Tên gọi của công ty hợp vốn đơn giản

Một phần của tài liệu Công ty hợp vốn đơn giản theo pháp luật Việt Nam Luận văn ThS. Luật (Trang 42 - 46)

Hợp đồng thành lập công ty tạo ra một pháp nhân có những quyền lợi dân sự nhất định. Tên gọi của công ty là một trong những quyền lợi đó. Tên gọi của công ty trước hết là để cá thể hóa công ty hay để phân biệt công ty này với công ty khác. Khi hợp đồng tạo nên một công ty, có nghĩa là tạo nên một thực thể riêng biệt, thì đồng thời phải đảm bảo sự cá thể hóa nó bằng một cái tên. Nói cách khác, tên gọi của công ty là một điều khoản bắt buộc của hợp đồng thành lập công ty làm cho người thứ ba xác định chính xác được nó trong một cộng đồng nhất định.

Tên gọi của công ty do các thành viên giao kết hợp đồng thành lập công ty thỏa thuận lựa chọn, tuy nhiên phải tuân thủ các quy chế ngặt nghèo. Do công ty có khả năng gây ảnh hưởng đáng kể trong xã hội và với người thứ ba, nên các quy chế này được lập ra nhằm bảo đảm trật tự công cộng, đạo đức xã hội, cạnh tranh lành mạnh và bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng. Thông thường pháp luật thiết lập chế độ chung về tên gọi của công ty và các chế độ riêng về tên gọi đối với từng loại hình công ty cụ thể.

Chế độ chung đặt ra các giới hạn cho việc đặt tên như: cấm đặt nhiều tên gọi cho cùng một công ty; không đặt tên gọi vi phạm trật tự công cộng hay đạo đức xã hội; không đặt tên gọi trùng với tên gọi của công ty khác đang cạnh tranh với mình; không lấy tên họ khác với các tên họ của các thành viên của công ty để đặt tên cho công ty [35].

Chế độ riêng về tên gọi của công ty thông thường định ra hai cách đặt tên gọi cho hai loại hình công ty đối nhân và công ty đối vốn. Tên gọi của

công ty đối nhân phải có ít nhất một tên gọi của thành viên có trách nhiệm đặt trước cụm từ "và công ty". "Tên gọi của công ty đối vốn phải ghi thêm hình thức công ty và số vốn dưới tên gọi của công ty" [25]. Theo khuynh hướng này, Luật Doanh nghiệp 2005 có các quy định chung về tên gọi của công ty từ Điều 31 đến Điều 34, như sau:

Tên doanh nghiệp:

1. Tên doanh nghiệp phải viết được bằng tiếng Việt, có thể kèm theo chữ số và ký hiệu, phải phát âm được và có ít nhất hai thành tố sau đây:

a) Loại hình doanh nghiệp; b) Tên riêng.

2. Tên doanh nghiệp phải được viết hoặc gắn tại trụ sở chính, chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp. Tên doanh nghiệp phải được in hoặc viết trên các giấy tờ giao dịch, hồ sơ tài liệu và ấn phẩm do doanh nghiệp phát hành.

3. Căn cứ vào quy định tại Điều này và các điều 32, 33 và 34 của Luật này, cơ quan đăng ký kinh doanh có quyền từ chối chấp thuận tên dự kiến đăng ký của doanh nghiệp. Quyết định của cơ quan đăng ký kinh doanh là quyết định cuối cùng [22].

Những điều cấm trong đặt tên doanh nghiệp:

1. Đặt tên trùng hoặc tên gây nhầm lẫn với tên của doanh nghiệp đã đăng ký.

2. Sử dụng tên cơ quan nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân, tên của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp để làm toàn bộ hoặc một phần tên riêng của doanh nghiệp, trừ trường hợp có sự chấp thuận của cơ quan, đơn vị hoặc tổ chức đó.

3. Sử dụng từ ngữ, ký hiệu vi phạm truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức và thuần phong mỹ tục của dân tộc [22].

Tên doanh nghiệp viết bằng tiếng nước ngoài và tên viết tắt của doanh nghiệp:

1. Tên doanh nghiệp viết bằng tiếng nước ngoài là tên được dịch từ tên bằng tiếng Việt sang tiếng nước ngoài tương ứng. Khi dịch sang tiếng nước ngoài, tên riêng của doanh nghiệp có thể giữ nguyên hoặc dịch theo nghĩa tương ứng sang tiếng nước ngoài.

2. Tên bằng tiếng nước ngoài của doanh nghiệp được in hoặc viết với khổ chữ nhỏ hơn tên bằng tiếng Việt của doanh nghiệp tại cơ sở của doanh nghiệp hoặc trên các giấy tờ giao dịch, hồ sơ tài liệu và ấn phẩm do doanh nghiệp phát hành.

3. Tên viết tắt của doanh nghiệp được viết tắt từ tên bằng tiếng Việt hoặc tên viết bằng tiếng nước ngoài [22].

Tên trùng và tên gây nhầm lẫn:

1. Tên trùng là tên của doanh nghiệp yêu cầu đăng ký được viết và đọc bằng tiếng Việt hoàn toàn giống với tên của doanh nghiệp đã đăng ký.

2. Các trường hợp sau đây được coi là tên gây nhầm lẫn với tên của doanh nghiệp đã đăng ký:

a) Tên bằng tiếng Việt của doanh nghiệp yêu cầu đăng ký được đọc giống như tên doanh nghiệp đã đăng ký;

b) Tên bằng tiếng Việt của doanh nghiệp yêu cầu đăng ký chỉ khác tên doanh nghiệp đã đăng ký bởi ký hiệu "&";

c) Tên viết tắt của doanh nghiệp yêu cầu đăng ký trùng với tên viết tắt của doanh nghiệp đã đăng ký;

d) Tên bằng tiếng nước ngoài của doanh nghiệp yêu cầu đăng ký trùng với tên bằng tiếng nước ngoài của doanh nghiệp đã đăng ký;

đ) Tên riêng của doanh nghiệp yêu cầu đăng ký khác với tên riêng của doanh nghiệp đã đăng ký bởi số tự nhiên, số thứ tự hoặc các chữ cái tiếng Việt ngay sau tên riêng của doanh nghiệp đó, trừ trường hợp doanh nghiệp yêu cầu đăng ký là công ty con của doanh nghiệp đã đăng ký;

e) Tên riêng của doanh nghiệp yêu cầu đăng ký khác với tên riêng của doanh nghiệp đã đăng ký bởi từ "tân" ngay trước hoặc "mới" ngay sau tên riêng của doanh nghiệp đã đăng ký;

g) Tên riêng của doanh nghiệp yêu cầu đăng ký chỉ khác tên riêng của doanh nghiệp đã đăng ký bằng các từ "miền bắc", "miền nam", "miền trung", "miền tây", "miền đông" hoặc các từ có ý nghĩa tương tự, trừ trường hợp doanh nghiệp yêu cầu đăng ký là công ty con của doanh nghiệp đã đăng ký [22].

Đối với công ty hợp vốn đơn giản, tên công ty bao gồm có tên của các thành viên nhận vốn với những chữ "và công ty" đứng sau; không thể đem tên của thành viên góp vốn ghi vào tên công ty, vì như vậy sẽ làm cho người thứ ba lầm tưởng rằng những thành viên này cũng là thành viên có trách nhiệm vô hạn. Lý do của thể thức luật định là làm cho người thứ ba cứ đọc tên công ty là biết được hiện thời trong công ty hợp vốn đơn giản có thành viên nào phải chịu trách nhiệm vô hạn. Bởi lẽ nếu một thành viên nhận vốn chết hoặc bị Tòa án tuyên bố là đã chết mà công ty vẫn tồn tại thì tên thành viên nhận vốn đó phải được xóa bỏ trong tên công ty. Trong trường hợp, công ty hợp vốn đơn giản tồn tại với sự gia nhập của người thừa kế của thành viên nhận vốn, cũng phải sửa lại tên công ty cho đúng.

Quyền đối với tên gọi của công ty bao hàm cả quyền thay đổi tên gọi. Tuy nhiên việc thay đổi tên gọi của công ty có thể gây những hậu quả xấu cho

xã hội hay người thứ ba. Do đó pháp luật cũng thường đặt ra quy chế tương đối nghiêm ngặt với trường hợp thay đổi tên gọi. Pháp luật của Pháp coi việc thay đổi tên gọi của công ty cũng tương đương với việc thay đổi điều lệ của công ty, vì vậy cần đại đa số các thành viên của công ty chấp nhận và cần phải báo trước cho những người thứ ba về việc thay đổi này, và phải đăng ký tên gọi mới vào sổ đăng bạ thương mại.

Theo pháp luật của Singapore, thì tên gọi của công ty không được trùng với nhãn hiệu thương phẩm hay bằng sáng chế của bất kỳ sản phẩm nào, trừ khi được sự đồng ý bằng văn bản của chủ sở hữu nhãn hiệu thương phẩm hoặc bằng sáng chế đó. Ngoài ra tên gọi của công ty cần tránh sử dụng những từ ngữ liên quan tới chính quyền, các bộ hay các từ ngữ nhạy cảm và dễ gây nhầm lẫn khác như: ""State", "Government", "National", "Singapore", "Lion City", "Melion", "Tamasek", "Stamford Raffles", "Republic" hay những từ ngữ gần gũi với các từ này. Và các từ ngữ như "ngân hàng", "bảo hiểm", "tài chính" khi sử dụng phải được sự chấp thuận của nhà chức trách tài chính" [34].

Xét từ các nghiên cứu trên, chỉ trong khoảng hai điều khoản cơ bản của hợp đồng thành lập công ty, chúng ta đã thấy pháp luật Việt Nam còn bỏ ngỏ quá nhiều và chưa đáp ứng được các yêu cầu cơ bản của kinh tế thị trường.

Một phần của tài liệu Công ty hợp vốn đơn giản theo pháp luật Việt Nam Luận văn ThS. Luật (Trang 42 - 46)