BÀN LUẬN 4.1 Về thực vật

Một phần của tài liệu Nghiên cứu nguồn gốc thực vật thành phần hóa học của vị thuốc hoàng lực thu hái tại bắc giang (Trang 62 - 67)

- Phản ứng Cyanidin:

BÀN LUẬN 4.1 Về thực vật

4.1. Về thực vật

Hiện nay, dược liệu Hoàng lực vẫn đang được thu mua. Qua quá trình nghiên cứu tại nơi thu hái dược liệu này có một số loài Zanthoxylum L. khác nhau. Tuy nhiên dược liệu Hoàng lực chỉ được lấy từ các mẫu được mô tả chi tiết về đặc điểm hình thái thân, lá, phân tích chi tiết hoa ở mục 3.1. Đối chiếu các đặc điểm hình thái với khóa định loại của thực vật chí Đông Dương và Thực vật chí Trung Quốc, loài nghiên cứu đã được giám định tên khoa học là Zanthoxylum nitidum (Roxb.) DC., Rutaceae, tên thường gọi là Xuyên tiêu.Mẫu tiêu bản khô đã được lưu trữ tại phòng tiêu bản bộ môn Thực vật - Trường Đại học Dược Hà Nội (HNIP). Kết quả giám định tên khoa học của mẫu nghiên cứu đã xác định được nguồn gốc thực vật của dược liệu, đồng thời là cơ sở khoa học cho các nghiên cứu tiếp theo.

Xuyên tiêu là cây thuốc khá phổ biến ở nhiều tỉnh miền Bắc nước ta, tuy nhiên trong các tài liệu về thống kê phân bố chưa thấy có tài liệu nào về loài này phân bố ở Bắc Giang. Qua kết quả giám định tên khoa học, cần thiết bổ sung Bắc Giang vào bản đồ phân bố của loài này.

Nghiên cứu của chúng tôi đã mô tả chi tiết các đặc điểm giải phẫu của rễ, thân, lá và các đặc điểm vi học bột dược liệu Hoàng lực. So sánh đặc điểm vi phẫu của dược liệu Hoàng lực với những mô tả về rễ của loài Zanthoxylum nitidum

(Roxb.) DC. trong tài liệu tham khảo [52] thấy có sự tương đồng về cấu tạo giải phẫu. Vi phẫu thân Xuyên tiêu có một đặc điểm đặc biệt rất ít gặp đó là đám mô cứng gồm nhiều tế bào mô cứng nằm ở trung tâm của thân, phía trong mô mềm ruột. Đặc điểm này rất có ý nghĩa khi kiểm nghiệm bằng phương pháp vi học. Song song với mô tả, các hình ảnh vi phẫu và đặc điểm bột dược liệu đã được chụp ảnh lưu giữ.

Những kết quả nghiên cứu vi học của luận văn là đóng góp mới bổ sung các dữ liệu để xây dựng tiêu chuẩn vi học cho dược liệu, giúp công tác kiểm nghiệm chính xác.

55

4.2. Về hóa học

4.2.1. Định tính các nhóm chất hữu cơ trong dược liệu

Ở Việt Nam, cho đến nay thành phần hóa học của loài Xuyên tiêu [Zanthoxylum nitidum (Roxb.) DC.] đã được một số tác giả nghiên cứu và công bố trong các bài báo hay báo cáo khoa học [8], [9], [19].

Kết quả định tính cho thấy sự mặt của nhóm chất alcaloid, flavonoid, coumarin, saponin, steroid, đường khử, polysaccharid trong dược liệu Hoàng lực có sự phù hợp với kết quả nghiên cứu công bố trong tài liệu [8], [17], [42], [46], [61]. SKLM dịch chiết toàn phần của dược liệu với hệ dung môi chloroform:methanol: acid acetic (10:0,75:0,2) thu được SKĐ có 7 vết khi quan sát dưới ánh sáng tử ngoại bước sóng 254 và 366nm, trong đó có 4 vết dương tính với thuốc thử dragendorff.

4.2.2. Định lượng và phân tích thành phần tinh dầu

Về hàm lượng tinh dầu: Hàm lượng tinh dầu trong quả là 3,61% so với nguyên liệu khô tuyệt đối. Kết quả này cũng phù hợp với đặc điểm cảm quan là quả có nhiều điểm dầu ở vỏ, quả có mùi thơm đặc trưng. Đây là các đặc điểm nổi bật của các cây họ Cam.

Kết quả trên cho thấy hàm lượng tinh dầu trong quả Xuyên tiêu [Zanthoxylum nitidum (Roxb.) DC.] ở mức trung bình so với các loài cùng họ khác. Ví dụ như loài Z. rhetsoides Drake. thu hái ở Than Uyên – Lào Cai có chứa 5% tinh dầu trong quả [51], hay quả của loài Z. rhetsa (Roxb.) DC. ở Ấn Độ cho hiệu suất 1,8% tinh dầu khi cất kéo hơi nước truyền thống, nhưng hiệu suất có thể tăng lên gần 3 lần (5,1%) khi chiết bằng CO2 lỏng siêu tới hạn [54]. Theo kết quả nghiên cứu trong tài liệu [18] (2008) quả của loài Sẻn gai (Z. alatum DC.) ở Thanh Hóa chỉ có 0,19% tinh dầu, tuy nhiên quả của loài Z. rhetsa (Roxb.) DC. phân bố ở Thanh Hóa lại có hàm lượng tinh dầu vượt trội là 9,6% tính theo nguyên liệu khô không khí [22]. Ngoài ra còn có tinh dầu của quả một số loài khác đã được nghiên cứu như Sẻn (Z. acanthopodium DC.) có chứa khoảng 0,6-2,0%, loài Z. piasezkii là 2-4% trong nguyên liệu khô, loài Đắng cay (Z. armatum DC.) chứa 0,65-2,3% và quả của loài Muồng truổng [Z. avicennae (Lamk.) DC.] có hàm lượng tinh dầu là 2-4% [21]. Cũng với đối tượng là quả của loài Z. nitidum DC. dưới tên hạt Sẻn, tiến hành

56

chưng cất bằng phương pháp lôi cuốn hơi nước, tài liệu [9] (1990) cũng đã đưa ra kết quả hàm lượng tinh dầu là 0,8-1%, thấp hơn 3,5 lần so với kết quả nghiên cứu của đề tài này.

So sánh hàm lượng tinh dầu của quả Xuyên tiêu với các loài cùng họ khác thấy cao gấp 3 lần so với hàm lượng tinh dầu trong quả loài Dấu dầu (Euodia sutchuenensis Dode., 1,12%), tinh dầu vỏ quả chanh (Citrus aurantifolia L., 1,07%).

Từ các so sánh trên, có thể nói quả Xuyên tiêu là nguồn nguyên liệu giàu tinh dầu có tiềm năng và triển vọng trong tương lai trong công nghiệp thực phẩm, nước uống và chất thơm trong hóa mỹ phẩm.

Hàm lượng tinh dầu trong vỏ rễ là 0,39% so với nguyên liệu khô tuyệt đối. Đây là lần đầu tiên tinh dầu được chiết tách từ rễ của loài thuộc chi Zanthoxylum L.,

giúp góp phần hoàn thiện hơn về nghiên cứu thành phần hóa học của đối tượng này. Đây là đóng góp mới của luận văn.

Thành phần tinh dầu: Trong tinh dầu quả Xuyên tiêu có 12 thành phần. Trong đó chủ yếu là các hợp chất có cấu trúc monoterpen không chứa oxy (10 hợp chất), thành phần có hàm lượng cao là linalol (51,00%), sabinen (15,45%), β-phellandren (13,99%) và β-pinen (6,46%). Hợp chất cấu trúc sesquiterpen là β-caryophyllen chiếm tỷ lệ nhỏ (0,62%) và một anhydrid là anhydrid phthalic (0,77%). So sánh với các loài cùng chi khác, quả của loài Sẻn gai (Z. alatum DC.) [18], Sẻn hôi [Z. rhetsa (Roxb.) DC.] [22], loài Z. rhetsoides Drake. [51] cũng có thành phần chính là các monoterpen và các thành phần khá tương đồng nhau. Tuy nhiên quả của loài Xuyên tiêu [Z. nitidum

(Roxb.) DC.] trong nghiên cứu không chứa thành phần limonen như các loài cùng chi như Z. alatum DC. , Z. rhetsoides Drake. hay các loài cùng họ khác. Điều này có thể làm cho tinh dầu quả Xuyên tiêu có mùi đặc trưng khác với các loài cùng họ.

Kết quả nghiên cứu tinh dầu quả loài Z. nitidum DC. trong tài liệu [9] có thành phần chính tinh dầu chứa tới 44,06% limonen. Dựa trên các cơ sở thông tin mà tài liệu đưa ra, kết hợp với hàm lượng tinh dầu có sự sai khác lớn như đã trình bày ở trên, có thể nói 2 đối tượng của chúng tôi và nghiên cứu này là khác nhau. Nguyên nhân có thể là do trong dân gian thường sử dụng quả của nhiều loài Zanthoxylum L. để làm gia vị dưới tên gọi hạt Sẻn, có đặc điểm hình thái lại rất giống nhau nên rất dễ gây nhầm lẫn.

57

Trong tinh dầu vỏ rễ Xuyên tiêu có 14 thành phần có cấu trúc monoterpen và sesquiterpen. Kết quả phân tích thành phần tinh dầu rễ cũng phù hợp với các nghiên cứu khác về tinh dầu các loài thuộc chi Zanthoxylum L.. Theo đó thành phần chính của tinh dầu là các hợp chất có cấu trúc monoterpen, trong đó thành phần có hàm lượng cao nhất là linalol với 40,23%. Các monoterpen có hàm lượng cao khác là sabinen (8,84%), β-pinen (3,66%), β-phellandren (7,89%). Các dẫn chất sesquiterpen cũng chiếm tỷ lệ là 29,57%, gồm có 4 thành phần là β-caryophyllen (16,22%), α-caryophyllen (10,77%), caryophyllen oxyd (1,34%) và copaen (1,24%). Đây là lần đầu tiên tinh dầu được nghiên cứu ở rễ của loài Xuyên tiêu [Z. nitidum (Roxb.) DC.], có ý nghĩa khoa học trong việc hoàn thiện thành phần hóa học của đối tượng nghiên cứu này.

Có thể dễ dàng nhận thấy thành phần chính của hai loại tinh dầu quả và rễ Xuyên tiêu là linalol, tuy trong tinh dầu quả cao hơn tinh dầu rễ. Mặc dù vậy mùi của hai loại tinh dầu này khác nhau, có thể là do thành phần của tinh dầu rễ có eucalyptol và các hợp chất sesquiterpen tạo nên mùi hắc của tinh dầu rễ.

Trước đây người dân địa phương chỉ dùng lá và rễ cây Xuyên tiêu để làm thuốc. Tuy nhiên từ kết quả nghiên cứu về tinh dầu quả cho thấy với hàm lượng tinh dầu khá lớn, người dân địa phương có thể thu hái quả để làm gia vị thơm. Việc sử dụng này làm tăng hiệu quả sử dụng của cây thuốc tại địa phương và có thể còn là nguồn hàng hóa có tiềm năng.

4.2.3. Chiết xuất, phân lập HL1 và HL2

Từ dược liệu Hoàng lực đã phân lập được 2 alcaloid tinh khiết là HL1 và HL2. Với các dữ liệu về dạng thù hình, độ tan, nhiệt độ nóng chảy, phổ khối lượng (EI-MS), phổ cộng hưởng từ nhân (NMR), DEPT, HSQC, HMBC đã xác định được HL1 và HL2 lần lượt là dihydrochelerythrin và nitidin. Đây là hai alcaloid có cấu trúc khung benzo[c]phenanthridin đã được phân lập từ vỏ thân và rễ loài Z. nitidum

(Roxb.) DC. ở Trung Quốc [42], nhưng lại là các alcaloid lần đầu tiên được phân lập từ rễ loài Xuyên tiêu ở Việt Nam. Nitidin cũng đã được phân lập từ vỏ thân loài Xuyên tiêu (Z. nitidum (Roxb.) DC.) [19], hay từ lá của loài Rau sâng (Z. scabrum

58

cứu phân lập được 2 alcaloid trên là đóng góp nhỏ của đề tài, nhưng có ý nghĩa khoa học nhằm mục đích xây dựng tiêu chuẩn về chất chỉ điểm trong kiểm nghiệm dược liệu.

Benzo[c]phenanthridin là nhóm cấu trúc hóa học đang được nghiên cứu tác dụng và cơ chế chống ung thư, hứa hẹn là nguồn chất dẫn đường triển vọng [20].

Trong các nghiên cứu gần đây, dihydrochelerythrin được chứng minh là có tác dụng điều trị bệnh bạch cầu dòng tủy theo cơ chế tác động lên chu trình hoạt động tế bào, kích hoạt con đường tự hủy ty thể và gây ra sự tự hủy diệt dòng tế bào tiền thân bệnh bạch cầu dòng tủy ở người là HL60. Cũng trong nghiên cứu này, dihydrochelerythrin còn được chứng minh là ít tác dụng gây độc trên tế bào thường so với chelerythrin [44]. Ngoài ra dihydrochelerythrin còn được nghiên cứu có tác dụng chống loại ký sinh trùng Ichthyophthirius multifiliis gây bệnh trên cá chày mắt đỏ [41], một loài cá được xếp vào loại quý hiếm đang được nhân giống và nuôi thương phẩm ở một số tỉnh miền Bắc nước ta. Vì vậy việc phân lập dihydrochelerythrin rất có ý nghĩa trong việc cung cấp nguyên liệu để nghiên cứu phát triển thuốc mới, đồng thời còn ứng dụng trong làm thuốc cho ngành chăn nuôi.

Nitidin cũng đang được quan tâm nghiên cứu về tác dụng trên nhiều loại tế bào ung thư. Đã có nghiên cứu chứng minh nitidin có tác dụng chống di căn của tế bào ung thư vú trên in vitro và in vivo theo cơ chế quá trình phosphoryl hóa trong quá trình phiên mã của tế bào ung thư [59]. Ngoài ra, nitidin còn được chứng minh có tác dụng ức chế sự di căn của tế bào ung thư thận thông qua ức chế phân tử AKT, một phân tử có nhiệm vụ dẫn truyền thông tin từ mặt ngoài tế bào vào bên trong, nhằm hướng cho tế bào bám vào nhiều loại phân tử đích [63].

Nitidin còn được chứng minh có tác dụng chống viêm thông qua cơ chế ức chế các cytokin là TNF-a, interleukin-1b, và interleukin-6, đồng thời làm giảm hoạt tính của yếu tố đã được chứng minh có mối liên quan giữa viêm mạn tính và nguy cơ ung thư NF-B [64]. Kết quả nghiên cứu này cũng góp phần giải thích liên quan giữa tác dụng và kinh nghiệm dân gian là dược liệu Hoàng lực được dùng để chữa bệnh viêm thấp khớp, đau răng lợi.

59

Một phần của tài liệu Nghiên cứu nguồn gốc thực vật thành phần hóa học của vị thuốc hoàng lực thu hái tại bắc giang (Trang 62 - 67)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(108 trang)