Yếu tố tự nhiên

Một phần của tài liệu Xuất khẩu gạo của Việt Nam trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế.doc (Trang 72 - 75)

* Vị trí địa lý

Việt Nam nằm ở vòng cung Châu Á- Thái Bình Dương, đây là nơi đang diễn ra những dòng giao lưu kinh tế sôi động nhất và hứa hẹn cho những bước phát triển trong tương lai. Việt Nam nằm trên tuyến giao thông quốc tế quan trọng và có hệ thống biển là cửa ngõ không chỉ đối với nền kinh tế Việt Nam mà còn đối với nền kinh tế của nhiều quốc gia khác. Đây là điều vô cùng thuận lợi so với các nước khác nằm sâu trong lục địa hoặc nằm ở những nơi ít diễn ra hoạt động thương mại quốc tế. Lợi thế về mặt địa lý này đặc biệt tạo ra một thuận lợi lớn cho xuất khẩu gạo Việt Nam, khi mà phương tiện xuất khẩu chủ yếu của gạo là tàu thủy, tàu container. Việc sở hữu các cảng biển có giá trị kinh tế cao lâu đời nên đã phát triển được nhiều đội tàu có kinh nghiệm

trong vận tải quốc tế, do vậy sẽ làm giảm cước phí vận chuyển cũng như các chi phí phát sinh tại cảng như chi phí lưu kho, chi phí bốc dỡ hàng…Chẳng hạn như chi phí vận chuyển gạo từ Thái Lan sang Philippine khoảng 31-32 USD/tấn, trong khi chi phí này của Việt Nam sang Philippine chỉ 25 USD/tấn. Giá cước vận chuyển container của Việt Nam đến Yokohama là 1304 USD/tấn trong khi từ Ấn Độ là 1470 USD/tấn. Ngoài ra việc xuất khẩu gạo bằng đường biển còn làm tăng khả năng mở rộng thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam do việc vận chuyển dễ dàng và thuận lợi, chi phí thấp so với các hình thức vận chuyển khác.

* Đất đai

Việt Nam có tổng diện tích tự nhiên là trên 33,1 triệu ha, trong đó có khoảng 4,1 triệu ha đất đang được sử dụng để trồng lúa. Diện tích đất có khả năng nông nghiệp ở nước ta có trên 10 triệu ha, trong đó đất có khả năng trồng lúa khoảng 8,5 triệu ha, như vậy quỹ đất chưa sử dụng vẫn còn rất lớn. Các quốc gia khác như Thái Lan với diện tích có khả năng trồng lúa là hơn 11 triệu ha, trong đó đã sử dụng cho trồng lúa là 9,6 triệu ha; Pakistan với tổng diện tích đất trồng lúa là 5,3 triệu ha, đã sử dụng khoảng 3,4 triệu ha; quỹ đất dành cho trồng lúa của Ấn Độ còn lại khoảng 2,4 triệu ha… so với với các quốc gia này thì khả năng mở rộng diện tích đất trồng lúa của Việt Nam còn tương đối cao. Bên cạnh đó, ở một số nước trong khu vực như Philipine, Indonexia, thậm chí ở các cường quốc xuất khẩu gạo khác như Ấn Độ do tốc độ tăng dân số nhanh, nguồn lực đất khan hiếm nên diện tích lúa khó có thể mở rộng, và diện tích canh tác lúa phải cạnh tranh với các diện tích đất trồng các cây lương thực thay thế khác và đất sử dụng cho phi nông nghiệp. Chẳng hạn ở Philipine, sau một thời gian thúc đẩy mạnh mẽ đô thị hóa và xây dựng các khu công nghiệp, diện tích đất nông nghiệp trồng lúa đã giảm 50%, chỉ còn lại 2,3 triệu hecta. Như vậy với quỹ đất nông nghiệp dành cho trồng lúa

còn lớn, Việt Nam sẽ vẫn còn nhiều tiềm năng trong việc mở rộng diện tích đất canh tác để có thể tăng sản lượng so với các quốc gia khác.

Việt Nam có hai vùng trồng lúa chính là đồng bằng sông Hồng và đồng bằng sông Cửu Long. Đồng bằng sông Hồng là đồng bằng lớn có diện tích 1,5 triệu ha được bồi đắp do hệ thống sông Hồng và sông Thái Bình, là vùng đồng bằng cổ màu mỡ trên thế giới, độ PH đạt trị số 6-6.5 được xem như trung tính. Đồng bằng sông Cửu Long được hình thành chủ yếu do phù sa của hệ thống sông Mê Kông bồi tụ hàng năm, đất phù sa nơi đây có rất nhiều tính trội, lượng đạm, lân và các nguyên tố vi lượng khác khá cao, đây là vùng đồng bằng lớn nhất cả nước. Với chất lượng đất như trên, cả hai vùng đồng bằng lớn này đều có những ưu điểm nổi trội phù hợp với sự phát triển của cây lúa nước theo hướng thâm canh cho năng suất. Độ màu mỡ và đặc điểm khí hậu thời tiết mùa vụ cho phép cả hai vùng đồng bằng này sản xuất lúa quanh năm trên diện tích rộng và thích nghi với nhiều lúa giống lúa cao sản, lúa đặc sản có năng suất cao như giống lúa ST3, ST5 với năng suất 5 tấn/ha, giống lúa IR 42 có năng suất lúa trên 7 tấn/ha... Sản lượng lúa của Đồng bằng sông Hồng tăng hàng năm đạt 4%, tạo ra 1 triệu tấn thóc hàng hóa một năm, Đồng bằng sông Cửu Long tăng 7% một năm và tạo ra từ 5.5-6.2 triệu tấn thóc hàng hóa.

Như vậy, có thể thấy đất nông nghiệp Việt Nam hoàn toàn đáp ứng được các yêu cầu thâm canh tăng năng suất và phát triển sinh học đa dạng. Điều này là một thuận lợi đáng kể cho Việt Nam trong việc phục vụ thị hiếu tiêu dùng ngày càng cao hiện nay trên thế giới.

* Điều kiện tự nhiên, khí hậu và sinh thái

Nước ta nằm trong khu vực nhiệt đới ẩm có độ ẩm không khí cao khoảng 80%, nhiệt độ thường xuyên trên 20°C , khí hậu ấm áp, số giờ nắng trong năm

đạt trung bình 1200 giờ/năm và tập trung mạnh vào thời kỳ làm hạt của lúa, góp phần cho năng suất cao. Lượng mưa hàng năm lớn, trung bình 1500-2000mm, hệ thống nước ngầm có trữ lượng lớn, hệ thống song ngòi dày đặc…đây là những điều kiện tiên quyết cho sản xuất lúa nước phát triển vì nó đảm bảo cung cấp đủ nước tưới cho hàng triệu ha lúa.

Ngoài ra, nước ta có điều kiện sinh thái khá phong phú và đa dạng.Với sự hình thành 7 vùng sinh thái khác nhau mỗi vùng có đặc thù và thế mạnh riêng trong phát triển sản xuất nông nghiệp, đặc biệt có nhiều tiểu vùng “sinh thái - khí hậu đặc thù” cho phép phát triển một số cây lúa đặc sản có giá trị xuất khẩu cao mà ít nơi có được. Chẳng hạn đối với những tiểu vùng sinh thái ở Nam Bộ như: Vùng tây sông Hậu và Tứ giác Long Xuyên: cho phép áp dụng các giống lúa thâm canh cao như giống OM2517, OM4498, IR50404, Jasmine85; Vùng phù sa ngọt dọc sông Tiền, sông Hậu có thể ưu tiên sử dụng

các giống lúa cao sản chất lượng cao như VNĐ95-20, OM2514, OMCS2000,

OM4900, IR64; Vùng Đồng Tháp Mười: áp dụng giống lúa cực ngắn ngày, chịu phèn mặn trung bình – khá như OM576, OM1490, MTL499…Những vùng sinh thái khác nhau này đã tạo cho nông sản Việt Nam nói chung và cây lúa nói riêng có những nét đặc trưng về hương vị - chất lượng tự nhiên được thế giới ưa thích, đây là những lợi thế trong cạnh tranh về tính độc đáo của nông sản Việt Nam.

Một phần của tài liệu Xuất khẩu gạo của Việt Nam trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế.doc (Trang 72 - 75)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(121 trang)
w