Ngay sau những ngày đầu tiên dựng nước, Chính phủ đã chủ trương mở các lớp Ấu trĩ viên, nhà Bảo anh, Dục Anh viện và giao việc quản lý hệ thống này cho Bộ Cứu tế - Xã hội phụ trách. Bộ Cứu tế - Xã hội đã sớm ban hành Nghị định số 5 ngày 10-9-1945 khuyến khích việc mở cửa các lớp Dục Anh
viện, Ấu trĩ viên. Sắc lệnh 146 của Chính phủ ban hành ngày 10-8-1945 cũng nói về bậc học Ấu trĩ cần được phát triển.
Tại các tỉnh Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên, đâu đâu cũng hưởng ứng việc mở cửa cho các cháu nhỏ. Tuy nhiên, do chưa hiểu sâu sắc về tâm lý lứa tuổi cũng như phương pháp sư phạm khác nhau của các bậc học, cơ quan quản lý lại nặng nề về việc thực hiện một nhiệm vụ xã hội, nên lớp mở ra trong thời kỳ này có thiên hướng dạy chữ nhằm giúp các cháu lớn tuổi có điều kiện vào các lớp tiểu học. Ở các huyện sau khi mở lớp, việc gọi tên chính thức các lớp này cũng chưa thống nhất như Ấu trĩ viên, lớp khai tâm, hoặc vỡ lòng ... Cách dạy chữ cho các cháu thì có nơi dạy theo vần chữ cái a, b, c... có nơi lại dùng tài liệu vần quốc ngữ theo phương pháp i, tờ... của Hội truyền bá quốc ngữ biên soạn miễn sao cho các cháu biết đọc biết viết là được. Giáo viên được cử dạy các lớp này đa số là thanh niên hăng hái nhiệt tình trong không khí những ngày đầu cách mạng tuy thiếu hiểu biết về khoa sư phạm nhưng vẫn duy trì được các lớp học.
Trong thời kỳ sơ khai đó, các lớp Ấu trĩ này được sự giúp đỡ của trường tiểu học về tài liệu, về phương pháp giảng dạy, nên một số lớp đã có những bài hát, điệu múa, trò chơi, … để giảng dạy và tổ chức lớp thành các tổ, các đội như ở trường tiểu học.
Các lớp Ấu trĩ thời kỳ đầu cách mạng ở Hà Tĩnh đã ít nhiều gây được không khí học hành, sinh hoạt tập thể cho các cháu trước tuổi vào trường tiểu học, nhưng chưa hội đủ những yếu tố đặc trưng cần có của một lớp học tuổi mầm non như nội dung, phương pháp, điều kiện dạy và học cũng như chưa được cấp quản lý quan tâm bằng ngành học khác, nên vị trí của nó còn rất khiêm tốn. Tuy nhiên, những chuyển biến ban đầu này cũng đã tạo cho việc phát triển hệ thống giáo dục mầm non trên địa bàn Hà Tĩnh những
năm tiếp theo ngay trong hoàn cảnh kháng chiến chống Pháp đầy khó khăn gian khổ.
Về giáo dục tiểu học, cùng với học sinh cả nước, học sinh Hà Tĩnh đã bước vào năm học đầu tiên trong không khí vô cùng phấn khởi với bức thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh, thực hiện cuộc "cải cách việc học theo tinh thần mới, bài trừ cách dạy nhồi sọ" như Chỉ thị Kháng chiến kiến quốc. Những trường kiêm bị, sơ học, hương trường ở các huyện, các tổng đã có trước cách mạng lần lượt được mở cửa trở lại. Ở các xã, tuy bấy giờ còn biết bao nhiêu công việc bề bộn của những ngày đầu dựng nước, các địa phương vẫn hết sức quan tâm chăm lo việc của con em, nên đã cử ra một uỷ viên văn hoá - giáo dục vừa lo công việc chung vừa tham gia dạy ở nhà trường.
Do khí thế cách mạng sôi nổi, nên số trường lớp được mở thêm nhiều hơn những trường học trước cách mạng. Nhiều lớp học phải sử dụng các bái đường của đình chùa, nhà văn chỉ ở địa phương.
Nhờ hệ thống quản lý giáo dục sớm được hình thành từ tỉnh đến xã, với quyết tâm của các Uỷ ban cách mạng việc vận động giáo viên trở lại trường và tạo điều kiện cho đội ngũ này vượt qua bỡ ngỡ ban đầu, nên chỉ trong ba tháng đầu tiên, số trường tiểu học đã phục hồi đều khắp trong tỉnh. Đến tháng 12-1946, toàn tỉnh đã có 181 trường tiểu học, có 470 lớp, gồm có 690 giáo viên và 22.000 học sinh.
Chương trình giảng dạy vẫn sử dụng chương trình của trường tiểu học Pháp - Việt trước đây, nhưng toàn tỉnh đều thực hiện chủ trương bãi bỏ việc dạy và học tiếng Pháp, chỉ dùng quốc ngữ trong nhà trường nhằm tạo nên một biến đổi về chất của nền giáo dục cách mạng. Các bài học về Công ơn Đại Pháp đều được bãi bỏ. Do đã nhiều năm phải dạy, phải học tiếng Pháp từ lớp đồng ấu (như lớp 1 hiện nay), nên giáo viên không khỏi gặp nhiều khó khăn trong việc luyện cho học sinh quen nói tiếng Việt hàng ngày. Vì vậy, trong
các trường tiểu học có phong trào bài trừ tiếng Pháp, hễ học sinh nào buột miệng nói tiếng Pháp đều bị chỉ trích, nhắc nhở.
Trong khi chưa có sách giáo khoa mới, các trường tiểu học vẫn dùng các sách giáo khoa do các ông Trần Trọng Kim, Nguyễn Đỗ Mục, Đặng Đình Phúc, Đỗ Thuận biên soạn trước đây như Quốc văn sơ học độc bản, Cách trí, Luân lý giáo khoa thư...
Trước tình hình mới đòi hỏi phải giải quyết những vấn đề cụ thể về dạy và học trong khi chưa có điều kiện tiến hành một cuộc cải cách giáo dục, Chính phủ đã có sắc lệnh số 44/SL ngày 10-10-1945 thành lập một Hội đồng cố vấn có nhiệm vụ giúp Bộ trưởng Bộ giáo dục Vũ Đình Hoè nghiên cứu vấn đề chung cho nền giáo dục mới.
Riêng cấp tiểu học, Hội đồng đề nghị:
- Thống nhất bậc tiểu học từ nay chỉ còn 4 lớp (gọi là lớp tư, lớp ba, lớp nhì, lớp nhất). So với bậc tiểu học cũ, thời gian học rút ngắn được 2 năm.
- Tạm thời áp dụng chương trình cũ, xoá bỏ những phần trái với chính thể dân chủ cộng hoà, phản dân tộc, bỏ hẳn phần luân lý cũ, thay vào chương trình luân lý mới như yêu nước, hợp quần, công lý, bác ái…
Nhờ chủ trương đó, việc thực hiện chương trình đã có hướng giải quyết cho đội ngũ giáo viên giảng dạy các nơi. Anh chị em đã giúp nhau tìm thêm một số bài về quốc văn trong các sách báo cách mạng, chọn lọc một số bài thơ trong văn thơ yêu nước của Nguyễn Biểu, Phan Bội Châu, của các nhà thơ mới như Tố Hữu, Huy Cận, Tế Hanh...
Về môn toán thì sử dụng cuốn sách toán cấp tiểu học cũ của Brasê (Brachet) để dịch ra tiếng Việt cho vừa trình độ các lớp. Do tài liệu giáo khoa phải tự lo liệu lấy, nên trường tiểu học nào vốn có truyền thống lâu đời với nhiều giáo viên có năng lực trong tỉnh như Thịnh Xá (Hương Sơn), Đông
Thái (Đức Thọ) Phù Việt (Thạch Hà)... sưu tầm biên soạn được bài dạy mới, thì giáo viên các nơi khác đều đến sao chép cho trường mình.
Kết thúc năm học đầu tiên, Ty Thanh tra tiểu học đã tổ chức được lớp bồi dưỡng cho giáo viên toàn tỉnh về tình hình thời cuộc, chia thành các nhóm lớp để tu soạn bài dạy cho năm học mới tại xã Châu Phong. Số giáo viên tập trung có 200 người, học tập rất hăng say. Cuối khoá, Ty Thanh tra tổ chức cho một số giáo viên dạy một số tiết quốc văn và toán để rút kinh nghiệm về việc vận dụng phương châm giáo dục cách mạng trong bài giảng.
Việc mở các trường tiểu học cho các em học sinh được đến lớp ngay sau ngày độc lập trong hoàn cảnh nhân dân ta vừa trải qua nạn đói khủng khiếp mà nhân dân Hà Tĩnh chưa khắc phục hết hậu quả, nên trường sở, bàn ghế phục vụ cho việc dạy và học còn phải tạm bợ đặt ở nhiều nơi như đình chùa, nhà văn chỉ, dùng phản tre ghép thành bàn ghế.... Số làng xã lúc này được hợp lại thành xã lớn hăng hái đóng góp công của để xây dựng trường cho con em đi học như xã Tam Lạc (Thạch Lạc-Thạch Hà) không nhiều.
Chính nhờ khí thế sôi nổi của những ngày đầu cách mạng nên việc dạy và học của hệ thống trường tiểu học trong tỉnh bước đầu có nhiều kết quả: đào tạo được nhiều học sinh tiểu học hoàn thành chương trình học; tính đến tháng 10-1946 toàn tỉnh mở được 181 trường tiểu học; xây dựng được một bậc học khá ổn định, trải qua trên mọi địa bàn, làm nền tảng vững chắc cho sự nghiệp giáo dục Hà Tĩnh những năm sau.
Chính sách ngu dân của Pháp đối với nước ta về giáo dục là chỉ cho phát triển chiều ngang (mở cấp học thấp) mà không khuyến khích phát triển chiều cao (mở cấp bậc trên) cho nên đến những năm trước cách mạng tháng Tám, học sinh Hà Tĩnh đều phải ra Vinh hoặc vào Huế học cao đẳng tiểu học. Trên địa bàn Hà Tĩnh chỉ duy nhất có trường cao đẳng tư thục là trường Xanh Giôdép (Saint Jodeph).
Sau ngày độc lập, trường Xanh Giôdép do ông Vương Đình Lương làm hiệu trưởng, đổi tên thành trưởng tư thục Đậu Quang Lĩnh (tên một linh mục yêu nước ở Thọ Ninh - Đức Thọ). Nhà trường được xây dựng trên khuôn viên khá rộng rãi với hệ thống cơ sở vật chất, có thể xem là khá đầy đủ so với yêu cầu giảng dạy và học tập lúc bấy giờ, với đội ngũ giáo viên có trình độ như Vương Đình Lương, Nguyễn Khắc Dương, ... lại có đủ cả 4 khối lớp từ lớp đệ nhất đến đệ tứ, nên đã góp phần nhất định trong việc nâng cao học vấn cho một số thanh thiếu niên ở khu vực bắc Hà Tĩnh.
Tuy vậy, nhu cầu học tập của lớp trẻ sau cách mạng ngày càng nhiều. Bởi vậy, chính quyền cách mạng của tỉnh thấy bức thiết phải mở trường trung học trên đất Hà Tĩnh.
Cuối tháng 9 -1945, được sự ủng hộ tích cực của ông thanh tra tiểu học Trần Hậu Toàn, Uỷ ban hành chính Hà Tĩnh đã quyết định thành lập trường trung học đầu tiên tại tỉnh lỵ Hà Tĩnh. Trường mang tên nhà chí sĩ yêu nước Phan Đình Phùng. Nhà trường đặt tại cơ sở của trường tiểu học Pháp - Việt cũ với ban thầy giáo đầu tiên là Nguyễn Kim Mạc, Phan Tử Long, Đào Văn Thuần do thầy Nguyễn Kim Mạc làm hiệu trưởng. Nhà trường lúc này mới chỉ có hai lớp đệ nhất, đệ nhị và học chung với trường tiểu học, buổi sáng tiểu học, buổi chiều trung học.
Một năm sau, trường mới có đủ bốn khối trung học từ đệ nhất đến đệ tứ, có thêm một số thầy giáo các nơi về như Nguyễn Xuân Thoại, Trần Văn Trị, Nguyễn Dương Khư, Hoàng Hữu Đản... do thầy Trần Cảnh Hảo từ Quảng Trị ra làm hiệu trưởng thay thế thầy Nguyễn Kim Mạc đi công tác khác.
Trong một cuộc họp của Uỷ ban huyện, việc mở một trường trung học tại Đức Thọ, được bàn bạc sôi nổi về nhiều vấn đề như thủ tục mở trường, thầy giáo, trường ốc... Trước sự đòi hỏi của quần chúng trong vùng, Uỷ ban hành chính huyện quyết đinh thành lập trường, đặt tên là trường Trung học
Trần Phú. Thầy giáo Nguyễn Tuỳ lúc đó là Uỷ viên thư ký của Uỷ ban được giao tổ chức bộ máy quản lý và giảng dạy của nhà trường. Thành lập được một thời gian, các thầy giáo Nguyễn Tuỳ, Hoàng Vị được ra Hà Nội tiếp tục học và công tác, nhà trường phải tìm mời thêm các thầy giáo khác trong vùng như Nguyễn Quát, Đinh Xuân Tửu..
Như vậy, ngay từ sau ngày độc lập, trên đất Hà Tĩnh đã có ba trường trung học, một trường công lập ở tỉnh lỵ, một trường tư thục và một trường trung học ở địa phương có đặc điểm như một trường bán công ngày nay vì vừa có sự hỗ trợ của Nhà nước vừa có sự đóng góp của nhân dân. Hai trường trung học này cùng đặt tại Đức Thọ, phục vụ như cầu học tập của học sinh các huyện phía bắc như Hương Sơn, Đức Thọ, Hương Khê, Can Lộc.
Khác với bậc tiểu học, việc giảng dạy ở các lớp trung học bằng tiếng Việt ở tất cả các môn học có nhiều khó khăn, nhất là chỉ được quy định tạm thời giảng dạy theo chương trình trước cách mạng, gọi là chương trình Hoàng Xuân Hãn, có điều chỉnh phần tìm tòi bằng kiến thức của bản thân giáo viên. Hơn nữa, thầy giáo trung học là những người sử dụng thành thạo tiếng Pháp, nên khi lên lớp giảng dạy, nhiều lúc vẫn “quên” chen vào một vài tiếng Pháp.
Có thể nói lúc bấy giờ, mỗi giáo viên đều là một nhà tu thư và những bài soạn lúc đó thực sự có chất lượng tốt trong nhiều năm sau. Thầy giáo Hà Huy Kham ở trường trung học Trần Phú đã dạy đến ba môn vật lý, hoá học, sinh vật với biết bao nhiêu danh từ khoa học phải dùng tiếng Việt để diễn đạt mà vẫn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình. Thầy giáo Phan Tử Long nhận dạy cả các môn quốc văn, lịch sử, địa lý, vạn vật. tiếng Anh... chương trình trường trung học quy định phải dạy ngoại ngữ cho học sinh. Tuy nhà trường bãi bỏ việc dạy tiếng Pháp, nhưng vẫn cố gắng tìm mời giáo viên giảng tiếng Anh và cả Hán văn. Ở Đức Thọ, Cụ Nguyễn Tố được mời dạy Hán Văn ở cả hai trường Trung Học Trần Phú và Trung học tư thục Đậu Quang Lĩnh.
Nhà trường trung học non trẻ của Hà Tĩnh lúc bấy giờ đã hoà mình vào không khí náo nức những ngày đầu cách mạng. thầy giáo hăng hái làm việc không hề nghĩ đến thù lao, lương bổng (mà lúc đó hầu như không ai có thù lao trong khi làm việc). Đội ngũ giáo viên trung học phần lớn xuất thân từ tầng lớp trí thức, nên nhận thức về đường lối, tình hình cách mạng chưa thật sâu sắc, nhất là về quan điểm giáo dục mới. Bộ giáo dục (lúc này do giáo sư Đặng Thai Mai làm bộ trưởng) đã tổ chức Đại hội giáo dục mới, khẳng định các nguyên tắc dân tộc, khoa, đại chúng, đồng thời lập ban vận động thành lập Liên đoàn giáo giới các địa phương. Cũng trong thời kỳ này, Đoàn thanh niên cưu quốc Trung ương vận động thành lập đoàn thể học sinh trong các trường trung học gọi là Hiệu đoàn học sinh.
Tại trường Trung học Trần Phú (Đức Thọ), tổ chức đoàn do học sinh Nguyễn Trường Võ làm trưởng đoàn, tổ chức được nhiều hoạt động bổ ích như viết tập san, dự trại hè...
Tại trường Trung học Phan Đình Phùng phong trào văn nghệ, thể thao cũng khá sôi nổi, học sinh đã ra được 15 báo tay, xuất bản đều đặn hàng tháng lấy tên là Nắng sớm do học sinh Lê Quốc Quý làm chủ bút, trong đó có số đặc biệt nhân ngày giỗ của chí sĩ Phan Đình Phùng.
Thực dân Pháp trở lại gây hấn ở Nam Bộ rồi dần dần lấn chiếm ra các vùng khác ở Nam Trung bộ. Theo lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cả nước hướng về miền Nam ruột thịt. Ga Phủ Đức (thị trấn Đức Thọ) hàng ngày đón nhận các đoàn quân Nam tiến dừng lại nghỉ chân tại sân trường Trung học Trần Phú. Khí thế náo nức đi chiến đấu vì miền Nam yêu dấu tác động mạnh đến thầy trò trường Trần Phú.
Vì vậy, cuối tháng 3-1946, khi đồng chí Đặng Giá, một cán bộ quân khu IV (Nam Trung Bộ) về Hà Tĩnh tuyển chọn một đội thiếu niên phục vụ mặt trận khu IV, đến trường Trần Phú chọn học sinh vào Nam, được các em
hưởng ứng ngay. Nhà trường báo cáo với ông Phùng Văn Mại và ông Mai Trọng Đạn là lãnh đạo huyện, được chấp thuận cho một số học sinh xếp bút nghiên lên đường tranh đấu.
Chủ trương này được phổ biến ra toàn trường, trong số 200 học sinh đã có hơn 100 đơn tình nguyện mà số lượng chọn vào Nam chỉ có 20 em. Vì vậy, có em đã giả mạo chữ ký của bố mẹ trong đơn, có em thân hình bé nhỏ như Lương Sỹ Pháp đã tìm gặp ông Phùng Văn Mại nhờ xin hộ mới được đi. Trong số này, riêng xã Châu Phong đã có 10 em.
Sáng ngày 6-4-1946, thầy trò trường Trung học Trần Phú đã long trọng tiễn đưa 20 học sinh lớp đệ nhất niên lên đường vào Nam chiến đấu do em