2.1.2.1. Mâu thuẫn giữa yêu cầu ngày càng cao đối với việc kế thừa và phát huy giá trị đạo đức truyền thống với những tác động tiêu cực từ mặt trái của kinh tế thị trường
Về mặt nhận thức, kinh tế thị trường là thành tựu của nền văn minh nhân loại, là trình độ cao của kinh tế hàng hóa. Trong đó toàn bộ hay đa phần đầu vào hay đầu ra của sản xuất đều phải thông qua thị trường - nơi diễn ra quan hệ mua bán, dịch vụ.
Trong xu thế toàn cầu hóa hiện nay, kinh tế thị trường là yêu cầu bắt buộc để nước ta hội nhập vào đời sống kinh tế quốc tế, tận dụng những điều kiện bên ngoài cho sự phát triển kinh tế trong nước. Từ đó mở ra vận hội mới đưa nước ta vươn lên cùng các nước tiên tiến, giữ vững ổn định chính trị, giữ vững chủ quyền và định hướng phát triển theo con đường XHCN. Thái Nguyên không nằm ngoài quy luật đó, nhưng phải thấy được sự tác động hai mặt của nền kinh tế thị trường một cách khách quan. Nó tác động mạnh mẽ đến mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó có đạo đức, nhất là đạo đức của người phụ nữ.
Đảng ta khẳng định: “Cơ chế thị trường đã phát huy tác dụng tích cực to lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội. Nó chẳng những không đối lập mà còn là một nhân tố khách quan cần thiết của việc xây dựng và phát triển đất nước theo con đường xã hội chủ nghĩa. Mặt khác cơ chế thị trường có những tác dụng tiêu cực mâu thuẫn với bản chất của chủ nghĩa xã hội” [14, tr.26].
Với tư cách là phương tiện hữu hiệu phát triển kinh tế, là động lực thúc đẩy sự tiến bộ của xã hội, kinh tế thị trường có tác động tích cực đến sự phát triển đạo đức. Ý nghĩa đạo đức của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta là ở chỗ, nó đã góp phần to lớn trong việc giải phóng sức sản xuất của xã hội, tăng năng xuất lao động, tạo tiền đề vật chất để nâng cao đời sống của nhân dân, đặc biệt là
người phụ nữ. Dưới tác động của nền kinh tế thị trường làm cho người phụ nữ thay đổi những quan niệm, thói quen, tâm lý cũ gắn liền với nền sản xuất tự cấp, tự túc trước đây, thay vào đó tính năng động, tư duy sáng tạo được khơi dậy, nhân cách độc lập, tính tự chủ cá nhân được hình thành và phát triển một cách phổ biến. Đồng thời, sự tác động mạnh mẽ của quy luật giá trị và quy luật cạnh tranh đã kích thích người phụ nữ không ngừng vươn lên, thể hiện và khẳng định năng lực của mình.Trong nền kinh tế thị trường, mối quan hệ lợi ích đã có sự thay đổi tích cực, xóa bỏ chủ nghĩa bình quân, lợi ích chính đáng của cá nhân được kích thích và tôn trọng. Đó là điều kiện cần thiết để phụ nữ nỗ lực học tập, nâng cao trình độ tri thức, rèn luyện tay nghề, khả năng thích nghi, tính kỷ luật, phẩm chất đạo đức.
Song, nền kinh tế thị trường cũng rất nghiêm khắc đào thải những sự trì trệ, bảo thủ, sự lạc hậu, lỗi thời của những con người và sản phẩm kinh tế yếu kém mang tính chất bảo thủ. Một bộ phận không nhỏ người phụ nữ, chủ yếu là phụ nữ nông thôn, vốn quen với tác phong lao động nông nghiệp, tâm lý sản xuất nhỏ, không tự vươn lên học tập, bồi dưỡng chuyên môn, nâng cao tay nghề, thiếu năng động, sáng tạo, chậm đổi mới... bị gạt ra khỏi guồng máy sản xuất hiện đại. Họ rơi vào vòng luẩn quẩn của cuộc sống, thất nghiệp, thu nhập quá thấp, không đảm bảo đời sống vật chất tối thiểu... Từ đó đẩy nhiều người phụ nữ vào con đường tệ nạn xã hội để mưu cầu sự sống, họ đi ngược lại giá trị đạo đức truyền thống của dân tộc, của giới mình. Để đứng vững trước vòng xoáy của kinh tế thị trường, người phụ nữ phải phát huy cao độ tính tự chủ cá nhân, rèn luyện ý thức lao động và sáng tạo. Song, không phải đời sống kinh tế được nâng cao là đời sống đạo đức tự động tốt đẹp hơn mà nó phụ thuộc cơ bản vào trình độ nhận thức của những chủ thể đạo đức trong xã hội.
Có thể nói: Kinh tế thị trường đã biến người phụ nữ làm giàu một cách chính đáng, làm giàu cho gia đình và xã hội, góp phần khắc phục nguy cơ tụt hậu xã hơn về kinh tế so với khu vực và thế giới. Từ đó đảm bảo cơ sở kinh tế cho việc thực hiện chính sách xã hội và các hoạt động nhân đạo khác. Về mặt này, kinh tế thị trường là phương tiện tác động tích cực đến sự phát triển đạo đức. Nhưng bản thân kinh tế thị
trường tự nó không thể giải quyết được các vấn đề xã hội, tậm chí còn làm nảy sinh các tiêu cực, suy thoái đạo đức xã hội. Nền kinh tế thị trường ở nước ta tuy có định hướng xã hội chủ nghĩa nhưng vẫn tồn tại những mặt tiêu cực không thể tránh khỏi của kinh tế thị trường.
Khi nói về khuyết tật của kinh tế thị trường Đảng ta chỉ rõ: “...bản thân nền kinh tế thị trường không phải là liều thuốc vạn năng. Hơn nữa, cùng với sự kích thích sản xuất phát triển, kinh tế thị trường cũng là môi trường thuận lợi để nảy sinh và phát triển nhiều tệ nạn xã hội”. Đặc trưng chi phối sự vận động của nền kinh tế thị trường là tính lợi ích, tính cạnh tranh và tính trao đổi, trong đó đặc trưng cơ bản là tính lợi ích. Kinh tế thị trường lấy lợi ích làm động lực của sự phát triển nhưng quá nhấn mạnh lợi ích kinh tế, coi trong lợi ích cá nhân, đề cao quá mức lợi ích cá nhân dẫn đến chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa thực dụng vô đạo đức. Có thể khẳng định rằng, kinh tế thị trường thuận lợi để chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa lợi kỷ cực đoan nảy sinh và phát triển cao độ. Lối sống “vì mình, quên người” , “vì lợi bỏ nghĩa” ngày càng có nguy cơ lan rộng và bào mòn nhân cách của con người nói chung, phụ nữ nói riêng, đẩy họ vào tình trạng tha hóa bản chất, nhân cách đạo đức.
Từ chỗ đề cao giá trị tinh thần, một bộ phận phụ nữ chuyển sang coi trọng giá trị vật chất, sùng bái đồng tiền, lấy đồng tiền làm thước đo giá trị con người thay cho các giá trị đạo đức truyền thống. Đồng tiền thâm nhập vào các mối quan hệ xã hội, quan hệ gia đình, chi phối các nguyên tắc ứng xử trong giao tiếp và phá vỡ những quan hệ ấy. Đối với họ, đồng tiền không còn là phương tiện mà đã trở thành mục đích, lý tưởng của cuộc sống. Từ đó làm cho không ít phụ nữ chạy theo đồng tiền, đánh mất nhân phẩm, đạo đức của mình, bất chấp luân thường, đạo lý, bất chấp pháp luật. Họ lao vào sản xuất, buôn bán hàng giả và hàng lậu, thậm chí buôn người và buôn cả bản thân mình, trở thành nô lệ cho đồng tiền. Ngay cả vấn đề tình yêu, hôn nhân, gia đình, vấn đề thiêng liêng và cao cả nhất đối với người phụ nữ cũng không còn ý nghĩa truyền thống, đã bị mai một trước sức mạnh của đồng tiền, nó chỉ còn là sự tính toán, trao đổi lạnh lùng. Chủ nghĩa thực dụng vô nhân đạo sẵn sàng chà đạp lên mọi quan
hệ đạo đức đích thực trong xã hội, hủy hoại những giá trị đạo đức truyền thống của người phụ nữ đã được hun đúc suốt chiều dài lịch sử của dân tộc.
2.1.2.2. Mâu thuẫn giữa yêu cầu ngày càng cao đối với việc kế thừa và phát huy giá trị đạo đức truyền thống với những tác động tiêu cực từ quá trình toàn cầu hóa
Toàn cầu hóa là quá trình tăng lên mạnh mẽ những mối liên hệ, ảnh hưởng tác động lẫn nhau, phụ thuộc lẫn nhau của tất cả các khu vực, các quốc gia, các dân tộc trên thế giới, làm nổi bật hàng loạt biến đổi có quan hệ lẫn nhau mà từ đó chúng có thể phát sinh một loạt điều kiện mới. Toàn cầu hóa khiến cạnh tranh quốc tế ngày càng gay gắt, làm sâu sắc hơn sự chuyên môn hóa và phân công lao động quốc tế, kích thích gia tăng sản xuất không chỉ ở cấp độ quốc gia mà còn mở rộng ra trên toàn thế giới.
Toàn cầu hóa là quá trình tiềm ẩn những sức mạnh ghê gớm cùng những thách thức, nguy cơ rất lớn, đòi hỏi mỗi dân tộc, mỗi quốc gia, khu vực và toàn nhân loại phải luôn kiên định, chủ động giữ gìn bản sắc dân tộc, giữ vững độc lập , tự chủ để sẵn sàng và tỉnh táo đón nhận nó, nhằm khai thác những tiềm năng mà toàn cầu hóa mở ra, đồng thời kiểm soát và chế ngự được “tính chất không giới hạn” của toàn cầu hóa.
Vượt qua khỏi biên giới của một quốc gia, một khu vực riêng lẻ “toàn cầu hóa” trở thành hiện tượng của toàn thế giới, đang là xu thế lớn trong sự vận động của lịch sử thế giới đương đại, toàn cầu hóa đã và đang tác động đến nhiều mặt của cuộc sống con người. Cùng với kinh tế thị trường quá trình toàn cầu hóa cũng là một nhân tố có ảnh hưởng rất lớn đến việc kế thừa và phát huy những giá trị đạo đức truyền thống của phụ nữ Thái Nguyên.
Bên cạnh những thuận lợi mà toàn cầu hóa đem đến cho các quốc gia thì cũng còn có không ít những khó khăn. Có thể nói toàn cầu hóa là một qúa trình phức tạp, đầy mâu thuẫn, có tính chất hai mặt, chứa đựng mặt tích cực lẫn mặt tiêu cực, cả thời cơ và thách thức đối với tất cả các quốc gia. Trong đó các nước phát triển, chậm phát triển chịu nhiều thách thức gay gắt nhất.
Việt Nam là nước đang phát triển có thu nhập trung bình, nhờ quá trình toàn cầu hóa, chúng ta có lợi thế của nước đi sau để “đi tắt, đón đầu” trong một số lĩnh vực kỹ thuật, công nghệ. Chúng ta có điều kiện thuận lợi để mở rộng thương mại quốc tế, thu hút đầu tư và nguồn lực bên ngoài nhằm phát triển các ngành sản xuất mà ta có lợi thế, qua đó, thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế. Ngoài những tác động về kinh tế, toàn cầu hóa còn tác động tích cực đến sự phát triển văn hóa. Do tác động của toàn cầu hóa và chính sách mở cửa của Đảng và Nhà nước ta, trình độ dân trí được nâng cao rõ rệt. Nhờ tiếp thu những thành tựu công nghệ, thông tin, người phụ nữ có thể tiếp cận với nguồn tri thức khổng lồ, cập nhật được nhiều thông tin mới về tình hình thế giới. Cũng qua đó, ý thức chính trị về các vấn đề trong nước và trên thế giới cũng được nâng cao. Nhờ quá trình toàn cầu hóa người phụ nữ có hiểu biết thêm các dân tộc trên thế giới qua đó bổ sung và làm giàu nền văn hóa của dân tộc mình. Cũng thông qua mở cửa, hội nhập, cạnh tranh quốc tế, người phụ nữ Việt Nam nói chung, phụ nữ Thái Nguyên nói riêng trở nên năng động nhạy bén, sáng tạo hơn. Trong bối cảnh mới, nhiều người phụ nữ đã thay đổi lối sống của mình, từ cuộc sống có phần khép kín, thiếu năng động sang cuộc sống cởi mở hơn, năng động hơn và hiện đại hơn. Tuy nhiên, toàn cầu hóa, đặc biệt là toàn cầu hóa kinh tế, một mặt, tạo cơ hội cho những tổ chức, cá nhân có năng lực phát huy được tiềm năng của mình, đem lại lợi ích cho cá nhân và cho cả xã hội.
Mặt khác, toàn cầu hóa kinh tế cũng đem đến tác động tiêu cực trong phát triển kinh tế. Đó là việc đặt mục tiêu kinh tế lợi nhuận lên trên hết, do đó mà một số tổ chức, cá nhân làm giàu bất chính bằng bất cứ giá nào. Điều đó góp phần làm băng họai nền đạo đức xã hội, làm cho quan hệ giữa người với người trở nên lạnh lùng, xa lạ, "không tình, không nghĩa" và đây thực sự là một nguy cơ của sự suy thoái đạo đức, lối sống, làm cho việc kế thừa và phát huy những giá trị đạo đức truyền thống của phụ nữ Thái Nguyên dần bị xói mòn, làm phá hoại các giá trị đạo đức dân tộc.
Nhờ toàn cầu hóa, chúng ta tiếp cận được những thành tựu của cuộc cách mạng khoa học và công nghệ, đặc biệt là công nghệ điện tử và tin học. Công nghệ điện tử và tin học làm cho tác phong của con người khẩn trương hơn, linh hoạt hơn để theo kịp
với tốc độ của máy móc, nhịp độ gia tăng của thông tin, của tri thức. Tuy nhiên, công nghệ điện tử và tin học cũng dẫn đến nhiều nguy cơ cho con người, nếu không giải quyết tốt mối quan hệ giữa con người với nhau và với tự nhiên. Cùng với hàng hóa vật chất, những sản phẩm văn hóa, khoa học, nhờ công nghệ thông tin, truyền thông mà có thể dễ dàng, nhanh chóng thâm nhập vào các quốc gia, dân tộc. Tất cả chúng đều có thể tác động đến mọi mặt của đời sống xã hội, kể cả nền tảng của cuộc sống cá nhân, gia đình, cộng đồng, như một học giả nước ngoài đã nhận xét: "Đến nay, toàn cầu hóa phản ánh một sự thật khách quan là văn hóa phương Tây dựa vào sức sản xuất tiên tiến, kỹ thuật cao, lấy hưởng thụ vật chất làm động lực, lấy tự do phóng túng, kích thích giác quan làm vỏ bọc đã làm nảy sinh sức cám dỗ to lớn đối với những khu vực phi phương Tây". Đây chính là một biểu hiện của ảnh hưởng tiêu cực của toàn cầu hóa văn hóa trong đó có văn hóa đạo đức đối với các nước phương Đông đang phát triển, trong đó có Việt Nam.
Toàn cầu hóa đang đưa lối sống phương Tây vào Việt Nam. Lối sống ấy, một mặt, tác động tích cực đến việc làm thay đổi lối sống khép kín, cam chịu, phụ thuộc, ỷ lại vốn có của người Việt Nam (đặc biệt là người phụ nữ) sang một lối sống cởi mở, năng động, tự lập, dám chịu trách nhiệm, phù hợp với xu thế thời đại. Tuy nhiên, cũng chính việc tiếp thu lối sống đó một cách thiếu định hướng (tiếp thu cả mặt tiêu cực của nó) mà dẫn đến việc xa rời lối sống theo chuẩn mực đạo đức dân tộc. Công nghệ thông tin hiện đại đang truyền bá khắp thế giới lối sống sùng bái vật chất, cá nhân, vị kỷ, thực dụng, đua đòi, ăn chơi xa hoa, lãng phí, sống truỵ lạc, thác loạn, ưa dùng bạo lực... Lối sống đó đang phần nào tác động đến một bộ phận nhân dân, đặc biệt là tầng lớp phụ nữ.
Do bị kích động bởi việc tiếp xúc với những thước phim hành động có tính bạo lực qua mạng Internet mà nhiều thanh, thiếu niên nữ cũng đã có những hành động mang tính bạo lực, hung hãn, gây nên những hậu quả đau lòng. Cùng với tâm lý sùng hàng ngoại, lối sống tự do kiểu phương Tây cũng đang xâm nhập khá mạnh vào đời sống người Việt Nam, đặc biệt là là các nữ thanh niên và cả một bộ phận phụ nữ trong tầng lớp trí thức. Một số nữ thanh niên ở các thành phố lớn muốn có tự do cá nhân
cao, không muốn lập gia đình sớm hoặc chủ trương sống độc thân suốt đời, nhưng lại có quan niệm khá thoải mái trong quan hệ nam nữ. Từ đó dẫn đến những kiểu sinh hoạt tình dục bừa bãi, kể cả sinh họat tình dục tập thể, làm băng hoại những nguyên tắc luân lý sơ đẳng, tạo nên lối sống xa lạ với truyền thống phương Đông và dân tộc. Đó chính là biểu hiện của sự xuống cấp về lối sống của một bộ phận nữ thanh niên Việt Nam, là biểu hiện của quan niệm "lệch chuẩn", đối lập với quan niệm đạo đức truyền thống tốt đẹp của người Việt Nam. "Toàn cầu hóa các quan hệ kinh tế sẽ đưa