của tỉnh
Cuộc cách mạng tháng tám năm 1945 đã cáo chung chế độ thống trị của thực dân Pháp ngót 100 năm ở nước ta. Nhưng với dã tâm xâm lược nước ta một lần nữa, thực dân pháp đã tìm mưu nấp sau lưng quân Anh - Ấn vào giải giáp quân Nhật để gây hấn tại Nam Bộ vào ngày 23-9-1945.
Đảng, chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hết sức cố gắng tỏ rõ thiện chí hoà bình của Việt Nam trong việc mở các cuộc thương lượng với thực dân Pháp ở cả nước trong nước và trên đất Pháp, từ Hiệp định sơ bộ ngày 6-3- 1946 đến Tạm ước ngày 14-9-1946 đến. Tuy nhiên, tất cả những cố gắng đó của chúng ta đã bị thực dân Pháp gạt bỏ, cuối cùng ngày 19-12-1946, đáp lời
kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh nhân dân cả nước đã đứng lên làm cuộc kháng chiến toàn quốc để giữ vững nền độc lập của Tổ quốc.
Khẩu hiệu “tất cả để kháng chiến, tất cả để chiến thắng” đã động viên mọi lực lượng nhân tài vật lực phục vụ cho kháng chiến. Tỉnh lỵ Hà Tĩnh đã sớm thực hiện “Tiêu thổ kháng chiến”, nhân dân tự đập phá ngôi nhà của mình, khu phố của mình để cho địch không có chỗ làm căn cứ khi nhảy dù đổ bộ để chiếm đóng và đã tản cư ra các vùng nông thôn, đồi núi ở huyện Thạch Hà, Cẩm Xuyên tiếp tục làm ăn và tham gia kháng chiến. Khắp nơi trong tỉnh, đâu đâu cũng đào đường, đắp đá dựng hàng rào kháng chiến phòng chống quân giặc. Tất cả các trường học cũng thực hiện khẩu hiệu “Giáo dục phục vụ kháng chiến, giáo dục phục vụ sản xuất” triển khai nhanh chóng việc tản cư, phân tán nhà trường về các nơi an toàn, xa đô thị. Để ổn định tư tưởng và nâng nhận thức, niềm tin cho đội ngũ giáo viên khi bước vào kháng chiến, Bộ giáo dục (lúc này do ông Nguyễn Văn Huyên làm Bộ trưởng) cùng các cấp lãnh đạo giáo dục đã tổ chức cho toàn ngành học tập tài liệu “Kháng chiến nhất định thắng lợi” của Tổng Bí thư Trường Chinh, giúp anh chị em giáo viên tin tưởng, phấn chấn đi vào cuộc thử thách mới trường kỳ và gian khổ.
Trước tình hình chung, Đảng bộ Hà Tĩnh đã có những chủ trương về giáo dục nhằm chuyển hướng các hoạt động dạy và học cho phù hợp với thời chiến. Trong hoàn cảnh chiến tranh có nhiều khó khăn, Đảng bộ và chính quyền tỉnh đã hết sức chú ý lãnh đạo nhân dân tiếp tục phát triển sự nghiệp giáo dục.
Giai đoạn này có nhiều biến cố xảy ra nên phong trào bình dân học vụ Hà Tĩnh hầu như tắt. Kháng chiến toàn quốc bùng nổ, giáo viên và học viên hoang mang, một số lớp học đóng cửa, học viên thôi học để tản cư… Để giải quyết tình hình trên, tỉnh đã đề ra Chương trình hoạt động gồm các bước:
- Củng cố hàng ngũ giáo viên
- Củng cố các lớp học, biến các lớp thành nơi tuyên truyền, các lớp cán bộ giáo viên thành cán bộ tuyên truyền kháng chiến.
Với kế hoạch thực hiện là:
- Đề cao khẩu hiệu “đi học là kháng chiến, vừa kháng chiến vừa học” - Mittinh giải thích về việc cần thiết phải đi học, và việc học đối với
kháng chiến, chủ trương kháng chiến toàn diện
- Thông tư cho các xã phải đực biệt lưu tâm đến các giáo viên. Dựa theo thông tư của bộ Nội vụ cấm điều động các giáo viên sang các ngành khác, trừ tạp dịch cho giáo viên.
- Kiểm soát gắt gao người mù chữ; hỏi chữ ở đường, bến đò, đặt các hình thức cho thông, cho dốt, do thông do dốt, công thông, công dốt…; làm bằng danh dự khen thưởng các học viên xuất sắc, khen các học viên cao niên...
Từ năm 1948, chủ trương của tỉnh Hà Tĩnh là: “thi đua thanh toán nạn mù chữ trong năm 1948 và đẩy mạnh đời sống mới”. Do đó, Ty giáo dục đã tổ chức Hội nghị thảo luận kế hoạch thực hiện chương trình của Trung ương; Hội nghị ở huyện, khu vực, xóm để kích thích tinh thần thi đua mít tinh giải thích việc thi đua diệt dốt, nêu cao khẩu hiệu “quyết thanh toán nạn mù chữ trong năm 1948” và “quyết giật giải thưởng của Hồ Chủ Tịch”…
Bên cạnh đó, Nghị quyết Hội nghị đại biểu tỉnh Đảng bộ lần thứ 5 (tháng 6-1948) cũng đã vạch rõ phương hướng cụ thể cho từng ngành học, cấp học, từ giáo dục nhi đồng đến phát triển bình dân học vụ và xây dựng giáo dục phổ thông.
Về giáo dục nhi đồng, phải đặc biệt giáo dục nhi đồng từ 8 tuổi trở xuống. Việc lập ấu trĩ viên phải là một mục chính trong chương trình giáo dục
năm 1948 và phải tiến tới ít nhất mỗi xã phải có một ấu trĩ viên. Đồng thời, phải chú ý đào tạo cán bộ phụ trách các ấu trĩ viên.
Về bình dân học vụ, thực hiện khẩu hiệu “toàn dân đọc thông viết thạo”; phát triển các lớp dự bị bổ túc, bình dân bổ túc mở khắp các xã; đào tạo giáo viện dự bị bổ túc và bổ túc bình dân; ra các loại sách bình dân và lập bình dân thư viện, phát triển hội văn hoá bình dân khắp nơi. Đặc biệt, chú trọng việc phát triển và duy trì các lớp tiểu học bình dân.
Về giáo dục tiểu học, phát triển trường tiểu học cho đều khắp trong tỉnh và tiến tới tất cả các xã đều có lớp Nhất; chỉnh đốn các trường ốc; khuyến khích việc làm sách giáo khoa và ra các loại sách hồng cho trẻ em đọc lúc rãnh.
Về giáo dục trung học, mở thêm lớp ở trường Phan Đình Phùng, chia trường này ra làm hai bộ phận có đủ từ đệ nhất đến đệ tứ để tiện cho học sinh đi học; mở một trường trung học tư thục kiểu mẫu; hạn chế việc mở trường trung học tư thục (trừ huyện Kỳ Anh chưa có trường), đồng thời tập trung tự lực và giáo viên để làm cho các trường sau có phát triển về mọi phương diện. Mặt khác, đặt việc lãnh đạo các trường trung học thành vấn đề (kiện toàn các chi bộ nhà trường, chú ý vận động học sinh và giáo viên các cấp và đoàn thể phải chú ý lien lạc chặt chẽ với các trường để tìm mọi phương tiện cải tiến giáo viên và học sinh).
Những chủ trương, biện pháp về giáo dục mà Đảng bộ Hà Tĩnh đã đề ra hết sức đúng đắn và có ý nghĩa thiết thực. Nhờ vậy, mà giai đoạn này giáo dục Hà Tĩnh đã đạt được những thành công rực rỡ về nhiều mặt.