Các doanh nghiệp may TPHCM thường sản xuất và xuất khẩu dưới hai hình thức chủ yếu: CMPT và FOB.
a. Phương thức gia công CMPT
Phương thức này được các doanh nghiệp may TPHCM áp dụng chủ yếu trong sản xuất (60-70%), phần lớn xuất khẩu đi EU và Nhật. Xuất phát từ nguồn nguyên phụ liệu trong nước không đáp ứng được yêu cầu về chất lượng của khách hàng nước ngoài mà Việt Nam phải nhập khẩu nguyên phụ liệu để gia công xuất khẩu. Hoạt động xuất khẩu chủ yếu dưới sự kiểm soát của các công ty nước ngoài Hàn Quốc, Hồng Kông hoặc các văn phòng đại lý cho đối tác nước ngoài. Các công ty này sử dụng Việt Nam làm đơn vị gia công, họ cung cấp toàn bộ nguyên phụ liệu, rập mẫu thiết kế, quy cách sản phẩm cho công ty Việt Nam. Với phương thức gia công này, giá trị gia tăng tạo ra trên sản phẩm gia công chủ yếu là tính cho chi phí quản lý và tiền công cho công nhân-nhân viên (trung bình giá gia công cho quần áo thun từ 0,6 usd -1,0 usd, áo nỉ 1,5 usd-2,0 usd, quần áo ép seam, trượt tuyết từ 3-5 usd, quần short 1-1,2 usd, quần dài 2-2,5 usd…chỉ chiếm 15-20% trị giá FOB, lợi nhuận đem lại từ hình thức gia công này khoảng 4-5%). Phần đóng
góp của các doanh nghiệp may vào việc hoàn thiện một chiếc áo khoác khoảng 11%, áo sơ mi là 25%, quần dài là 15% và trong các sản phẩm khác luôn dưới 25%. Mặt khác, các doanh nghiệp phải phụ thuộc hoàn toàn vào đối tác, luôn bị động và thiếu ổn định trong sản xuất do nguyên phụ liệu phục vụ cho quá trình sản xuất gần như do các đối tác cung cấp.
Tóm lại, tỷ lệ gia công CMPT vẫn còn lớn, điều này sẽ khiến các doanh nghiệp may thành phố vẫn còn rất khó khăn trong việc nâng cao được lợi nhuận từ phương thức gia công này và do đó chưa nâng cao được năng lực cạnh tranh sản phẩm trên thương trường quốc tế.
b. Phương thức sản xuất xuất khẩu FOB
Khi nhận hàng theo phương thức FOB, các doanh nghiệp được hưởng tỷ lệ lãi cao trên một đơn hàng từ 8-15% tổng trị giá FOB, đồng thời có thể tiết kiệm được chi phí nguyên phụ liệu nếu tính sát định mức và đàm phán mua được nguyên phụ liệu giá rẻ. Thực tế trên địa bàn thành phố đã có những công ty thành công trong lĩnh vực kinh doanh FOB. Ví dụ: Phương thức FOB đã giúp Công ty CP SXTM May Sàigòn tự chủ hơn trong hoạt động kinh doanh, đem lại tỷ suất lợi nhuận cao gấp bốn lần gia công. Sản xuất FOB của công ty năm 2007 chiếm 50% năng lực sản xuất của công ty nhưng đạt hơn 80% doanh thu, 85% lợi nhuận. Năm 2003, doanh thu FOB mới là 5 tỷ đồng thì đến năm 2007 doanh thu FOB đã đạt 250 tỷ đồng, năm 2008 đạt 350 tỷ đồng. Còn đối với công ty Minh Hoàng, phần lớn sản lượng là dưới dạng hợp đồng trọn gói FOB…Nói chung, ưu điểm của phương thức này là các doanh nghiệp có thể chủ động hơn trong sản xuất và xuất khẩu. Chi phí nguyên phụ liệu và các phụ phí khác phát sinh trong quá trình sản xuất có thể giảm thiểu ở mức tối đa. Tuy nhiên, hiện tại do những khó khăn trong vấn đề nội địa hóa sản phẩm cũng như cung cấp nguyên phụ liệu nên chưa có nhiều doanh nghiệp xuất khẩu theo phương thức FOB.
Trong năm 2004, hàng may mặc thành phố mới thực hiện 30% xuất khẩu theo phương thức FOB, còn lại 70% thực hiện theo phương thức gia công CMPT. Đến nay phương thức gia công CMPT đang được chuyển dịch sang FOB một cách tích cực theo hướng CMPT giảm dần, FOB tăng dần. Theo tổng công ty dệt may Việt Nam, tỷ lệ xuất khẩu FOB của các thành viên trong tổng công ty là 64.3%, nếu tính cho toàn ngành tỷ lệ xuất FOB là 40%.