hiện nay
Tỉnh Thái Nguyên có diện tích 3.562,82 km² phía Bắc tiếp giáp với tỉnh Bắc Kạn, phía Tây giáp với các tỉnh Vĩnh Phúc, Tuyên Quang, phía Đông giáp với các tỉnh Lạng Sơn, Bắc Giang và phía Nam tiếp giáp với Thủ đô Hà Nội. Tỉnh Thái Nguyên trung bình cách Sân bay quốc tế Nội Bài 50 km, cách biên giới Trung Quốc 200 km, cách trung tâm Hà Nội 75 km và cảng Hải Phòng 200 km. Với vị trí địa lý là một trong những trung tâm chính trị, kinh tế, giáo dục của khu Việt Bắc nói riêng, của vùng trung du miền núi phía Bắc nói chung, Thái Nguyên là cửa ngõ giao lưu kinh tế - xã hội giữa vùng trung du miền núi với vùng đồng bằng Bắc Bộ. Việc giao lưu đã được thực hiện thông qua hệ thống đường bộ, đường sắt, đường sông hình rẻ quạt mà thành phố Thái Nguyên là đầu nút.
Theo Niên giám thống kê 2010, dân số tỉnh Thái Nguyên là 1.131.300 người, trong đó nam có 558.900 người chiếm 49,4% và nữ là 572.400 người chiếm 50,6%, tỉ số giới tính nam/nữ là 97,6/100. Tổng dân số đô thị là 293.600 người (25,95%) và tổng dân cư nông thôn là 837.700 người (74,05%). Số con trên mỗi phụ nữ là 1,9 và tỉ lệ tăng dân số là 0,53% bằng một nửa số với tỉ lệ tăng của cả nước là 1,05%.
Theo kết quả của cuộc tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009, quy mô hộ gia đình tại tỉnh Thái Nguyên là 3,4 người/hộ. Tỉ số già hóa là 39,5% và tỉ số phụ thuộc là 42,2%. Tuổi kết hôn trung bình lần đầu của cư dân Thái Nguyên là 24 tuổi, trong đó nam là 25,7 tuổi và nữ là 22,3 tuổi, thấp hơn trung bình cả nước với các số liệu tương ứng là 24,5 tuổi, 26,2 tuổi và 22,8 tuổi. Tỷ lệ xuất cư là 30,2% còn tỷ lệ nhập cư là
39,6%. Tỉ lệ biết chữ đạt 96,5%, cao hơn mức trung bình cả nước là 93,5%. Diện tích nhà ở bình quân của Thái Nguyên là 20,1m²/người, trong đó nhà ở kiên cố đạt 61,7%, nhà ở bán kiên cố đạt 25,6%, nhà ở thiếu kiên cố đạt 4,5% và nhà ở đơn sơ đạt 8,2%. 93,7% nhà ở tại Thái Nguyên là nhà riêng. Khoảng 35,4% số người xuất cư khỏi Thái Nguyên có điểm đến là Hà Nội và 8,5% có điểm đến là Thành phố Hồ Chí Minh. Các địa phương có số người nhập cư nhiều nhất đến Thái Nguyên lần lượt là Bắc Giang, Hà Nội, Bắc Kạn và Cao Bằng. Cũng như toàn quốc, Thái Nguyên có một dân số trẻ với nhóm tuổi lao động từ 15 đến 60 là 779.261 người, chiếm 69,38% tổng dân số. Nhóm tuổi dưới 15 có 249.001 người, chiếm 22,17% tổng dân số còn nhóm người trên 60 tuổi có 94.854 người, tức chiếm 8,45% . Không như nhiều tỉnh trung du miền núi phía bắc khác, tỉnh Thái Nguyên có đa số dân cư là người Kinh (73,1%), tỉ lệ người Kinh chiếm cao hơn tại tỉnh lị, thị xã Sông Công và các huyện phía nam như Phổ Yên, Phú Bình cũng như tại các khu vực ven quốc lộ, tỉnh lộ và thị trấn tại các huyện còn lại.
Dân cư Thái Nguyên phân bố không đều, vùng cao và vùng núi dân cư rất thưa thớt, trong khi đó ở thành thị và đồng bằng dân cư lại dày đặc. Mật độ dân số thấp nhất là huyện Võ Nhai 72 người/km², cao nhất là thành phố Thái Nguyên với mật độ 1.260 người/km². Theo tổng điều tra dân số và nhà ở 1/4/2009, trong 10 năm (1999- 2009) dân số tỉnh tăng bình quân 0,7%/năm, thấp hơn mức bình quân của cả nước là 1,2% do có nhiều người di chuyển đi các tỉnh khác, trong đó ba huyện Định Hóa, Đại Từ và Phú Bình có tăng trưởng dân số âm.
Trên địa bàn tỉnh hiện có 9 dân tộc trên tổng số 54 dân tộc tại Việt Nam sinh sống, trong đó 8 dân tộc đông dân nhất là: Dân tộc Kinh chiếm 73,1%, Tày chiếm 11%, Nùng chiếm 5,7%, Sán dìu chiếm 3,9%, Sán chay 2,9%, Dao 2,3%, H’Mông 0,6%, Hoa chiếm 0,18% v.v. Thái Nguyên đã trở thành nơi giao thoa, hội tụ của các nền văn hoá các dân tộc trong vùng, đặc biệt là đồng bào các dân tộc thiểu số, đồng thời là cửa ngõ giao lưu kinh tế, văn hoá đối với các dân tộc khác trong cả nước. Chính những thuận lợi đó đã góp phần thúc đẩy đời sống văn hóa tinh thần của đồng
bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh ngày càng phát triển, tạo thành một vườn hoa văn hoá đa màu sắc. Song trong xu hướng toàn cầu hoá hiện nay, việc bảo tồn và phát huy các giá trị đạo đức truyền thống của dân tộc Việt Nam nói chung và dân tộc thiểu số nói riêng đã và đang gặp rất nhiều khó khăn. Làm thế nào để bảo tồn, phát huy được các giá trị đạo đức truyền thống của các dân tộc thiểu số, tránh được sự thất truyền, lai căng đồng thời xoá bỏ được các tập quán, hủ tục lạc hậu của một số dân tộc thiểu số trên địa bàn. Tính đa dạng của các dân tộc sống ở địa bàn tỉnh sẽ tạo nên tính đa dạng về văn hóa, sự phong phú về đời sống tinh thần, trong đó có đời sống đạo đức. Điều này vừa có khó khăn nhưng cũng có nhiều thuận lợi trong việc kế thừa và phát huy các giá trị đạo đức truyền thống của chị em phụ nữ sinh sống trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.
2.1.1. Thực trạng việc kế thừa và phát huy những giá trị đạo đức truyền thống của phụ nữ Việt Nam ở phụ nữ tỉnh Thái Nguyên thời gian qua