Thời gian mắc bệnh của đối tượng nghiên cứu được thể hiện ở Hình 3.4. Đối tượng nghiên cứu có thời gian mắc bệnh từ 1 - 5 năm chiếm tỉ lệ cao nhất 44,89%, trong đó nhóm tuổi 60 - 69 có thời gian mắc bệnh từ 1 - 5 năm chiếm tỉ lệ cao nhất 18,37%; ≥ 5 năm chiếm 37,76%; dưới 1 năm chiếm tỉ lệ 17,35%. Số người trên 60 tuổi chiếm 72,27% tổng số người có thời gian mắc bệnh ≥ 5 năm. Kết quả nghiên cứu còn cho thấy thời gian mắc bệnh trung bình 7,47 ± 5,13 năm, bệnh nhân mắc bệnh lâu nhất là 30 năm và ít nhất là 1 tháng.
Hình 3.4. Biểu đồ phân bố đối tượng theo thời gian mắc bệnh
Thời gian mắc bệnh là một yếu tố quan trọng, thời gian mắc bệnh càng dài càng có nhiều biến chứng, diễn biến càng phức tạp và việc điều trị càng khó kiểm soát đường huyết tốt. Kết quả nghiên cứu của chúng tôi ghi nhận đa số bệnh nhân có thời gian mắc bệnh từ 1 - 5 năm và trên 5 năm. Ngày nay, có lẽ do công tác quản lí bệnh đái tháo đường tốt hơn trước, mặt khác đời sống cũng được nâng lên tuổi thọ con người ngày càng tăng... nên tuổi bệnh thường tăng lên song song với tuổi đời.
Nghiên cứu của Bùi Thế Bừng (2004), Triệu Quang Phú (2006) cũng cho kết quả thời gian mắc bệnh từ 1 - 5 năm chiếm đa số, tỉ lệ lần lượt là 51,9% và 53,9% [14], [48]. Kết quả nghiên cứu của Khăm Pheng Phun Ma Keo và cộng sự (2006)
ghi nhận thời gian phát hiện bệnh từ 1 - 5 năm là 63,8%, dưới 1 năm là 29,2% [59]. Theo Hồ Trường Bảo Long và cộng sự (2010), thời gian mắc bệnh trung bình 5,41 ± 5,3 năm, trong đó chủ yếu là từ 1 - 5 năm và trên 5 năm chiếm tỉ lệ lần lượt là 44,93% và 39,13% [39]. Nguyễn Kim Lương và cộng sự (2010) ghi nhận đa số bệnh nhân có thời gian mắc bệnh từ 1 - 5 năm chiếm 63,8%; trên 5 năm chiếm 28,8% [58]. Theo các tác giả Trần Thị Kiều Diễm và Nguyễn Thị Nhạn (2010) thời gian mắc bệnh trung bình 7,42 ± 5,62 năm [22].
Như vậy, kết quả nghiên cứu của chúng tôi tương đồng với một số nghiên cứu trước đây.