Đặc điểm cận lâm sàng

Một phần của tài liệu Thực trạng bệnh đái tháo đường và đặc điểm một số chỉ số sinh lí, sinh hóa ở bệnh nhân điều trị tại khoa nội tiết bệnh viện đa khoa tỉnh hà tĩnh (Trang 51 - 57)

3.2.2.1.Chỉ số glucose máu lúc đói

Chỉ số glucose máu của đối tượng nghiên cứu được thể hiện trong Bảng 3.5. Chỉ số glucose máu trung bình 12,63 ± 6,94 mmol/l, trong đó glucose máu trung bình ở nhóm tuổi 40 - 49 cao hơn các nhóm tuổi khác (18,97 ± 7,41 mmol/l).

Kết quả nghiên cứu cho thấy, chỉ số glucose máu trung bình của các nhóm tuổi đều cao nhưng nhóm tuổi 40 - 49 cao nhất. So sánh với tiêu chí kiểm soát glucose máu dành cho người Việt Nam thì glucose máu trung bình nằm ở mức kiểm soát kém. Kết quả nghiên cứu của chúng tôi còn ghi nhận 86,73% bệnh nhân có chỉ số glucose máu cao hơn giá trị bình thường.

Bảng 3.5. Chỉ số Glucose máu lúc đói của đối tượng nghiên cứu

Đơn vị: mmol/l

Nhóm tuổi Glucose máu trung bình (X ± SD)

< 40 10,3 ± 3,29 40 – 49 18,97 ± 7,41 50 – 59 14,66 ± 8,42 60 – 69 11,25 ± 5,62 ≥ 70 11,54 ± 6,27 Chung 12,63 ± 6,94

Khi so sánh với nghiên cứu của Hoàng Lê Anh Dũng và Trần Hữu Dàng (2010a), thì kết quả nghiên cứu của chúng tôi thấp hơn. Theo Hoàng Lê Anh Dũng và và Trần Hữu Dàng (2010b) khi nghiên cứu tại Bệnh viện Trung ương Huế ghi nhận glucose máu trung bình 15,2 ± 5,68 mmol/l [22]. Tuy nhiên khi so sánh với kết quả nghiên cứu của Nguyễn Thanh Mạnh (2009), trong nghiên cứu về kiểm soát

glucose máu ở 120 bệnh nhân đái tháo đường, giá trị glucose máu trung bình là 9,36 ± 3,77 mmol/l [trích từ 57], thì kết quả nghiên cứu của chúng tôi cao hơn.

Kết quả nghiên cứu của chúng tôi gần tương đương với một số kết quả nghiên cứu trong nước khác. Chẳng hạn nghiên cứu của Tạ Văn Bình (2007), Trần Quang Trung (2010), Trần Thị Kiều Diễm (2010), Đào Thị Dừa (2010) cho thấy glucose máu trung bình lần lượt là 11,3 ± 4,3 mmol/l, 11,26 ± 5,76 mmol/l; 14,3 ± 5,52 mmol/l và 14,71 ± 6,84 mmol/l [11], [57], [22], [27].

* Mức độ kiểm soát chuyển hóa glucose

Kiểm soát chuyển hóa glucose là mục tiêu hàng đầu trong điều trị đái tháo đường, trong nghiên cứu của chúng tôi tỉ lệ kiểm soát chuyển hóa glucose được đánh giá dựa trên hai chỉ số sinh hóa máu đó là glucose máu lúc đói và HbA1c.

Hình 3.7. Biểu đồ mức độ kiểm soát chuyển hóa glucose theo glucose máu lúc đói

của đối tượng nghiên cứu

Mức độ kiểm soát glucose máu dựa trên glucose máu lúc đói của đối tượng nghiên cứu thể hiện ở Hình 3.7. Kiểm soát glucose máu tốt chỉ có 9,69%, mức chấp nhận là 10,21% và 80,1% ở mức kiểm soát kém. Tuổi càng cao tỉ lệ kiểm soát glucose máu kém càng tăng. Nhóm tuổi 60 - 69 và từ 70 tuổi trở lên có tỉ lệ kiểm soát glucose máu kém cao nhất (26,53% và 25%).

Võ Bảo Dũng (2008) nghiên cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Định cho kết quả kiểm soát chuyển hóa glucose dựa theo glucose máu lúc đói đạt mức tốt 7,6%, mức chấp nhận 17,7% và 74,7% ở mức kiểm soát kém [25]. Theo nghiên cứu của Tạ Văn Bình (2007), kiểm soát chuyển hóa glucose dựa theo glucose máu lúc đói đạt mức tốt 5,9%, mức chấp nhận 6,7% và 87,4% ở mức kiểm soát kém [11]. Lí Thị Thơ (2005) nghiên cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tuyên Quang ghi nhận kiểm soát chuyển hóa glucose dựa theo glucose máu lúc đói đạt mức tốt 31,8%, mức chấp nhận 27,9% và 40,3% ở mức kiểm soát kém [52]. Nghiên cứu của Lê Văn Bốn và cộng sự (2010) tại Bệnh viện Đa khoa thành phố Quy Nhơn ghi nhận kiểm soát chuyển hóa glucose dựa theo glucose máu lúc đói đạt mức tốt chiếm 13%, chấp nhận chiếm 23% và mức kém chiếm 84% [13].

Như vậy, nghiên cứu của chúng tôi và một số nghiên cứu trên đều phù hợp với kết luận về quản lí bệnh đái tháo đường trong nghiên cứu hợp tác giữa Bệnh viện Nội tiết Hà Nội và Bệnh viện Quốc gia Kyoto - Nhật Bản, đó là số bệnh nhân kiểm soát chuyển glucose máu ở mức kém và chấp nhận chiếm tỉ lệ cao.

Với nhóm đối tượng có mức kiểm soát chuyển hóa glucose kém cần tư vấn, giải thích ngay cho họ biết nguy cơ có thể xảy ra, giúp họ hiểu rõ tình trạng bệnh hiện tại và tự nguyện điều trị cho đến khi đường huyết ổn định. Việc khám, điều trị, quản lí bệnh nhân cần phối hợp chặt chẽ với công tác truyền thông giáo dục sức khỏe cho cộng đồng sẽ mang lại kết quả điều trị tốt hơn.

Nghiên cứu tiến cứu về đái tháo đường của Vương quốc Anh (UKPDS) đã kết luận, việc kiểm soát glucose máu chặt chẽ trên bệnh nhân đái tháo đường tuyp 2 bằng nhiều phương pháp điều trị làm giảm tỉ lệ tử vong và mức độ tàn phế [11]. Do vậy, kiểm soát glucose máu chặt chẽ quan trọng là càng đưa glucose máu về gần giá trị bình thường bao nhiêu thì càng kiểm soát được các biến chứng bấy nhiêu.

Bên cạnh chỉ số glucose máu lúc đói, chúng tôi còn sử dụng chỉ số HbA1c để đánh giá mức độ kiểm soát chuyển hóa đường. Chỉ số HbA1c cho thấy mức độ trung bình đường trong máu từ hai đến ba tháng trước đó. Mức độ kiểm soát chuyển hóa glucose dựa trên HbA1c được thể hiện ở Bảng 3.6, cho thấy: Chỉ số HbA1c trung bình 8,03 ± 2,16%; số đối tượng nghiên cứu có HbA1c ở mức kiểm soát tốt chiếm tỉ lệ thấp 12,24%; số đối tượng nghiên cứu có HbA1c ở mức chấp nhận chiếm tỉ lệ 47,96%; chỉ số HbA1c ở mức kiểm soát kém chiếm tỉ lệ 39,80%.

Nghiên cứu của chúng tôi còn ghi nhận có 70,41% đối tượng nghiên cứu có HbA1c cao hơn bình thường.

Bảng 3.6. Mức độ kiểm soát chuyển hóa glucose dựa trên chỉ số HbA1c của đối

tượng nghiên cứu theo tiêu chuẩn của Hội Nội tiết và Đái tháo đường Việt Nam 2009 [13].

Mức độ kiểm soát

chuyển hóa glucose Tốt (< 6) Chấp nhận (6 – 7,5) Kém (> 7,5)

Số lượng (n) 24 94 78

Tỉ lệ (%) 12,24 47,96 39,8

HbA1c trung bình (%)

(X ± SD) 8,03 ± 2,16

Nghiên cứu của chúng tôi ghi nhận chỉ số HbA1c trung bình của bệnh nhân đái tháo đường cao, phản ánh sự kiểm soát glucose máu kém. Theo BI Yan và cộng sự (2008), khảo sát 493 bệnh nhân đái tháo đường điều trị nội trú tại Quảng Đông Trung Quốc, HbA1c trung bình là 8 ± 2,3%, tỉ lệ HbA1c ≥ 6,5% là 75%, tỉ lệ kiểm soát chuyển hóa đường tốt 11,5% [ trích từ 13]. Theo Spijkerman và cộng sự (2009) giá trị HbA1c trung bình là 8,64 ± 1,8% [trích từ 24]. Theo Đào Thị Dừa và cộng (2010), giá trị HbA1c trung bình của bệnh nhân đái tháo đường là 8,02 ± 1,42% [27]. Nghiên cứu của Trần Quang Trung (2010) giá trị HbA1c trung bình là 8,64 ± 12,87% [57]. Nghiên cứu của Lê Văn Bốn và cộng sự (2010) tại Bệnh viện Đa khoa thành phố Qui Nhơn ghi nhận giá trị HbA1c trung bình là 8,4 ± 1,8% [13].

Như vậy, so với các nghiên cứu trên, kết quả của chúng tôi gần tương đương. Khi sử dụng HbA1c để đánh giá các mức độ kiểm soát chuyển hóa glucose có sự khác biệt đáng kể so với dùng glucose máu lúc đói. Chúng tôi ghi nhận tỉ lệ bệnh nhân có mức kiểm soát chuyển hóa glucose chấp nhận và kém là 47,96% và 39,8%, khi sử dụng glucose máu lúc đói, tỉ lệ này lần lượt là 10,21% và 80,10%. Tỉ lệ bệnh nhân có mức kiểm soát chuyển hóa glucose tốt đều thấp 9,69% (theo glucose máu lúc đói) và 12,24% (theo HbA1c).

Nghiên cứu của Nguyễn Hải Thủy (2005) tại Huế, tỉ lệ kiểm soát chuyển hóa glucose tốt dựa trên HbA1c là 16% [trích từ 13]. Trong nghiên cứu của Lê Văn Bốn và cộng sự (2010), tỉ lệ kiểm soát chuyển hóa glucose đánh giá dựa trên HbA1c, chỉ có 13% kiểm soát tốt, mức độ chấp nhận là 23% và kiểm soát kém là 64%. Tuy nhiên khi sử dụng glucose máu lúc đói để đánh giá thì tỉ lệ này còn thấp hơn, với mức kiểm soát tốt là 7%, chấp nhận là 9%, và kiểm soát kém là 84% [13].

Như vậy, trong nghiên cứu của chúng tôi cũng như các nghiên cứu trong nước khác đều ghi nhận mức độ kiểm soát chuyển hóa glucose tốt chiếm tỉ lệ thấp. Chúng ta thấy rằng, kiểm soát chuyển hóa glucose là vấn đề rất khó khăn.

Hàm lượng trung bình một số thành phần lipid máu được thể hiện ở Bảng 3.7. Kết quả nghiên cứu ghi nhận: Cholesterol toàn phần trung bình 5,19 ± 2,09 mmol/l; hàm lượng HDL - c trung bình 1,11 ± 0,37 mmol/l và hàm lượng LDL - c trung bình 2,88 ± 1,14 mmol/l. Như vậy các chỉ số này đều nằm trong giới hạn bình thường. Riêng hàm lượng Triglycerid trung bình 2,49 ± 1,94 mmol/l, cao hơn giá trị bình thường nhưng không đáng kể.

Đái tháo đường thường đi kèm với rối loạn nồng độ lipid và lipoprotein máu cũng như rối loạn về chất lượng các lipoprotein, đây cũng là yếu tố chính gây xơ vữa động mạch. Thiếu insulin và tình trạng kháng insulin là cơ chế chính đưa đến rối loạn lipid máu ở bệnh nhân đái tháo đường. Đặc điểm nổi bật là tăng cholesterol toàn phần, tăng hàm lượng triglycerid, tăng LDL - c và giảm HDL - c [11].

Bảng 3.7. Chỉ số lipid máu trung bình của đối tượng nghiên cứu

Chỉ số lipid máu X ± SD (mmol/l) Giới hạn bình thường (mmol/l) Cholesterol toàn phần 5,19 ± 2,09 < 5,2 Triglycerid 2,49 ± 1,94 < 2,3 HDL – c 1,11 ± 0,37 > 0,9 LDL – c 2,88 ± 1,14 < 3,5

Bảng 3.8. Tỉ lệ rối loạn các thành phần lipid máu của đối tượng nghiên cứu

Lipid máu Giới hạn bệnh lí

(mmol/l) N % Cholesterol toàn phần ≥ 5,2 88 44,90 Triglycerid ≥ 2,3 77 39,29 HDL-c ≤ 0,9 68 34,69 LDL-c ≥ 3,5 50 25,51 Rối loạn ít nhất một thành phần 142 72,45

Tỉ lệ rối loạn các thành phần lipid máu được thể hiện ở Bảng 3.8. Trong nghiên cứu của chúng tôi có 72,45% bệnh nhân có rối loạn ít nhất một thành phần lipid máu. Trong đó, rối loạn tăng cholesterol toàn phần chiếm tỉ lệ cao nhất 44,90%, tiếp theo là tăng triglycerid và giảm HDL - c, chiếm tỉ lệ lần lượt là 39,29% và 34,69%. Số bệnh nhân có tăng LDL - c chiếm tỉ lệ thấp nhất 25,51%.

Theo nghiên cứu của Nguyễn Kim Lương (2007), tăng cholesterol 32,94%; tăng triglycerid 26,47%; giảm HDL - c 15,29% và tăng LDL - c 21,18% [36]. Theo nghiên cứu của Tô Văn Hải và Lê Thu Hà (2006) tăng cholesterol 54,5%; tăng

triglycerid 43%; giảm HDL - c 35,8% và tăng LDL - c 26% [33]. Nghiên cứu của Tạ Văn Bình và cộng sự (2007) ghi nhận 65,3% bệnh nhân đái tháo đường có rối loạn lipid máu, tăng cholesterol 40%; tăng triglycerid 53%; và tăng LDL - c 42,9% [12]. Theo Nguyễn Thị Thu Vân và cộng sự (2010) cho thấy tỉ lệ rối loạn chuyển hóa lpid là 84,9%, trong đó tăng triglycerid 21,9%; giảm HDL - c 35,3% và tăng LDL - c 38,4% [60]. Khăm Pheng Phun Ma Keo và Hoàng Trung Vinh (2006) nghiên cứu ở Viêng Chăn - Lào cho thấy tăng cholesterol 44,6%, tăng triglycerid 43,1%; và giảm HDL - c 34,6% [61].

Như vậy nghiên cứu của chúng tôi phù hợp với một số nghiên cứu trong nước: Rối loạn lipid máu là một rối loạn chuyển hóa thường gặp nhất ở bệnh nhân đái tháo đường, nhất là những trường hợp không được kiểm soát glucose máu tốt.

Hình thái rối loạn các thành phần lipid máu được thể hiện ở Bảng 3.9. Có 89/142 bệnh nhân rối loạn một thành phần lipid máu, chủ yếu là tăng cholesterol đơn thuần chiếm tỉ lệ (22,45%). Tiếp đến là rối loạn giảm HDL - c đơn thuần 16,84% và tăng triglycerid đơn thuần 6,12%. Bệnh nhân rối loạn phối hợp nhiều thành phần lipid máu là 53, trong đó rối loạn tăng phối hợp cholesterolvà triglycerid thường gặp nhất, chiếm tỉ lệ tỉ lệ 15,31%. Tiếp đến là rối loạn tăng triglycerid và giảm HDL - c 10,71% và 7,14% là tăng phối hợp cholesterol, triglycerid và giảm HDL - c.

Bảng 3.9. Hình thái rối loạn các thành phần lipid máu của đối tượng nghiên cứu

Hình thái rối loạn các thành phần lipid máu N %

Đơn thuần Tăng cholesterol 44 22,45

Tăng triglycerid 12 6,12

Giảm HDL – c 33 16,84

Phối hợp Tăng cholesterol + tăng triglycerid 30 15,31

Tăng triglycerid + giảm HDL – c 21 10,71

Tăng cholesterol, triglycerid + giảm HDL – c 14 7,14 Nghiên cứu của Tô Văn Hải (2003) cho thấy, tỉ lệ bệnh nhân rối loạn một thành phần lipid máu là 25,5%, chủ yếu là tăng cholesterol, trong rối loạn phối hợp nhiều thành phần lipid máu thì rối loạn phối hợp tăng cholesterol và triglycerid chiếm tỉ lệ cao nhất 13,9%, rối loạn tăng triglycerid và giảm HDL - c 4,2% [31].

Nhiều tác giả đã nhận xét, rối loạn chuyển hóa lipid máu trong bệnh đái tháo đường thường rối loạn nhiều chỉ số với nhau. Vì vậy, phải đồng thời định lượng

nhiều chỉ số và theo dõi thường xuyên hoặc định kỳ để phát hiện sớm những rối loạn lipid máu, dự phòng tốt hơn biến chứng bệnh đái tháo đường.

3.2.2.3. Các chỉ số huyết học

Theo dõi số liệu Bảng 3.10 cho thấy, các chỉ số WBC, RBC, MCV trung bình của đối tượng nghiên cứu đều nằm trong giới hạn bình thường. Các chỉ số WBC, RBC, giữa nam và nữ đều không có sự khác biệt với mức ý nghĩa thống kê P > 0,05, chỉ số MCV trung bình giữa nam và nữ có sự khác biệt với mức ý nghĩa thống kê P < 0,05.

Bảng 3.10. Các chỉ số huyết học của đối tượng nghiên cứu

Giới Chỉ số huyết học Nam (n=107) X ± SD Nữ (n=89) X ± SD Chung (n=196) X ± SD P WBC (x 109/L) 8,13 ± 2,89 8,58 ± 3,96 8,33 ± 3,28 > 0,05 RBC (x 1012/L) 4,44 ± 0,81 4,27 ± 0,6 4,37 ± 0,73 > 0,05 MCV (fL) 88,37 ± 8,3 85,90 ± 8,92 87,25 ± 8,65 < 0,05 Như vậy, từ kết quả nghiên cứu chúng tôi thấy rằng, bệnh đái tháo đường không ảnh hưởng rõ nét đến các chỉ số về số lượng hồng cầu, bạch cầu. Tuy nhiên, những bệnh nhân đái tháo đường cần theo dõi thường xuyên các chỉ số này để có biện pháp điều trị hợp lí nhằm giảm đến mức thấp nhất khả năng xuất hiện các biến chứng của bệnh. Bởi nhiều bệnh nhân khi đến khám thì bệnh đã chuyển sang giai đoạn biến chứng nặng.

Một phần của tài liệu Thực trạng bệnh đái tháo đường và đặc điểm một số chỉ số sinh lí, sinh hóa ở bệnh nhân điều trị tại khoa nội tiết bệnh viện đa khoa tỉnh hà tĩnh (Trang 51 - 57)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(75 trang)
w