Những tác động ảnh hưởng từ chính sách kinh tế vĩ mô

Một phần của tài liệu Xuất khẩu gạo của Việt Nam trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế.doc (Trang 76 - 80)

Việt Nam mới ra nhập nền kinh tế thị trường nhưng đã nhanh chóng hoà nhập vào vòng xoáy của nó. Để hạn chế tối đa những rủi ro mà nền kinh tế thị trường gây ra Việt Nam đã chọn cho mình hướng đi riêng, đó là: “nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa có sự quản lí của nhà nước”. Nhà nước sử dụng những công cụ vĩ mô để quản lý, định hướng hoạt động xuất khẩu.

* Chính sách thuế xuất khẩu gạo

Chính sách áp thuế xuất khẩu gạo là một biện pháp nhằm điều tiết sự chênh lệch giữa giá xuất khẩu với giá thị trường trong nước nhằm bình ổn giá gạo nội địa đồng thời đây còn là một công cụ tăng thu, góp phần làm giảm thâm hụt ngân sách. Tuy nhiên việc áp thuế xuất khẩu gạo có thể sẽ không khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu các loại gạo cao cấp có giá trị cao đồng thời ảnh hưởng tới lượng gạo xuất khẩu. Điều này có thể thấy rõ qua quyết định đánh thuế xuất khẩu tuyệt đối lên gạo của chính phủ vào tháng 7/2008, theo đó xuất khẩu gạo phải chịu thuế dựa vào giá xuất khẩu mức khởi điểm chịu thuế của gạo là giá bán từ 600 USD/tấn gạo trở lên. Chính bởi vậy, nên các doanh nghiệp sẽ rất khó khăn khi quyết định ký kết những hợp đồng cung cấp gạo cao cấp với mức giá cao vì lợi nhuận thu về sau khi trừ thuế cũng không đáng kể thậm chí còn phải chịu lỗ do các nguyên liệu, chi phí đầu vào của sản xuất lúa gạo tăng cao. Không những thế, mức thuế tính lũy tiến theo giá xuất khẩu càng làm cho mức chịu thuế cao lên cùng với những lô gạo xuất khẩu có chất lượng tốt, giá thành cao (thông thường gạo 5% tấm có mức giá trung bình khoảng 800 USD/ tấn). Như vậy, chính sách vĩ mô đã làm cho DN xuất khẩu gạo bỏ lỡ cơ hội xâm nhập vào những thị trường khó tính giá trị gia tăng cao, mất khách hàng, mất đi những dấu ấn thương hiệu đang giai đoạn hình thành. Bên cạnh đó, chính các doanh nghiệp

cũng sẽ ép giá thu mua lúa gạo từ nông dân để tránh phải nộp thuế cao hơn, điều này gây ảnh hưởng lớn tới thu nhập của người nông dân từ đó có thể gây ra những xáo trộn trong sản xuất lúa gạo.

Trong bối cảnh hiện nay, Việt Nam đang có chủ trương khuyến khích xuất khẩu gạo tới những thị trường tiềm năng có giá trị xuất khẩu cao thì việc đánh thuế xuất khẩu có thể làm giảm khả năng cạnh tranh về giá của gạo xuất khẩu, làm thui chột khả năng xuất khẩu đồng thời làm giảm lợi ích của người nông dân. Do vậy cần phải đánh giá lại một cách tổng hợp cái được, cái mất khi muốn sử dụng công cụ vĩ mô thuế xuất khẩu vào những mặt hàng chiến lược như gạo.

* Về hạn ngạch

Chính sách hạn ngạch được sử dụng căn cứ vào lượng gạo xuất khẩu hàng năm và tình hình sản xuất hiện tại, căn cứ vào hạn ngạch nhà nước quyết định số lượng xuất khẩu nếu gạo trong nước dư thừa nhiều thì tùy theo tình hình chính phủ sẽ tiếp tục cấp chỉ tiêu xuất khẩu. Việc sử dụng hạn ngạch linh hoạt căn cứ vào tình sản xuất trong nước, tiêu dùng nội địa và dự trữ quốc gia để phát huy tác dụng. Đặc biệt trong hoàn cảnh Việt Nam có chủ trương tự do hóa ngoại thương, chống tranh bán ở thị trường nước ngoài việc sử dụng hạn ngạch xuất khẩu gạo là một công cụ hợp lý. Thêm vào đó, trong bối cảnh khủng hoảng lương thực trên thế giới và ở trong nước, thiên tai đe doạ tới an ninh lương thực quốc gia đã làm giá lúa gạo cao, càng gây áp lực lên lạm phát. Đó cũng là lý do Chính phủ đã thắt chặt việc xuất khẩu gạo thông qua hạn ngạch. Tuy nhiên, hạn ngạch trong một chừng mực nào đó lại cản trở việc phát triển sản xuất lúa gạo xuất khẩu, ảnh hưởng đến mức giá thực tế của gạo xuất khẩu. Có thế thấy một số tác động tiêu cực của hạn ngạch lên hoạt động xuất khẩu gạo như:

Thứ nhất, hạn ngạch làm cách ly nền kinh tế trong nước và các biến đổi của thương mại quốc tế bằng cách giảm sự truyền tin về giá cả quốc tế và giá cả trong nước, đưa đến một hình thức giá cả ổn định cho người nông dân nhưng đem lại thu nhập cho người nông dân dưới mức mà sản xuất có thể, làm giảm hiệu quả xuất khẩu gạo.

Thứ hai, trong khi lương thực trong nước dư thừa nhiều nhưng hạn ngạch chưa đề ra, chưa kịp bổ sung hay cấp chỉ tiêu cho các đầu mối. Điều này dẫn đến lỡ mất cơ hội xuất khẩu thu lợi nhuận cao khi giá gạo thế giới đang tăng cao và biến động rất nhanh. Bài học gần đây nhất là vào cuối năm 2007, giá gạo trên thị trường quốc tế tăng cao, nhiều khách hàng muốn mua gạo Việt Nam nhưng doanh nghiệp không thể ký hợp đồng vì chỉ tiêu hạn ngạch được giao hết. Kết quả là Thái Lan “một mình một chợ” bán với giá cao ngất ngưởng (khoảng 1.200 đô la/tấn gạo 5% tấm). Đến khi được cấp lại hạn ngạch bổ sung, thì giá gạo trên thị trường quốc tế lại xuống thấp hơn trước rất nhiều (giảm từ 30-40%).

* Chính sách thu hút vốn đầu tư nước ngoài

Nông nghiệp Việt Nam là một ngành kinh tế chính của đất nước, đặc biệt trong giai đoạn hiện nay khi mà Việt Nam chủ trương hướng về nông nghiệp xuất khẩu trong đó gạo là một mặt hàng xuất khẩu chiến lược. Tuy nhiên, nền nông nghiệp của Việt Nam vẫn còn lạc hậu, công nghệ sản xuất, chế biến còn hạn chế nên chất lượng gạo cũng như các khâu sau thu hoạch còn yếu. Trong khi đó do đặc điểm của ngành nông nghiệp mà nguồn vốn vào ngành này lại càng trở nên ít ỏi, nhu cầu vốn cho phát triển nông nghiệp là rất lớn nhưng nguồn trong nước vẫn chưa đáp ứng được. Do vậy, việc tăng cường thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào phát triển sản xuất và xuất khẩu gạo là một nhu cầu tất yếu, tạo điều kiện thu hút công nghệ khoa học kỹ thuật hiện đại, góp phần nâng cao giá trị gạo xuất khẩu.

Từ năm 1998 đến tháng 8/2008 khu vực nông nghiệp có 966 dự án FDI. Vốn đầu tư khoảng 4.682 triệu USD, tổng vốn điều lệ khoảng 2.236 triệu USD. Trong đó FDI cho lĩnh vực sản xuất gạo chiếm 9% vốn đăng ký và 11% vốn thực hiện

Chính sách thu hút FDI vào sản xuất và xuất khẩu gạo sẽ hướng tập trung đầu tư cho các chương trình trọng điểm như phát triển công nghệ sinh học để tạo ra các giống lúa mới cho năng suất cao, chất lượng đáp ứng nhu cầu thị trường; áp dụng công nghệ chế biến, bảo quản sau thu hoạch, nâng cao giá trị, an toàn vệ sinh thực phẩm của sản phẩm…đẩy mạnh xuất khẩu tới các thị trường cao cấp và tiềm năng. Các dự án FDI sẽ góp phần phát triển sản xuất lúa gạo trên quy mô lớn, trên cơ sở phát huy các lợi thế so sánh và áp dụng các công nghệ mới, công nghệ cao, để từ đó nâng cao khả năng năng cạnh tranh của xuất khẩu gạo khi tham gia hội nhập. Với 758 dự án đã và đang triển khai, lĩnh vực FDI trong nông nghiệp đem lại doanh thu hàng năm khoảng 312 triệu USD, trong đó đóng góp cho lĩnh vực xuất khẩu gạo trên 100 triệu USD/năm và tăng mạnh trong thời gian gần đây.

Các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài có lợi thế về hệ thống phân phối của họ trên thị trường thế giới. Khi có sự tham gia của họ vào ngành sản xuất và xuất khẩu gạo, thì tăng thêm cơ hội cho gạo Việt Nam trên thị trường thế giới. Đồng thời, với các dự án của các nhà đầu tư nước ngoài, cùng với nguồn vốn đầu tư sẽ góp phần cải thiện công nghệ, kỹ thuật nông nghiệp nông thôn thông qua chuyển giao công nghệ, khai thác thế mạnh của vùng, phát triển được các giống lúa đặc sản, vừa nâng cao được giá trị của hạt gạo, lại tăng thêm giá trị xuất khẩu.

Một phần của tài liệu Xuất khẩu gạo của Việt Nam trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế.doc (Trang 76 - 80)