Có thể nói đây là nhóm chính sách tác động trực tiếp nhất đến quá trình quản lý NNL ở nước ta hiện nay. Cùng với việc phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, các chính sách thu hút và sử dụng lao động đã được đổi mới từng bước nhằm đáp ứng và thích nghi với cơ chế thị trường. Sự đổi mới này được thể hiện vừa cả trong nội dung, phạm vi và phương pháp tác động của các chính sách, theo đó vừa tăng cường vai trò của Nhà nước, vừa sử dụng ngày càng rộng rãi các công cụ của thị trường trong quản lý NNL. Căn cứ vào tính chất và đối tượng tác động, những chính sách về thu hút và sử dụng lao động được phân tổ theo các nhóm sau:
-Chính sách đa dạng hoá việc làm và theo đó là đa dạng hoá các nguồn vốn và chủ thể tạo việc làm: Nhà nước không phải là nguồn và chủ thể duy nhất tạo việc làm, mà thực hiện chính sách khuyến khích và hỗ trợ (bằng khuôn khổ pháp lý, tài chính, kinh nghiệm) các thành phần kinh tế tạo việc làm cho người lao động.
-Chính sách khuyến khích, hỗ trợ tạo việc làm: Nhà nước chủ động và tích cực trực tiếp tạo việc làm trong tất các ngành kinh tế quốc dân, trong đó ưu tiên các ngành có tác dụng kích thích và lan toả tác động đến các thành phần kinh tế khác tạo việc làm và chính sách hỗ trợ các thành phần kinh tế, mọi người dân tự tạo việc làm cho mình và cho mọi người.
-Chính sách về cơ cấu lao động: Thông qua chính sách đầu tư, theo đó Nhà nước trực tiếp đầu tư và có những giải pháp khuyến khích hoặc hạn chế đầu tư vào những ngành, lĩnh vực, vùng, lãnh thổ .v .v . . để tạo việc làm sẽ có ý nghĩa quyết định và tác động liên ngành, liên vùng nhằm tạo ra sự chuyển dịch tiến bộ về cơ cấu lao động với ba hình thức cơ cấu chính là cơ cấu theo ngành(chuyển từ lao động nông nghiệp sang khu vực phi nông nghiệp), cơ cấu lao động theo trình độ trang bị kỹ thuật(chuyển dịch từ lao động thủ công là chính sang lao động cơ giới hoá và tiến tới tự động hoá) và cơ cấu lao động theo khu vực lãnh thổ(chủ yếu là chuyển từ lao động nông thôn sang lao động thành thị với kiểu sống, lối sống thành thị và với kỹ năng, hiệu quả và năng suất cao hơn.
-Chính sách của Nhà nước nhằm điều tiết quan hệ và điều kiện lao động (hình thức và phương pháp giao kết hợp đồng lao động, trả công lao động, quy định thời gian lao động, ban hành những chuẩn mực về vệ sinh-an toàn lao động và chính sách bảo hiểm xã hội v.v. . .).
-Chính sách thị trường lao động nhằm khuyến khích, điều tiết phát triển thị trường lao động phục vụ lợi ích chung và lợi ích của người lao động, do ở nước ta loại thị trường này hiện nay mới chỉ trong giai đoạn đang hình thành nên có những đặc điểm là kém phát triển và còn nhiều khuyết tật(kém phát triển, bị chia cắt khá mạnh giữa các khu vực và theo lãnh thổ, thiếu khuôn khổ pháp lý . . .) Vì vậy, phải có chính sách riêng để quản lý và thúc đẩy sự phát triển của loại thị trường này. Sự hình thành và phát triển ngày càng rộng rãi thị trường lao động cùng với việc hội tụ khá đầy đủ những yếu tố thị trường sẽ tác động nhiều mặt và mạnh mẽ hơn đến quá trình phát triển NNL.
-Chính sách ưu đãi và khuyến khích tài năng. Cùng với chính sách chung cho toàn bộ NNL, trong từng giai đoạn nhất định, căn cứ vào mục tiêu và nhiệm vụ cụ thể mà nhà nước có những chính sách riêng đối với từng nhóm người lao động. Nhìn chung, đó là những nhóm đối tượng có vai trò đặc biệt quan trọng và quyết định đến sự phát triển hưng thịnh của quốc gia hoặc những nhóm nhạy cảm, dễ bị tổn thương trước sự tác động tiêu cực của thị trường, chúng ta cần hoàn thiện những chính sách sau:
Chính sách phát triển NNL khu vực quản lý hành chính Nhà nước, đặc biệt là đối với những người ra quyết định và tham gia hoạch định chính sách.
Chính sách phát triển NNL khoa học-công nghệ, trong đó tập trung vào những ngành khoa học-công nghệ mũi nhọn như công nghệ tin học, công nghệ sinh học, tự động hoá và công nghệ vật liệu mới.
Chính sách phát triển đội ngũ doanh nhân, trong ưu tiên đối với các doanh nghiệp xuất khẩu và doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Chính sách phát triển công nhân kỹ thuật trình độ cao, trước hết là phải đạt trình độ chuẩn trong khu vực Đông Nam Á và tiến tới quốc tế.
Chính sách đối với một số nhóm lao động thuộc các ngành nghề, lĩnh vực và vùng lãnh thổ đặc biệt.
-Vận dụng chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, tỉnh Bắc Ninh đã cụ thể hoá một số chính sách, nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng NNL của tỉnh:
+Quy định chế độ, chính sách đào tạo, bồi dưỡng, thu hút và sử dụng NNL tỉnh Bắc Ninh (Quyết định số 60/2005/QĐ-UB ngày 06/6/2005 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Bắc Ninh).
+Quy định một số chế độ đố với huấn luyện viên, vận động viên cán bộ thể dục, thể thao ( Nghị quyết số 33/2005/NQ-HĐND16 ngày 27/4/2005 của hội đồng nhân dân tỉnh Bắc Ninh).
+Quy định chế độ khuyến khích, ưu đãi bác sĩ công tác tại trạm y tế cơ sở (Quyết định số 98/2002/QĐ-UB ngày 29/8/2002 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Bắc Ninh).