Phân chia lợi nhuận

Một phần của tài liệu Công ty hợp vốn đơn giản theo pháp luật Việt Nam Luận văn ThS. Luật (Trang 64 - 66)

Sự phân chia lợi nhuận được chia theo tỉ lệ vốn góp hoặc theo ấn định trong Điều lệ công ty. Thành viên nhận vốn, vì là quản lý, được hưởng một số bách phân tiền lãi về công lao của mình đã giúp cho công ty, số bách phân này thường là 25%, tùy theo Điều lệ công ty quy định, thành viên nhận vốn, với chức vụ quản lý, có thể được hưởng thù lao hàng tháng thay vì số bách phân tiền lợi nhuận. Nếu thành viên nhận vốn, giữ chức vụ quản lý, có góp vốn bằng tiền thì ngoài số tiền thù lao còn được chia lợi nhuận theo phần góp vốn cũng như các thành viên khác.

Chế độ phân chia lợi nhuận cho các thành viên góp vốn trong công ty hợp vốn đơn giản theo quy định của pháp luật Thái Lan thường được thực hiện sau một năm tài chính hoặc sau một thời gian ấn định hoặc sau khi thực hiện một công việc cụ thể, điều này phụ thuộc vào sự thỏa thuận của các thành viên. Theo đó, phần hưởng hoặc chịu lỗ của thành viên (sau thuế) được tính theo tỷ lệ với phần đóng góp của người đó. Tuy nhiên, nếu phần đóng góp của một thành viên chỉ là những dịch vụ cá nhân của thành viên này và hợp đồng thành lập công ty không ấn định giá trị của những dịch vụ này thì phần chia của thành viên này tương đương với phần bình quân được chia của các thành viên khác. Ngược lại, các thành viên trách nhiệm hữu hạn chỉ được hưởng tiền lãi khi công ty hoạt động có lãi.

Bảng tổng kê hàng năm do thành viên nhận vốn thiết lập; do đó, có thể là bảng tổng kê được quyết toán sai lầm vô tình hay hữu ý, làm cho thành viên góp vốn được chia một số tiền lãi, mà thực sự công ty hợp vốn đơn giản hoạt động không có lãi. Vậy thành viên góp vốn có được thủ đắc số tiền lãi giả định này không, hay phải hoàn lại? Thành viên xuất vốn phải hoàn lại số lãi giả định, cũng như trong công ty hợp danh vì thành viên góp vốn tuy

không được biết đến việc quản lý nhưng được luật cho phép và có phương tiện theo dõi kiểm soát công việc quản lý công ty, vậy rất có thể biết rõ tình trạng của công ty. Mặt khác, thành viên góp vốn, lĩnh tiền giả định cũng chẳng khác gì rút bớt số vốn về, trong khi tiền vốn phải được thành viên góp vốn để nguyên để đảm bảo cho các chủ nợ của công ty.

Một vấn đề được đặt ra: Trong trường hợp một hoặc một số thành viên muốn được lĩnh tiền lợi nhuận trước, mà không phải đợi đến ngày công ty hoạt động có lãi. Trong trường hợp này, thành viên được nhận tiền lãi như thể cho công ty vay tiền, chứ không phải với tư cách là thành viên công ty, vậy việc này có được coi là hợp lệ không? Vấn đề này chưa được đặt ra ở Việt Nam. Thức tế, vấn đề này không gây khó khăn nếu số tiền thành viên nhận trước là số tiền lấy vào tiền lãi cố định mà công ty chia cho thành viên. Chỉ khó khăn về mặt pháp lý trong trường hợp Điều lệ công ty cho thành viên được nhận trước số tiền dẫu rằng công ty hoạt động không có lãi. Có một số ý kiến cho rằng điều khoản vô hiệu vì các thành viên được hưởng lợi nhuận mặc dù công ty không có lãi là chia lời giả định, làm sút giảm vốn của công ty, sút giảm quyền đảm bảo của chủ nợ, trái với nguyên tắc bất biến vốn của công ty. Nhưng thực tế, có những công ty hoạt động những công việc phải nhiều năm mới có lãi, nếu không cho các thành viên được lợi ngay, bắt họ phải đợi quá lâu thì khó lòng kêu gọi được thành viên góp vốn. Vì thế án lệ của Pháp đã công nhận điều khoản nói trên là hợp lệ nếu số tiền lợi nhuận được dự liệu như một thứ đảm bảo phụ, tính vào phí tổn mà công ty phải chịu; điều khoản có hiệu lực đối kháng với người thứ ba dẫu rằng không được công bố, vì lợi nhuận được dự liệu với tính cách phí khoản chung, mà theo luật phí khoản chung không cần được công bố cùng với hội đồng thành viên; sau nữa, phí khoản chung là do hoạt động của công ty phát sinh vì thế không phải là một thành tố làm giảm sút vốn của công ty. Tóm lại, điều này hữu hiệu hay không là tùy theo cách thức trình bày của kế toán.

Đối với tiền lỗ, được phân phối theo những thể lệ phân chia tiền lãi. Chỉ có hai vấn đề cần lưu ý:

Thứ nhất, nếu vốn của công ty đã bị lỗ hết, thành viên góp vốn sẽ không phải góp tiền thêm vì thành viên góp vốn chỉ góp vào công ty một số vốn nhất định và chịu trách nhiệm trong phần số vốn đã góp.

Thứ hai, thành viên góp vốn, nếu bị người thứ ba kiện và do việc kiện đó, đã nộp đủ vốn cho công ty, sẽ có quyền đòi các thành viên khác thanh toán cho mình số vốn còn dư. Nói cách khác, tuy việc góp vốn là do một bản án quyết định bắt buộc nhưng nếu chưa bị lỗ hết, thành viên góp vốn có quyền được hoàn lại.

Ngoài ra, công ty hợp vốn đơn giản có thể mua bảo hiểm cho thành viên góp vốn về số vốn do thành viên này đóng góp, nếu công ty bị lỗ, cơ quan bảo hiểm sẽ đền bù lại cho thành viên góp vốn.

Một phần của tài liệu Công ty hợp vốn đơn giản theo pháp luật Việt Nam Luận văn ThS. Luật (Trang 64 - 66)