Các đền, miếu

Một phần của tài liệu Lịch sử văn hóa làng Phú Nghĩa (Quỳnh Nghĩa, Quỳnh Lưu, Nghệ An) từ thế kỷ xv đến năm 1945 (Trang 86 - 100)

6. Bố cục của luận văn

3.1.1. Các đền, miếu

Trước năm 1945, hầu như mỗi thôn của làng đều có đền thờ thần linh. Đền Đông ở phía đông làng (nay là xóm 3, Quỳnh Nghĩa) được xây dựng dưới chân Núi Rồng. Đền được xây dựng vào khoảng thế kỷ XIII thời Trần. Vì thời gian và chiến tranh ác liệt kéo dài nay chỉ còn lại những bức tường đổ nát. Các bậc già làng kể lại rằng đền xây cất kiểu hai tòa, có hai gian chính tẩm dọc và ba gian ca vũ, nửa mái ngoài nằm ngang, có hai cột nanh cao 5m, có sân và tường bao quanh. Đền thờ nhân thần Sát hải đại tướng quân Hoàng Tá Thốn.

Thôn Nghĩa Trung xưa có ngôi miếu nằm phía tây (nay là xóm 4, Quỳnh Nghĩa). Tương truyền miếu được xây cất trên ức con Phượng Hoàng, có hai tòa. Tòa trong hai gian dọc, tòa ngoài ba gian ngang, mặt tiền sát với sông Mai Giang, phía hậu chẩm là làng, xung quanh có hàng cây ngô đồng bao bọc. Theo sách Tục thờ thần và thần tích Nghệ An thì đền thờ Long Hà Tây Hải đại vương [28;537]. Vì chiến tranh nay không còn vết tích.

Án ngữ ở phía bắc của làng (xóm 1, Quỳnh Nghĩa) là nghè Bắc, thờ thổ thần bản cảnh, để bảo vệ địa đầu của làng ở phía Bắc. Cấu trúc chỉ có một gian dọc phía trong có đảng xây và lô hương. Hàng năm không tế lễ, chỉ hương khói.

Phía nam của làng (xóm Minh Sơn) có miếu Nam, mặt tiền hướng ra cửa Lạch Quèn. Miếu được xây dựng từ thời Hậu Lê, thờ Sát Hải Đại Vương Hoàng Tá Thốn - người có công lớn hai lần giúp Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn quét sạch quân Nguyên Mông và còn là vị thần hộ mệnh cho người dân đi biển.

Vậy là, cả bốn hướng đông tây nam bắc của làng đều có đền miếu địa đầu trấn giữ. Hầu hết các đền miếu trong làng đều thờ các vị Thần sông nước với tín ngưỡng gắn liền biển cả.

3.1.1.1. Đền thờ Ngư Ông

Tại Thượng thôn có đền thờ hai vị Ngư Ông ở cạnh Đầu Rồng (bà con còn gọi là nghè). Nhiều ngư dân, nhất là những thuyền lưới chiêm đánh bắt xa bờ hoặc những người buôn bán tàu thuyền đường dài trên sông, trên biển đều có lễ cầu Ngư Ông trước khi thuyền nhổ neo và có lễ tạ sau khi thuyền về cập bến an toàn.

3.1.1.2. Nền Thiên Vương (miếu văn))

Lúc đầu nền đặt ở Ngõ Múng (trên lưng Núi Rồng) thờ đức Khổng Tử. Sau khi biệt bạ (chia làng) năm 1913, hội làng văn tách ra, nhà văn thánh của Phú Nghĩa Hạ chuyển về đặt ở sườn núi phía nam Rú Mành (thực ra chỉ là một khoảnh đất rộng chồng đá xung quanh, đặt bàn thờ ở giữa nên gọi là nền Thiên vương). Phú Nghĩa Thượng chuyển nhà Văn Thánh về Ngõ Son, một thời gian sau lại chuyển về gốc Đen, xây dựng thành miếu có hậu lâu và ba gian ngoài dùng để hội họp tế lễ. Bên trong miếu bài trí rất đơn giản, chỉ có lư hương và vài tế khí, có bức đại tự “Sơn anh hải tú” và đôi câu đối. Việc tế tự do hội làng văn đảm nhiệm. Hội làng văn có ruộng cày là do ông Đỏ Chơng cúng, khoảng một mẫu ruộng hậu kỵ, hàng năm dùng hoa lợi phục vụ cho tế lễ và hương khói vào ngày mồng một, ngày rằm. Sau khi cụ cử nhân Hồ Bang Trực qua đời, hội cũng tản dần, ruộng hậu kỵ lại trả về chỗ cũ. Nhà Văn Thánh nay không còn vết tích.

3.1.1.3. Miếu Võ

Là một địa phương nổi tiếng văn võ, bên cạnh miếu Văn, làng cũng có miếu Võ. Đây là miếu của làng binh chung cho cả hai thôn Thượng, Hạ, bao gồm những người lính đã mãn hạn về địa phương, được cấp ruộng công điền

để cày cấy làm ăn. Miếu thờ những vị quan võ có công lớn với quê hương đất nước. Võ miếu xây cất trên vùng đất Đồi Lội (Quỳnh Nghĩa), kiến trúc cũng có hậu lâu và ba gian ngoài để hội họp, tế lễ. Hàng năm cứ “xuân thu nhị kỳ” vào rằm tháng hai và rằm tháng tám tổ chức lễ tế theo nghi thức tế thần. Tiếc thay duệ hiệu và miếu đường hiện nay không còn vết tích.

Từ lâu, ở Phú Nghĩa có nhiều đền miếu được xây dựng, điều đáng tiếc là hầu hết các đền miếu trên, do thời gian và chiến tranh, hiện nay chỉ còn lại một số vết tích. Làng Phú Nghĩa có hai đền lớn nhất và còn tồn tại đến nay là đền Thượng ở thôn Thượng (Quỳnh Nghĩa) và đền Chính ở thôn Hạ (Tiến Thủy).

3.1.1.4. Đền Thượng

Đền nằm về hướng Đông Bắc của huyện, cách UBND huyện Quỳnh Lưu 15 km, cách Thành phố Vinh 75 km về phía Đông Bắc. Đi từ Vinh theo đường quốc lộ I đến thị trấn Giát rẽ tay phải khoảng 15 km là đến di tích.

Tương truyền đền Thượng được xây dựng vào thế kỷ XV, trên dãy Thạch Cương, chính giữa mạch Càn Hợi (từ núi Xước đến tận núi Rồng), tọa Tây Bắc, mặt tiền hướng Đông Nam với diện tích khuôn viên gần một ha. Riêng phần chính điện đã chiếm 472m2. Đền Thượng nằm trên nền đá cuội cao ráo, thoáng mát thuộc làng Phú Nghĩa Thượng (nay là xóm 2, xã Quỳnh Nghĩa, Quỳnh Lưu). Xung quanh đền có hai lớp tường đá ghép bao bọc, thành ngoại cao 1,2m, dưới chân rộng 2,5m, thành nội cao 1m, chân rộng 2m. Giữa thành nội và thành ngoại nhiều cây cối rậm rạp, đặc biệt trước chùa sau đền có cây trôi cổ thụ cao khoảng 20m, gần 1000 năm tuổi càng tôn thêm vẻ uy nghiêm cho đền [14;39].

Phía trước đền là cổng tam quan đường bệ, có đôi voi, đôi ngựa chầu kim khuyết, có hai cột nanh cao khoảng 5m, mặt đối diện và mặt ngoài của hai cột nanh có câu đối nay chẳng còn ai nhớ. Điền dã cho thấy, hiện những

dấu tích này không còn nữa, chỉ còn một lớp tường bao quanh di tích cao trên 1m và hai cột nanh, cây cối thì vẫn tương đối nhiều.

Về kiến trúc, đền làm theo kiểu “chữ Tam” với Tam tòa: Ca vũ, thiêu hương, chính tẩm.

Tòa thứ nhất: Hạ điện (còn gọi là nhà Ca vũ). Theo các cụ trong làng kể lại, đây là ngôi nhà lớn nhất với 5 gian 2 hồi. Trên đỉnh nóc đắp nổi lưỡng long chầu nguyệt đăng đối, với chất liệu vôi vữa rồi ghép mảnh sành sứ. Bốn đầu đao cong vút thể hiện 2 con nghê đang leo lên, leo xuống. Hai đầu hồi đốc đắp nổi mặt hổ phù. Toàn bộ phần mái của đền được lợp bằng ngói vảy âm dương loại khổ lớn, mũi dày. Hạ điện có một trống, một chiêng để 2 bên. Trước nhà Hạ điện có hương án chạm trổ rất tinh xảo, với các biểu tượng tứ linh chạm nổi long, ly, quy, phượng. Hạ điện được dùng làm nơi tế lễ của làng. Một bên văn, một bên võ, có ngũ hương hào lý giám sát công việc [34]. Nhà hạ điện nay không còn, chỉ còn lại 12 tảng đá cột kê, đường kính dài 0,52m, rộng 0,52m, được tu tạo theo khối vung hình chảo úp. Tất cả gỗ dùng làm đền đều bằng gỗ lim do nhân dân khai thác tại địa phương.

Tòa thứ hai: Trung điện (còn gọi là nhà Thiêu hương, hiện vẫn còn. Chiều cao Trung điện từ đỉnh xuống mặt nền là 4m, chiều dài tới 7,6m, chiều rộng là 5,2m. Trung điện có 3 gian với 12 cột, đường kính cột 0,66m, cao 31,5m. Mỗi cột có một tảng đá kê hình vuông với chiều dài rộng 5,2m. Bốn cột hiên trước cửa nhà thiêu hương sơn son thiếp vàng, có từng áng mây trôi và rồng leo cột - dấu ấn của nền văn hóa thời Lý. Bên ngoài hai đốc nhà thiêu hương hiện còn hình tượng hai con hổ phù ngậm thư trời - dấu ấn văn hóa thời Hậu Lê. Phía trong đền có bức đại tự “Thượng đẳng tối linh”, có long ngai bài vị, hòm sắc và thần y, có một hệ thống bàn thờ, lư hương, tàn lọng, cờ quạt, gươm đao và hai ngựa bạch hồng chầu ngự (sau thay là hai bạch hạc). Có chiêng đồng và trống đại được khắc vẽ hoa văn, họa tiết tứ quý và giá trống, giá chiêng có trạm trổ cực kỳ tinh xảo.

Tòa thứ ba: Thượng điện (còn gọi là chính tẩm). Hiện nay đang còn. Nhà chính tẩm kết cấu 2 gian, 2 hồi, chiều dài tới 7m, chiều rộng 4,1m, chiều cao 3,8m. Có 6 cột đường kính gần 1m, cao 2,5m. Trên đỉnh nóc 4 đầu đao trang trí hình rồng uốn lượn. Trong nhà thờ các vị thần có long ngai bài vị sơn son thiếp vàng, được bài trí phù hợp càng tăng thêm vẻ uy nghi, huyền bí của thần linh.

Theo thần phả và sắc phong, đền Thượng thờ các vị thần chính là: Cao Sơn Cao Các, Đế Thiên Đế Thích, Tam Tòa đại vương và Quận công Trương Đắc Phủ [30,537]. Khi cúng thì kỵ:

1. Sát hải đại tướng quân ở đền Đông. 2. Tây Hà Long Uyên ở miếu Tây.

3. Ba quận công họ Trương tại phủ thờ, đó là: Mỹ quận công Trương Đắc Phủ, Hiền quận công Trương Đắc Lương và Trình quận công Trương Đắc Thọ [14;40]. Các vị đều là phúc thần của dân làng nên được thờ với tấm lòng thành kính, ngưỡng mộ. Các hiện vật trong di tích: Gồm có các loại tế khí: Chiêng đồng; trống,; bát hương bằng đồng; đĩa cổ; bình hoa; đồ thợ tự; 4 kiệu; lọng che; tàn; quạt bằng lông công; chuông đồng; khánh; bung 50; bung 30; mâm thau; mâm cổ bồng; nồi đồng; lu đựng nước cổ; đài thờ để trầu cau; gươm dài; hài, hộp, gương, lược [34;21]. Năm 1945, xã Quỳnh Nghĩa đã đưa những đồ thờ tự trong đền ủng hộ “Tuần lễ vàng” do Chính phủ phát động nên phần lớn các hiện vật cổ đến nay không còn.

Ở đền Thượng, các hiện vật còn lại không nhiều nhưng đã phản ánh phần nào giá trị về văn hóa - nghệ thuật và khoa học lịch sử.

Về mặt văn hóa nghệ thuật, những mảng điêu khắc chạm trổ trên các văng, xà, hạ, đòn bẩy, cột dù chưa nhiều và có phần đơn giản nhưng đã thể hiện sự đồng điệu thanh thoát trong tổng thể. Với lối kiến trúc truyền thống chồng giường chồng đấu, 4 đầu đao vút cong thể hiện trình độ thẩm mỹ trong

kiểu kiến trúc của nhân dân Quỳnh Nghĩa trước đây. Việc sử dụng hệ thống giá chiêng, kê chuyền, cột, kèo đều được làm bằng chất liệu gỗ và sử dụng kỹ thuật mộng chứng tỏ trình độ của người thợ rất cao. Chính vì vậy đã tạo nên những vỉ kèo có giá trị thẩm mỹ, vừa đảm bảo chắc chắn và có độ bền vững khá cao. Người xưa đã triệt để lợi dụng những yếu tố về lực giằng, lực kéo, lực nén và khả năng tải trọng của chất liệu gỗ. Do đó, đã tạo nên những bộ vỉ và nhiều vỉ kết hợp với nhau, tạo nên khung nhà chắc chắn có đủ sức chống chọi với thiên tai, tồn tại với thời gian. Nhìn chung, đền được cấu trúc bền chắc khỏe, phù hợp với môi trường vùng ven biển nhiều gió bão. Những yếu tố này tạo cho ngôi đền trở thành một di tích kiến trúc duy nhất còn lại trong làng hiện nay.

Giá trị nghệ thuật điêu khắc của di tích chủ yếu tập trung ở các hiện vật. Đáng chú ý là kiệu rồng, giỏ trống, chiêng đồng và trống đại gần như được chạm khắc toàn bộ. Những nét chạm nổi tạo nên họa tiết hoa văn, hình tượng tứ linh rất rõ nét và có thần, phản ánh được trình độ thẩm mĩ, kĩ thuật điêu khắc của người xưa khá cao.

Đền Thượng thuộc loại hình di tích lịch sử cách mạng thời Xô Viết Nghệ Tĩnh 1930-1931. Với vị trí xa làng, nằm kín đáo giữa rừng cây cổ thụ nguyên sinh nên đền là nơi được chọn để làm cơ sở hoạt động cách mạng: nơi thành lập chi bộ Đảng và hội họp chỉ đạo các cuộc đấu tranh, nơi treo cờ đảng trong biểu tình và in báo chí, truyền đơn cũng là nơi cơ quan huyện ủy đóng. Đền vừa là nhân chứng hùng hồn của phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh ở địa phương và là địa điểm luyện tập của tự vệ huyện chuẩn bị cho cướp chính quyền trong cách mạng tháng Tám 1945. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp và chống Mỹ cứu nước, di tích đền Thượng từng là kho chứa vũ khí, hàng hóa của nhà nước, cũng là nơi diễn ra lễ tiễn đưa hàng trăm con em lên đường đánh giặc Mỹ cứu nước.

Trước năm 1913 đền đã hai lần được phong sắc lộc (Cựu phong và Tân phong). Từ khi xây dựng đến nay đền đã ba lần tu sửa. Lần đầu vào tháng 10 năm 1865, do ông Lương Tu, Phó Oanh tu sử; lần 2 vào năm 1944; lần 3 vào năm 1987 [34;25]. Đền Thượng được Bộ VH -TT công nhận và cấp bằng di tích lịch sử cấp Quốc gia vào năm 1996.

3.1.1.5. Đền Chính

Tọa lạc tại Phú Nghĩa Hạ, Tiến Thủy nay, đền thờ Tứ vị Thánh nương (thường gọi là Đức Thánh Tứ), là một trong hai ngôi đền lớn nhất của làng Phú Nghĩa xưa. Theo truyền thuyết địa phương, khi quân Nguyên tràn xuống đánh nhà Nam Tống, Tống thua trận, triều đình và quân sĩ tan tác. Hoàng hậu Nam Tống cùng hai công chúa nhà Tống chạy nạn giặc Nguyên, trôi giạt vào vùng biển Quỳnh Lưu (nay có ngôi đền Cờn tại Quỳnh Phương, Quỳnh Lưu, Nghệ An). Bốn bà đã giúp dân vùng Nghệ An trong quá trình sản xuất kinh tế và đánh giặc. Từ xưa thần phả đền Cờn đã ghi rõ “Quốc gia Nam Hải đại cần thánh nương tứ vị thượng đẳng tối linh tôn thần”. Thực chất đây cũng là hệ thống thần linh của người xưa, vừa gắn với cuộc sống của một xã hội nông nghiệp cầu mưa, cầu được mùa, vừa gắn với ước mong của những người làm ăn trên sông nước. Khi ra khơi, lúc vào lộng, mong được thần linh che chở, phù hộ. Vì vậy, nhân dân không chỉ lập đền thờ ở Quỳnh Lưu mà còn ở nhiều nơi, trong đó có nhiều làng gần sông nước như Phú Nghĩa.

Đền được xây dựng vào thời Trần, ban đầu lợp tranh, dưới khu rừng nguyên sinh có nhiều cây đại thụ. Qua nhiều lần trùng tu, nâng cấp, đến giữa thế kỷ XIX đền được xây dựng hoàn chỉnh theo hệ tam tòa. Đây là công trình kiến trúc do chính bàn tay khối óc của các nghệ nhân Phú Nghĩa sáng tạo nên. Trước mặt là tòa ca vũ ba gian, hai chái tạo thành bốn mái, dáng uy nghi bề thế. Đền có 6 hàng cột lim, mỗi hàng 4 cột cao 5m, đường kính gần nửa mét, các vì kèo liên kết với nhau theo kiểu giá chiêng chồng nhị. 24 bẩy

đều được chạm trổ, các đường họa tiết hoa văn khỏe, đẹp. Mái đền dài, xòe rộng, lợp ngói mũi, bờ nóc hơi võng có lưỡng long triều nguyệt được gắn bằng những mảnh đồ sứ cổ xưa, có 3 cửa lớn song con tiện rất đẹp, ngoài cửa có 2 đầu rồng bằng đá to chầu hai bên. Đây là nơi làng tế, một bên treo trống đại, một bên chuông đồng cổ cao trên 1m, đường kính nửa mét. Có đôi ngựa chiến lớn màu hồng, bạch.

Tiếp theo là nhà thiêu hương ba gian có quy mô kích thước nhỏ hơn nhà ca vũ, có kết cấu các vì kèo mái cong rất vững chắc và đẹp như nhà ca vũ. Trong đặt bàn thờ, tàn lọng, cờ quạt, trướng.

Sau cùng là hậu cung (hậu lâu) nhỏ hơn nhà thiêu hương nhưng giữ dáng dấp rất cổ xưa. Vữa để xây là là đất sét được nghiền với vỏ cây niệt và mật mía. Trong có long ngai bài vị, hộp sắc, thần y, có 4 đôi hài của 4 vị nữ thần.

Ngoài cùng là cổng tam quan, cổng vào đến sân đền được lát bằng gạch Bát Tràng. Năm 1847, đền được trùng tu. Năm 1864, làng đặt văn bia “Thạch bài chính điện ký minh”, đến năm 1941, dân làng góp tiền xây lại tam quan đồ sộ và đặt bia “Chính điện bi tam quan linh từ” [15;56].

Trải qua thời gian và những biến cố lịch sử, đền chỉ còn lại tòa ca vũ trống rỗng, có phần biến dạng. Tuy nhiên toàn bộ vì kèo cột của tòa ca vũ vẫn còn nguyên vẹn, là chứng tích cuối cùng chứng tỏ tài năng sáng tạo nghệ thuật, ý thức xây dựng quê hương của tổ tiên. Đền Chính được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh năm 2005.

Một phần của tài liệu Lịch sử văn hóa làng Phú Nghĩa (Quỳnh Nghĩa, Quỳnh Lưu, Nghệ An) từ thế kỷ xv đến năm 1945 (Trang 86 - 100)