Truyền thống giáo dục khoa cử, võ cử

Một phần của tài liệu Lịch sử văn hóa làng Phú Nghĩa (Quỳnh Nghĩa, Quỳnh Lưu, Nghệ An) từ thế kỷ xv đến năm 1945 (Trang 126 - 130)

6. Bố cục của luận văn

3.2.6. Truyền thống giáo dục khoa cử, võ cử

Làng Phú Nghĩa là một trong những làng có truyền thống hiếu học và tôn sư trọng đạo. Dưới ảnh hưởng của Nho giáo, đất Phú Nghĩa dù không phải là làng khoa bảng nhưng có thể xem là làng học với nhiều người đi học, đi thi đỗ đạt, được ghi danh trong lịch sử địa phương.

Theo sách Khoa bảng Nghệ An: “Hồ Bá Trực (còn có tên là Bang Trực), người thôn Phú Nghĩa, nay là Quỳnh Nghĩa (Quỳnh Lưu). Đậu khoa Giáp Thân - Kiến Phúc thứ nhất (1884). Làm quan Huấn đạo” [67;236]. Ông là

một trong 74 cử nhân thời Nguyễn của huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An. Ông “Trương Đắc Huy- Hương cống, Hội trúng hai khoa” [67,329], là một vị quan nổi tiếng thanh liêm, chăm chỉ. Ông Nguyễn Dĩnh, ông Bùi Công Tiềm làm quan tri huyện; Bùi Ngọc Trản- Đại phu Hàn lâm viện thị giảng và nhiều người khác… thậm chí có người đỗ Đại khoa, là Tiến sĩ như ông Trương Đắc Nghĩa (năm 1686). Tuy nhiên những vị cử nhân, tiến sĩ nêu trên không thấy được ghi danh trong chính sử, chỉ lưu giữ trong gia phả các dòng họ và trong lịch sử địa phương mà thôi. Làng Phú Nghĩa có 27 người đỗ tú tài, như ông Bùi Duy Doãn (1779), Hồ Huy Hiệu (1783)...Trong số các vị khoa cử nói chung của làng, dòng họ Trương Đắc có tới 10 người, có người theo nghiệp văn lẫn võ như ông Trương Đắc Vị “đậu hương cống, sau chỉ huy Thiêm sự, tử trận, thăng Tham đốc, tước Hầu” (khoa bang, 329). Có ông Trương Đắc Dư học giỏi trí cao, lúc bé nổi tiếng thần đồng. Năm 16 tuổi đỗ đầu hàng huyện. Cùng năm ấy (1621) ông đỗ ba kỳ thi hương. Năm 18 tuổi ông mất. Theo sách “Quỳnh Lưu khoa bảng trường biên” thì sau khi ông mất, hồn nhập vào ông Trần Cửu, làng Quỳnh Đôi. Vì ông Cửu cũng thông minh, học giỏi, nổi tiếng thần đồng. Năm 16 tuổi cũng đỗ đầu huyện và năm 18 tuổi thì mất [22;11]. Tuy vậy dòng họ Trương con cháu chủ yếu theo đường binh nghiệp với rất nhiều người được phong tước Hầu, Quận công. Trong nhà thờ họ Trương có đôi câu đối ca ngợi truyền thống dòng họ: “Bát cửu thế lai văn võ phiệt/ Bách niên tại hậu tử tôn thần”. Tạm dịch: Tám chín đời lại đây thuộc dòng dõi văn võ thế phiệt/ Trăm ngàn năm về sau con cháu có tinh thần nối dõi [73].

Làng Phú Nghĩa có nhiều thầy đồ không ưa chốn quan trường, danh lợi. Họ hành nghề dạy học bốc thuốc kiểu bần cư lạc đạo, như cụ Trịnh Xuân Đài, Hồ Sĩ Tú…Nhiều cụ đồ nổi danh uyên bác tài hoa như thầy Học Thúy (vì thầy dạy cả ba thế hệ học trò là cha, ông, cháu nên người làng còn gọi là thầy Học Già); nhiều thầy học khác như: Học Trà, Học Công, Học Phớt, Học Hiếu,

Học Thụ…rất nổi tiếng, nhất là thầy Học Thụ. Thầy văn hay chữ đẹp, “xuất khẩu thành thơ, cử bút thành văn” nổi tiếng trong vùng. Vừa dạy học thầy vừa làm thơ, viết văn, tiêu biểu trong số đó là vè Huê Tá, vợ hai Tú Cát gửi thư cho chồng,…Những tác phẩm đó là di sản văn hóa quý giá để lại cho đời sau, không chỉ ở địa phương mà lan truyền khắp tỉnh.

Đời sống văn hóa giáo dục được nhân dân chú trọng, đề cao từ sớm đã ngấm vào mạch sống cư dân nơi đây, sản sinh vô số con người biết đối nhân xử thế, như hiền phụ Trương Thị Thành (vợ Duệ quận công Hồ Sĩ Dương), ả Hoe Tá...

Làng Phú Nghĩa tuy là làng buôn bán, làm thủ công chủ yếu nhưng người đi học, đi thi đỗ đạt khá nhiều, chắc hẳn không vì miếng cơm mà họ chỉ mong muốn kiếm năm ba chữ thánh hiền để khai quang tâm trí, để biết đọc, ghi khế ước, biết viết văn cúng tổ tiên. Có lẽ, còn bởi trong làng có nhiều lớp học do các thầy đồ trong làng mở, có nhiều thầy danh tiếng vang xa, học trò không chỉ đến nhà thầy để học mà còn mời thầy giỏi về nhà mình để thụ giáo.

Địa linh sinh nhân kiệt, bên cạnh truyền thống hiếu học khoa cử, làng Phú Nghĩa còn nổi tiếng với các vị quan võ của các dòng họ như ông Nguyễn Tu, các vị quận công họ Trương, cùng nhiều võ tướng khác thuộc các dòng họ thời Hậu Lê. Dòng họ Trương Đắc chỉ trong vài đời có 5 quận công và 8 tước hầu, trong đó nổi danh là ba vị quận công: Mỹ quận công, Trình quận công, Hiền quận công. Các vị danh tướng đều ở thời Lê - Mạc, Trịnh - Nguyễn.

Danh tướng Trương Đắc Phủ có nhiều công lớn với nhà Lê Trung Hưng, tuy nhiên không tìm thấy sử liệu cụ thể ghi lại đầy đủ công trạng trong đời binh nghiệp của ông. Hiện nay chỉ còn các sắc phong lần lượt qua các năm như: tước Quỳnh Xuyên Nam (1601), Quỳnh Xuyên Tử (1613), Mỹ Xuyên Hầu (1630). Đến năm 1635, ông được phong Thái úy Mỹ Quận công và giữ nhiều chức vụ khác nhau, sau được tấn phong Phó quốc vương.

Trình Quận công (Đắc Thọ), được Mỹ Quận công (là bác ruột) nuôi nấng từ thuở nhỏ. Về sau ông lấy công chúa Trịnh Thị Ngọc Án. Công chúa mất, ông lại làm phò mã vua Lê (lấy công chúa Lê Thị Khoan). Trở thành Quận công, ông quản lý đội thủy quân gồm 10 chiến thuyền, lập được công lớn khi đánh tan dư đảng của Mạc ở Cao Bằng. Năm 1656, ông cùng hai em là Đắc Vỹ (Vị) và Đắc Hiền (Hiền Quận công) bày binh án giữ cửa biển Hội Thống, đánh quân Nguyễn. Sử cũ chép “Cuộc chiến đấu đang diễn ra ác liệt thì không may gió trở chiều thổi ngược rồi triều trường. Chiến thuyền của Trương Đắc Thọ bị trôi dạt, đội hình bị phá vỡ...quân của ông bỏ mạng nhiều. Em ông là Trương Đắc Vỹ (Vị) tử trận. Tuy vậy, ông vẫn cùng Hiền Quận công liều chết, đốc binh chiến đấu chờ quân tiếp viện, sau đó lấy lại thế thắng. Quân của ông kéo đến Hà Tra (?) phóng hỏa đốt đồn địch, sau lại tiến đánh địch tại cửa biển Kỳ La (thuộc Cẩm Xuyên, còn gọi là cửa Nhượng Bạn), tiêu diệt nhiều sinh lực địch”. Sau trận này, ông được thăng là “Đô đốc thiêm sự” [22;9]. Trong gia phả họ Trương không ghi, nhưng chính sử có nhắc đến việc triều đình phục chức cho ông. Vì quân Chúa Trịnh bị thua nặng nề nên nhiều võ quan như ông bị giáng chức, có lẽ đó là năm 1655 “7 huyện đất Nghệ An ở phía Nam sông Lam đều bị quân Nguyễn kiểm soát” [29;229]. Sau đó với nhiều công trạng, ông được phục chức trở lại. Việc này được sách Đại Việt sử ký toàn thư, tập 4

chép: Họ Trịnh “xét công tội của thủy quân, lấy Vũ Văn Thiêm làm Tả đô đốc, phục lại tước cho Trương Đắc Thọ làm Trình Quận Công” [44;246].

Hiền Quận công (Đắc Hiền), nhờ công đánh Mạc, ông được thăng làm Chánh đội trưởng, dưới quyền chỉ huy của anh là Trình Quận công. Trong trận thủy chiến với quân Nguyễn ở của Hội Thống, dù bất lợi nhưng ông chiến đấu rất dũng cảm. Khi anh là Trương Đắc Vỹ tử trận, ông càng ra sức xung trận. Chiến cuộc chuyển bại thành thắng. “Cửa Hội Thống đại binh tiền tuyến/ Đồn Mũi Roi, truông Hến xông pha”. Ông đã chiến đấu chống sự lấn

chiếm của quân Nguyễn suốt 7 năm. Năm 1670, ông mất sau khi đánh dẹp xong giặc ở Tuyên Quang. Triều đình gia phong ông là Hiền quận công. .

Một phần của tài liệu Lịch sử văn hóa làng Phú Nghĩa (Quỳnh Nghĩa, Quỳnh Lưu, Nghệ An) từ thế kỷ xv đến năm 1945 (Trang 126 - 130)