Gần một năm sau ngày khai giảng năm học của chế độ mới, thực dân Pháp trở lại xâm lược. Cuộc kháng chiến toàn quốc chống thực dân Pháp bùng nổ tháng 12- 1946. Trước tình hình đó, giáo dục phải chuyển hướng hoạt động sang thời chiến đáp ứng các yêu cầu của công cuộc kháng chiến, kiến quốc.
Trong chỉ thị “Toàn dân kháng chiến” ngày 22- 12- 1946, Ban thường vụ trung ương Đảng chỉ rõ : mục đích của cuộc kháng chiến là giành độc lập và thống nhất tổ quốc. Tính chất của cuô ̣c kháng chiến là: toàn dân, toàn diện, trường kỳ và tư lực cánh sinh . Kháng chiến trên tất cả các mặt : kinh tế, chính trị, văn hóa - giáo dục với đường lối khán g chiến toàn dân , toàn diện. Văn hóa- giáo dục trở thành một mặt trận quan trọng góp phần tạo nên sức mạnh của cả dân tộc để đủ sức đánh thắng bọn đế quốc xâm lược . Bản Chỉ thị nêu rõ: “Chống mù chữ, chống xâm lăng! Cần kiệm, liêm chính, kháng chiến thắng lợi, văn nghệ sỹ giúp kháng chiến”[8; tr.16].
Trong tác phẩm “Kháng chiến nhất định thắng lợi”, Trường Chinh, Tổng bí thư của Đảng đã nhấn mạnh: Kháng chiến về mặt văn hoá có hai nhiệm vụ đó là: một là đánh đổ văn hoá ngu dân, nô dịch, xâm lược của thực dân Pháp; hai là xây dựng nền văn hoá mới của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trên ba nguyên tắc: dân tộc - khoa học - đại chúng, coi văn hoá, giáo dục cũng là một mặt trận đấu tranh của nhân dân ta.
Tiếp theo Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các văn kiện nói trên, nhiều Nghị quyết, Chỉ thị quan trọng khác đã từng bước cụ thể hoá nội dung và hình thức của giáo dục kháng chiến.
Trong bài nói chuyện với các đại biểu thân sỹ trí thức, phú hào tỉnh Thanh Hoá ngày 20-2-1947, Người đã chỉ rõ: “Chẳng những chỉ bíêt chữ mà còn phải học đạo đức công dân, phổ thông chính trị. Thứ hai, còn cần phải mở mang lớp trung học. Trước học một đường, hành một nẻo. Nay phải sửa chương trình làm sao để học thì hành được ngay [28; tr.281]. Cũng từ quan điểm phải đào tạo nhân tài phục vụ cho kháng chiến, đào tạo những người vừa có văn hoá vừa có lòng yêu nước thiết tha, Nghị quyết Hội nghị Cán bộ trung ương lần thứ IV (4-1947) đã chỉ rõ những nhiệm vụ chính mà ngành giáo dục phải làm:
- Chương trình học phải thiết thực, nhằm mục đích đào tạo nhân tài, cần dùng cho kháng chiến, trước nhất về các ngành y tế, Canh nông, Quân giới, cũng như Thương mại, Ngoại giao…
- Học sinh phải vừa học vừa tham gia sản xuất để tự túc một phần nào. - Tiếp tục phát triển bình dân học vụ
- Chú ý mở trường ở các vùng quốc dân thiểu số
Nhằm đưa sự nghiệp giáo dục đi vào ổn định và có bước phát triển mới trong hoàn cảnh kháng chiến, tháng 1-1948, Trung ương Đảng đã xác định nhiệm vụ của Bộ giáo dục là: “họp hội nghị giáo giới chấn chỉnh và mở mang việc học trong thời chiến, định chương trình học cho các cấp, soạn sách giáo khoa mới, định cách dạy học trò theo lối mới, vừa tránh được nạn nhồi sọ của thời thuộc Pháp, vừa thích hợp với tinh thần kháng chiến và dân chủ, mở trường Sư phạm đào tạo giáo sư mới và bổ túc cho giáo sư cũ, rút kinh nghiệm của các trường hiện nay và mở thêm các trường mới theo kế hoạch hẳn hoi (đặc biệt chú ý mở các trường đại học và gửi du học sinh ra nước
ngoài), thiết thực giúp đỡ bình dân học vụ, khuyến khích văn nghệ, soạn lại bộ Sử nước ta, bắt đầu viết ngay cuốn sử cách mạng Việt Nam chống Pháp và cuốn sử kháng chiến. Mở trường và đặt chữ cho các vùng dân tộc thiểu số"[23; tr.22].
Tiếp theo Hội nghị trung ương mở rộng (1- 1948) và Nghị quyết Hội nghị cán bộ trung ương ( miền Bắc Đông Dương) ngày 20-5-1948 chỉ rõ:
“1. Chỉnh đốn giáo dục, sửa chữa lại chương trình giáo dục các cấp, Chính phủ mở thêm trường (tiểu học, trung học, đại học) và khuyến khích tư nhân mở trường tư.
2. Về bình dân học vụ (BDHV): a. BDHV tiếp tục quét nạn mù chữ;
b. Đi đến BDHV bổ túc, dạy kiến thức phổ thông;
c. Không công chức hoá giáo viên BDHV, nhưng tùy theo địa phương mà thù lao cho giáo viên;
d. Đào tạo giáo viên cho hợp với các lớp học viên;”[8; tr.239]
Đối với các dân tộc thiểu số, Trung ương Đảng lưu ý: “Mở thêm trường tiểu học", "Phát triển BDHV, đào tạo cán bộ bình dân học vụ người địa phương, cung cấp học bổng cho một số học sinh người thiểu số”[8; tr.238].
Hội nghị Văn hoá toàn quốc lần hai (7-1948), Tổng Bí thư Trường Chinh đã đọc báo cáo quan trọng “Chủ nghĩa Mác và văn hoá Việt Nam”. Hội nghị đã đánh dấu một bước phát triển mới về nội dung, phương hướng xây dựng nền giáo dục Việt Nam trong điều kiện vừa kháng chiến vừa kiến quốc.
Trong thư gửi Hội nghị giáo dục toàn quốc họp tháng 7- 1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Chúng ta cần phải có một nền giáo dục kháng chiến và kiến quốc. Vậy chúng ta: “phải sửa đổi triệt để chương trình giáo dục phù hợp với sự nghiệp kháng chiến và kiến quốc, muốn như thế chúng ta phải có sách
kháng chiến kiến quốc cho các trường, chúng ta phải sửa đổi cách dạy và học cho kịp với sự đào tạo nhân tài kháng chiến kiến quốc. Chúng ta phải đào tạo cán bộ mới giúp đỡ cán bộ cũ theo tôn chỉ kháng chiến và kiến quốc. .Về Bình dân học vụ, chúng ta phải có một chương trình để nâng cao thêm trình độ văn hoá phổ thông cho đồng bào”[26; tr.24].
Như vậy, ngay từ những năm đầu của cuộc kháng chiến, Đảng và Nhà nước ta đã có chủ trương từng bước cải cách đổi mới nền giáo dục nhằm phục vụ sự nghiệp kháng chiến kiến quốc. Nằm trong yêu cầu phục vụ kháng chiến kiến quốc, nhiệm vụ và chức năng của giáo dục cũng được xác định rõ rệt, về cơ bản đó là sự kế tục và phát triển những quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong những năm 1945-1946 về một nền giáo dục của nước Việt Nam mới. Nền giáo dục này vì phát triển và trưởng thành trong những điều kiện vô cùng khó khăn của cuộc kháng chiến nên bên cạnh những thành tựu đạt được nó còn có những hạn chế về chất lượng giảng dạy và học tập, về chương trình và phương thức đào tạo. Đây là những hạn chế khó tránh khỏi trong buổi đầu của nền giáo dục cách mạng còn hết sức non trẻ.