Với tư cách là một loại hình doanh nghiệp, công ty hợp vốn đơn giản có cùng một quy chế giải thể chung với các loại hình doanh nghiệp khác. Tuy nhiên, ngoài những quy định chung, riêng đối với công ty hợp vốn đơn giản, quy chế giải thể có một số điểm khác biệt. Công ty hợp vốn đơn giản giải thể theo các trường hợp sau đây:
- Kết thúc thời hạn ghi trong Điều lệ mà không có quyết định gia hạn: Điều lệ là những thỏa thuận của các thành viên công ty, trong đó quy định rõ cách ứng xử đối với mỗi trường hợp cụ thể liên quan đến quá trình thành lập, hoạt động và giải thể công ty. Một trong những nội dung quan trọng của Điều lệ công ty hợp vốn đơn giản, cũng giống như các doanh nghiệp khác, đó là thời hạn hoạt động của công ty do các thành viên nhận vốn cùng nhau thỏa thuận và ghi nhận (tất nhiên những thỏa thuận này không được phép trái luật). Do đó, khi thời hạn hoạt động ghi trong Điều lệ đã kết thúc, tức là khi cam kết về sự tồn tại của công ty hợp vốn hết hiệu lực mà các thành viên công ty không gia hạn thêm thì công ty đương nhiên phải áp dụng thủ tục giải thể và giải quyết quyền lợi cho những người có liên quan.
Tuy vậy, không phải bất cứ sự thỏa thuận hoặc gia hạn thêm nào của các thành viên nhận vốn cũng dẫn đến một hậu quả là công ty hợp vốn đơn giản còn tồn tại hay giải thể. Luật Công ty của một số nước quy định rất rõ ràng, cho dù các thành viên nhận vốn có thỏa thuận một thời hạn cụ thể, mà chưa đến thời hạn thỏa thuận đó nhưng loại hình doanh nghiệp của họ bị loại bỏ một cách chính thức bằng pháp luật thì công ty vẫn phải giải thể.
- Theo quyết định của tất cả các thành viên nhận vốn:
Có thể coi trường hợp giải thể theo thể thức thứ hai này là giải thể tự nguyện. Lý do giải thể ở đây sẽ phụ thuộc vào sự tự nguyện tuyệt đối và sự lựa chọn rộng rãi của những thành viên nhận vốn trong công ty hợp vốn đơn
giản, họ có thể giải thể doanh nghiệp bằng bất cứ lý do gì khi họ cho rằng sự tồn tại của công ty hợp vốn đơn giản là không có lợi…
Luật thống nhất về công ty hợp danh của Mỹ cho phép bất cứ thành viên nhận vốn nào có quyền giải thể công ty nếu một trong số những thành viên hợp danh còn lại của công ty bị tuyên bố là mất trí. Tuy nhiên, để bảo vệ các thành viên, luật pháp cũng quy định đến khi nào mà tòa án chưa tuyên bố một người bị tâm thần thì người đó vẫn có thể tham gia vào công ty và hoạt động như một thành viên hợp danh.
Như vậy cũng đảm bảo được một cách cao hơn quyền tự do kinh doanh và tự do tổ chức, quản lý, định đoạt doanh nghiệp theo pháp luật của các nhà đầu tư. Thẩm quyền của các thành viên nhận vốn lại một lần nữa được đề cao, họ có toàn quyền quyết định sự tiếp tục tồn tại hay không tiếp tục tồn tại của công ty, những thành viên góp vốn, tuy vẫn đóng vai trò là các chủ đầu tư của công ty nhưng lại không có thẩm quyền gì trong việc quyết định có giải thể công ty hợp vốn đơn giản hay không.
- Công ty không còn đủ số lượng thành viên tối thiểu theo quy định của Luật này trong thời hạn 6 tháng liên tục:
Quy định công ty hợp vốn đơn giản phải bao gồm thành viên nhận vốn và thành viên góp vốn. Như vậy, có thể suy ra là nếu công ty hợp vốn đơn giản chỉ bao gồm các thành viên nhận vốn mà không có thành viên góp vốn, thì yêu cầu tối thiểu về số lượng thành viên không được đảm bảo.
Luật Doanh nghiệp 2005, không phân chia rõ hai loại công ty hợp danh tuyệt đối và công ty hợp danh hữu hạn (công ty hợp vốn đơn giản). Trong đó Luật Doanh nghiệp 2005 yêu cầu công ty hợp danh hữu hạn (công ty hợp vốn đơn giản) bao gồm ít nhất hai thành viên nhận vốn và thành viên góp vốn. Như vậy, luật quy định số lượng tối thiểu là ba thành viên, trong đó phải có hai thành viên nhận vốn và một thành viên góp vốn. Mặt khác, Luật Doanh nghiệp 2005 không có điều khoản bắt buộc công ty hợp danh phải khai
báo về tính chất của công ty mình là công ty hợp danh tuyệt đối hay công ty hợp danh hữu hạn (công ty hợp vốn đơn giản), mặc dù cơ quan đăng ký kinh doanh có thể biết được tại thời điểm đăng ký kinh doanh, công ty hợp danh có những loại thành viên nào. Điều này dẫn tới một hậu quả là, nếu không định danh phân biệt cho công ty hợp danh, thì một công ty hợp danh, lúc đầu bao gồm cả những thành viên góp vốn cũng vẫn có thể không buộc giải thể nếu sau này trong quá trình hoạt động, không có sự tồn tại của thành viên đó nữa.
Sự biến động về số lượng thành viên trong quá trình hoạt động của các doanh nghiệp nói chung và của công ty hợp vốn đơn giản nói riêng là điều không thể tránh khỏi. Các thành viên nhận vốn của công ty hợp vốn đơn giản không có nghĩa vụ phải duy trì liên tục số lượng thành viên tối thiểu kể từ khi được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và trong suốt quá trình hoạt động. Công ty hợp vốn đơn giản, nếu rơi vào trường hợp có biến động về số lượng thành viên đến mức số lượng thành viên còn lại của công ty không đạt số lượng tối thiểu mà pháp luật yêu cầu thì vẫn được tồn tại với số lượng thành viên không đủ đó trong thời gian là 6 tháng liên tục. Yếu tố liên tục ở đây rất quan trọng, như vậy, sự cộng dồn về thời gian không được công nhận để bắt buộc công ty phải giải thể.
- Bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh
Bên cạnh trường hợp giải thể bắt buộc trong trường hợp công ty không còn đủ số lượng thành viên tối thiểu, Luật Doanh nghiệp còn đưa ra một trường hợp giải thể bắt buộc khi doanh nghiệp bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Việc quy định này xuất phát từ việc đảm bảo tính pháp chế tuyệt đối trong việc áp dụng luật.
Để thành lập công ty hợp vốn đơn giản, người thành lập phải làm hồ sơ đăng ký kinh doanh và nộp cho cơ quan đăng ký kinh doanh đồng thời phải chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực của nội dung hồ sơ đăng kinh doanh. Nội dung của giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh bao gồm những
yếu tố cấu thành nên một công ty hợp vốn đơn giản như thành viên công ty, số vốn góp, thời hạn hoạt động, ngành nghề và phạm vi kinh doanh…Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh chính là loại giấy tờ quan trọng nhất của công ty, có giấy này, chứng tỏ Nhà nước công nhận công ty hợp vốn đơn giản là một chủ thể kinh doanh và có thẩm quyền kinh tế. Hay nói khác đi, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh chứng minh tính hợp pháp hay bất hợp pháp của hoạt động đăng ký kinh doanh do công ty hợp vốn đơn giản tiến hành. Có thể coi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh chính là tấm giấy "thông hành" để công ty hợp vốn đơn giản có thể tiến hành các hoạt động của mình, xác lập các quan hệ với Nhà nước và với công chúng giao dịch. Bị thu hồi giấy chứng nhận kinh doanh cũng có nghĩa là Nhà nước rút lại sự công nhận tư cách chủ thể kinh doanh đối với công ty hợp vốn đơn giản. Lúc này, công ty hợp vốn đơn giản không còn thẩm quyền kinh tế, nghĩa là không còn được tiến hành các hoạt động kinh doanh, mục đích của sự liên kết cũng không còn ý nghĩa. Tuy nhiên, công ty là một liên kết, trong đó, mỗi sự thay đổi của nó ảnh hưởng, liên quan trực tiếp tới quyền lợi của mỗi thành viên, vì vậy pháp luật bắt buộc công ty hợp vốn đơn giản, nếu rơi vào trường hợp bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh thì nhất thiết phải thực hiện tiếp một số thủ tục để giải quyết thỏa đáng quyền lợi của những người liên quan- đó chính là thủ tục giải thể.