MỘT SỐ KIẾN NGHỊ

Một phần của tài liệu Công ty hợp vốn đơn giản theo pháp luật Việt Nam Luận văn ThS. Luật (Trang 83 - 89)

Để tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động của các doanh nghiệp nói chung cũng như công ty hợp vốn đơn giản nói riêng, chúng ta cần xây dựng

một môi trường pháp lý ổn định, thống nhất và đồng bộ. Dựa trên những ưu điểm của công ty hợp vốn đơn giản đối với nền kinh tế Việt Nam và xuất phát từ thực trạng pháp luật Việt Nam về công ty hợp vốn đơn giản, chúng tôi đề xuất một số kiến nghị như sau:

Thứ nhất, phân chia rõ ràng hai loại công ty hợp danh và hợp vốn đơn giản, đồng thời thiết kế quy chế pháp lý riêng cho công ty hợp vốn đơn giản.

Công ty hợp danh chỉ được ghi nhận trong một định nghĩa nhưng định nghĩa này lại ngầm ghép chung công ty hợp vốn đơn giản và công ty hợp danh. Quy định như vậy sẽ dẫn đến một khó khăn nhất định khi xem xét các trường hợp giải thể bắt buộc của hai loại hình công ty này. Công ty hợp danh là loại công ty đóng đặc thù, do đó bất kỳ một biến động nào trong phạm vi thành viên hay cơ cấu vốn góp cũng để ngỏ khả năng phá vỡ nền tảng cơ sở của công ty và buộc nó phải chuyển đổi loại hình. Như vậy, thay vì giải thể, có thể quy định một số trường hợp chuyển đổi công ty hợp danh sang công ty hợp vốn đơn giản. Nếu pháp luật có những quy định phân chia rõ ràng hai loại hình công ty hợp danh và công ty hợp vốn đơn giản thì với trường hợp công ty hợp vốn đơn giản không đáp ứng điều kiện về số lượng thành viên có thể chuyển đổi thành công ty hợp danh nếu nó vẫn đủ hai thành viên nhận vốn.

Để pháp luật đi vào đời sống xã hội, không xa rời thực tế và không cản trở việc phát triển kinh tế, xã hội thì chúng ta cần xây dựng, hoàn thiện pháp luật dựa trên cả lý luận và thực tiễn. Từ thực trạng về công ty hợp vốn đơn giản nói trên, chúng ta cần thiết kế quy chế pháp lý riêng cho công ty hợp vốn đơn giản. Việc thiết kế quy chế pháp lý riêng này cần dựa trên bản chất của công ty hợp vốn đơn giản có tiếp thu kinh nghiệm của một số nước trên thế giới và có tính đến điều kiện kinh tế xã hội đặc thù của Việt Nam.

Thứ hai, bổ sung thêm quy định chuyển đổi công ty từ công ty hợp danh sang công ty hợp vốn đơn giản và ngược lại.

Khi một công ty được thành lập, chưa tính đến việc công ty hoạt động có hiệu quả hay không, công ty vẫn là một thực thể làm cho hoạt động kinh doanh thêm đa dạng, tăng phần sôi động và tạo công ăn việc làm cho người lao động, thúc đẩy xã hội phát triển. Tuy nhiên, khi công ty bị giải thể, nó cũng để lại hậu quả không nhỏ cho xã hội. Do đó, pháp luật cần có biện pháp để hạn chế việc công ty bị giải thể, một trong những biện pháp đó là quy định các hình thức chuyển đổi công ty. Theo pháp luật Việt Nam hiện nay, chuyển đổi công ty là biện pháp tổ chức lại công ty được áp dụng cho công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phần. Nếu pháp luật phân chia rõ ràng hai loại hình công ty hợp danh và công ty hợp vốn đơn giản thì cần bổ sung quy định chuyển đổi công ty từ công ty hợp danh sang công ty hợp vốn đơn giản và ngược lại.

Thứ ba, các Bộ ngành chủ quản cần ban hành quy chế về cấp chứng chỉ hành nghề một cách cụ thể và chặt chẽ, như Bộ Tư pháp đối với các dịch vụ pháp lý, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đối với các dịch vụ thú y và kinh doanh thuốc thú y.

Song song với việc thiết kế quy chế pháp lý riêng cho công ty hợp vốn đơn giản thì cần tạo môi trường thích hợp đảm bảo cho hoạt động cũng như quyền lợi của công ty hợp vốn đơn giản nhằm thu hút sự lựa chọn của các nhà đầu tư. Việc thành lập công ty hợp vốn đơn giản ở những ngành nghề như luật sư, bác sĩ do cơ quan chủ quản như Bộ Tư pháp, Bộ Y tế hướng dẫn. Hiện nay những cơ quan này cũng chưa có một văn bản cụ thể nào hướng dẫn hoạt động của loại hình công ty hợp danh (theo Luật Doanh nghiệp Việt Nam bao gồm cả công ty hợp vốn đơn giản). Thêm vào đó, việc quy định cấp chứng chỉ nghề cho một số hoạt động như dịch vụ pháp lý, dịch vụ thú y, kinh doanh thuốc thú y… chưa được cơ quan chủ quản quan tâm và tiến hành thực hiện.

Thứ tư, cho phép công ty hợp vốn đơn giản được phát hành trái phiếu. Theo quy định của một số nước trên thế giới, công ty hợp vốn đơn giản chỉ không được quyền phát hành cố phiếu, còn các loại chứng khoán

khác được phép phát hành. Việc nới lỏng quyền này hoàn toàn phù hợp cả về mặt lý luận cũng như thực tế. Về lý luận, đối với cổ phiếu thì người mua là chủ công ty còn đối với trái phiếu thì người mua chỉ là chủ nợ công ty, do đó việc phát hành trái phiếu không ảnh hưởng đến cơ cấu tổ chức của công ty hợp vốn đơn giản. Quy định này phù hợp với thực tế hiện nay khi các công ty nói chung và công ty hợp vốn đơn giản nói riêng việc thiếu vốn là điều dễ hiểu. Các doanh nghiệp hiện nay phải đi vay của các tổ chức tín dụng và của các công ty khác để tiến hành hoạt động kinh doanh của mình, trong đó Luật Doanh nghiệp Việt Nam quy định: "Công ty hợp danh không được phát hành bất kỳ loại chứng khoán nào" [22]. Công ty hợp vốn đơn giản là một loại của công ty hợp danh theo pháp luật Việt Nam. Do đó, công ty hợp vốn đơn giản không được phép vay từ công chúng. Các văn bản pháp luật về chứng khoán và thị trường chứng khoán cho phép một khi công ty đã đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật thì sẽ được phép phát hành trái phiếu. Luật Doanh nghiệp nên củng cố thêm cơ sở pháp lý cho hoạt động này, vừa đảm bảo cho người mua chứng khoán của công ty, vừa giúp công ty có thêm được vốn để hoạt động kinh doanh và đồng thời đem lại nguồn thu cho Nhà nước.

KẾT LUẬN

Công ty hợp vốn đơn giản là một loại hình doanh nghiệp mới trên cả phương tiện lý luận và thực tiễn đối với các nhà kinh tế và đặc biệt các nhà làm luật Việt Nam. Do vậy, việc hoàn thiện quy định về tổ chức hoạt động, xác định tư cách pháp lý… cho công ty hợp vốn đơn giản là một nội dung hết sức cơ bản và cần thiết nhằm tạo một môi trường kinh doanh ổn định đặc biệt là môi trường pháp lý cho hoạt động của loại hình doanh nghiệp này trên thực tế. Một nền tảng pháp luật vững chắc ổn định sẽ là cơ sở quan trọng cho việc hoạt động hiệu quả, an toàn của các loại hình doanh nghiệp nói chung và công ty hợp vốn đơn giản nói riêng, góp phần vào việc đa dạng hóa các hình thức kinh tế, mở rộng khả năng đầu tư cũng như tạo lập một cơ chế góp vốn mềm dẻo, bảo đảm cho mọi thành phần kinh tế có thể tham gia một cách dễ dàng vào hoạt động sản xuất- kinh doanh.

Trên quan điểm đó, luận văn đã đi vào nghiên cứu đề tài này và đã hoàn thành nhiệm vụ chủ yếu là phân tích về mặt lý luận các đặc điểm pháp lý chủ yếu của công ty hợp vốn đơn giản, từ đó nêu bật được nét đặc thù của loại hình doanh nghiệp này so với loại hình doanh nghiệp khác. Đồng thời, trên cơ sở phân tích, đánh giá thực trạng pháp luật cũng như thực tiễn hoạt động của loại hình doanh nghiệp này, luận án đã chỉ ra những hạn chế, bất cập trong các quy định pháp luật hiện hành, từ đó đề xuất một số kiến nghị cụ thể cho việc hoàn thiện khung pháp lý về doanh nghiệp nói chung và công ty hợp vốn đơn giản nói riêng.

Công ty hợp vốn đơn giản là một vấn đề hết sức mới mẻ cả về lý luận cũng như trong thực tiễn áp dụng ở Việt Nam. Mặc dù có sự tham khảo học hỏi kinh nghiệm của các nước, nhưng về mặt lý thuyết vấn đề này còn chưa được nghiên cứu một cách cụ thể, thêm vào đó với tình hình kinh tế - xã hội

đặc thù của nước ta, thực tế pháp luật còn nhiều bất cập cần phải xem xét và bàn luận nhằm tìm ra những giải pháp phù hợp.

"Công ty hợp vốn đơn giản theo pháp luật Việt Nam" là một đề tài mới ở Việt Nam, đồng thời điều kiện tiếp cận với tài liệu tham khảo cũng còn nhiều hạn chế. Tuy nhiên, tác giả đã nỗ lực cố gắng để qua đây đóng góp một phần nhỏ bé vào việc hoàn thiện các quy định của Luật Doanh nghiệp nói chung và công ty hợp vốn đơn giản nói riêng. Tác giả rất mong được sự chia sẻ và đóng góp ý kiến từ thầy cô, bạn bè và đồng nghiệp để luận văn được hoàn thiện tốt hơn.

Một phần của tài liệu Công ty hợp vốn đơn giản theo pháp luật Việt Nam Luận văn ThS. Luật (Trang 83 - 89)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(91 trang)