Hình thành một định hướng chiến lược xây dựng đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số nói chung và cán bộ khoa học kỹ thuật người dân tộc thiểu số

Một phần của tài liệu Đảng bộ tỉnh ĐăkLăk lãnh đạo công tác đào tạo cán bộ khoa học kỹ thuật người dân tộc thiểu số từ năm 1996 đến 2004 (Trang 71 - 73)

dân tộc thiểu số nói chung và cán bộ khoa học - kỹ thuật người dân tộc thiểu số nói riêng

Để có được đội ngũ cán bộ KHKT người DTTS thực sự tài năng phục vụ sự nghiệp CNH, HĐH đất nước thì phải chăm lo phát triển nhân tài. Đây là trách nhiệm của toàn xã hội mà trước hết là sự lãnh đạo của Đảng và điều hành của Nhà nước. Chúng ta vẫn chưa có Nghị quyết chuyên đề của Đảng và chiến lược của Nhà nước về công tác này. Vì vậy, đã đến lúc Đảng và Nhà nước cần khẩn trương hoạch định và thực thi một chiến lược của đất nước về công tác đào tạo cán bộ KHKT người DTTS. Vì công tác đào tạo cán bộ không phải là công việc trước mắt, sách lược mà nó mang tính chất chiến lược lâu dài, sự thành công hay thất bại của cách mạng phụ thuộc rất lớn vào hiệu quả của công tác đào tạo cán bộ và phẩm chất năng lực của đội ngũ cán bộ. Chính vì vậy, để công tác đào tạo cán bộ KHKT người DTTS có hiệu quả cao và đóng góp đắc lực cho sự nghiệp CNH, HĐH ở tỉnh ĐăkLăk đòi hỏi Đảng bộ tỉnh ĐăkLăk phải xây dựng được một chiến lược, kế hoạch dài hạn, có tầm nhìn xa trông rộng.

Trong quá trình xây dựng đội ngũ cán bộ DTTS, trên cơ sở quán triệt Nghị quyết Trung ương Ba khóa VIII và các đặc điểm cụ thể của địa phương, phải thấm nhuần tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, coi: “cán bộ là cái gốc của mọi công việc” để tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ có trình độ, năng lực, có đạo đức, phẩm chất cách mạng, trung thành với Chủ nghĩa Mác - Lênin và Tư tưởng Hồ Chí Minh. Để làm được điều đó phải xem mỗi nhiệm vụ của công tác cán bộ phải là một mắt

xích của chiến lược cán bộ, coi công tác quy hoạch cán bộ và thực hiện các bước sau quy hoạch như đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển cán bộ là việc làm thường xuyên để thực hiện chiến lược cán bộ.

Việc xây dựng các mục tiêu, nhiệm vụ về tổ chức và cán bộ là mang tính chiến lược nên trước hết phải tiến hành khảo sát, đánh giá đúng thực trạng tình hình cán bộ; có những dự báo, định hướng phù hợp với yêu cầu của nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, giữ vững quốc phòng-an ninh trong từng thời kỳ, có như vậy mới không bị động, lúng túng trong công tác tổ chức và cán bộ. Quá trình thực hiện phải coi việc lãnh đạo, chỉ đạo có trọng tâm, trọng điểm, gắn với việc xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở và tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ DTTS, cán bộ nữ, cán bộ trẻ, cán bộ làm KHKT … Tăng cường đầu tư nghiên cứu các cơ chế, chính sách cán bộ; đồng thời, phải coi trọng công tác kiểm tra, sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm.

Đảng bộ tỉnh ĐăkLăk cần hình thành một định hướng chiến lược cán bộ KHKT người DTTS đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp CNH, HĐH. Nội dung cơ bản của chiến lược xây dựng đội ngũ cán bộ KHKT người DTTS ở ĐăkLăk là:

- Ban Thường vụ tỉnh ủy ĐăkLăk chỉ đạo việc khảo sát, điều tra xã hội học, đánh giá thực trạng đội ngũ cán bộ KHKT người DTTS và công tác đào tạo cán bộ KHKT người DTTS ở các cơ sở đào tạo. Tác nghiệp này sẽ giúp cho các cấp ủy đảng nắm chắc hiện trạng đội ngũ cán bộ, mặt mạnh, mặt yếu, thừa thiếu, năng lực, sở trường, xu hướng triển vọng của từng cán bộ. Đây là cơ sở hết sức quan trọng để có tầm nhìn và tư duy chiến lược về xây dựng đội ngũ cán bộ KHKT người DTTS.

- Đẩy mạnh công tác đào tạo cán bộ KHKT người DTTS. Chất lượng của đội ngũ cán bộ tùy thuộc rất lớn ở khâu này. Căn cứ vào đặc điểm, chức năng, nhiệm vụ, thực trạng đội ngũ cán bộ để xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cho hợp lý, nhằm nâng cao tính hiệu quả tránh lãng phí. Coi trọng việc đa dạng hóa trong nội dung, chương trình, hình thức đào tạo, bồi dưỡng. Tập trung ưu tiên đào tạo cán bộ KHKT người DTTS. Vừa coi trọng đào tạo chính quy tập trung, vừa coi trọng đào tạo, bồi dưỡng tại chức, tập huấn, tham quan học tập, trao đổi kinh nghiệm. Đồng thời khơi dậy tính chủ động học tập, bổ sung kiến thức ở mỗi cán bộ. Đối với cán bộ KHKT người

DTTS cần trang bị thêm phương pháp biện chứng, năng lực phân tích dự báo, tính năng động sáng tạo, tầm nhìn xa trông rộng, đủ sức giải quyết những vấn đề xảy ra từ thực tiễn.

- Bố trí, sử dụng hợp lý đội ngũ cán bộ KHKT người DTTS. Mỗi lĩnh vực chuyên môn đều có đặc điểm riêng, mỗi cán bộ KHKT người DTTS đều có năng lực, sở trường của mình. Mỗi cán bộ dù tài giỏi đến mấy cũng khó có thể hiểu biết thành thạo ở nhiều lĩnh vực. Cần khắc phục kiểu sử dụng cán bộ “thợ rèn thì bảo đi đóng tủ, thợ mộc thì bảo đi rèn dao”. Khi bố trí sử dụng đúng chuyên môn rồi nhưng khả năng vận dụng vào thực tiễn lại không tốt, không phát huy được ngành nghề đã học thì cần phải luân chuyển sang làm những công việc phù hợp. Cần bồi dưỡng nhân tài theo định hướng quy hoạch “khéo dùng thì nhân tài ngày càng phát triển càng thêm nhiều”. Sử dụng tốt đội ngũ cán bộ KHKT người DTTS sẽ động viên được nhiệt tình, trách nhiệm và tài năng sáng tạo của họ trong nghiên cứu khoa học, tuyên truyền đồng bào DTTS thực hiện tốt việc ứng dụng KHKT trong sản xuất.

Ba nội dung cơ bản của chiến lược xây dựng đội ngũ cán bộ KHKT người DTTS ở ĐăkLăk nêu trên đều liên quan chặt chẽ, bổ sung cho nhau nhằm đạt mục tiêu đề ra xây dựng đội ngũ cán bộ DTTS đủ về số lượng, đảm bảo về chất lượng, đồng bộ về cơ cấu, vươn lên ngang tầm đòi hỏi của nhiệm vụ cách mạng.

Một phần của tài liệu Đảng bộ tỉnh ĐăkLăk lãnh đạo công tác đào tạo cán bộ khoa học kỹ thuật người dân tộc thiểu số từ năm 1996 đến 2004 (Trang 71 - 73)