Xây dựng người phụ nữ có sức khoẻ, tri thức, kỹ năng nghề nghiệp, năng động, sáng tạo
Sự phấn đấu vươn lên của phụ nữ không thể tách rời sự hỗ trợ của Nhà nước, thông qua những chính sách, biện pháp kịp thời thiết thực. Ngoài những chính sách chung đối với người công dân, người lao động, dựa trên nguyên tắc đảm bảo quyền bình đẳng nam nữ về mặt kinh tế, chính trị, văn hóa... Nhà nước và các cơ quan làm pháp lật, chính sách cần đặc biệt lưu ý đến những khó khăn mang tính đặc thù của phụ nữ. Chính vì vậy cần hoạch định những chính sách, những điều khoản, biện pháp, quan tâm đến phụ nữ tạo nên sự công bằng thực sự giữa nam và nữ, từ học tập, việc làm, hưởng thụ văn hóa đến hoạt động chính trị.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ phụ nữ vẫn còn những hạn chế bất cập: cấp ủy, chính quyền ở một số cơ sở chưa thật sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện công tác bình đẳng giới và sự tiến bộ của phụ nữ; chưa lồng ghép bình đẳng giới với việc xây dựng kế hoạch
phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đơn vị. Tỷ lệ phụ nữ tham gia công tác lãnh đạo, quản lý chưa tương xứng với năng lực và sự phát triển của lực lượng phụ nữ. Trình độ học vấn, trình độ đào tạo của phụ nữ, nhất là lao động phổ thông và công nhân nhìn chung còn thấp hơn so với nam giới. Việc chăm sóc sức khoẻ sinh sản chưa được quan tâm đầy đủ. Tình trạng bạo lực gia đình, nạn buôn bán phụ nữ và trẻ em gái vẫn còn xảy ra.
Nguyên nhân của những hạn chế nêu trên là: Trong một số văn bản của các cấp ủy Đảng, sự phân biệt đối xử giữa nam và nữ vẫn tồn tại: quy định về tuổi tham gia vào các cấp ủy, tuổi đề bạt vào một số chức vụ… nữ thấp hơn nam 5 năm. Từ đó dẫn tới sự phân biệt đối xử giữa nam và nữ trong nhiều văn bản luật của Nhà nước: quy định một số ngành nghề nữ không được tham gia, chính sách thai sản, chính sách con ốm mẹ nghỉ, chính sách đem theo con đi học tập trung, số năm đóng Bảo hiểm xã hội để được hưởng chế độ, tuổi về hưu… đều bất lợi cho nữ giới nhiều hơn nam giới. Mặt khác, nhiều văn bản của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước lại không được thực thi một cách hiệu quả trong thực tiễn, nên quyền lợi của nhiều phụ nữ không được bảo vệ. Phụ nữ vẫn bị thiệt thòi hơn so với nam giới. Chẳng hạn, phụ nữ vẫn bị bạo hành nhiều hơn nam giới, phụ nữ vẫn phải thực hiện công việc gia đình nhiều hơn nam giới, phụ nữ vẫn bị định kiến giới nhiều hơn nam giới… Nhận thức của cấp ủy, chính quyền ở một số địa phương, đơn vị về công tác bình đẳng giới chưa toàn diện. Việc thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về bình đẳng giới chưa cụ thể, thiếu đồng bộ. Nhiều cán bộ vẫn lúng túng trong việc lồng ghép giới vào các lĩnh vực đang quản lý hoặc đang thực hiện. Một bộ phận phụ nữ, nhất là khu vực nông thôn, miền núi còn tự ti, an phận, chưa mạnh dạn, phấn đấu vươn lên để khẳng định năng lực, tạo niềm tin và thay đổi cách nhìn của cộng đồng về phụ nữ. Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả và đẩy mạnh công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ nhằm phát huy vai trò, tiềm năng của các tầng lớp phụ nữ trong sự nghiệp công nghiệp hoá hiện đại hoá, góp phần vào sự phát triển ổn định, bền vững của tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ và các cấp uỷ đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân
Cần tập trung tuyên truyền, quán triệt sâu sắc các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về bình đẳng, trọng tâm là Luật bình đẳng giới; Nghị quyết số 11- NQ/TW ngày 27-4-2007 của Bộ Chính trị về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; Chương trình hành động số 18-CTr/TU ngày 1-4-2008 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 11- NQ/TW; Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020; Chương trình quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2015… nhằm tạo sự thống nhất trong tư tưởng và nhận thức, tạo bước chuyển biến rõ nét về hành động của các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh đối với công tác bình đẳng giới và sự tiến bộ của phụ nữ; kiên quyết lên án, đấu tranh chống tư tưởng "trọng nam khinh nữ", các hành vi phân biệt đối xử, xâm hại, buôn bán phụ nữ và trẻ em; biểu dương những tấm gương phụ nữ vượt khó vươn lên trong cuộc sống, học tập, lao động và công tác.
Cần mạnh dạn hơn nữa việc lồng ghép công tác bình đẳng giới vào chương trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và nhiệm vụ chính trị của các cơ quan, đơn vị. Thực hiện đồng bộ và có hiệu quả các giải pháp nhằm từng bước bảo đảm sự bình đẳng thực chất giữa nam và nữ về cơ hội, sự tham gia và thụ hưởng trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục và đào tạo, tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe... Quan tâm tạo điều kiện để phụ nữ tham gia vào các vị trí lãnh đạo, quản lý; phấn đấu đến năm 2020, cán bộ nữ tham gia cấp uỷ các cấp đạt từ 20% trở lên; đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021 là nữ đạt từ 30% trở lên; tỷ lệ nữ đảng viên mới kết nạp hằng năm đạt từ 40% trở lên.
Thực hiện tốt yêu cầu của Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam trong việc quản lý nhà nước về bình đẳng giới. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật về bình đẳng giới và hoạt động của Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ các cấp, nhất là việc thực hiện các chính sách đối với lao động nữ. Quan tâm đến nhóm phụ nữ dễ bị tổn thương như phụ nữ nghèo nông thôn, trẻ em gái, phụ nữ cao tuổi, phụ nữ đơn thân, phụ nữ tàn tật có hoàn cảnh khó khó khăn.
Tỉnh Thái Nguyên cần tăng cường công tác đào tạo cán bộ về nghiệp vụ bình đẳng giới để nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động; phối hợp với các ngành, các cấp tổ chức tập huấn nhằm nâng cao nhận thức cho các cấp ủy Đảng, chính quyền và cán bộ, công chức, viên chức về kiến thức pháp luật bình đẳng giới, các mục tiêu Chiến lược quốc gia về Bình đẳng giới giai đoạn 2011 -2020 và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.
Ủy ban nhân dân tỉnh cần xây dựng Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2012 - 2020 và chỉ đạo các địa phương, ban, ngành liên quan cụ thể hóa và triển khai thực hiện có hiệu quả.
Mặt trận Tổ quốc các tổ chức đoàn thể nên phối hợp chặt chẽ với Ban vì sự tiến bộ của phụ nữ cùng cấp tổ chức các hoạt động có liên quan đến quyền lợi, lợi ích hợp pháp của phụ nữ; kịp thời nắm bắt những tâm tư, nguyện vọng của phụ nữ để phản ánh, đề xuất với cơ quan chức năng và các cấp có thẩm quyền.
Mặt khác, bản thân chị em phụ nữ trong tỉnh cần tự mình nỗ lực phấn đấu, vươn lên nhằm đáp ứng các yêu cầu của xã hội và nhiệm vụ của cách mạng. Bên cạnh những thách thức của thời đại, chị em phụ nữ Việt Nam nói chung (Thái Nguyên nói riêng) còn cần vượt qua thách thức “trọng nam khinh nữ” từ ngàn xưa để lại, khắc phục tư tưởng tự ti, an phận, cam chịu và thụ động, cần khắc phục tư tưởng ỷ lại và trông chờ vào Đảng và Nhà nước và xã hội đem lại quyền lợi cho chính mình. Phụ nữ cần tăng cường đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau, thông qua các tổ chức Hội phụ nữ các cấp, khắc phục khó khăn, phát huy nội lực để hoàn thành nhiệm vụ. Đồng thời, chị em cũng cần nêu cao tinh thần tự lực, tự cường, mạnh dạn đấu tranh để bảo vệ quyền lợi của mình.
TIỂU KẾT CHƯƠNG 2
Là một bộ phận dân cư Thái Nguyên, người phụ nữ đã kế thừa và tiếp thu những giá trị đạo đức tốt đẹp của dân tộc (trong đó có truyền thống đạo đức). Trong sự nghiệp đổi mới đất nước, phụ nữ Thái Nguyên đang phát huy những truyền thống tốt đẹp của mình để xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.
Sau khi chỉ ra thực trạng về việc kế thừa và phát huy những giá trị đạo đức truyền thống của phụ nữ và nguyên nhân của thực trạng, luận văn vạch ra những vấn đề đặt ra đối với việc giải quyết vấn đề kế thừa và phát huy những giá trị đạo đức truyền thống của phụ nữ. Một khi những vấn đề đó được giải quyết triệt để, vai trò của phụ nữ sẽ được phát huy. Chính trong sự nghiệp đổi mới đất nước đòi hỏi phải giải quyết những vấn đề này nhằm kế thừa, phát huy mạnh mẽ truyền thống đạo đức của phụ nữ và phát huy vai trò của phụ nữ trong sự nghiệp CNH, HĐH đất nước.
KẾT LUẬN
Xuyên suốt lịch sử giữ nước và xây dựng đất nước, người phụ nữ Việt Nam có vai trò rất quan trọng. Dù trong hoàn cảnh nào, thời đại nào, người phụ nữ cũng luôn vừa là hậu phương, vừa là tiền tuyến và luôn vững chắc. Ngày nay, đất nước ta đang bước vào thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH, trong bối cảnh đó không thể thiếu vắng vai trò của người phụ nữ. Tuy nhiên, để đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước, đòi hỏi chị em phụ nữ phải không ngừng trau dồi phẩm chất, đạo đức, học tập và rèn luyện. Việc kế thừa và phát huy giá trị đạo đức truyền thống của phụ nữ càng trở nên quan trọng và cấp thiết.
Phụ nữ tỉnh Thái Nguyên là một bộ phận hợp thành không thể thiếu được của phụ nữ Việt Nam. Do đó giá trị đạo đức truyền thống của phụ nữ Thái Nguyên không tách rời những giá trị đạo đức truyền thống của quê hương cũng như giá trị truyền thống của phụ nữ Việt Nam. Phụ nữ Thái Nguyên mang trong mình những giá trị đạo đức truyền thống dân tộc, những giá trị ấy được biểu hiện với sắc thái riêng bởi hoàn cảnh lịch sử, điều kiện sống của phụ nữ tỉnh nhà. Họ luôn phấn đấu vươn lên trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phần quan trong vào sự nghiệp phát triển của quê hương, đất nước.
Tuy nhiên trong quá trình đó, người phụ nữ chịu sự tác động mạnh mẽ của điều kiện khách quan và nhân tố chủ quan, của những yếu tố bên ngoài và của chính địa phương, làm ảnh hưởng đến giá trị đạo đức truyền thống và quá trình kế thừa, phát huy chúng trong giai đoạn hiện nay. Đồng thời làm nảy sinh những mâu thuẫn của chính quá trình đó.
Thứ nhất: Mâu thuẫn giữa yêu cầu ngày càng cao đối với việc kế thừa và phát huy giá trị đạo đức truyền thống với những tác động tiêu cực từ mặt trái của kinh tế thị trường.
Thứ hai: Mâu thuẫn giữa thực tế khách quan với nhân tố chủ quan trong việc kế thừa và phát huy những giá trị đạo đức truyền thống của phụ nữ Việt Nam ở phụ nữ tỉnh Thái Nguyên hiện nay.
Thứ ba: Mâu thuẫn giữa sự phát triển kinh tế của tỉnh nhà với vấn đề việc làm và thu nhập của người phụ nữ.
Thứ tư: Mâu thuẫn giữa sự tồn tại trên thực tế những tệ nạn trong gia đình và xã hội với yêu cầu phát triển đạo đức người phụ nữ trong thời kỳ CNH, HĐH.
Thứ năm: Mâu thuẫn gữa sự nghiệp phát triển và giải phóng phụ nữ với gánh nặng gia đình và xã hội ngày càng tăng đối với người phụ nữ. Giữa sự hạn chế về trình độ nhận thức của người phụ nữ với quá trình kế thừa và phát huy giá trị đạo đức của chính mình.
Để giải quyết các mâu thuẫn trên đây; để thực hiện tốt vấn đề kế thừa, phát huy những giá trị đạo đức của phụ nữ ở Thái Nguyên cần thực hiện tốt đồng bộ các giải pháp. Những giải pháp quan trọng đã nêu trong luận văn như: Đẩy mạnh giáo dục giá trị đạo đức truyền thống người phụ nữ Việt Nam cho phụ nữ tỉnh Thái Nguyên với nội dung và hình thức phù hợp; phát huy vai trò của Hội liên hiệp phụ nữ tỉnh, đẩy mạnh giáo dục về bình đẳng giới, tăng quyền năng cho phụ nữ. Xây dựng người phụ nữ có sức khoẻ, tri thức, kỹ năng nghề nghiệp, năng động, sáng tạo. Từ đó tạo nên tiền đề vật chất và tinh thần phát huy mạnh mẽ những giá trị đạo đức truyền thống của người phụ nữ Thái Nguyên. Những giá trị ấy luôn luôn là cội nguồn, là sức mạnh để người phụ nữ vượt qua khó khăn, thử thách góp phần hoàn thiện nhân cách người phụ nữ Thái Nguyên hôm nay.
Tác giả luận văn cũng có những kiến nghị: Hội liên hiệp phụ nữ tỉnh nên kết hợp với các cơ quan nghiệp vụ, nghiên cứu lịch sử phụ nữ tỉnh nhà một cách toàn diện có hệ thống trên tất cả các lĩnh vực qua các thời kỳ nhằm tuyên truyền, giáo dục cho thế hệ tương lai kế thừa nối tiếp và phát huy những giá trị đạo đức truyền thống của phụ nữ một cách có hiệu quả hơn.