Một thương hiệu mạnh là công cụ marketing hữu hiệu, đem lại cho doanh nghiệp nhiều lợi thế: giúp khách hàng nhận thức tốt hơn, đầy đủ hơn về sản phẩm dịch vụ, góp phần duy trì và giành được niềm tin của khách hàng, giúp doanh nghiệp thu được lợi nhuận hấp dẫn hơn, giảm thiểu ảnh hưởng của các đối thủ cạnh tranh, giảm thiểu tác động xấu trong điều kiện khủng hoảng thị trường và là sự
đảm bảo tốt có lợi thế trong đàm phán, hợp tác kinh doanh. Để xây dựng thương hiệu cho ngành may mặc, các doanh nghiệp cần thực hiện một số việc như sau:
Về phía doanh nghiệp
- Doanh nghiệp cần nâng cao chất lượng sản phẩm, từ đó tạo được uy tín cho sản phẩm của mình làm ra.
- Các doanh nghiệp cần quan tâm tới việc đăng ký quyền bảo hộ thương hiệu trên thị trường xuất khẩu để tránh hiện tượng tranh chấp thương hiệu, gây khó khăn cho công ty khi kinh doanh trên những thị trường này. Ví dụ như công ty Phương Đông đã tạo dựng được cho mình thương hiệu riêng F house và xuất khẩu sản phẩm này vào thị trường Đông Âu cần nhanh chóng thực hiện việc đăng ký quyền bảo hộ thương hiệu.
- Các doanh nghiệp cần xác định rõ tầm nhìn thương hiệu, chiến lược và phát triển thương hiệu trong từng giai đoạn và có chiến lược quản trị thương hiệu (thương hiệu sẽ được xây dựng nhắm tới thị trường nào, định vị ra sao, các công cụ hỗ trợ thương hiệu như thế nào…)
- Các doanh nghiệp tham gia các chương trình do nhà nước tổ chức nhằm nâng cao hình ảnh các doanh nghiệp. Đây là một trong những chương trình hành động hỗ trợ cho xây dựng thương hiệu Việt Nam trên thị trường thế giới.
Về phía nhà nước
Cần có sự hỗ trợ từ phía nhà nước và hiệp hội dệt may cho các hoạt động xúc tiến tiếp cận với thị trường nước ngoài. Hiệp hội cần có những chuyên viên giỏi, am hiểu lĩnh vực xây dựng thương hiệu để giúp các doanh nghiệp may có định hướng xây dựng chiến lược thương hiệu đúng đắn.
Hiệu quả của giải pháp: xây dựng được thương hiệu nổi tiếng góp phần tạo dựng uy tín doanh nghiệp, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh cho sản phẩm và doanh nghiệp may mặc.