết bệnh nhân trong mẫu nghiên cứu được làm điện tâm đồ theo khuyến cáo của Hội tim mạch Việt Nam. Trong mẫu nghiên cứu, các bất thường ghi nhận được trên điện tâm đồ là bệnh nhân trong mẫu nghiên cứu có nhịp tim chậm (13,43%), block nhánh phải (18,66%), ngoại tâm thu thất (7,46%) và block nhánh trái (5,22%). Trên những bệnh nhân có nhịp tim chậm cần lưu ý trong việc sử dụng thuốc chẹn β – adrenergic và thuốc chẹn kênh Ca2+ không phải nhóm Dihydropyridin do chống chỉ định cho những bệnh nhân có nhịp tim dưới 60 [16]. Kết quả thu được từ nghiên cứu của Trần Tiến Tài và cộng sự (2011), trong số 199 bệnh nhân hội chứng vành cấp không có ST chênh block nhánh phải chiếm 4,52%, block nhánh trái chiếm 1,01%, thấp hơn rất nhiều so với kết quả thu được từ mẫu nghiên cứu [10]. Trên bệnh nhân đau thắt ngực có kèm block nhánh phải và block nhánh trái, tỷ lệ xuất hiện các biến cố tim mạch lớn như tử vong, nhồi máu cơ tim, đột quỵ và tái tưới máu trong vòng 30 ngày và dài hạn đều cao hơn so với nhóm bệnh nhân không có block nhánh. Đặc

biệt biến cố tim mạch lớn xuất hiện nhiều nhất ở nhóm bệnh nhân có block nhánh phải [21]. Ngoại tâm thu thất trên những bệnh nhân giảm chức năng thất trái và/hoặc có dấu hiệu suy tim làm tăng nguy cơ đột tử do tim trên những bệnh nhân này. Đối với những bệnh nhân có những bất thường trên, tiên lượng và điều trị trở nên phức tạp hơn [18].

Chụp động mạch vành là tiêu chuẩn vàng trong chẩn đoán hội chứng vành cấp [16]. Tuy nhiên việc chụp mạch vành còn phụ thuộc vào điều kiện của bệnh viện, khả năng chi trả của bệnh nhân cũng như tình trạng bệnh nhân. Tại bệnh viện quân y quân khu IV chưa thực hiện chụp mạch vành qua da mà mới bắt đầu triển khai chụp mạch vành bằng MSCT 128 lớp từ giữa năm 2013. Chụp mạch vành MSCT 128 lớp có thể được sử dụng để đánh giá các bất thường ở động mạch hoặc phát hiện sớm xơ vữa mạch vành ở mức độ nhẹ ở những bệnh nhân có nguy cơ trung bình hoặc đánh giá ở những bệnh nhân trải qua phẫu thuật tim lớn [83]. Tuy nhiên trong năm 2013 chỉ có 3 bệnh nhân được tiến hành chụp MSCT 128 lớp nên kết quả không phản ánh thực tế mẫu nghiên cứu.

CK-MB là marker của tim chủ yếu trong việc đánh giá hội chứng vành cấp do ưu điểm nhanh, hiệu quả, chính xác, có khả nănng phát hiện tái nhồi máu sớm, quen thuộc với đa số các thầy thuốc lâm sàng. Tuy có một số giới hạn như mức CK- MB thấp trong máu người khoẻ mạnh đã làm giảm độ đặc hiệu của nó trong việc xác định hoại tử cơ tim, CK-MB cũng có thể tăng khi có thể tổn thương nặng cơ vân. Trước kia CK-MB là xét nghiệm tiêu chuẩn và hiện tại vẫn là một xét nghiệm giúp ích cho chẩn đoán có thể chấp nhận được ở hầu hết các hoàn cảnh lâm sàng [3]. Dấu hiệu tăng CK-MB được sử dụng để phân biệt đau thắt ngực không ổn định và NMCT không có ST chênh. Những trường hợp có tăng CK-MB được chẩn đoán NMCT không có ST chênh. Kết quả trong nghiên cứu của chúng tôi ghi nhận được có 18,46% bệnh nhân có tăng CK-MB. Điều đó cho thấy việc chẩn đoán đau thắt ngực không ổn định và nhồi máu cơ tim không có ST chênh chưa được rõ ràng. Có thể do cơ chế bệnh sinh của hai bệnh lý này cũng như cách xử trí là như nhau nên việc chẩn đoán phân biệt chưa thực sự được quan tâm.

Một phần của tài liệu Phân tích việc lựa chọn và sử dụng thuốc trên bệnh nhân đau thắt ngực không ổn định điều trị tại khoa tim mạch bệnh viện quân y quân khu IV (Trang 54 - 56)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(93 trang)