Giới thiệu về Càphê Buôn Ma Thuột và vị trí Càphê Buôn Ma Thuột trên thị

Một phần của tài liệu Bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với các sản phẩm đặc sản của địa phương Việt Nam – Nghiên cứu trường hợp Cà phê Buôn Ma Thuột khóa luận tốt nghiệp (Trang 47 - 50)

2.2.1. Giới thiệu về Cà phê Buôn Ma Thuột và vị trí Cà phê Buôn Ma Thuột trên thị trường cà phê trên thế giới Thuột trên thị trường cà phê trên thế giới

2.2.1.1. Quá trình hình thành và phát triển của cà phê Buôn Ma Thuột

Theo Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Đắk Lắk (không năm xuất bản), viết về lịch sử hình thành của cây cà phê Buôn Ma Thuột, cho biết cây cà phê được du nhập vào Việt Nam khá sớm (từ năm 1857) thông qua một số linh mục thừa sai người Pháp. Đầu tiên là giống cà phê chè (coffee arabica) được trồng thử nghiệm tại các nhà thờ thiên chúa giáo ở một số tỉnh phía Bắc, sau đó mới phát triển dần vào Nam Tây Nguyên và Đông Nam Bộ. Nhưng cho đến nay, cả về quy mô và danh tiếng, không nơi nào ở Việt Nam có cà phê nổi tiếng trong và ngoài nước, đồng thời gắn với một vùng địa danh mang nhiều huyền thoại như cà phê Buôn Ma Thuột.

Ngay từ lúc thăm dò để chuẩn bị xâm chiếm Tây Nguyên, các nhà thám hiểm và truyền giáo Pháp đã sớm nhận ra vùng đất này không chỉ có vị trí địa lý chiến lược ở miền Nam Đông Dương, mà còn có những tài nguyên hết sức quý giá có thể khai thác phục vụ chính quốc, trước hết là đất và rừng. Đặc biệt nơi đây có loại đất mà các nhà thám hiểm như Yersin, giám mục Cassaigne, linh mục Pierre Dourisboure...đều nhận định là loại đất tốt nhất thế giới, rất thích hợp cho việc mở các đồn điền trồng cây công nghiệp. Vì vậy, để độc chiếm Tây Nguyên về chính trị và kinh tế, năm 1893 khâm sứ trung kỳ Boulloche ra lệnh đặt vùng đất này "dưới sự bảo hộ đặc biệt" của Pháp, nhằm mục tiêu nắm toàn bộ vấn đề an ninh, tiến tới khai thác tài nguyên đất đai phục vụ chính quốc. Ngày 02-11-1901, toàn quyền Đông Dương ra nghị định về "quyền bảo hộ và khai thác Tây Nguyên", mở đường cho tư bản pháp vào lập đồn điền. Trẩu và cà phê chè (coffee arabica) là những loại cây

được đưa vào trồng thử nghiệm đầu tiên tại Buôn Ma Thuột, trước thời điểm toàn quyền Đông Dương ra nghị định thành lập đơn vị hành chính tỉnh Đắk Lắk, vào ngày 22-11-1904.

Đến những năm 1912-1914, cây cà phê chè mới thực sự ghi dấu ấn tại Buôn Ma Thuột. Lượng cà phê thu được lúc này tuy còn rất ít nhưng được đưa về chính quốc chế biến, tiêu thụ và đem lại hiệu ứng không ngờ. Cây cà phê Buôn Ma Thuột trồng trên vùng đất tốt, khí hậu thích hợp, ở độ cao từ 400-500 mét đã cho sản phẩm tuyệt vời ngoài sự mong đợi của các công ty Pháp. Các nhà rang xay tại Pháp lúc bấy giờ đánh giá chất lượng và hương vị tự nhiên của cà phê Buôn Ma Thuột thơm, đặc trưng và thể chất đậm đà hơn hẳn cà phê bờ biển Ngà vốn đã nổi tiếng khắp Châu Âu. Vì thế, nhiều nhà tư bản và chủ ngân hàng của pháp quyết định đầu tư mở đồn điền ở Buôn Ma Thuột.

Đến năm 1931, tổng diện tích cà phê ở Đắk Lắk (tập trung chủ yếu ở khu vực buôn ma thuột) đã lên đến 2.130 ha đứng thứ tư trong cả nước; trong đó 51% diện tích là cà phê chè, 33% cà phê vối, còn lại là cà phê mít. Việc trồng, chăm sóc cà phê trong các đồn điền ngay từ những năm này đã mang dấu ấn của lối canh tác công nghiệp và đạt trình độ tổ chức quản lý cũng như đầu tư thâm canh khá cao.

Với các điều kiện tự nhiên phù hợp, được trồng và chăm sóc tốt nên chất lượng cà phê ở Đắk Lắk ngày càng tăng lên, kích thước hạt lớn, chất lượng nước đậm đà rất được ưa chuộng ở Pháp và một số nước Châu Âu. Tuy nhiên, thời kỳ này do bệnh gỉ sắt phát triển mạnh trên cây cà phê chè, làm giảm đáng kể năng suất, nên các chủ đồn điền Pháp lần lượt chuyển sang trồng loại cà phê vối (cà phê chè chỉ còn khoảng 1% diện tích), năng suất cao, chất lượng thơm ngon hơn. Chính vì vậy cà phê vối Robusta, được chọn lọc qua nhiều thập kỷ, đã trở thành cây cà phê chủ lực ở vùng đất Buôn Ma Thuột bởi khả năng thích nghi với điều kiện tự nhiên, chất lượng và hiệu quả kinh tế cao của nó.

Sau ngày miền nam giải phóng, tỉnh Đắk Lắk đã sớm quan tâm phát triển ngành sản xuất cà phê. Ngày 12/11/1975, Ủy Ban Nhân Dân cách mạng tỉnh Đắk Lắk ra quyết định trưng thu tài sản, đất đai của các đồn điền; đồng thời vận động 75 hộ cá thể hiến lại 1.196 ha cà phê; trên cơ sở đó thành lập các nông trường cà phê như: Thắng Lợi, Ea Hồ, 10-3, Đức Lập do công ty quốc doanh nông nghiệp tỉnh trực tiếp quản lý. Đồng thời một loạt các nông trường cà phê quốc doanh thuộc trung ương quản lý cũng ra đời trên địa bàn cùng với sự hợp tác của một số quốc gia

trong khối Đông Âu (cũ) như Đức, Tiệp Khắc, Liên Xô (cũ) đã đến hợp tác để khai thác vùng cà phê với lợi thế về đặc trưng về tự nhiên và danh tiếng vốn có của nó.

Từ sau năm 1986, nhờ chính sách đổi mới kinh tế của đảng và nhà nước, tỉnh Đắk Lắk chủ trương đầu tư trồng mới, thâm canh rộng rãi trong nhân dân, từ đó bắt đầu hình thành các vùng tập trung chuyên canh cà phê lớn ở thành phố Buôn Ma Thuột và các huyện Krông Păc, Cư m'gar, Ea h'leo, Đăk mil, Krông ana, Krông Búk, Krông Năng và Ea kar. Các vùng chuyên canh này chiếm 86% diện tích và 89% sản lượng cà phê toàn tỉnh.Với bề dày về truyền thống và tích lũy kinh nghiệm hơn 70 năm của ngưòi dân trồng cà phê nơi đây, cà phê Buôn Ma Thuột đã hội đủ các yếu tố bền vững và ngày càng khẳng định vị trí vững chắc trong nền sản xuất hàng hoá của tỉnh Đắk Lắk (giá trị sản phẩm cà phê hàng năm chiếm 35% GDP và 85% tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh). Sản phẩm cà phê vối Robusta đã trở thành biểu tượng và là niềm tự hào của tỉnh Đắk Lắk nói chung, vùng địa danh Buôn Ma Thuột nói riêng trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế.7

2.2.1.2. Vị trí cà phê Buôn Ma Thuột trên thị trường cà phê trên thế giới

Dễ dàng nhận thấy, hiện nay tên thương hiệu “Cà phê Buôn Ma Thuột” không còn xa lạ trên thị trường cà phê trong nước, cũng như ngoài nước. Phải nhìn nhận rằng, tỉnh Đắk Lắk là tỉnh có diện tích và sản phẩm cà phê lớn nhất Việt Nam với diện tích trồng là 182.343ha chiếm 40% diện tích trồng cà phê của cả nước, sản lượng thu hoạch hàng năm đạt trên 400.000 tấn, chiếm 40% sản lượng cả nước. Kim ngạch xuất khẩu cà phê của tỉnh Đắk Lắk hàng năm đạt trên 600 triệu USD chiếm trên 80% kim ngạch xuất khẩu của tỉnh, chiếm 60% kim ngạch xuất khẩu cà phê của các nước, thị trường xuất khẩu đến 80 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới (BTC, 2011). Điều đó cho thấy năng suất cà phê của Việt Nam cao nhất thế giới, và cạnh tranh với Brazil vị trí dẫn đầu thế giới về sản lượng, đồng thời cũng khẳng định vị thế cà phê của nước ta trên thị trường nước ngoài.

Đặc biệt là thị trường cà phê nước ta, theo ông Đoàn Triệu Nhạn (trích dẫn trong Chu Khôi, 2008), Cố vấn Hiệp hội cà phê Việt Nam, cho biết: “Cà phê vối (Robusta), vốn có nguồn gốc ở những vùng thấp, nóng ẩm, thế nhưng khi Việt Nam

7 Sở Thông tin và Truyền thông Đắk Lắk, không năm xuất bản, Quá trình hình thành và phát triển cà phê Buôn Ma Thuột, xem tại: http://lehoicaphe.vn/home/index.php? option=com_content&view=article&id=80&Itemid=37&lang=vi#_ftn3 [Truy cập ngày 26 tháng 4 năm 2012]

đưa lên vùng đất cao nguyên, độ cao 500-700m so với mực nước biển, thì cà phê vối lại đạt năng suất vượt trội. Nhờ đó, Việt Nam mau chóng trở thành nước chiếm vị trí tuyệt đối về sản xuất cà phê vối từ những năm 1999, sản lượng hàng năm đạt trên 52 triệu bao với khoảng 500.000 hộ gia đình nông dân nuôi trồng”. Mặt khác, trên thị trường trong và ngoài nước, sản phẩm cà phê vối được đăng ký tên chỉ dẫn địa lý “cà phê Buôn Ma Thuột” hiện nay đã và đang phát triển thương hiệu, gây dựng lên thương hiệu “cà phê Buôn Ma Thuột” được thế giới nhìn nhận và biết đến.

Qua đó có thể thấy, hiện nay nước ta không chỉ là nước có sản lượng xuất khẩu lớn thứ hai thế giới trong thị trường cà phê, mà còn được nhắc tới với thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột nổi tiếng và đậm đà hương vị của vùng đất đỏ bazan.

Một phần của tài liệu Bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với các sản phẩm đặc sản của địa phương Việt Nam – Nghiên cứu trường hợp Cà phê Buôn Ma Thuột khóa luận tốt nghiệp (Trang 47 - 50)