hối đoái bị hạn chế rất nhiều và hầu như không phát huy tác dụng. Trong một thời gian dài ở nước ta, tỷ giá hối đoái cố định được ấn định rất cao, vừa không phản ánh đúng quan hệ cung cầu trên thị trường ngoại hối vừa không phản ánh đúng giá trị của đồng tiền nội tệ. Có thể nói tỷ giá hối đoái của đồng tiền Việt Nam lúc bấy giờ chỉ là hệ số quy đổi để các công ty thương mại quốc doanh lập kế hoạch và tính toán nội bộ. Tất cả điều đó làm cho nền kinh tế trong một thời gian dài bị khủng hoảng trầm trọng.
Trong xu thế cải cách từ một nền kinh tế kế hoạch đóng sang một nền kinh tế thị trường mở, thể chế kinh tế mới ngày càng xác lập và phát triển. Ngân hàng nhà nước Việt Nam đã chuyển từ chế độ tỷ giá cố định sang chế độ tỷ giá linh hoạt có sự kiểm soát của nhà nước, là một sự lựa chọn đúng đắn của nhà nước trong điều kiện quá trình hội nhập Việt Nam với thế giới. Việc áp dụng tỷ giá thả nổi có điều tiết sẽ có các điều lợi sau: Một là, nó phản ánh kịp thời mọi quan hệ cung cầu trên thị trường, tranh được tình trạng xác định tỷ giá quá cố định, xa rời thực tế của nền kinh tế. Hai là, sự can thiệp kịp thời của nhà nước đến tỷ giá sẽ tránh được những biến động không mong muốn có ảnh hưởng tiêu cực đến tình hình kinh tế-xã hội. Ba là, giúp cho các Doanh nghiệp thương mại có cơ sở để quyết định chính sách kinh doanh của mình, bởi vì họ có thể dự đoán được một cách tương đối giá cả, chứ không phải luôn luôn vật lộn với những biến động thất thường của một chế độ tỷ giá linh hoạt hoàn toàn.
Ngân hàng nhà nước đã thực hiện việc công bố tỷ giá trên cơ sở giá bình quân chung trên thị trường liên ngân hàng và kèm theo biên độ dao động cho phép. Các biên độ tỷ giá này ngày càng được nới rộng ra: ngày 1/7/2002, biên độ này được nới rộng ra từ +/-0.1% lên +/-0.25%, ngày 31/12/2006 từ +/-0.25% lên +/-0.5% và ngày 07/03/2008 tăng từ +/-0.75 lên +/-1% và 24/02/2010 biên độ tỷ giá là +/-3%. Xem tại bảng 4: bảng tỷ giá hối đoái qua các năm trong phần phụ lục. Điều này cho thấy tỷ giá hoàn toàn được điều chỉnh một cách linh hoạt theo cơ chế thị trường.
Đề cập đến vấn đề tỷ giá ở Việt Nam là một vấn đề hết sức nhạy cảm, liên quan đến hàng loạt các yếu tố cấu trúc kinh tế và cả vấn đề chính trị, xã hội. Theo đánh giá của nhiều chuyên gia thì hiện nay đồng tiền Việt Nam đang được định giá khá cao so với rổ tiền tệ. Còn quan điểm của Ngân hàng Nhà nước, vẫn một quan điểm thận trọng, chỉ mở rộng biên độ tỷ giá giao dịch liên ngân hàng với một con số khiêm tốn từ +/-0,1% → +/-3%. Như vậy, nó sẽ làm giảm sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam trên thị trường quốc tế, ảnh hưởng xấu đến hoạt động xuất nhập khẩu, sau đó làm NHNN khó điều hành
chính sách tiền tệ. Tỷ giá VND chủ yếu được đánh giá thông qua sự biến động của VND so với USD, điều này phản ánh đúng thực trạng giao dịch ngoại hối của nước ta, các hoạt động thanh toán bằng USD chiếm tỷ trọng cao. Tuy nhiên, nếu chỉ dựa vào một ngoại tệ duy nhất là USD để xác định giá trị bản tệ thì quá mạo hiểm đối với hoạch định chính sách vĩ mô. Do đó, chúng ta nên xem xét khả năng xác định linh hoạt tỷ giá VND tương ứng với một rổ tiền tệ là các ngoại tệ mạnh có tham gia thương mại với Việt Nam. Có như vậy VND mới được xác định đúng giá trị và giảm thiểu tâm lý sùng bái USD, dẫn đến tình trạng đô la hóa của đại bộ phận dân cư hiện nay.