Tĩnh hiện nay
Trong những năm qua, đội ngũ cán bộ xã, phường, thị trấn của tỉnh Hà Tĩnh đã có bước phát triển cả về số lượng và chất lượng, về năng lực tổ chức. Đội ngũ cán bộ cấp cơ sở đa số được trưởng thành trong kháng chiến, trong hoạt động sản xuất, trong thực tế lãnh đạo quản lý nên họ luôn có bản lĩnh chính trị vững vàng, có phẩm chất đạo đức trong sáng, luôn kiên định lập trường, mục tiêu, lý tưởng xã hội chủ nghĩa, quyết tâm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng. Đội ngũ cán bộ cấp cơ sở đã và đang là lực lượng nòng cốt góp phần quan trọng trong việc tổ chức và vận động nhân dân thực hiện đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, tăng cường khối đại
đoàn kết toàn dân, huy động mọi khả năng để phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội ở địa phương.
Đội ngũ cán bộ cấp cơ sở của tỉnh Hà Tĩnh đã có sự trưởng thành về nhiều mặt. Họ đã bước đầu làm quen với cơ chế mới, mạnh dạn, dám nghĩ, dám làm, đã có sự nhạy cảm về chính trị, tư duy chính trị ngày càng năng động, nhạy bén. Thành tựu phát triển kinh tế - xã hội những năm qua của tỉnh có sự đóng góp không nhỏ của đội ngũ cán bộ cấp cơ sở. Nhận thức của họ được nâng lên thì đồng thời khả năng cụ thể hoá, tổ chức thực hiện đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước cũng được nâng lên rõ rệt, nhất là khi triển khai thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở. Cán bộ cấp cơ sở làm việc sát dân hơn, lắng nghe ý kiến của nhân dân trong việc xây dựng kế hoạch, mục tiêu dân chủ và công khai. Xây dựng cơ sở hạ tầng và các khoản huy động của dân đã đưa ra để dân cùng bàn bạc và quyết định. Hoạt động của Đảng, chính quyền dần đi vào nền nếp, khắc phục dần tình trạng làm việc tuỳ tiện, cảm tính. Trên cơ sở đó đã tạo được sự thống nhất và sự đồng thuận trong nhân dân, củng cố và nâng cao lòng tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội, tăng cường an ninh quốc phòng, trật tự trên địa bàn.
Mặc dù, nhận thức khác nhau, nhưng nhìn chung đội ngũ cán bộ lãnh đạo chủ chốt cơ sở có nhân sinh quan, phương pháp luận đúng đắn, nhân thức rõ được tính đúng đắn, khoa học của việc kiên trì chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, kiên định con đường xã hội chủ nghĩa, nhận thức vai trò tất yếu của Đảng cộng sản Việt Nam đi đôi với yêu cầu đổi mới, thực hiện cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tính mềm dẻo của chính sách đối ngoại, mở rộng giao lưu quốc tế, với nhiệm vụ trọng tâm là công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.
Đội ngũ cán bộ cấp cơ sở, là những người chịu trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân, lãnh đạo, quản lý mọi mặt, mọi lĩnh vực ở địa phương, cơ sở. Tuy nhiên, so với yêu cầu nhiệm vụ thực tế hiện nay, đội ngũ cán bộ cấp cơ sở của tỉnh Hà Tĩnh vẫn còn nhiều hạn chế về năng lực, về trình độ chuyên môn, chưa đáp ứng được và chưa theo kịp yêu cầu của sự nghiệp đổi mới của quê hương, đất nước.
Theo số liệu điều tra đến tháng 30/6/2010 của Sở Nội vụ tỉnh Hà Tĩnh về trình độ các mặt nói chung trong đó có trình độ lí luận chính trị của cán bộ cơ sở cho thấy: Tổng số đội ngũ cán bộ cấp cơ sở của 262 xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh Hà Tĩnh là 4791 người. Về độ tuổi: dưới 30 tuổi có 578 người, chiếm 12%; Từ 30 – 45 tuổi có 1863 người, chiếm 39%; Từ 46 – 60 tuổi có 2277 người, chiếm 47,5%, trên 60 tuổi có: 73 người chiếm 1,5%
Thâm niên công tác: Hầu hết đội ngũ cán bộ cấp cơ sở của tỉnh đều đã có quá trình công tác lâu dài. Số cán bộ có thâm niên công tác dưới 15 năm là 3478 người, chiếm tỷ lệ 72,6%; từ 15 - 20 năm có 852 người, chiếm 17,8%; từ 21 - 30 năm có 438 người, chiếm 9,1%; trên 30 năm có 23 người chiếm 0,5%.
Nguồn cán bộ: đội ngũ cán bộ cấp cơ sở của tỉnh chủ yếu từ 4 nguồn chính là: Bộ đội chuyển ngành trở về quê hương công tác; cán bộ hưu tham gia công tác tại địa phương, đa số cán bộ cấp cơ sở trưởng thành và phát triển từ cơ sở, gắn bó trực tiếp với quê hương, làng xóm, một số ít khác được đào tạo cơ bản từ các trường đại học, cao đẳng về địa phương công tác.
Về trình độ:
Trình độ học vấn: đa số cán bộ cấp cơ sở của tỉnh đã có trình độ học vấn tốt nghiệp phổ thông. Cụ thể: số cán bộ cấp cơ sở có trình độ trung học phổ thông là 4145 chiếm tỷ lệ lớn là 86,5%, số cán bộ chưa tốt nghiệp trung học phổ thông là 646 người, chiếm 13,5%.
Trình độ lí luận chính trị: Trong những năm qua đội ngũ cán bộ cấp cơ sở của tỉnh đã được chú ý đào tạo về lí luận chính trị. Vì thế, số cán bộ có trình độ sơ cấp lí luận chính trị là 915 người, chiếm 19,1%, số đã có trình độ trung cấp lí luận chính trị là 2306 người, chiếm 48,13%, số có trình độ cao cấp lí luận chính trị và cử nhân chính trị là 35 người, chiếm 0,73%, có 1535 người chưa được đào tạo, chiếm 32,04%.
Trình độ chuyên môn: số cán bộ cấp cơ sở của tỉnh Hà Tĩnh không có bằng cấp chuyên môn là 1829 người, chiếm 38,17%, số có trình độ sơ cấp là 305 người, chiếm 6,36%, trung cấp là 1951, chiếm 40,7%, cao đẳng và đại học là 706 người, chiếm 14,7%.
Trình độ quản lý hành chính: số có trình độ sơ cấp hành chính là 609 người, chiếm 12,7%; trung cấp quản lý hành chính là 110 người chiếm 2,3%; cao cấp và cử nhân có 10 người, chiếm 0,2%.
Trình độ quản lý kinh tế và quản lý Nhà nước: số có trình độ sơ cấp là 157 người, chiếm 3,27%; trung cấp là 116 người chiếm 2,42%; cao đẳng có 2 người, chiếm 0,04%; đại học có 150 người, chiếm 3,13%. Số không có bằng quản lý kinh tế và quản lý nhà nước chiếm đa số với 4366, chiếm 91,12%.
Số liệu trên còn cho thấy, các chức danh cấp cơ sở ở tỉnh Hà Tĩnh có tuổi đời tương đối trẻ, khoẻ, năng động. Bên cạnh đó, số cán bộ có tuổi đời từ 46 trở lên chiếm tỷ lệ khá cao và lực lượng cán bộ này là những người có bề dày kinh nghiệm trong công tác nên họ dễ gây được lòng tin và phát huy tác dụng trong quần chúng. Tuy nhiên, số cán bộ tuổi cao chiếm tỷ lệ lớn sẽ ảnh hưởng đến việc xây dựng một đội ngũ cán bộ năng động và phát triển lâu dài, họ khó có thể tiếp tục vào được những nhiệm kỳ sau. Vì thế, sẽ tạo sự hụt hẫng trong đội ngũ và không đảm bảo được tính kế thừa liên tục. Cán bộ tuổi cao cũng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến tâm lý và phấn đấu học tập vươn lên nâng cao trình độ. Về trình độ học vấn, số đông và chủ yếu đã có trình độ trung học cơ sở trở lên, số có trình độ trung học phổ thông chiếm tỷ lệ lớn 86,5%.
Thực tế cho thấy, để có thể tiếp thu được lí luận chính trị đòi hỏi người cán bộ phải có trình độ học vấn tương xứng. Trình độ học vấn càng cao thì càng có tác động tích cực đến việc tiếp thu, tổ chức thực hiện đường lối, chủ trương chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, có cách nhìn và tư duy nhạy bén trước yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hoá nông nghiệp nông thôn; có khả năng lập dự án, đề án phát triển kinh tế - xã hội cho địa phương mình để trình và thuyết phục cấp có thẩm quyền thông qua và khi được duyệt thì thực thi có hiệu quả đề án, dự án đó. Hơn nữa trình độ của quần chúng ở cơ sở cũng ngày càng được nâng cao. Vì vậy, bên cạnh những thuận lợi thì trình độ học vấn phổ thông của cán bộ cơ sở còn thấp sẽ là trở ngại không nhỏ cho việc học tập, công tác Chính vì thế. V.I.Lênin đã từng khẳng định: Người không biết chữ là người đứng ngoài chính trị, và Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng cho rằng: Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu.
Trong tình hình hiện nay, đòi hỏi đội ngũ cán bộ cấp cơ sở cũng cần phải có trình độ chuyên môn nhất định. Trình độ chuyên môn là một trong những yếu tố cơ bản có ảnh hưởng đến việc nâng cao trình độ lí luận chính trị. Trình độ chuyên môn, nghiệp vụ càng cao thì càng có cơ sở khoa học giúp cán bộ tiếp thu nhanh hơn những kiến thức về lí luận chính trị. Tuy nhiên, như số liệu điều tra đã đề cập, số cán bộ cơ sở của tỉnh có trình độ chuyên môn Cao đẳng, Đại học chiếm tỷ lệ thấp, chỉ chiếm 14,7%, số chưa được đào tạo về chuyên môn chiếm tỷ lệ cao tới 38,3%, số có trình độ chuyên môn sơ cấp 6,3% và trung cấp 40,7% cũng còn chiếm tỷ lệ thấp. Với trình độ đã được đào tạo về mặt chuyên môn cho thấy, đây là một trong những khó khăn đối với cán bộ cơ sở trong quá trình lãnh đạo, tổ chức quản lý và quá trình phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, nhất là khi công cuộc đổi mới đất nước ngày càng đi vào chiều sâu. Không có trình độ chuyên môn cũng chính là thiếu hụt cơ bản nhất trong cơ chế bầu cử lựa chọn cán bộ hiện nay ở tỉnh Hà Tĩnh.
Về trình độ quản lý hành chính Nhà nước, hầu như cán bộ lãnh đạo chủ chốt cơ sở ở Hà Tĩnh chưa được đào tạo cơ bản về kiến thức về quản lý hành chính Nhà nước, quản lý kinh tế, hoặc nếu có được bồi dưỡng thì còn chắp vá, họ chỉ được tham dự các lớp bồi dưỡng ngắn ngày. Do đó, am hiểu về pháp luật còn nhiều hạn chế, lúng túng trong việc giải quyết những tình huống, những vụ việc phức tạp trong đời sống ở cơ sở. Do kiến thức quản lý kinh tế, quản lý hành chính Nhà nước còn yếu nên chủ yếu làm việc theo kinh nghiệm và thói quan, lề lối làm việc của một số cán bộ lãnh đạo chủ chốt còn quan liêu hách dịch, thiếu trách nhiệm trước công việc được giao, chưa thực sự sát dân, lắng nghe ý kiến của dân, giải quyết công việc còn tuỳ tiện, thậm chí còn đùn đẩy. Tình trạng vi phạm pháp luật về đất đai, xây dựng cơ bản, thu chi ngân sách chưa được ngăn chặn.