Thứ nhất, củng cố và mở rộng các trường phổ thông dân tộc nội trú và hệ dự bị, cử tuyển.
Phát triển Trường phổ thông dân tộc nội trú là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta từ những năm 1990. Nghị quyết Trung ương Hai khóa VIII về “định hướng chiến lược phát triển GDĐT trong thời kỳ CNH, HĐH” đã nhấn mạnh: “Đổi mới miền núi, vùng sâu, vùng khó khăn … mở thêm các trường dân tộc nội trú và các trường bán trú ở cụm xã, các huyện tạo nguồn cho các trường chuyên nghiệp và đại học để đào tạo cán bộ cho các dân tộc” [17, tr. 35].
Thực hiện Nghị quyết Trung ương Hai khóa VIII, Đảng bộ tỉnh ĐăkLăk có Chỉ thị 19/ CT – TU, ngày 16/ 7/ 1999 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy ĐăkLăk về đào tạo và sử dụng cán bộ dân tộc. Từ đó, việc đầu tư xây dựng và phát triển trường dân tộc nội trú được quan tâm hơn, tập trung củng cố, xây dựng cơ sở vật chất và đội ngũ cán bộ, giáo viên các trường phổ thông dân tộc nội trú từ huyện đến tỉnh; đồng thời nghiên cứu, sửa đổi chế độ học phí cho học sinh dân tộc nội trú, nhằm đảm bảo cho việc dạy và học đạt chất lượng cao hơn.
Toàn tỉnh ĐăkLăk có 1 Trường phổ thông dân tộc nội trú tỉnh và 17 huyện, thành phố có trường hoặc bộ phận dân tộc nội trú (2 huyện chưa có trường phổ thông dân tộc nội trú là ĐăkSong và Krôngpăk) với tổng cộng 82 lớp, 166 giáo viên và 2424 học sinh. Tuy hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú được củng cố và mở rộng nhưng việc đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật chưa đáp ứng được yêu cầu cho công tác dạy và học, trong 17 trường phổ thông dân tộc nội trú chỉ có 10 trường đã được xây dựng tương đối kiên cố,
có nhà ở, lớp học khang trang và có trường thì chưa có cơ sở vật chất đầy đủ, trong đó có 4 trường chưa có nhà học, 13 trường chưa có phòng thí nghiệm, 8 trường chưa có thư viện, 8 trường chưa có nhà ăn tập thể, 15 trường chưa có cơ sở hoạt động thể dục thể thao. Mặc dù những năm 1999-2001, tỉnh ĐăkLăk và ngành giáo dục đã đầu tư 12.435 tỷ đồng để xây dựng cơ sở vật chất cho các trường phổ thông dân tộc nội trú nhưng vẫn chưa đủ cơ sở vật chất tối thiểu cho hoạt động bình thường của các nhà trường. Với cơ sở vật chất phục vụ cho công tác đào tạo như vậy chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến chất lượng của công tác đào tạo trong nhà trường.
Học sinh DTTS ở tỉnh ĐăkLăk là rất lớn nhưng số vào học ở các trường đại học, cao đẳng là rất ít kể cả trước đây và hiện nay. Vấn đề đặt ra ở đây là học sinh DTTS từ các cấp học mầm non, tiểu học, trung học cơ sở chưa được quan tâm đào tạo, bồi dưỡng một cách chu đáo. Nên khi lên học ở các trường phổ thông dân tộc nội trú phần lớn các em đã bị hổng kiến thức cộng với môi trường học tập trong các trường dân tộc nội trú chưa thực sự hấp dẫn nên dù đã rất cố gắng nhưng khả năng để thi đậu vào các trường cao đẳng, đại học là rất ít. Điều đó càng làm gia tăng sự chênh lệch giữa số lượng học sinh DTTS với học sinh là người kinh vào học trong các trường cao đẳng, đại học.
Chính sách dự bị, cử tuyển - một chủ trương đúng trong chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước ta về phát triển giáo dục, đào tạo ở vùng miền núi, vùng DTTS. Sau khi học xong chương trình dự bị và cử tuyển học sinh DTTS được vào thẳng học trong các trường đại học và cao đẳng mà không phải thi tuyển sinh đầu vào. Vậy mà, số học sinh DTTS dự bị, cử tuyển của tỉnh ĐăkLăk còn quá ít, đặc biệt là hệ cử tuyển. Các lớp dự bị, cử tuyển ở các trường đại học, cao đẳng trong những năm gần đây đều thiếu học sinh. Khoa Dự bị Trường Đại học Tây Nguyên hàng năm tuyển sinh được mỗi lớp chỉ có vài ba chục học sinh trong khi đó chỉ tiêu tuyển sinh hàng năm ít nhất là 50 học sinh/ Lớp. Có những lớp chỉ có từ 6 – 10 học sinh. Về cơ cấu học sinh DTTS chiếm 90-92% trong các lớp dự bị, cử tuyển là không hợp lý, lẽ ra các lớp này chỉ nên dành riêng cho học sinh DTTS.
Bảng 2.1: Học sinh ĐăkLăk theo học dự bị Đại học Dân tộc Trung ương Nha Trang