Thành công của Sàn giao dịch vàng Sài Gòn khi lần đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam đã thu hút được rất nhiều nhà đầu tư là một điều không thể phủ nhận. Hiện nay, nhu cầu của nhà đầu tư là rất lớn, việc thành lập sàn thu hút nhiều người tham gia giao dịch sẽ là kênh đầu tư kinh doanh mang lại nhiều lợi nhuận cho ngân hàng. Lấy ví dụ như trong giai đoạn vừa qua, khi giá vàng thế giới thật sự “nóng sốt”, các nhà đầu tư tham gia giao dịch rất đông, khối lượng đặt lệnh đạt con số kỷ lục, có những ngày lượng vàng giao dịch trên Sàn giao dịch vàng Sài Gòn lên đến 420.000 lượng tương đương 8.000 tỷ đồng, trong khi cứ mỗi lượng vàng được mua bán, đơn vị quản lý thu vào 4.000 đồng. Như vậy, chỉ tính riêng khoản thu lệ phí từ hơn 2.000.000 nhà đầu tư, đơn vị đã có thể thu được khoản lợi nhuận khá hấp dẫn từ 1,6 – 1,8 tỷ đông trong một ngày. Chính khoản thu đáng kể này cũng là một trong những lý do khiến các ngân hàng, doanh nghiệp khác đang manh nha kế hoạch thành lập các sàn giao dịch vàng cho riêng mình. Thị trường vàng trong thời gian tới có thể sẽ rất sôi động, cạnh tranh giữa các sàn sẽ “quyết liệt” hơn và nhà đầu tư lại có thêm cơ hội lựa chọn nơi đầu tư kinh doanh cho mình. Bên cạnh đó, đối với Sàn giao dịch vàng Sài Gòn, mặc dù đã thành lập thêm một sàn khác tại Hà Nội, nhưng so với 64 tỉnh thành trên cả nước thì con số này là quá ít. Việc mở rộng mô hình này ra các thành phố, tỉnh thành lớn khác là điều tất yếu, trước mắt nên thành lập thêm một sàn tại khu vực miền Trung, cụ thể hơn là tại Đà Nẵng, vì đây là một thành phố rất có tiềm năng
phát triển, đời sống của người dân cũng khá cao, dự kiến sẽ thu hút được thêm nhiều nhà đầu tư tiềm năng. Sau đó sẽ nhân rộng mô hình này đến các tỉnh, thành phố tại miền Nam, miền Bắc như Vũng Tàu, Cần Thơ, Hải Phòng, Quảng Ninh…