Sự phân bố đối tượng nghiên cứu theo nhóm tuổi và giới được thể hiện Bảng 3.1. Kết quả nghiên cứu cho thấy, tỉ lệ đái tháo đường ở nam cao hơn nữ (54,59% và 45,41%). Ở hai nhóm tuổi 60 - 69 (35,17%) và ≥ 70 (34,86%) có tỉ lệ mắc bệnh đái tháo đường cao hơn các độ tuổi khác.
Bảng 3.1. Phân bố đối tượng nghiên cứu theo nhóm tuổi và giới
Giới Nam Nữ Tổng số N % n % n % < 40 2 1,02 4 2,04 6 3,06 40 – 49 12 6,12 2 1,02 14 7,14 50 – 59 25 12,76 19 9,69 44 22,45 60 – 69 36 18,37 34 17,35 70 35,71 ≥ 70 32 16,33 30 15,31 62 31,67 Tổng 107 54,59 89 45,41 196 100
Như vậy, trong nghiên cứu của chúng tôi, tuổi của bệnh nhân đái tháo đường khi nhập viện cao, đa số ngoài độ tuổi lao động, trung bình là 64,07 ± 11,77. Thấp nhất là 25 tuổi, cao nhất là 91 tuổi. Bệnh nhân từ 50 tuổi trở lên chiếm 89,8%, trong đó gặp nhiều nhất ở hai nhóm tuổi đó là nhóm tuổi 60 - 69 chiếm 35,71% và nhóm tuổi ≥ 70 chiếm 31,67%.
Ngoài ra khi phân nhóm tuổi, chúng tôi còn ghi nhận tỉ lệ mắc bệnh đái tháo đường tăng dần theo tuổi. Ở độ tuổi dưới 40, tỉ lệ bệnh nhân đái tháo đường là 3,06% thì đến độ tuổi 40 - 49, tỉ lệ này tăng lên 2,33 lần, chiếm 7,14%, đến độ tuổi 50 - 59, tỉ lệ này tăng lên gấp 7 lần, chiếm 22,45%, đến độ tuổi 60 - 69 và 70 tuổi trở lên, tỉ lệ này tăng lần lượt là 11,66 lần (35,71%) và 10,34 lần (31,67%).
Nghiên cứu của Welborn (1996) ở Australia thấy tỉ lệ đái tháo đường tăng nhanh theo tuổi từ 50 tuổi trở lên [34]. Theo một nghiên cứu của Nguyễn Kim Lương và cộng sự (2003) tại Bệnh viện Đa khoa Trung ương Thái Nguyên, tuổi trung bình của bệnh nhân là 62,8 ± 11,2; đối tượng nghiên cứu ở độ tuổi 60 - 69 chiếm tỉ lệ cao nhất 35,1% [42]. Nguyễn Thị Nhạn (2003) nghiên cứu tại Bệnh viện Đa khoa Thái Nguyên thấy tuổi trung bình của bệnh nhân là 65 ± 10,75; lứa tuổi ≥ 60 chiếm 66,1% [46]. Theo Thái Hồng Quang (2003), tuổi trung bình của bệnh nhân đái tháo đường vào khoảng 60 - 65 tuổi, tỉ lệ bệnh bắt đầu gia tăng nhanh ở nhóm người trên 45 tuổi, tỉ lệ mắc bệnh có thể lên tới 16% dân số chung [49]. Trần Thị Mai Hà (2004) tìm hiểu một số yếu tố nguy cơ của bệnh đái tháo đường ở người 30 tuổi trở lên tại thành phố Yên Bái cũng cho thấy độ tuổi có tỉ lệ mắc đái tháo đường cao nhất là trên 60 tuổi [30]. Trần Quang Trung và cộng sự (2009) nghiên cứu 142 bệnh nhân điều trị nội trú tại Bệnh viện Trung ương Huế thấy tuổi trung bình của bệnh nhân là 65 ± 13,91 [57]. Lê Văn Bốn (2010) nghiên cứu tại Bệnh viện Đa khoa Thành phố Qui Nhơn ghi nhận tuổi trung bình của đối tượng nghiên cứu là 62 ± 11; khoảng 60% ở độ tuổi > 60 tuổi [13]. Nghiên cứu của Đào Thị Dừa và cộng sự (2010) tại Bệnh viện Trung ương Huế cho thấy bệnh nhân trên 40 tuổi chiếm 95,54% [27]. Theo Hoàng Lê Anh Dũng và cộng sự (2010), tuổi trung bình của bệnh nhân đái tháo đường là 65 ± 13,91; bệnh nhân trên 60 tuổi chiếm tỉ lệ 64,79% [23].
Như vậy, kết quả nghiên cứu của chúng tôi tương đương với kết quả nghiên cứu của các tác giả trên. Thực tế người cao tuổi đang ngày càng chiếm tỉ lệ cao trong số bệnh nhân nhập viện ở các khoa nội nói chung và khoa điều trị đái tháo đường nói riêng. Theo ước tính của trung tâm y tế dự phòng và kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ có đến 23,1% người Mỹ từ 60 tuổi trở lên mắc đái tháo đường [11].
Cùng với sự phát triển về kinh tế xã hội, tuổi thọ của con người ngày càng cao và bệnh tật thường gia tăng với tuổi già, nhất là đái tháo đường. Khi cơ thể già chức năng tụy bị suy giảm; đồng thời những thay đổi về chuyển hóa glucose cũng tiến triển song hành với tuổi. Quá trình lão hóa là nguyên nhân quan trọng nhất của sự đề kháng insulin, cơ chế làm tăng tỉ lệ đái tháo đường tuyp 2. Đồng thời, những thay đổi về lối sống do tuổi tác là yếu tố đóng góp quan trọng.
Chính vì bệnh gia tăng theo độ tuổi nên việc phòng bệnh và đặc biệt chú ý việc phát hiện bệnh đái tháo đường ở người cao tuổi là rất cần được mọi quốc gia quan tâm. Tuy nhiên, hiện nay đái tháo đường tuyp 2 ở trẻ nhỏ, tuổi dậy thì và tuổi trưởng thành đang là thực tại đáng lo ngại. Nghiên cứu của chúng tôi có 3,06% bệnh nhân dưới 40 tuổi. Vì vậy, cần tăng cường công tác truyền thông - giáo dục sức khỏe cộng đồng cho nhân viên y tế, cho người bệnh đái tháo đường về đái tháo
đường, để họ tự giác thực hiện nguyên tắc phòng chống bệnh. Tổ chức mạng lưới quản lí bệnh từ trung ương đến địa phương để phát hiện kịp thời những yếu tố nguy cơ bệnh đái tháo đường, những người rối loạn đường huyết đói, người bệnh đái tháo đường để cải thiện kịp thời.
Về phân bố giới tính, trong nghiên cứu của chúng tôi, bệnh nhân nam (54,59%) chiếm tỉ lệ cao hơn bệnh nhân nữ (45,41%). Theo J. Maisa và cộng sự (2000) tại Nhật Bản và Ấn Độ, tỉ lệ mắc đái tháo đường nam cao hơn nữ, nhưng tại Hoa Kỳ tỉ lệ mắc đái tháo đường đối với nữ cao gấp 3 - 4 lần so với nam [11].
Tại Việt Nam, nhiều tác giả đã nghiên cứu tỉ lệ mắc bệnh đái tháo đường theo giới tính. Lí Thị Thơ (2005) nghiên cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tuyên Quang thấy bệnh nhân nam chiếm 45,3%, bệnh nhân nữ chiếm 54,7% [54]. Nghiên cứu của Chu Minh Tân (2007) cũng có tỉ lệ nữ cao hơn nam (55,73% và 44,27%) [trích từ 27]. Nghiên cứu của Trương Văn Sáu (2007) tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Giang ghi nhận tỉ lệ bệnh nhân nam là 54,6%, bệnh nhân nữ là 45,4% [50]. Như vậy, kết quả nghiên cứu tại một số bệnh viện cho thấy tỉ lệ mắc bệnh giữa nam và nữ có sự khác nhau. Sự khác biệt về tỉ lệ nam, nữ này hoàn toàn phù hợp vì đây chỉ là số liệu phản ánh thực trạng người bệnh điều trị tại bệnh viện. Còn sự khác biệt tỉ lệ mắc bệnh giữa nam và nữ giữa các khu vực trong một quốc gia, giữa các quốc gia phụ thuộc vào các yếu tố như điều kiện sống, thói quen ăn uống, tập thể dục thể thao, chủng tộc...
Kết quả về phân bố đối tượng nghiên cứu theo nghề nghiệp của chúng tôi được thể hiện ở Hình 3.2. Kết quả cho thấy, tỉ lệ mắc bệnh đái tháo đường ở nhóm hưu trí (62,24%) cao hơn các nhóm nghề nghiệp khác; nông dân chiếm tỉ lệ 31,63%; nghề nghiệp khác chiếm 4,59% và viên chức chiếm tỉ lệ thấp nhất 1,54%.
Như vậy, kết quả nghiên cứu của chúng tôi cho thấy tỉ lệ mắc bệnh đái tháo đường có sự khác nhau ở đối tượng nghiên cứu có nghề nghiệp khác nhau, trong đó nhóm cán bộ hưu trí chiếm tỉ lệ cao hơn các nhóm đối tượng khác. Nguyên nhân có thể do cán bộ hưu trí thường ít vận động hơn so với người lao động. Hơn nữa ở những người nghỉ hưu đa số là người cao tuổi, họ đã trải qua một quá trình tích lũy các yếu tố nguy cơ nhiều hơn, trong đó có nguy cơ béo phì. Đối tượng nông dân cũng chiếm tỉ lệ khá cao có thể là do điều kiện chăm sóc sức khỏe thiếu thốn, sự hiểu biết về bệnh tật còn hạn chế nên không biết cách phòng tránh, đi khám phát hiện bệnh và điều trị kịp thời. Đối tượng viên chức chiếm tỉ lệ thấp nhất. Có thể là do họ có những hiểu biết khá đầy đủ về bệnh nên biết cách phòng bệnh.
Hình 3.2. Biểu đồ phân bố đối tượng nghiên cứu theo nghề nghiệp
Theo Lí Thị Thơ (2005) nghiên cứu tại Tuyên Quang, nhóm cán bộ hưu trí 52,7%; làm ruộng 31%; viên chức 9,3% [52]. Nghiên cứu của Trương Văn Sáu (2007) tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Giang cho thấy tỉ lệ mắc đái tháo đường ở nhóm cán bộ hưu trí, làm ruộng và viên chức lần lượt là 48,4%; 39,1%; 12,5% [50]. Theo Nguyễn Kim Lương và cộng sự (2007) nghiên cứu tại Bệnh viên Đa khoa Trung ương Thái Nguyên, tỉ lệ mắc bệnh ở nhóm cán bộ hưu trí chiếm 65,3%; nông dân 15,7%; viên chức 14,3% [28].
Như vậy, kết quả nghiên cứu của chúng tôi khá đồng thuận với kết quả của một số nghiên cứu trước đó.
Kết quả ở Hình 3.3 cho thấy, có 60,2% bệnh nhân cư trú ở khu vực nông thôn; 39,8% cư trú ở khu vực thành thị. Kết quả này khác với hầu hết kết quả nghiên cứu của các tác giả khác. Chẳng hạn theo Nguyễn Kim Lương và cộng sự (2007) nghiên cứu tại Bệnh viện Đa khoa Thái Nguyên cho thấy tỉ lệ mắc đái tháo đường ở thành thị chiếm 71,7% cao hơn khu vực nông thôn là 28,3% [28]. Phan Văn Năm và cộng sự (2010) cũng ghi nhận tỉ lệ mắc đái tháo đường ở thành phố chiếm 70,8%, cao gấp 2,34 lần so với bệnh nhân ở nông thôn [43], tương tự như kết quả đánh giá của tác giả Hoàng Thị Miên (2003) nghiên cứu tại Thái Nguyên và tác giả Lí Thị Thơ (2005) nghiên cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tuyên Quang [41], [52].
Hình 3.3. Biểu đồ phân bố đối nghiên cứu theo địa dư
Kết quả này không khẳng định chắc chắn rằng tại tỉnh Hà Tĩnh tỉ lệ đái tháo đường ở khu vực nông thôn cao hơn khu vực thành thị vì đối tượng nghiên cứu chỉ là bệnh nhân điều trị tại bệnh viện. Để có được số liệu trên địa bàn toàn tỉnh cần có một điều tra dịch tễ học tại cộng đồng.