6. Bố cục của luận văn
1.2.2. Những đóng góp của cư dân Phú Nghĩa từ thế kỷ XV đến năm 1945
năm 1945
Quá trình làng Phú Nghĩa hình thành và phát triển gắn liền với quá trình cư dân Phú Nghĩa cùng với nhân dân Nghệ An vừa chống giặc ngoại xâm vừa xây dựng quê hương xứ Nghệ.
Là một làng quê trù phú nằm ngay ở cửa biển, trong vùng tranh chấp giữa các thế lực phong kiến, nơi mà “Giặc ra thuyền Chúa lại vào/ Cửa nhà lại phá, hầm hào lại xây”, chí khí và lòng quả cảm của con người nơi đây đã được tôi luyện trưởng thành. Mặt khác Phú Nghĩa cũng là nơi thường xuyên hứng chịu các cuộc tấn công cướp phá của bọn tàu ô, vốn là nỗi kinh hoàng của cư dân ven biển một thời. Cứ mỗi lần đến mùa thu hoạch là tàu ô lại tràn lên cướp phá, giết người: “Quần chưa khô, giặc Tàu ô đã tới”. Trong những cuộc chiến
đấu chống lại bọn giặc hải tặc, tàu ô để bảo vệ quê hương, bảo vệ cuộc sống dân lành, nhiều người con Phú Nghĩa đã ngã xuống. Đến nay nhiều giai thoại còn lưu. Tiêu biểu có ông Hồ Bá Viện, là một trong số các quan võ về hưu đã chỉ huy phu dân (tổ chức vũ trang tự lập ở Phú Nghĩa) đánh đuổi giặc khi chúng đến vào ngày 5 tháng 2 năm 1805 (Ất Sửu). Lực lượng dân phu dưới sự chỉ huy của ông giao chiến quyết liệt, giặc phải rút lui xuống tàu. Ông thúc quân đuổi theo, đến xóm Tân Hưng (Sơn Hải ngày nay) chúng bắn ông bị thương nặng nhưng ông vẫn tiếp tục chỉ huy dân phu chiến đấu dũng cảm cho đến khi giặc tháo ra biển. Ông mất, triều đình truy tặng ông “Kiến công đô úy tinh binh cai đội - Hàm ngũ phẩm”. Từ đó về sau, bọn tàu ô không dám bén mảng lên đất Phú Nghĩa mà chỉ đón cướp các thuyền buôn ở trên biển.
Làng Phú Nghĩa nói riêng, tổng Phú Hậu nói chung là một địa phương sớm có truyền thống yêu nước chống giặc ngoại xâm, bảo vệ nền độc lập tự do của Tổ quốc.
Đầu thế kỷ XV, ngay khi nền đô hộ của giặc Minh thiết lập, nhân dân Diễn - Yên - Quỳnh đã nổi dậy đốt phá nhà ngục, giết quan huyện…mở đầu cho cuộc đấu tranh của nhân dân cả nước. Kẻ thù phái Trương Phụ kéo quân đi đàn áp đẫm máu. Cuộc binh hỏa vào đời Hậu Trần và những năm tháng chống quân Minh, thôn Hiền Lương khi đó bị tàn phá nặng nề.
Khi Lê Lợi, Nguyễn Trãi phất cờ dấy nghĩa, nhiều người con ưu tú của tổng Phú Hậu (Quỳnh Lưu, Nghệ An) đã lập tức ứng nghĩa, lập nhiều chiến công trong sự nghiệp chống giặc Minh, giải phóng đất nước. Gia phả các dòng họ trong vùng còn ghi lại tên tuổi các vị liệt tổ từng theo giúp Lê Lợi đánh đuổi giặc Minh, có người về sau trở thành tướng soái, võ quan của nhà Lê. Ngay buổi đầu Lê Lợi chiêu binh mãi mã, anh em Hồ Hân và Hồ Hữu Nhân quê ở thôn Hiền Lương (sau chuyển sang ở Quỳnh Đôi) đã sớm tìm đến đất Lam Sơn ứng nghĩa. Hồ Hân được tham gia trong bộ tham mưu của Lê
Lợi, phụ trách việc nghiên cứu địa hình, tìm chỗ đóng quân. Chiến thắng giặc Minh, ông được phong là Đồng tri kiêu thắng quân, Quản lĩnh hầu, chánh tam phẩm. Diễn ca gia phả họ Hồ viết về Hồ Hân:
“Có quan Quản lĩnh sinh sau đời Trần, Lam Sơn mừng gặp chân nhân,
Giúp vua Lê, đấng công thần thụ phong…” [23]
Hồ Hữu Nhân (em ông) trở thành bộ tướng của nghĩa quân Lam Sơn, lập nhiều chiến công trong các trận đánh ở Khôi Sách, Chí Linh, Trà Lân, Bồ Ải…Thiên hạ đại định, ông giữ chức Tham tướng đô đốc, Hoan quận công. Dưới hai triều vua Lê Thái Tổ, Lê Thái Tông, ông tiếp tục được trọng dụng, thường tham dự triều chính.
Đó là những người con ưu tú của Nghệ An có mặt sớm trong đội quân Lam Sơn, chiến đấu dưới lá cờ cứu nước của Bình Định Vương Lê Lợi, trong những ngày gian khó nhất của cuộc khởi nghĩa [68;122].
Những ngày bao vây thành Diễn Châu và diệt đoàn thuyền do Trương Hùng chỉ huy vào tiếp viện, nhân dân Phú Nghĩa, cả vùng phía Nam Quỳnh Lưu và Bắc Diễn Châu đã tận tình bảo vệ, nuôi nấng nghĩa quân và hăng hái tham gia chiến đấu chống giặc Minh. Phan Hoàng Nghĩa (Quỳnh Hoa, Quỳnh Lưu ) đem tiền của, thóc lúa ủng hộ nghĩa quân. Nguyễn Bá Lai (Quỳnh Giang, Quỳnh Lưu), khai quốc công thần nhà Lê, được mang quốc tính (họ vua). Theo tộc phả họ Nguyễn thì đó là Lê Lai liều mình cứu Lê Lợi “trong cơn nguy hiểm, gần chết mà sống lại”, tổ tiên vốn họ Nguyễn ở sách Bái Sơn, Cự Lâm, Thọ Thành (Yên Thành) đến Quỳnh Giang lập nghiệp. Ngày khải hoàn, được Lê Lợi phong là Thái phó Thuần quận công. [68;140].
Thế kỷ XVI - XVII đất nước binh hỏa triền miên. Chiến tranh Lê - Mạc vừa chấm dứt, nội chiến Trịnh - Nguyễn lại bùng nổ. Nhiều trận đánh lớn đã diễn ra ở Nghệ An, chủ yếu là các trận thủy chiến trên sông, cửa biển như:
Hội Thống (Nghi Lộc), Cương Gián, Cửa Sót …trong thời Trịnh - Mạc hay suốt từ Đèo Ngang đến tận bờ sông Lam thời Trịnh - Nguyễn [70;148]. Ở Quỳnh Lưu nhiều người “Phù Lê diệt Mạc” rồi phò Trịnh, trong đó có dòng họ Trương ở Phú Nghĩa nổi tiếng với danh tướng Trương Đắc Phủ [29;231].
Nối chí cha anh theo nghiệp binh đao, các em và cháu của ông sau này cũng đều một lòng phò vua Lê chúa Trịnh, dẹp giặc giã, lập được nhiều chiến công. Chỉ có 3 đời nhưng dòng họ này có 5 người được vua Lê phong tước Quận công.
Từ giữa thế kỷ XIX đến năm 1945, vùng đất này nổi danh với nhiều nhân vật yêu nước tiêu biểu như: Văn Đức Khuê, Dương Doãn Hài, Hồ Sỹ Tuần, Hồ Bá Ôn cùng con trưởng Hồ Bá Kiện và cháu đích tôn Hồ Tùng Mậu, Nguyễn Quý Yêm, Hồ Học Lãm (người làng Quỳnh Đôi), Phan Bá Niên (làng Lễ Nghi, xã Tam Lễ), Trần Thị Trâm (xã Quỳnh Giang- là mẹ của Hồ Xuân Lan, tức Hồ Học Lãm), Nguyễn Đức Mậu (Thanh Sơn, Sơn Hải)…
Năm 1873, thực dân Pháp đánh chiếm Hà Nội và các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ. Khởi nghĩa Giáp Tuất (1874) nổ ra do Trần Tấn (Thanh Chương) và Đặng Như Mai (Nam Đàn) lãnh đạo. Phong trào phát triển ra Quỳnh Lưu được nhân dân hưởng ứng. Các cụ cao niên kể lại, hồi ấy làng Phú Nghĩa có các cụ: Xước Ngư (họ Trương), Côi Khóa (họ Hồ), Đào Lang, Lương Đăng, Quận Nghĩa, Đinh Tơm, Hồ Khuyến tham gia, bí mật tập luyện, có khi ở vùng Đền Thượng, có khi ở Lùm Lòi kín đáo. Phong trào Giáp Tuất thất bại, họ rời quê phiêu bạt, mai danh ẩn tích, lẩn tránh sự truy lùng, tàn sát của kẻ thù...
Khi chiếu Cần Vương ban bố, nhân dân Phú Nghĩa Thượng, Phú Nghĩa Hạ và nhiều làng xã trong tổng tích cực hưởng ứng. Cuộc khởi nghĩa Phan Bá Niên là ngọn cờ tiêu biểu cho tinh thần yêu nước chống ngoại xâm của nhân dân Quỳnh Lưu, trong đó có dân làng Phú Nghĩa. Phan Bá Niên đã cùng Dương Quế Phổ (là con của Dương Doãn Hài) gây dựng cơ sở tại
Quỳnh Tam rồi liên kết với phong trào Nguyễn Xuân Ôn ở Diễn Châu, “tạo thành một cuộc khởi nghĩa lớn trong phong trào Cần Vương chống Pháp xâm lược ở Nghệ An vào những năm cuối thế kỷ XIX” [70;242]. Nhân dân Phú Nghĩa và nhiều làng xã trong tổng đã tích cực tiếp tế lương thực, tích cực gia nhập nghĩa quân, trực tiếp tham gia chiến đấu như Nguyễn Túc, Phan Tự, Trần Bá, Phan Lực, Trần Phương, Trịnh Bá [14;70]. Họ phối hợp với nghĩa quân rào làng, đắp lũy, dùng cọc gỗ và mét đóng ở lòng sông Hàu để chặn đánh giặc. Chiến lũy ngầm dưới sông Hàu ra đời được nhân dân gọi là “Hàu văn thân” [34;3].
Trong không khí chống Pháp sôi động ấy, đền Thượng (Quỳnh Nghĩa) được chọn là nơi hội họp, bàn chuyện tổ chức khởi sự và định ngày làm lễ tế cờ xuất quân. Con em Phú Nghĩa Thượng và các nơi trong tổng tham gia nghĩa quân Phan Bá Niên ngày đêm tập luyện, rèn giáo mác, chế súng bắn đá để chuẩn bị cho cuộc khởi nghĩa, trong đó có ông Trần Châu, Côi Khóa… [34;4]. Sau khi thủ lĩnh phong trào Nguyễn Xuân Ôn bị bắt, vua Đồng Khánh sai Hoàng Cao Khải ra tay giúp Pháp đàn áp phong trào. Năm 1890, Phan Bá Niên (Đề Niên) bị thương rồi mất tại căn cứ, phong trào Cần Vương ở Quỳnh Lưu dần dần tan rã, đến tháng 12 năm 1895 thì tắt hẳn. [14;70-71].
Cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, tầng lớp sĩ phu và thanh niên tân tiến Quỳnh Lưu sớm tiếp thu ảnh hưởng của trào lưu cách mạng mới như phong trào Đông Du, phong trào Duy Tân, phong trào Đông Kinh nghĩa thục. Tiêu biểu là phong trào xuất dương của bà Trần Thị Trâm (tức bà Lụa). Bà giả danh người buôn lụa để đi lại bắt mối đưa con em Quỳnh Lưu xuất dương. Trong số thanh niên tổng Phú Hậu xuất dương lúc đó có Hồ Học Lãm (1905), Hồ Sỹ Hạnh (1905), Hồ Tùng Mậu (1920), sau này trở thành những cán bộ xuất sắc của Đảng. Nhân dân làng Phú Nghĩa đã đứng lên đấu tranh chống lại bọn hào lý trong làng bằng mọi hình thức. Năm 1910, dân làng Phú Nghĩa
cùng các làng vùng Bãi Ngang tập trung tại đền Thượng đấu tranh chống bọn cường hào, tổng lý. Nông dân nổi dậy đánh đuổi bọn Tây đoan khi chúng lùng sục vào làng để bắt muối và rượu. Lính về đàn áp, khủng bố. Nông dân đứng lên bảo vệ lẫn nhau, tổng lý không dám công khai theo giặc.
Từ sau khi ĐCSVN ra đời (1930), phong trào cách mạng ở Quỳnh Lưu phát triển mạnh mẽ. Ngày 20/4/1930, huyện ủy lâm thời Quỳnh Lưu thành lập, gồm 5 đồng chí, bí thư là ông Nguyễn Đức Mậu. [24,78]. Huyện ủy đề ra chủ trương tuyên truyền phát triển tổ chức đảng ở các địa phương trong huyện và vận động quần chúng đấu tranh.
Hòa chung phong trào đấu tranh toàn tỉnh, ngày 20/6/1930, nhân dân Quỳnh Nghĩa tạp trung tại đền Thượng rồi kéo về chợ Đình (Quỳnh Thuận) để nghe đồng chí Hoàng Hữu Duyệt diễn thuyết. Nông dân và diêm dân hai xã Quỳnh Nghĩa và Quỳnh Thuận đã liên kết lại với nhau tay gươm tay giáo biểu tình chống chính sách bóc lột hà khắc; đòi giảm sưu miễn thuế, đòi quyền tự do cho nghề làm muối và tăng giá thu mua muối (30%). Cuộc biểu tình kết thúc thắng lợi gây niềm phấn khởi và tin tưởng của nhân dân đối với Đảng cộng sản Việt Nam. Tiếp đó đoàn biểu tình kéo xuống đồn Thanh Đàm, quân lính bỏ chạy, đồn trưởng khúm núm hứa không ức hiếp diêm dân. [17;95]. Ở Quỳnh Lưu, “lần đầu tiên người dân làm muối dưới ngọn cờ của Đảng đấu tranh trực diện với kẻ thù, đòi quyền sống của mình…” [24;82].
Ngày 1/8/1930, nhân kỷ niệm ngày thế giới chống chiến tranh đế quốc, quần chúng Quỳnh Nghĩa treo cờ tại đền Thượng, đình Trung, đấu tranh với bọn hào lý, tịch thu hơn 2040 kg thóc do bọn tổng lý chiếm đoạt, chia cho dân nghèo [34;8].
Huyện ủy Quỳnh Lưu khẩn trương chỉnh đốn tổ chức và phát động cuộc biểu tình toàn huyện ngày 4/2/1931 đòi giảm sưu thuế, chống tây đoan bắt rượu và muối, chống khủng bố, đốt nhà, bắt bớ tù đày…Nhân dân 4 tổng
(Thanh Viên, Phú Hậu, Quỳnh Lâm, Hoàng Mai) tập trung ở 4 địa điểm đã định rồi cùng kéo về huyện lỵ. Theo kế hoạch, nhân dân Quỳnh Nghĩa cùng giáo mác gậy gộc tập trung tại đền Thượng kéo về chùa Đồng Tương cùng nhân dân toàn tổng Phú Hậu bắt tên Nguyễn Bá Dư và kéo về huyện. Tại huyện đường, tri huyện và nha lại đều chạy trốn, lệnh cho quân lính đóng chặt cửa. Phong trào đấu tranh cách mạng ngày một lên cao, huyện ủy đã cử đồng chí Phan Hữu Khiêm về gây dựng cơ sở ở hai làng Phú Nghĩa Thượng và Phú Nghĩa Hạ. Đến ngày 1/4/1931, tại đền Thượng, chi bộ cộng sản đầu tiên ở Phú Nghĩa Thượng (Quỳnh Nghĩa) thành lập, gồm 4 đảng viên: Hồ Hạnh (Bí thư), Tô Bốn, Hồ Nông, Hồ Thờng [14;80].
Từ đây, đền Thượng trở thành nơi sinh hoạt hội họp của Đảng, nơi diễn ra các cuộc biểu tình, đấu tranh, đồng thời là nơi tự vệ đỏ của xã luyện tập quân sự. Cơ quan huyện ủy cũng chọn đóng tại đây. Nhờ có sự đùm bọc, che chở của nhân dân và cụ Đinh Chu (là từ đền) nên dù kẻ thù luôn lùng sục, cơ quan huyện ủy đóng ở đền Thượng vẫn đảm bảo an toàn. Tại đây, chi bộ Đảng Phú Nghĩa Thượng còn tổ chức in ấn tài liệu truyền đơn, báo chí. Khi các tài liệu chưa có điều kiện chuyển đi khắp các nơi trong huyện, chúng được cất dấu trong các rương kiệu và đồ tế khí ở đền. Truyền đơn cất dấu tại đền Thượng đã được rải ở Chợ Hàu, đình Trung, các ngõ xóm nơi tập trung đông người, doi đất đồng muối, thậm chí tại nhà tên Lý Trâm. Các đồng chí còn cắm cờ Đảng trên cây gạo đình Trung, cột nanh đền Thượng. Các tổ chức quần chúng lần lượt ra đời, như: Tự vệ đỏ (có 45 hội viên, đội trưởng là ông Hồ Huyên, Hồ Khôn, Hồ Mận); Nông hội đỏ (có 126 hội viên, đội trưởng là ông Tô Bốn, Ngô Huyên) [14;8]; Hội phụ nữ (19 hội viên, tổ trưởng là bà Bùi Thị Én); Hội tán trợ do đồng chí Hồ Thông làm tổ trưởng [34;11].
Đền Thượng luôn là nơi tập trung đông đảo quần chúng cách mạng để mít tinh, biểu tình chống địch khủng bố trắng, giảm sưu thuế, xóa nợ nần, đòi tự do
hội họp, vào các ngày: 27/4/1931, 15/5/1931, … “Sau đợt này, bọn hào lý ở địa phương càng ráo riết truy lùng, bắt bớ cán bộ đảng viên hoạt động bí mật” [73].
Trước tình hình đó, ngày 1/6/1931, nhân dân làng Phú Nghĩa tập trung tại đền Thượng rồi cùng các làng lân cận búa liềm trong tay kéo lên tập trung tại gò Lạp biểu tình trấn áp bọn phản cách mạng. Sau đó, dưới sự lãnh đạo của huyện ủy phối hợp với chi bộ Phú Nghĩa Thượng, 600 người biểu tình chia nhau các ngả đi bắt 8 tên cường hào các xã thôn, buộc chúng phải ký giấy yêu cầu giảm sưu thuế cho dân. Đoàn biểu tình đã bị đàn áp trong máu. Căm phẫn trước sự đàn áp dã man của kẻ thù, quần chúng như nước vỡ bờ ào ào lướt tới. Khí thế sục sôi cách mạng của nhân dân khiến bọn ngũ hương, lính tráng ở làng xã bỏ chạy, số khác hầu như tê liệt. Chính quyền xã bộ nông, thôn bộ nông ở Phú Nghĩa Thượng và nhiều nơi khác ra đời trong hoàn cảnh đó [34;14]. Từ đây, tệ ăn uống, ma chay, cưới xin được tổ chức gọn nhẹ, phù hợp với đời sống còn nhiều khó khăn ở thôn quê. Trong làng “đã tổ chức được 2 lớp học chữ quốc ngữ với 15 học viên tham gia” [73]. Như vậy, có thể nói, làng Phú Nghĩa cũng như các làng quê “vùng nông thôn đồng bằng và trung du Nghệ An trở thành nơi diễn ra cuộc đấu tranh cách mạng quyết liệt và sôi nổi chưa từng thấy” [60;129].
Ít lâu sau, thực dân Pháp về khủng bố đàn áp. “Trong mấy ngày truy lùng, chúng bắt được trên 100 người” [34;15]. Đồng chí Hồ Hạnh (Bí thư chi bộ) bị bắt đầu tiên cùng các ông Tô Bốn, Hồ Thờng, Hồ Nông….Xóm Nại (Phú Nghĩa Thượng) là nơi bị tàn sát khốc liệt nhất vì chúng cho đó là sào huyệt của cộng sản.
“Đến cuối tháng 6 năm 1931, phong trào cách mạng Phú Nghĩa cũng như toàn huyện Quỳnh Lưu đi vào thoái trào. Cơ sở đảng chuyển lên khu căn cứ Quỳnh Hoa và nhiều nơi khác, để rồi phục hồi hoạt động vào năm 1933 - 1937” [7;82].
Từ sau phong trào 1930 - 1931, do bị đàn áp khốc liệt và theo dõi nghiêm ngặt nên việc gây dựng lại phong trào gặp nhiều khó khăn. Dù vậy một số người tích cực như Bùi Thị Én, Hồ Huyên, Tuấn Thiệm… vẫn len lỏi trong nhân dân bí mật hoạt dộng. Khoảng năm 1933- 1934, các ông Hồ Hạnh, Tô Bốn, Hồ Thơng lần lượt ra tù, trở về địa phương tiếp tục gây dựng phong trào. Tháng 3/1945, đồng chí Hồ Hữu Lợi vừa ra tù được huyện ủy phân công về làng chỉ đạo thành lập Việt Minh bí mật ở Phú Nghĩa Thượng và Phú Nghĩa Hạ.
Trước cách mạng tháng Tám năm 1945, ở làng Phú Nghĩa có hai hội Ái