Thực trạng pháp luật Việt Nam về công ty hợp vốn đơn giản

Một phần của tài liệu Công ty hợp vốn đơn giản theo pháp luật Việt Nam Luận văn ThS. Luật (Trang 78 - 83)

Công ty hợp vốn đơn giản là doanh nghiệp ra đời sớm và phổ biến ở các nước trên thế giới. Tuy nhiên, đối với Việt Nam, từ cuối thế kỷ XIX khi Việt Nam trở thành thuộc địa của Pháp, người Pháp đã đem áp dụng vào Việt Nam hệ thống pháp luật của Pháp, đặc biệt là dân luật qua ba bộ luật: Dân luật Bắc Kỳ, Dân luật Trung Kỳ, Dân luật Nam Kỳ. Cũng bắt đầu từ đây, cùng với khái niệm doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh, khái niệm công ty hợp vốn đơn giản đã bắt đầu xuất hiện ở Việt Nam dưới hình thức hội buôn. Tuy nhiên sau đó, Luật Doanh nghiệp 1999 cũng như Luật Doanh nghiệp 2005 vì nhiều lý do về kinh tế và kỹ thuật lập pháp nên loại hình công ty hợp vốn đơn giản bị ghép chung với loại hình công ty hợp danh.

Theo pháp luật Việt Nam hiện nay, công ty hợp vốn đơn giản bị gắn với một hình thức công ty khác là công ty hợp danh để cùng được gọi là "công ty hợp danh". Cách thức này đã dẫn đến sự nhận thức thiếu chính xác về cả hai hình thức công ty này, và còn dẫn đến nhiều quy định không thích hợp đối với chúng.

Nguyên nhân của khiếm khuyết nêu trên thể hiện rất rõ qua Luật Doanh nghiệp năm 2005, có lẽ là do nhà làm luật thiếu nhận biết chính xác về các hình thức công ty đang tồn tại từ xưa tới nay trên thế giới, cũng như ở Việt Nam trước kia, thiếu chú trọng một cách cần thiết tới công ty hợp danh và công ty hợp vốn đơn giản. Ở các nước thuộc họ pháp luật Anh - Mĩ, mỗi dạng công ty nói trên có quy chế pháp lý riêng về thành lập và vận hành.

Luật Doanh nghiệp năm 2005 của Việt Nam định nghĩa: Công ty hợp danh là doanh nghiệp, trong đó:

a) Phải có ít nhất hai thành viên là chủ sở hữu chung của công ty, cùng nhau kinh doanh dưới một tên chung; ngoài các thành viên hợp danh có thể có thành viên góp vốn;

b) Thành viên hợp danh phải là cá nhân, chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về các nghĩa vụ của công ty;

c) Thành viên góp vốn chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ của công ty trong phạm vi số vốn đã góp vào công ty [22, Điều 130]. Định nghĩa này cho thấy, công ty hợp danh theo quan niệm của Luật Doanh nghiệp năm 2005 phải có ít nhất hai thành viên hợp danh, có nghĩa là hai người chịu trách nhiệm liên đới và vô hạn định đối với các khoản nợ của công ty. Điều này là đúng nếu Luật Doanh nghiệp năm 2005 không quan niệm công ty hợp danh bao gồm cả công ty hợp vốn đơn giản. Bản chất của công ty hợp danh đúng nghĩa là sự liên kết của các thương nhân đơn lẻ để kinh doanh dưới một tên hãng chung. Vì vậy, công ty hợp danh phải có từ hai thành viên hợp danh trở lên, nếu không thì sẽ vẫn chỉ là thương nhân đơn lẻ. Còn đối với công ty hợp vốn đơn giản thì chỉ cần có một thành viên nhận vốn và một thành viên góp vốn là đủ. Ngay pháp luật của Mỹ quan niệm: Công ty hợp danh hữu hạn bao gồm hai hay nhiều người, với ít nhất một thành viên hợp danh và một thành viên chịu trách nhiệm hữu hạn.

Định nghĩa công ty hợp danh của Luật Doanh nghiệp ngầm chia công ty hợp danh làm hai loại. Quy định như vậy sẽ dẫn đến một số khó khăn nhất định khi xem xét các trường hợp giải thể bắt buộc của công ty hợp danh và hợp vốn đơn giản.

Một trong những trường hợp giải thể bắt buộc cho doanh nghiệp nói chung là thời hạn 6 tháng liên tiếp không đủ số lượng thành viên tối thiểu theo quy định của Luật Doanh nghiệp. Đó là một quy định chung cho tất cả các loại hình doanh nghiệp hoạt động theo Luật Doanh nghiệp. Quy định này áp dụng cho các doanh nghiệp khác rất đơn giản, chỉ cần dựa vào số lượng thành viên tối thiểu mà luật yêu cầu, chẳng hạn như công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, thì số lượng thành viên tối thiểu phải có là hai thành viên; công ty cổ phần là ba thành viên…Nhưng đối với trường hợp công ty hợp danh thì lại có những khác biệt. Có một số ý kiến cho rằng, công ty hợp danh sẽ chỉ bị giải thể nếu không đủ số lượng thành viên hợp danh tối thiểu (là hai thành viên), còn việc công ty có hay không có thành viên góp vốn hoàn toàn không ảnh hưởng gì đến việc tiếp tục tồn tại của công ty. Tuy nhiên hầu như tất cả các nước có quy định về loại hình công ty hợp danh đều phân chia rõ ràng hai loại công ty mang bản chất đối nhân là công ty hợp danh và công ty hợp vốn đơn giản. Hai loại công ty này về bản chất thì tương đối giống nhau nhưng có những đặc điểm pháp lý khác biệt, được điều chỉnh bởi những quy định không giống nhau, vì thế ngay cả điều kiện để giải thể mỗi loại cũng khác nhau. Thành viên góp vốn không có quyền quản lý công ty hợp danh nhưng cũng không thể phủ nhận được vai trò của họ đối với công ty hợp danh. Một công ty hợp danh chỉ bao gồm các thành viên hợp danh chắc chắn sẽ rất khác với công ty hợp vốn đơn giản (công ty hợp danh hữu hạn) có cả thành viên nhận vốn và thành viên góp vốn. Việc không còn thành viên góp vốn trong một công ty hợp danh đang có loại thành viên này cũng ảnh hưởng không nhỏ tới sự tồn tại tiếp tục của công ty. Vì vậy, pháp luật nên phân chia rõ ràng ranh giới giữa hai loại công ty hợp danh và hợp vốn đơn giản với mục

đích đầu tiên là để nhận biết công ty đã rơi vào trường hợp giải thể bắt buộc hay chưa. Với loại thứ nhất, sẽ rơi vào trường hợp giải thể khi không còn đủ hai thành viên hợp danh (không có sự xuất hiện của thành viên góp vốn); với loại thứ hai, sẽ rơi vào trường hợp giải thể bắt buộc khi không còn đủ ba thành viên (trong đó, hoặc là không còn đủ hai thành viên hợp danh, hoặc không có một thành viên góp vốn nào).

Nếu pháp luật có những quy định phân chia rõ ràng hai loại hình doanh nghiệp thì với trường hợp công ty hợp danh hữu hạn (công ty hợp vốn đơn giản) không đáp ứng điều kiện về số lượng thành viên có thể được chuyển đổi thành loại công ty hợp danh thông thường nếu vẫn đủ hai thành viên hợp danh.

Để thấy hết quan niệm sai lầm về công ty hợp vốn đơn giản và công ty hợp danh theo pháp luật của Việt Nam hiện nay, cần khảo sát tình huống sau:

A và B cùng nhau thành lập một công ty hợp danh mang tên AB. Công ty hoạt động rất hiệu quả, đóng góp lớn cho ngân sách nhà nước, giải quyết được rất nhiều việc làm cho một địa bàn có nhiều người thất nghiệp, thực hiện chính sách kinh tế lớn của địa phương. Không may B qua đời để lại tài sản cho người thừa kế duy nhất mang tên C, không có khả năng kinh doanh và không được sự tin tưởng về mặt kinh doanh của A. C không muốn rút khỏi công ty, nhưng cũng đồng ý chỉ là thành viên góp vốn của công ty. A không muốn kết nạp thêm bất kì ai vào công ty vì không tin tưởng và không muốn chia sẻ cơ hội kinh doanh. Biết rằng tỉ lệ quyền lợi của A và B trong công ty AB bằng nhau.

Để giải quyết tình huống này, có các giải pháp sau:

Thứ nhất, C rút khỏi công ty. Điều này trái với ý chí của A và B. Luật tư không thể buộc bất kì ai hành động trái với ý muốn của họ, nếu không có lí do chính đáng từ phía cộng đồng. Giả định C rút khỏi công ty, công ty chỉ còn lại mình A. Lúc này công ty không thể còn là công ty hợp danh nữa, vì nó

chống lại bản chất thực sự của công ty hợp danh, và xét về luật thực định thì nó cũng chống lại các qui định về công ty hợp danh.

Thứ hai, công ty AB chuyển đổi thành công ty trách nhiệm hữu hạn. Điều này trái với ý muốn của A. Hơn nữa, pháp luật Việt Nam hiện không dự liệu trường hợp chuyển đổi hình thức giữa công ty đối vốn và công ty đối nhân.

Thứ ba, C thay thế vị trí thành viên hợp danh của B trong công ty AB. Điều này trái với ý chí của A và C, đồng thời chống lại tính chất đối nhân (tin tưởng lẫn nhau và nhắm tới nhân thân của nhau giữa các thành viên hợp danh) của công ty hợp danh.

Thứ tư, công ty AB kết nạp thêm thành viên hợp danh mới. Điều này cũng trái với ý chí của A và C, đồng thời chống lại tính chất đối nhân của công ty hợp danh.

Thứ năm, công ty AB giải thể để A thành lập công ty khác. Giải pháp này chống lại lợi ích của cộng đồng vì công ty đang phát triển và có nhiều đóng góp cho xã hội. Đồng thời, A bị mất cơ hội làm ăn và gánh chịu chi phí lớn cho việc tạo dựng lại công ty.

Các giải pháp trên đều có các khiếm khuyết lớn có thể khiến cho luật không đi vào đời sống xã hội, nhiều khi còn cản trở việc phát triển kinh tế, xã hội.

Mặt khác, pháp luật Việt Nam không có quy chế riêng cho công ty hợp vốn đơn giản nên gây khó khăn ít nhiều cho các nhà đầu tư nước ngoài. Đối với một số công ty nước ngoài như kiểm toán, tư vấn pháp luật nước ngoài được thành lập dưới hình thức công ty hợp vốn đơn giản ở nước sở tại, khi hoạt động tại Việt Nam phải tuân thủ các quy định của Luật Đầu tư tại Việt Nam. Điều 22 Luật Đầu tư quy định:

Căn cứ vào hình thức đầu tư quy định tại Điều 21 của Luật này, nhà đầu tư được đầu tư để thành lập các tổ chức kinh tế sau đây:

a, Doanh nghiệp tổ chức và hoạt động theo Luật Doanh nghiệp. b, Tổ chức tín dụng, doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm, quỹ đầu tư và các tổ chức tài chính khác theo quy định của pháp luật;

c, Cơ sở dịch vụ y tế, giáo dục, khoa học, văn hóa, thể thao và các cơ sở dịch vụ khác có hoạt động đầu tư sinh lợi;

d, Các tổ chức kinh tế khác theo quy định của pháp luật [23]. Do vậy, các công ty này nghiễm nhiên chuyển đổi sang loại hình doanh nghiệp khác. Trong đó, các nhà đầu tư nước ngoài có thể lựa chọn sự chuyển đổi dễ dàng nhất là chuyển sang công ty hợp danh có thành viên góp vốn. Tuy nhiên, công ty hợp danh theo pháp luật Việt Nam lại quy định số lượng thành viên hợp danh tối thiểu là hai. Như vậy, sẽ gây khó khăn cho các nhà đầu tư nước ngoài khi họ đã thành lập công ty hợp vốn đơn giản chỉ có một thành viên nhận vốn. Trong trường hợp này, các nhà đầu tư có thể tiếp nhận thêm thành viên nhận vốn nhưng điều này là khó khăn vì để kêu gọi một thành viên nhận vốn với những tiêu chí về uy tín, nghề nghiệp không phải đơn giản. Vì vậy đa số cách các nhà đầu tư lựa chọn là tìm một thị trường khác để đầu tư thay vì cơ cấu, tổ chức lại doanh nghiệp.

Hơn nữa, công ty hợp danh là loại hình công ty đóng đặc thù, do đó bất kỳ một biến động nào trong phạm vi thành viên hay cơ cấu vốn góp cũng để ngỏ khả năng phá vỡ nền tảng cơ sở của công ty và buộc nó phải chuyển đổi loại hình. Như vậy, thay vì giải thể, có thể quy định thêm một số trường hợp chuyển đổi từ công ty hợp danh sang công ty hợp vốn đơn giản và ngược lại.

Do đó, chúng ta nên chọn giải pháp mà các hệ thống tài phán trên thế giới hiện nay vẫn đang sử dụng. Đó là thiết kế quy chế pháp lý riêng cho công ty hợp danh và cho công ty hợp vốn đơn giản.

Một phần của tài liệu Công ty hợp vốn đơn giản theo pháp luật Việt Nam Luận văn ThS. Luật (Trang 78 - 83)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(91 trang)