Phong tục tập quán

Một phần của tài liệu Lịch sử văn hóa làng Phú Nghĩa (Quỳnh Nghĩa, Quỳnh Lưu, Nghệ An) từ thế kỷ xv đến năm 1945 (Trang 105 - 112)

6. Bố cục của luận văn

3.2.3. Phong tục tập quán

3.2.3.1. Tục cưới xin

Người dân Phú Nghĩa xưa thường chọn vợ theo các tiêu chuẩn “Công, Dung, Ngôn, Hạnh” truyền thống. Công được hiểu là nết ăn, nết làm, tài đảm đang quán xuyết việc nhà cũng như việc chăm sóc, nuôi dạy con cái của người phụ nữ. Dung là nhan sắc nhưng hiểu rộng là khỏe mạnh... Ngôn là lời ăn tiếng nói ý tứ, dịu dàng. Hạnh là đạo đức, cách xử thế đúng mực [39;548].

Trước đây người dân Phú Nghĩa thường theo quan niệm “cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy” và các bậc làm cha, làm mẹ luôn giữ khuôn phép “môn đăng hộ đối”, “lấy vợ xem tông, lấy chồng xem giống”. Không ít trường hợp các cụ đã thỏa thuận “gả bán” khi con cái còn “để chỏm”. Như bao làng Việt khác, phong tục cưới xin trước đây của người dân Phú Nghĩa cũng được thực hiện theo nghi lễ truyền thống của dân tộc Việt Nam. Bên cạnh đó tục lệ này có vài điểm khác biệt theo lệ làng và tùy hoàn cảnh từng gia đình. Một đám cưới theo phong tục phải gồm đầy đủ các bước chính là:

- Bắn tin (mối lái): Khi gia đình có con trai đến tuổi thành niên, có ý dựng vợ “ngắm” trong làng xem nhà nào có con gái cũng ở độ tuổi gả chồng, lại để ý theo dõi nết ăn, nết ở, tính tình, phẩm hạnh, gia đình có môn đăng hộ đối không. Nếu thấy có thể được thì nhờ người mối lái. Nếu được thì làm lễ đặt trầu.

- Lễ đặt trầu: Nhà trai sắm chục trầu, chai rượu đến đặt vấn đề xin phép đi lại. Khi đi có cha, chú và bản thân chàng trai cùng một số người thân thiết. Đó là lễ nạp thái (lễ dạm vợ, lễ chạm ngõ). Nhà gái đồng ý sẽ dâng lễ kính cáo tổ tiên.

- Lễ ăn hỏi (nạp cát): Đây là phần lễ lớn nhất trong quá trình tiến tới lễ cưới. Lễ vật của nhà trai thường là trầu cau, rượu chè và bánh trái. Về bánh ngày trước thường là bánh chưng, bánh dày tượng trưng cho âm dương. Về sau thay bằng mâm xôi, cái thủ lợn và vẫn kèm thêm cau, cau, trầu, rượu, hoa quả, chè thuốc. Nhà gái sẽ đặt một ít lễ vật lên bàn thờ cáo gia tiên. Cả hai bên cùng mời những người trong thân tộc đến trao đổi, chuyện trò. Sau đó nhà gái mời hai bên nội ngoại cùng ăn uống và đem số trầu cau đi biếu hàng xóm xa gần. Sau lễ này coi như người con gái đã có nơi có chốn. Hai bên gia đình đã coi nhau như thông gia. Từ đó, một năm 3 lần nhà trai đi tết nhà gái (vào ngày 5 tháng 5, rằm tháng 7 và tết Nguyên Đán). Đồ tết thường là vài cân thịt, xôi, trầu rượu.

- Xin cưới (thỉnh kỳ): Sau lễ ăn hỏi, nhà trai xem ngày lành tháng tốt đem trầu rượu đến nhà gái xin cưới. Từ ngày xin cưới đến ngày cưới thường phải trên dưới một tháng để hai bên chuẩn bị và định ngày, giờ đón dâu. Trước đám cưới, hai bên thỏa thuận lễ vật thách cưới của nhà gái. Trước ngày cưới 3 - 4 ngày nhà trai phải đem đủ lễ vật đến nhà gái (cau trầu, tiền, gạo…).

Cùng ngày cưới hoặc trước ngày cưới một hôm, nhà trai phải nạp cheo cho làng nhà gái, gồm trầu rượu và 3 quan tiền, đó là cheo nội. Còn cheo

ngoại thường gấp đôi, thậm chí gấp 3- 4 lần cheo nội. Nộp cheo là nguyên tắc bất di bất dịch, giống như là dấu triện của chính quyền đóng vào bản đăng ký kết hôn. Nếu không có khoản “lệ phí” gọi là “cheo” này thì đám cưới không được xem là hợp pháp. Bởi vậy, ông cha ta thường có câu: “Lấy vợ mười heo, không cheo cũng mất”, “lấy vợ không cheo như tiền gieo xuống suối” và “Nuôi lợn thì phải vớt bèo, lấy vợ thì phải nộp cheo cho làng” [64;292]. Khoản tiền cheo này sẽ dùng vào việc công như đào giếng, làm đường của làng.

- Lễ cưới (vu quy): Đây là ngày trọng đại nhất trong hôn lễ.

Nhà trai mổ lợn, gói bánh chưng, làm cỗ bàn để đón dâu về. Người đến dự mang theo quà cưới chúc mừng đôi tân hôn. Đúng giờ lành, nhà trai tiến hành lễ đón dâu. Chủ hôn là một cụ ông đẹp lão, có gia cơ bề thế, con cháu thành đạt, khăn áo chỉnh tề, cầm bó hương thơm nghi ngút khói dẫn đầu đoàn đón dâu. Tiếp theo là một cô gái thanh tân bưng khay trầu xin dâu, đi sau là họ hàng, bè bạn. Khi dâu về, mẹ chồng ra ngõ đón con dâu vào buồng, sau đó trở ra làm lễ ra mắt gia tiên. Ăn uống xong, cô dâu chú rể đi chào hỏi, cảm ơn mọi người.

- Lễ lại mặt: Sau ngày cưới, vợ chồng mới và cả đại diện nhà trai trở về nhà ngoại. Lễ vật thường là trầu rượu, cỗ xôi, thủ lợn. Đây là lễ cảm ơn bố mẹ vợ. Ngày nay, trong 6 bước ấy đã lược giảm và thông thường gộp thành 3 bước cơ bản và quan trọng: lễ dạm hỏi (lễ vấn danh), lễ ăn hỏi và lễ cưới.

3.2.3.2. Tang ma

Đối với người chết, người Việt Nam có sự đối xử rất đặc biệt, dù bất kỳ lý do gì người đã khuất luôn được tôn trọng. Nhưng tuỳ thuộc vào độ tuổi và hoàn cảnh cụ thể mà lễ tang có những quy định khác nhau. Nếu người chết là trẻ con thì thủ tục rất đơn giản, chỉ có một số ít người đưa đi chôn cất, thường là những người thân trong gia đình và chôn cất ngay sau khi chết, không có tế lễ. Người

chết mà cha mẹ đẻ đang còn thì không được tế lễ. Người chết từ tuổi Lão nhiêu trở lên mà cha mẹ đẻ đã mất thì tang ma được tổ chức đầy đủ các bước.

Khi lâm chung, con cháu phải túc trực. Khi đã tắt thở, người thân trong gia đình phải tắm rửa bằng nước thơm, thay quần áo, sau đó lấy một ít gạo, muối và đồng tiền bỏ vào miệng người chết. Sau đó người nhà làm lễ mở nắp quan tài chuẩn bị cho lễ khâm liệm, từ lúc này hương đèn phải thắp liên tục, không được tắt gián đoạn. Trong lễ khâm liệm, người nhà phải gọi hồn nhập quan. Một người cầm một gậy dài hoặc là đòn gánh gõ vào xà nhà, trên mái nhà dỡ đi vài ba viên ngói, nếu là nam thì vừa gõ vừa kêu ba hồn bảy vía, nếu là nữ thì kêu ba hồn chín vía, xong đậy nắp quan tài lại, quan tài thường được đặt ở cửa chính cho người chết quay đầu vào trong nhà. Sau lễ khâm liệm người ta lập linh sàng và bắt đầu mặc áo tang, tang phục được quy định cụ thể từ vợ con đến cháu chắt, chút. Có năm bậc tang phục gọi là ngũ phục. Cùng với lễ mặc tang phục thì trống kèn bắt đầu nổi lên để tiến hành lễ tế. Sau lễ tế là đến khâu chuẩn bị đưa tang, trước khi đưa tang thì tiến hành lễ cúng cơm, lễ tế thổ thần, lễ chuyển linh cữu, đưa quan tài người chết quay đầu ra phía cửa. Khi bắt đầu lễ đưa tang, các con trai phải nằm xuống để người nhà và người làng khiêng quan tài đi qua. Khi con trai chống gậy để tang thì “cha gậy tre, mẹ gậy vông” [64;299], đưa tang thường thì “cha đưa mẹ đón” (nhưng cũng tùy nơi). Đám đưa tang đi, nếu gặp các ngã ba, ngã tư thì dừng lại để tế, mục đích là xua đuổi ma quỷ không quấy rầy. Ở làng Phú Nghĩa, có tục nhà giàu còn lợp trạm bằng bánh khô sống dọc đường. Người chủ tế đọc “Văn ai” kể về tiểu sử, gia cảnh, đức độ của người đã khuất. Khi đến huyệt mộ, chọn giờ tốt làm lễ hạ huyệt, sau khi đắp mộ xong, con cháu tập trung đi vòng xung quanh mộ ba vòng để vĩnh biệt người chết.

Sau khi chôn cất xong về nhà, con cháu lập bàn thờ và cúng cơm hàng ngày. Con cháu ăn gì thì dâng cúng thứ nấy, có nơi dâng cúng 7 ngày, 9 ngày

hoặc 49 ngày. Hết ba năm mới được coi là hết tang, người nhà đi cải táng, hay còn gọi là cải mộ cho người chết, đưa bát hương lên thờ chung với ông bà.

Theo các cụ kể lại, việc tang ma đối với dân ngụ cư còn gặp nhiều điều tốn kém, phiền phức hơn. Hoặc là dân chài lưới như dân Trúc Võng sống lênh đênh trên mặt nước, khi chết không làng nào trên bờ cho chôn, phải chôn ở bãi giữa nào đó theo tập tục nghiệt ngã “Cư phù thượng thủy, tử đắc táng giang tâm” (sống thì trên nước, chết chôn giữa dòng sông) [15;70].

Trong phong trào cách mạng 1936- 1939, lợi dụng hoạt động công khai hợp pháp, chi bộ Phú Nghĩa đã đứng ra tổ chức Họ hiếu, lo việc tang ma cho người nghèo, ít tốn kém mà lại rất chu đáo.

3.2.3.3. Tục trọng lão

Tục trọng lão là “một tục lệ cổ truyền, một ngày hội đầu xuân chứa chan tình cảm, biểu hiện truyền thống “kính lão đắc thọ” của quê hương” [53]. Trước cách mạng tháng Tám, bình quân tuổi thọ của của người Việt Nam là 37, nên nhiều làng xã ở Quỳnh Lưu “lục thập” đã “cổ lai hy” rồi [29;715].

Ở Phú Nghĩa, do nghề nghiệp, môi trường sống đặc thù nên tỷ lệ người già khá cao so với dân số. Nhiều cụ 60, 70 tuổi trở lên còn là thợ lưới chiêm, lái thuyền mành vượt biển với sự từng trải, dày dạn kinh nghiệm. Có cụ còn đánh được cả dây neo thuyền mành, thuyền lưới. Ở Phú Nghĩa ý thức trọng xỉ đã được ghi rõ trong hương ước của Làng thời xưa: Tuyển chọn chủ tế: “...phải là người từ 60 tuổi trở lên mới được thỉnh trình” (điều 2); Về lễ mừng xuất thân: “văn từ tứ phẩm, ấn quan trở lên tuổi đến 70 mừng một bức trướng bằng lụa” (điều 4); Về lễ kính biếu: “Các hương lão từ 90 tuổi trở lên cùng ngồi với cử nhân, 80 tuổi trở lên cùng ngồi với tú tài” (Điều 5) [27]. Làng Phú Nghĩa có những quy định như: Lên lão 60 tuổi vọng lão vào làng, năm sau mừng một quan tiền và trầu rượu, miễn mọi vệc vua quan, tạp dịch và thuế thân; Lên lão 70 tuổi làng mừng 2 quan tiền, 1 áo lụa đỏ, 1 bức trướng; Lên

lão 80 tuổi làng mừng 3 quan tiền, 1 áo lụa bạch; Lên lão 90 tuổi làng mừng 5 quan tiền, 1 áo vải quyến; Thọ 100 tuổi thì cả làng và các giáp đến mừng. Người đủ tuổi lên lão được hưởng quyền lợi và cũng phải thực hiện trách nhiệm của mình theo quy định chung của Làng. 60, 70 tuổi trở lên phải làm lễ vọng lão (trình làng) một lần, có thể biện cho làng một cỗ xôi gà hay tùy theo điều kiện kinh tế gia đình để người làm lễ tự tổ chức; 80 - 90 tuổi chỉ biện cho làng 100 miếng trầu và một chai rượu.

Như vậy, tục vọng lão thực chất là một buổi lễ thần và đãi làng, do tập thể tiến hành để chính thức hóa hay xác nhận tư cách và địa vị của người được lên lão. Do vậy, vọng lão trở thành điều kiện bắt buộc và cũng là một vinh dự đối với mỗi người khi đã lên lão theo từng độ tuổi quy định.

3.2.3.4. Cổ vũ việc học

Làng xã đã góp phần không nhỏ trong việc đưa vùng đất Quỳnh Lưu trở thành “đất học” giàu truyền thống. Qua tìm hiểu nghiên cứu một số khoán ước, hương ước làng Phú Nghĩa cũng như một số làng xung quanh, chúng tôi thấy ngoài những điểm chung thì làng Phú Nghĩa có những nét khác trong cách đối xử đối với người có học so với một số làng khác:

Làng có sự phân biệt rõ ràng từ cách gọi cho đến quyền lợi giữa người đang đi học với những người không học: Người học được gọi là anh học, anh nho, anh nhiêu, không học thì gọi là anh đỏ, anh cu, anh hoe, anh đĩ. Người có học được miễn phu phen tạp dịch khi đến tuổi gánh vác việc làng, việc nước, còn các làng trong huyện như Nhân Sơn, Quỳnh Đôi…chỉ miễn cho các hiệu sinh, khóa sinh, giám sinh; còn anh học, anh nho thì không. Có chăng chỉ là miễn thôn dịch, tuần phòng trong thời gian đi học. Để tỏ rõ sự khác biệt với dân thường, thí sinh trừ 1 năm, người đỗ nhất trường, nhị trường trừ 3 năm, số còn lại thì chịu nửa phần thuế thân. Đến kỳ nhà nước mở khoa thi, đi thi Hương làng cho 3 quan, thi Hội làng cho 6 quan. Đối với các sĩ tử vào trường

thi, 2 người đi thi cấp cho 1 phu, 4 người cấp cho 2 phu để khiêng lều chõng đi thi, lại cấp tiền giấy mực cho mỗi người 3 quan.

Người thi đỗ về được Làng đón rước tử tế. Khi đi việc làng xã, được ngồi chiếu trên. Cử nhân cùng ngồi với hương lão 90 tuổi trở lên, tú tài thì ngồi cùng cụ 80 tuổi [27]. Lễ chúc mừng tiến thân: Văn từ tiến sĩ trở lên 1 bức trướng bằng lụa trắng, đúng 100 quan tiền. Võ từ lãnh binh cũng vậy. Văn từ cử nhân trở lên 1 bức trướng vải đỏ và 50 quan tiền. Tú tài mừng 1 đôi câu đối vải đỏ, 12 quan tiền.(Điều 3). Lễ kính biếu: Tiến sĩ và hàng quan võ từ lãnh binh trở lên biếu đầu bò. Phó bảng, cử nhân, phó lãnh hiệp quản được biếu nọng bò, còn vai bò được biếu cho Tú tài, ấm sinh.(Điều 5) [27].

Qua điền dã chúng tôi được biết Làng từng có ruộng học điền nhưng không thấy tài liệu nào ghi lại việc trích biếu ruộng cho người đỗ đạt. Theo nhiều cụ cao tuổi trong Làng thì tú tài được biếu 1 sào, cử nhân 2 sào…[73].

3.2.3.5. Các tục lệ khác

Ngoài những tục lệ trên, như các nơi khác, làng Phú Nghĩa còn có tục lệ tương trợ thân ái, vô tư trong làng xã. Mặc dù trong hương ước không ghi nhưng thực tế gia đình nào trong Làng có việc như lợp nhà, cưới hỏi, ma chay…thì mọi người tự nguyện đến giúp ngay, không cần chủ nhà đến mời, mượn. Đó là một quy ước không thành văn nhưng làng nào cũng lặng lẽ thực hiện chu đáo.

Tại Phú Nghĩa còn có tục lệ tương trợ nhau bằng các tổ chức tự phát, giúp đỡ nhau làm ăn sinh sống, để chinh phục tự nhiên và chống lại giai cấp bóc lột như:

Phường ghép mảng, chung thuyền sắm lưới. Đây là phường tương tế ái hữu mang tính chất tự phát song lập ra để luân phiên giúp đỡ lẫn nhau, ai cần trước giúp trước…từ nhà nọ đến nhà kia, có khi một lúc hai, ba nhà. Trước cách mạng tháng Tám, có các hội ái hữu, lợi dụng danh nghĩa hội để xây dựng

cơ sở Đảng. Từ năm 1936-1937 về sau ở Phú Nghĩa có thêm hội đá bóng, hội đọc sách báo, hội khuyến học…đặc biệt là hội hiếu tương trợ việc tang ma và hội tế bần cứu dân Làng thoát khỏi nạn đói năm 1945. Thời gian này, cả làng Phú Nghĩa Thượng chỉ có 6 người bị chết đói [14].

Một phần của tài liệu Lịch sử văn hóa làng Phú Nghĩa (Quỳnh Nghĩa, Quỳnh Lưu, Nghệ An) từ thế kỷ xv đến năm 1945 (Trang 105 - 112)