Tỉ lệ mắc bệnh đái tháo đường theo tiền sử và một số thói quen được thể hiện ở Bảng 3.11. Số đối tượng nghiên cứu có tiền sử gia đình liên quan là 5,61%. Tỉ lệ bệnh nhân nữ có tiền sử sinh con ≥ 4000 g chiếm 3,37%. Đối tượng nghiên cứu có thói quen hút thuốc và uống rượu chiếm tỉ lệ lần lượt là 26,02% và 24,49%.
Bảng 3.11. Phân bố tỉ lệ mắc bệnh đái tháo đường theo tiền sử và một số thói quen
của đối tượng nghiên cứu
Tiền sử và thói quen Số lượng (n) Tỉ lệ (%)
Sinh con ≥ 4 000 g 3/89 3,37
Hút thuốc 51 26,02
Uống rượu 48 24,49
Nhiều nghiên cứu đã chứng minh tiền sử gia đình (quan hệ huyết thống) là một yếu tố nguy cơ thực sự của đái tháo đường tuyp 2. Theo nghiên cứu của Tạ Văn Bình (2006), nhóm có tiền sử gia đình bị mắc bệnh cao gấp 2,68 lần nhóm người không có tiền sử gia đình [9]. Nghiên cứu của Ngô Thanh Nguyên (2009) tại thành phố Biên Hòa cũng ghi nhận những người có tiền sử gia đình có đái tháo có tỉ lệ mắc đái tháo đường cao hơn nhóm không có tiền sử gia đình về bệnh này (17,2% so với 7,2%) [45].
Phụ nữ có tiền sử sản khoa đặc biệt (đái tháo đường thai kỳ, sinh con trên 4000g ...) cũng được coi là yếu tố nguy cơ cao dễ có khả năng phát triển đến bệnh đái tháo đường. Nghiên cứu của Trần Hữu Dàng (2007) cho thấy phụ nữ mắc đái tháo đường có tiền sử sinh con trên 4000g là 11,5 % [21]. Nghiên cứu của Hoàng Trung Vinh và Khăm Pheng Phun Ma Keo (2006) cho thấy người có tiền sử gia đình mắc bệnh là 8,45%, số phụ nữ có tiền sử sản khoa đặc biệt liên quan đến đái tháo đường là 15,6% [61]. Nghiên cứu của Lí Thị Thơ (2005) có 6,2% bệnh nhân có tiền sử gia đình và 7,1% phụ nữ có tiền sử sinh con trên 4000g [52].
Như vậy kết quả nghiên cứu của chúng tôi thấp hơn kết quả của các nghiên cứu trên. Hiện nay, tiền sử gia đình có người mắc đái tháo đường và phụ nữ có tiền sử sản khoa đặc biệt, trong đó có tiền sử sinh con trên 4000g là yếu tố nguy cơ được chú ý tới khi tiến hành khám phát hiện sớm bệnh nhân đái tháo đường.
Rượu, bia từ lâu đã được ghi nhận có liên quan đến một số bệnh như tim mạch, loét dạ dày, đái tháo đường... Rượu có tương tác với các thuốc hạ glucose máu. Người bệnh đái tháo đường đang sử dụng có thuốc sulphnyrea mà uống rượu sẽ gây ra đỏ da, đau đầu, bồn chồn. Uống rượu khi đang dùng metformin dễ gây ra nhiễm toan máu, có thể gây nguy hiểm như nhiễm axit lactic. Rượu cũng gây sự hạn chế sản xuất và phóng thích glucose từ gan, do đó dễ gây nên biến chứng hạ đường huyết ở người đái tháo đường, tình trạng này rất khó phân biệt với say rượu nên hay dẫn tới hậu quả nghiêm trọng do không được phát hiện xử lí sớm.
Theo Wei M. Gibbons thấy những người đàn ông uống nhiều rượu có nguy cơ mắc đái tháo đường cao hơn người không có thói quen uống bia rượu là 2,2 - 2,4 lần [trích từ 11]. Nghiên cứu của Tạ Văn Bình (2004) cũng ghi nhận người uống rượu bia thường xuyên có nguy cơ mắc đái tháo đường cao gấp 3 lần so với người không có thói quen uống bia rượu [8]. Nhiều nghiên cứu cũng cho thấy những người bị đái tháo đường có nghiện rượu thì hiểm họa tử vong tăng 50% so với
người đái tháo đường không uống rượu [11]. Chính vì vậy, người bệnh tốt nhất là không uống rượu, bia.
Tỉ lệ bệnh nhân có thói quen uống rượu bia trong nghiên cứu của chúng tôi là 26,02% , trong đó có 47,67% nam giới có thói quen này và tập trung chủ yếu ở khu vự nông thôn. Điều này có thể là do nhận thức của người bệnh chưa đầy đủ về tác hại của việc uống bia rượu và có thể do tập quán sinh hoạt của người dân địa phương.
Hút thuốc lá không chỉ có hại cho người bệnh đái tháo đường mà còn rất có hại cho sức khỏe con người nói chung. Có 24,49% bệnh nhân có thói quen hút thuốc lá, trong đó có 44,86% bệnh nhân nam có thói quen này. Thói quen hút thuốc lá có liên quan đến nhiều yếu tố như trình độ văn hóa, nghề nghiệp, kinh tế, xã hội. 3.3.2.Chỉ số khối cơ thể và chỉ số eo hông
* Chỉ số khối cơ thể (BMI)
Thể lực của đối tượng nghiên cứu được thể hiện ở Hình 3.8. Chỉ số BMI trung bình của đối tượng nghiên cứu 20,47 ± 3,25 kg/m2. Đây là một giá trị nằm trong giới hạn thể trạng bình thường. Đa số đối tượng nghiên cứu có thể trạng bình thường chiếm 51,02%. Số đối tượng có thể trạng gầy chiếm tỉ lệ 27,55%. Đối tượng có thể trạng thừa cân và béo độ 1 chiếm tỉ lệ lần lượt là 13,78% và 7,65%. Thể trạng gầy, bình thường, thừa cân, nam chiếm tỉ lệ cao hơn nữ. Thể trạng béo độ 1, nữ chiếm tỉ lệ cao hơn nam.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), BMI ≥ 25 kg/m2 và Hiệp hội châu Á, nếu BMI ≥ 23 kg/m2 là những chỉ số nguy cơ của Hội chứng chuyển hóa nói chung và đái tháo đường nói riêng [11]. Nhiều tác giả nghiên cứu trong và ngoài nước đều kết luận: Béo phì, đặc biệt là béo phì trung tâm là yếu tố nguy cơ cao của bệnh đái tháo đường tuyp 2. Tỉ lệ đái tháo đường cao ở những người bị béo, ở những người béo trung bình, tỉ lệ mắc bệnh tăng lên 4 lần, nếu béo mức độ nặng thì tỉ lệ mắc bệnh tăng gấp 30 lần so với người bình thường. Điều này hoàn toàn phù hợp với đánh giá của chuyên gia Y tế Thế giới (WHO). Theo các chuyên gia WHO, yếu tố nguy cơ mạnh mẽ nhất tác động lên khả năng mắc đái tháo đường tuyp 2 là béo phì. Tỉ lệ mắc béo phì trong cộng đồng dân cư và tỉ lệ tỉ lệ mắc đái tháo đường tuyp 2 luôn song hành bên nhau. Nhận định này cũng được khẳng định trong nghiên cứu của Nurses Healthy Study trên 100.000 y tá trong vòng 14 năm liên tục thấy ngưỡng tăng tỉ lệ mắc đái tháo đường với chỉ số BMI ≥ 22 kg/m2, nếu BMI tăng lên 1 thì sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường lên 25%, nếu BMI ≥ 28 kg/m2 nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường và bệnh tim mạch gấp 3 - 4 lần [ trích từ 28].
Hình 3.8. Biểu đồ so sánh thể lực của đối tượng nghiên cứu theo chỉ số BMI
và giới tính
Thừa cân, béo phì có liên quan chặt chẽ với hiện tượng kháng insulin. Do tính kháng insulin cộng với sự giảm tiết insulin dẫn tới giảm tính thấm của màng tế bào với glucose ở tổ chức cơ và mỡ, ức chế quá trình phosphoryl hóa và oxy hóa glucose, làm chậm quá trình chuyển hóa carbonhdrat thành mỡ, giảm tổng hợp glycogen ở gan, tăng tạo đường mới và bệnh đái tháo đường xuất hiện [2], [20].
Kết quả nghiên cứu của chúng tôi ghi nhận BMI trung bình (20,47 ± 3,25 kg/m2) nằm trong giới hạn phân loại thể trạng bình thường, hầu hết các bệnh nhân trong nhóm nghiên cứu có thể trạng gầy và bình thường.
Theo Tô Văn Hải và cộng sự (2003) trong điều tra dịch tễ học ở những người 16 tuổi trở lên tại 3 quận, huyện ở Hà Nội, BMI trung bình của bệnh nhân đái tháo đường là 21,4 ± 3,6 kg/m2, nằm trong giới hạn phân loại thể trạng bình thường [trích từ 58]. Theo nghiên cứu của Nguyễn Kim Lương (2007) tại bệnh viện Đa khoa Thái Nguyên ghi nhận: BMI trung bình 20,07 ± 3,86 kg/m2; các bệnh nhân trong nhóm nghiên cứu có thể trạng gầy (33,8%) và trung bình (56,8%); thể trạng béo ít gặp chiếm 9,4% [28]. Theo Hoàng Lê Anh Dũng và cộng sự (2010), BMI trung bình 21,66 ± 3,12 kg/m2 [24]. Nghiên cứu của Trần Thị Kiều Diễm và Nguyễn Thị Nhạn (2010) cũng cho kết quả tượng tự, BMI trung bình 20,02 ± 2,99 kg/m2
Như vậy, kết quả nghiên cứu của chúng tôi đồng thuận với các nghiên cứu trên. Tuy nhiên, kết quả này khác với một số nghiên cứu sau. Tác giả Thượng Thị Ngọc Thảo (2007) nghiên cứu 124 bệnh nhân mắc đái tháo đường ở bệnh viện Đa khoa Bình Dương, cho kết quả BMI trung bình 23,6 ± 3,7 kg/m2 [trích từ 39]. Theo Lê Văn Bốn và cộng sự (2010) cũng cho kết quả tương tự BMI trung bình 23,4 ± 3 kg/m2 [13].
Ở phân loại béo phì độ I chúng tôi chỉ phát hiện được 15 trường hợp chiếm tỉ lệ thấp nhất 7,65%, trong khi đó nghiên cứu của Lí Thị Thơ (2005) tỉ lệ này chiếm 24,8% [52]. Theo nghiên cứu của Trần Hữu Dàng (2007), tỉ lệ bệnh nhân thừa cân và béo phì chiếm 63,7% [21]. Nghiên cứu của Phạm Thị Lan (2009) cũng cho kết quả tương tự, bệnh nhân thừa cân và béo phì chiếm tỉ lệ cao nhất 46,8% [38].
Có sự khác biệt trên phải chăng là do chúng tôi nghiên cứu trên đa số bệnh nhân mắc đái tháo đường lâu năm (thời gian mắc bệnh trung bình 7,47 ± 5,13 năm), lại không được điều trị tốt, glucose máu cao (glucose máu trung bình 12,63 ± 6,94 mmol/l) nên gây mất nước, sụt cân, làm bệnh nhân gầy đi. Kết quả này cũng phần nào lí giải được sự tăng tỉ lệ gầy sút cân trong nghiên cứu của chúng tôi.
Ở các nước phương Tây, bệnh đái tháo đường thường gặp ở đối tượng thừa cân, béo phì, tuy nhiên tình hình ở Việt Nam thì đa số bệnh nhân có BMI trong giới hạn gầy hoặc bình thường. Có lẽ một phần là do sự khác biệt về thể trạng nhỏ con của người Châu Á, thói quen ăn uống, điều kiện kinh tế.
* Chỉ số eo hông WHR (Waist to hip ratio)
Ngoài so sánh về chỉ số BMI giữa các nhóm, chúng tôi còn đề cập đến chỉ số WHR. Kết quả ở Hình 3.9 cho thấy, chỉ số WHR trung bình của đối tượng nghiên cứu 0,93 ± 0,07, nằm trong giới hạn phân loại bệnh lí; đối tượng nghiên cứu có chỉ số WHR nằm trong giới hạn bệnh lí là 79,08%; trong đó ở nữ chiếm tỉ lệ 98,88%, cao hơn so với nam 62,62% có sự khác biệt với mức ý nghĩa thống kê P < 0,05.
Bên cạnh chỉ số BMI, chỉ số WHR cũng là vấn đề đáng quan tâm. Trên lâm sàng, chỉ số này dùng để đánh giá mức độ béo bụng. Theo Trần Hữu Dàng (1997), chỉ số WHR gia tăng là yếu tố nguy cơ quan trọng của đái tháo đường tuyp 2 [trích từ 57]. Điều này cũng phù hợp trong nghiên cứu của Tạ Văn Bình và cộng sự (2003) khi điều tra đái tháo đường và rối loạn dung nạp glucose ở các đối tượng có nguy cơ cao ở Phú Thọ, Sơn La và Thanh Hóa [11]. Tương đồng với kết quả của chúng tôi, nghiên cứu của Trần Quang Trung và cộng sự (2010), ghi nhận chỉ số B/M ở bệnh nhân đái tháo đường là 0,93 ± 0,03 [58].
Hình 3.9. Biểu đồ so sánh chỉ số WHR ở đối tượng nghiên cứu
Kết quả nghiên cứu của chúng tôi cho thấy tỉ lệ WHR bệnh lí (béo dạng nam) cao 79,08%, tập trung cao ở nữ giới, chiếm 98,88%; chỉ số này ở bệnh nhân nam chiếm 66,62%. Kết quả này cũng phù hợp với kết quả nghiên cứu của tác giả Nguyễn Kim Lương (2007) nghiên cứu trên 300 bệnh nhân tại Bệnh viện Đa khoa Thái Nguyên, chỉ số WHR nằm trong giới hạn bệnh lí tập trung cao ở nữ giới chiếm 71,2% [28]. Theo nghiên cứu của Bùi Thế Bừng (2004), chỉ số WHR bệnh lí (béo dạng nam) chiếm 65,8% [14]. Theo tác giả Lí Thị Thơ (2005) nghiên cứu tại Bệnh viện Đa khoa Tuyên Quang cũng ghi nhận chỉ số WHR bệnh lí gặp ở đối tượng nữ giới cao hơn nam giới (55,7% và 25,4% ) [52]. Phải chăng do nữ giới ít hoạt động hơn nam giới, đồng thời chế độ ăn uống cũng phong phú hơn nên nữ giới có khuynh hướng béo phì dạng nam cao hơn nam giới.
Béo phì phát triển song hành với tốc độ tăng trưởng, tình trạng kinh tế xã hội thay đổi nhanh chóng, kéo theo sự thay đổi về lối sống hiện đại hóa, công nghiệp hóa. Tỉ lệ bệnh nhân có BMI ≥ 23 và chỉ số WHR bệnh lí ngày càng tăng trong các nghiên cứu gần đây cho thấy nguy cơ xuất hiện biến chứng ở người bệnh cao hơn nếu như không giảm béo và duy trì thể trạng trung bình. Do vậy việc tư vấn giúp bệnh nhân có sự hiểu biết đúng đắn và tự giác thực hiện tốt chế độ ăn uống, luyện tập giảm cân hợp lí, giảm vòng eo là rất quan trọng và mang tính quyết định thành công trong điều trị và dự phòng các biến chứng kèm theo.